Nhiều năm qua, hưởng ứng chương trình “Vì người nghèo”, Phật giáo các cấp chung tay cùng xã hội nỗ lực xóa đói, giảm nghèo. Từ những hoạt động thiết thực, chương trình “Vì người nghèo” đã trở thành điểm tựa vững chắc cho các đối tượng yếu thế có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Xã Quảng Lạc nằm ở ngoại thành của thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, gồm 3 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh. Bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Gia đình ông Hoàng Văn Vần, dân tộc Nùng là một trong số hộ nghèo của xã. Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi được BTS GHPGVN tỉnh phối hợp Ban vận động quỹ vì người nghèo, Sở nội vụ tỉnh, viện kiểm sát nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng ngôi nhà mới, ông Hoàng Văn Vần vẫn không khỏi xúc động khi nhắc lại những ngày tháng còn gian khó. Một mình chật vật nuôi 2 con trong ngôi nhà tạm bợ dột nát được xây dựng hơn 23 năm qua. Nhiều hôm trời mưa, ông Vần lo lắng cho đứa con tàn tật bởi ngôi nhà có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.
Mơ ước về một mái nhà kiên cố tưởng chừng quá xa vời đã thành hiện thực khiến 3 bố con phấn khởi nghẹn ngào. Cuộc sống của gia đình ông Hoàng Văn Vần đã đổi thay, “an cư” để “lạc nghiệp” dưới mái nhà mang tên “Đại đoàn kết”. Không còn nỗi lo nhà ở, ông Vần yên tâm làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Và mục tiêu sắp tới của gia đình là sắm thêm đồ đạc, tiện nghi cho ngôi nhà.
Không chỉ riêng nhà ông Vần, trong 5 năm qua, đã có hơn 60 mái ấm đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được Phật giáo chung tay xây dựng. Đó cũng là từng ấy niềm hạnh phúc, ước mơ trở thành hiện thực của nhiều người yếu thế, thiếu thốn về nhà ở. Mỗi mái ấm được xây lên là một khởi đầu mới, đem lại niềm vui, động lực để người yếu thế vượt qua khó khăn. Nhờ sự giúp sức của những tấm lòng nhân ái, họ tiếp tục viết nên ước mơ về một cuộc sống sung túc, no ấm và niềm tin vào tương lai.
Có thể nói, với sự quan tâm, tích cực vào cuộc của ban ngành, MTTQ và Phật giáo Lạng Sơn, trong những năm qua, nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn về nhà ở, sinh kế. Với những kết quả đạt được, Phật giáo Lạng Sơn đã góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cũng với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, nhiều năm qua đã có hàng nghìn cây cầu dân sinh được xây dựng nhờ sự chung tay góp sức của rất nhiều tổ chức xã hội, trong đó có Phật giáo các địa phương. Kể từ khi có cây cầu mới, công việc buôn bán, giao thương của người dân tại ấp An Thạnh, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Nếu như trước kia, người dân phải di chuyển trên cây cầu nhỏ xíu, không lan can thì giờ đây cây cầu giao thông mới khang trang, kiên cố hơn dài 30 mét, rộng 2,2 mét đã mang đến sự phấn khởi, vui mừng.
Gần 2 năm kể từ khi cây cầu giao thông này được đưa vào sử dụng là cũng ngần ấy thời gian cuộc sống của bà con tại ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh dần thay đổi. Là địa phương có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cây cầu do chùa Long Bửu xây dựng giúp người dân đi lại dễ dàng, hàng hoá giao thương thuận tiện hơn nhất là trong những ngày mưa bão.
Cứ như thế, hàng nghìn cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng. Hành trình ấy vẫn luôn được những người đệ tử Phật mải miết thực hiện. Mỗi cây cầu được khánh thành là một vùng đất được đổi thay, khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn lại giúp thay đổi cả vùng quê.
Mỗi năm, Phật giáo cả nước đóng góp hàng nghìn tỷ đồng trong bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo qua hình thức vận động; kêu gọi kết nối những tấm lòng từ tâm của đồng bào trong nước cũng như ngoài nước, để cùng chung lo công tác từ thiện ngày càng chặt chẽ, có kế hoạch và xuyên suốt. Kết quả được minh chứng cụ thể qua con số kỷ lục hơn 7.000 tỷ đồng mà GHPGVN các cấp đã đóng góp trong 5 năm qua.
Với truyền thống “hộ quốc, an dân”, chư Tăng Ni, Phật tử luôn đồng hành cùng với những thăng trầm của dân tộc, mặc dù nguồn lực tài chính còn khiêm tốn, nhưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn dành ưu tiên đặc biệt cho những đối tượng yếu thế, nhất là những người nghèo, người già không nơi nương tựa, người có công… Tinh thần nhập thể “ích đạo, lợi đời” của Phật giáo đã giúp nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ với 5 tỉnh, thành phố có số lượng hộ nghèo nhất cả nước năm 2021 là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Lắk và Nghệ An. Ban từ thiện xã hội của các cấp Giáo hội đã quyên góp hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng. Nhờ đó nhiều hộ gia đình được thoát nghèo, trẻ em được đi học và người già được khám chữa bệnh hiệu quả.
Theo lời Phật dạy, bố thí, giúp đỡ, sẻ chia là việc đầu tiên mà người phật tử cần phải thực hành. Vì vậy mà trong nhiều năm qua, những người con phật khắp mọi miền tổ quốc đã có nhiều hình thức, cách làm giản dị giúp đỡ hoàn cảnh kém may mắn, để mọi người biết cách thoát nghèo, sống đời an lạc. Đó cũng chính là thông điệp của Đức phật, chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành an vui, hạnh phúc.
BBT An Viên TV