Từ đánh thức giá trị văn hoá, tôn giáo
Trong lần tác nghiệp vừa qua, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Trường tại một quán cơm bụi tại TP Ninh Bình. Với chiếc áo sơ mi trắng sờn và đôi giày phai màu bụi đất, ông đi lẫn cùng nhóm công nhân và khó có ai nhận ra ông là một doanh nhân. Chúng tôi ngồi bên ông và trò chuyện trong bữa cơm bụi đạm bạc.
Khi thuộc cấp gọi ra nhiều món ăn nhưng ông chỉ chọn rau và một chút mì.
Nhiều người tỏ ra tò mò và hỏi "ăn uống thế này lấy đâu ra sức để làm việc?". Ông Trường tếu táo đáp "trâu, bò toàn ăn cỏ mà người ta cứ ví khỏe như trâu đó thôi".
Sau bữa ăn, chúng tôi đã quan sát thấy ông móc ví giúp đỡ bác bảo vệ một khoản tiền nhỏ. Có lẽ ông không chỉ ăn chay vì sức khỏe mà còn vì đạo lý bảo vệ môi trường, tránh sát sinh.
Chúng tôi trò chuyện với chủ quán cơm tên Trần Văn Long và được anh này chia sẻ rằng, ở Ninh Bình, ông Trường được biết đến với biệt danh "Trường chùa" hoặc "Trường chay", đó là những biệt danh gắn liền với công trình và sinh hoạt của ông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “Trường chùa” được biết đến như là một trong những người có tầm nhìn xa trông rộng và tinh thần trách nhiệm cao đối với việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của đất nước. Ông sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, nơi có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Tình yêu với quê hương và lòng đam mê xây dựng đã thôi thúc ông khởi nghiệp và tạo ra những công trình ấn tượng.
Khởi đầu trong chuỗi dự án là Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Tràng An là một công trình đặc biệt, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Năm 2012, Tràng An được xếp hạng là “Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới”, là một điểm đến được du khách yêu thích vì vẻ đẹp hoang sơ, bình yên và huyền bí.
Vùng đất Tràng An nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Bình, nơi có hệ thống hang động và dòng sông nước trong xanh. Không những vậy, khu vực này còn được bao phủ bởi những dãy núi đá vôi trải dài vô cùng ấn tượng. Nơi đây được xem là “vịnh Hạ Long trên cạn” bởi những thắng cảnh đẹp ngỡ ngàng và lộng lẫy.
Từ dự án đầu tay này, với tầm nhìn và sự quyết tâm của mình, ông đã đưa ra những ý tưởng mới lạ và đột phá trong việc xây dựng các công trình tôn giáo.
Quang cảnh chùa Bái Đính
Chẳng hạn như chùa Bái Đính, công trình được xây dựng trên diện tích rộng nhất Việt Nam, với những kiến trúc đặc sắc và tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc. Chùa Bái Đính được xây dựng từ năm 2003 và trở thành ngôi chùa lớn nhất ở Đông Nam Á với diện tích lên đến 700 ha.
Với thiết kế hoành tráng và kiến trúc độc đáo, chùa Bái Đính đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch, quan khách trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm bái.
Trong khi đó, chùa Tam Chúc, nơi diễn ra Đại lễ Vesak 2018 cũng là một công trình đầy tâm huyết của ông Trường, được xây dựng với phong cách kiến trúc độc đáo, đồng thời kết hợp cả kiến trúc hiện đại. Chùa Tam Chúc cũng là công trình đáng chú ý góp phần đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới.
Khi đến với Tam Chúc, du khách sẽ được thỏa sức ngắm nhìn tuyệt phẩm thiên nhiên với những con đường mòn dẫn vào những thửa ruộng xanh rì, những ngọn núi đá vôi trùng điệp như chốn bồng lai, tiên cảnh.
Điểm nhấn của Tam Chúc chính là ngôi chùa rực rỡ trên nền xanh ngát của đồi núi, với kiến trúc độc đáo tạo nên một không gian linh thiêng, đầy nghệ thuật và trang nghiêm.
Mới đây, tôi may mắn gặp được vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tại chùa Tam Chúc. Vị này ngoài việc ghi nhận công ơn của ông Trường còn mong có thêm nhiều nhân tố như vậy để xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Ngoài Bái Đính, Tam Chúc, ông còn bảo tồn, phục dựng 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa. Những ngôi chùa ấy không chỉ là bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn là 9 cột mốc tâm linh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Những công trình tôn giáo mà ông đã xây dựng giúp củng cố niềm tự hào dân tộc và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trường đón cây bồ đề về chùa Bái Đính năm 2023
Ngoài sự thành công trong công việc, ông Nguyễn Văn Trường cũng là một người có trái tim nhân ái và tinh thần cộng đồng hết mực. Khi dịch COVID bùng phát ông sẵn sàng móc hầu bao hàng trăm tỷ đồng giúp ngành y tế Hà Nam và Ninh Bình mua sắm vật tư y tế. Không dừng ở đó, ông tiếp tục chi tiền mua hàng triệu liều vắc xin để cứu sinh mạng bá tánh. Điều này đã giúp ông được đông đảo cộng đồng ngưỡng mộ và kính trọng.
Tuy nhiên, ông Trường luôn giữ thái độ khiêm tốn và trách nhiệm trước xã hội. Với những đóng góp lớn của mình, ông Nguyễn Văn Trường đã được nhiều tổ chức và cơ quan, Chính phủ Việt Nam tôn vinh và trao các giải thưởng danh giá...
Điểm đến của du khách và các nhân vật quan trọng
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, khi Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới, tạo điểm nhấn quan trọng đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Quần thể Tràng An nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (tripadvisor, telegraph, business insider...) đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất, được yêu thích nhất, hiếu khách nhất, tuyệt vời nhất thế giới.
Cũng theo ông Mạnh, Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm đến của quan khách trong nước và quốc tế. Cụ thể như, năm 2008, chùa Bái Đính là địa điểm để đại biểu các nước tham quan, chiêm bái trong đại lễ Phật đản thế giới tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Thời điểm này các vị chức sắc Phật giáo đã làm lễ hô thần nhập tượng, chính thức khánh thành giai đoạn I khu chùa.
Từ cuối năm 2007 đến 2008, khi chưa khánh thành, chùa Bái Đính đã được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới thăm và trồng cây lưu niệm và nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng tới chiêm bái tại chùa Bái Đính.
Cũng năm 2008, Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm chùa Bái Đính. Năm 2009 phái đoàn của Chủ tịch Quốc hội Campuchia cũng đến tham quan khu chùa…
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa nhân dân Bangladesh, bà Sheikh Hasina-Chủ tịch Đảng liên đoàn nhân dân Bangladesh cùng đoàn đại biểu Chính phủ Bangladesh và đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh, Bộ Ngoại giao đến thăm chùa Bái Đính.
Năm 2014, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2014 và Hội thảo Phật giáo quốc tế đã được tổ chức tại chùa Bái Đính, Ninh Bình. Năm 2019, Tổng thống Myanmar Win Myint cùng phu nhân và đoàn công tác cũng đã đến đây chiêm bái.