Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
Nguồn gốc Kinh Hoa Nghiêm
Theo đại sư Trí Khải (538-597) và cũng là truyền thuyết của đại thừa Phật giáo thì, sau khi thành đạo Vô thượng bồ đề, Đức Phật Thích Ca liền nhập đại định "Hải ấn tam muội" giảng Kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày để hóa độ hàng thượng thừa Bồ tát. Điều này đã được ghi rõ trong Kinh Hoa Nghiêm: "Ví như mặt trời mới mọc, ánh sáng chiếu soi các đỉnh núi trước, rồi mới rải xuống những thung lũng đồng sâu. Ánh dương quang tỏa chiếu sáng ngời, lần lượt soi từ cao đến thấp. Đức như Lai cũng làm như thế. Khi đã chứng ngộ chân lý, Phật dùng trí tuệ bát nhã phóng hào quang đến các Bồ tát trước, rồi đến hàng nhị thừa, sau mới tới hết thảy chúng sinh".
Vì chân lý của bộ kinh này quá cao siêu huyền diệu, bậc nhị thửa không thể lĩnh hội được, nên Đức như Lai phải hạ thấp giáo lý xuống cho khế hợp với trình độ căn cơ của chúng sinh, do đó, cũng vẫn theo đại sư Trí Khải.
Kinh điển trong suốt một đời thuyết pháp của Đức Thế Tôn được chia làm 5 thời là:
Thời Hoa Nghiêm: 21 ngày, Đức Phật giảng về huyền nghĩa "Nhất Tâm Chân Như, Pháp Giới Duyên Khởi", tức thuyết minh về sự hình thành vũ trụ vạn hữu để hóa độ cho hàng thượng thừa Bồ tát.
Thời Lộc Uyển (cũng gọi là thời A Hàm): 12 năm, Đức Phật giảng các bộ kinh A Hàm, thuyết về các pháp môn Tứ Diệu Đế, Thập nhị Nhân Duyên, 10 Độ, 37 Đạo Phẩm để độ cho hàng nhị thừa: Thanh Văn, Duyên giác.
Thời Phương Đẳng: 8 năm, Đức Phật giảng các kinh Duy Ma Cật, Lăng Già, Lăng Nghiêm, Kim Quang Minh, Thắng Man... xiển dương giáo nghĩa Tính Không (Duy Ma Cật) Như Lai tạng (Lăng già), Diệu Chân Như Tính (Lăng Nghiêm) để độ cho hàng đại thừa sơ cơ phát tâm Bồ tát.
Thời Bát Nhã: 22 năm, Đức Phật giảng các bộ kinh Bát Nhã và Kim Cương, tức thuyết minh về chân lý "Không" của vạn Pháp để độ cho hàng quyền thừa Bồ tát.
Thời Pháp Hoa và Niết Bàn: 8 năm, Đức phật giảng các bộ kinh Pháp Hoa - Niết bàn, xác định giá trị Phật tính của tất cả chúnhg sinh vốn sẳn có và sẽ thành Phật trong tương lai, để độ (không chỉ riêng) cho hàng thượng thừa Bồ tát mà cũng (chung) cho hết thảy trời, người, chúng sinh, kể cả hàng xiển đề (Icchantika).
Dưới đây là 9 hội giảng kinh Hoa Nghiêm tại 7 địa điểm khác nhau:
Hội thứ nhất: Diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng, do Bồ tát Phổ Hiền là chủ hội, giảng về Y Báo và Chính Báo của Như Lai, trọn 11 quyển, 6 phẩm (1.Thế Chủ Diệu nghiêm 2. Như Lai Hiện Tướng, 3. Phổ Hiền Tam Muội, 4. Thế Giới Thành Tựu, 5. Hoa Tạng Thế Giới, 6. Tỳ Lô Giá Na).
Hội thứ hai: Diễn ra tại điện Phổ Quang Minh, do Bồ tát Văn Thù là hội chủ, giảng về pháp môn Thập Tín, gồm 4 quyển, 6 phẩm (1. Như Lai Danh Hiệu, 2. Tứ Thánh Đế, 3 .Quang Minh Giác, 4. Bồ Tát Vấn Minh, 5. Tịnh Hạnh, 6 .Hiền Thủ)
Hội thứ ba: Diễn ra tại cung trời Đao Lợi, do Bồ tát Pháp Tuệlà hội chủ, giảng về Thập Trụ, gồm 3 quyển, 6 phẩm (1. Thăng Tu Di Đỉnh, 2. Tu Di Đỉnh Thượng Kệ Tán, 3. Thập Trụ, 4. Phạm Hạnh, 5. Sơ Phát Tâm Công Đức, 6. Minh Pháp)
Hội thứ tư: Diễn ra tại cung trời Dạ Ma, do Bồ tát Công Đức Lâm là hội chủ, giảng về Thập Hành, gồm 3 quyển, 4 phẩm (1. Thăng Dạ Ma Thiên, 2. Dạ Ma Trung Cung Kệ Tán, 3. Thập Hạnh, 4. Thập Vô Tận Tạng ).
Hội thứ năm: Diễn ra tại cung trời Đâu Suất, do Bồ tát Kim Cương Tràng là hội chủ, giảng về Thập Hồi Hướng, gồm 12 quyển, 3 phẩm (1. Thăng Đâu Suất Thiên, 2. Đâu Suất Trung Cung Kệ Tán, 3. Thập Hồi Hướng).
Hội thứ sáu: Diễn ra tại cung trời Tha Hóa, do Bồ tát Kim Cương Tạng là hội chủ, giảng về Thập Địa, gồm 6 quyển, 1 phẩm là phẩm Thập Địa.
Hội thứ bảy: Diễn ra tại điện Phổ Quang Minh, do Đức Như Lai là hội chủ giảng về pháp môn Đẳng Giác_Diệu Giác, gồm 13 quyển,11 phẩm (1. Thập Định, 2. Thập thông, 3. Thập Nhẫn, 4. A Tăng Kỳ, 5. Thọ Lượng, 6. Chư Bồ Tát Trụ Xứ, 7. Phật Bất Tư Nghị Pháp, 8. Như Lai thập thân Tướng Hải, 9. Như Lai Tùy Hảo Quang Minh Công Đức, 10. Phổ hiền Hạnh, 11. Như Lai Xuất Hiện).
Hội thứ tám: Tái diễn tại điện tại Phổ Quang Minh, do Bồ tát Phổ Hiền là hội chủ, giảng về 2.000 Hạnh Môn, gồm 7 quyển 1 phẩm, là phẩm Ly Thế Gian.
Hội thứ chín: Diễn ra tại rừng Thệ Đa, do Như Lai và thiện hữu đều là hội chủ, giảng về Quả Pháp giới, gồm 21 quyển, 1 phẩm, là phẩm Nhập Pháp Giới.
Ý nghĩa Kinh Hoa Nghiêm
Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.
Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể. Đó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm.
Bởi thế, nếu Kinh Đại Bát Nhã tiêu biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại thừa về lý chơn không vô ngại, thì Kinh Hoa Nghiêm đại biểu cho tư tưởng Phật Pháp đại-thừa về lý hữu hóa duyên sanh của vạn pháp.
Ngoài ra Kinh Hoa Nghiêm còn là một thông điệp, một bài học phong phú sinh động muôn đời, trao gởi cho hành giả có tâm hướng thượng đại-thừa, tu là cần phải học phải hành qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử tham bái cầu học đạo với năm mươi ba vị thiện tri thức, là bằng chứng cho ta thấy rằng tu học đạo bồ-đề điều tiên quyết cần phải khắc phục nội tâm cống cao ngã mạn, dục vọng loạn tưởng; ngoài thân khiêm cung cầu tiến hành trì phương pháp Hoa Nghiêm tuyệt đỉnh, tìm chân sư liễu ngộ mới mong hiển lộ được Phật tánh chơn tâm của mình.
Nên nghiên tầm ý nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm là khai mở quang lộ trở về bản tánh chơn tâm thanh tịnh sáng suốt thường nhiên ; là biết được tự thể của các pháp hiện hành trong thế giới vũ trụ; là thấu suốt cội nguồn sanh sanh hóa hóa của hữu tình và vô tình chúng-sanh; là quán chiếu bí yếu mật nghĩa viên dung tương quan của tâm và cảnh, để rồi từ đó có thể thống triệt lý viên dung vô ngại chủ và khách của vạn pháp, hiện hành sanh hóa, tương duyên tương nhơn quả, tương sanh tương diệt. Tất cả vạn pháp toàn triệt ảnh hiện trên đài gương chơn như thể tánh. Thế nên, thọ trì Kinh Hoa Nghiêm là bước vào cửa phương tiện cầu tu học đạo, là nhân tố đặc thù hy hữu ly vọng hoàn chơn.
Nội dung cơ bản Kinh Hoa Nghiêm
Về nội dung: Theo ngài quốc sư Thanh Lương thì bộ Bát Thập Hoa Nghiêm được chia làm 3 phần:
* Phần Tự: 5 quyển
* Phần Chính Tông: 55 quyển 5.
* Phần Lưu Thông: 19 quyển 5, gồm 4 yếu lý: Tín, Giải, Hành, Chứng và 5 chu:
*Tín nhân quả chu: 11 quyển 6 phẩm.
Sai biệt nhân quả chu: 41 quyển
* Giải:
* Bình đẳng nhân quả chu: 31 phẩm
* Hành nhân quả chu: 7 quyển 1 phẩm
* Chứng nhân quả chu: 21 quyển 1 phẩm.
TÍN: Tin giáo lý của Phật dẫn trong kinh là chân lý tuyệt đối.
GIẢI: Giải rõ chân lý đó.
HÀNH: Dùng phương pháp để thực hành hầu đạt tới chân lý đó.
CHỨNG: Chứng ngộ chân lý đó.
Về triết lý gồm những điểm then chốt như sau:
1. Nhất Thiết Duy Tâm Tạo.
2. Nhất Tâm Chân Như, Pháp Giới Duyên Khởi
* Từ Bản thể Chân như của vũ trụ phát sinh các hình tướng sai biệt trong hiện tượng giới.
Từ tuyệt đối thể vô biên, dời sang thế giới tương đối hữu thể, để biện minh cho cái Chân tướng vô tướngcủa vạn pháp và chân lý tối cao,bất diệt là :mọi sự vật trên trần gian đều do từ "Chân Không Diệu Hữu" mà phát sinh. Từ một mảy lân hư trần cho đến sơn hà,trăng sao và mọi sinh vật đều phải nương tựa lẫn nhau, làm nhân làm duyên cho nhau mà biến dịch,sinh tồn trong mối tương quan của Lý: Pháp giới trùng trùng duyên khởi
Pháp giới duyên khởi là tên gọi khác của Thập Nhị Nhân Duyên vẫn có từ vô thủy đến nay, không phải đợi đến lúc Phật ra đời rồi mới có. 12 nhân duyên là giáo lý (do đó) mà Đức Thích Ca thành đạo. Sau khi đã hoàn thành chứng ngộ, Phật căn cứ vào lý duyên khởi của Khổ giới mà lần lượt nói ra sự quan hệ nhân quả giữa 12 chi, đưa ra nguồn gốc căn bản của khổ não và Vô Minh, và những gì được gọi là Pháp hữu vi, là sự sự, vật vật hay vạn Pháp trong thế giới duyên sinh trùng trùng điệp điệp này. Với chân lý "Nhân Quả" và "Duyên Sinh", với chân lý "Bất nhị" cùng "lý, Sự và Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới", kinh Hoa Nghiêm đã xác nhận mọi hành động về thân, khẩu, ý của con người, đều tạo nghiệp quả cho mình và cho tha nhân đồng phải gánh chịu trong cái thế liên hoàn trùng trùng điệp điệp. Một là tất cả và tất cả là một.
Muốn hiểu rõ các pháp duyên khởi sinh ra vạn hữu như thế nào, cần phải biết đến 4 Pháp Giới, 6 tướng và 10 Huyền Môn.