Tổng thống Hàn Quốc,Tổng thống Bangladesh,Tổng thống SriLanka,Thủ tướng Pakistan & một số nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo ở Đông Nam Á ...Đã có những thông điệp cụ thể nhân dịp diễn ra Đại Lễ Vesak 2024
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk YeolL "Phật giáo là nền tảng tâm linh của Hàn Quốc"
Phát biểu tại chùa Tào Khê, quận Jongno, vị lãnh đạo của Hàn Quốc đã gửi lời cảm ơn đến cộng đồng Phật giáo. Phật giáo thực sự đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp ổn định đời sống xã hội, nâng cao sức khỏe tinh thần của người dân qua nhiều thế kỷ.
Hơn thế nữa, Tổng thống còn cho biết ông luôn ghi nhớ những lời dạy của Đức Phật và cam kết sẽ hỗ trợ những nỗ lực của cộng đồng Phật giáo nhằm hướng dẫn mọi người để có được đời sống bình an, hạnh phúc, hướng thiện và hướng thượng.
Trong khi công nhận Phật giáo là “nền tảng tâm linh của Hàn Quốc”, ông Yoon cũng lưu ý rằng các tín đồ của Phật giáo trong lịch sử đã “đi đầu trong việc xây dựng sự đoàn kết để vượt qua những khủng hoảng mà đất nước phải đối mặt”.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk YeolL
Ông Yoon cũng nói thêm rằng quốc gia “chỉ có được hòa bình khi chúng ta thấu hiểu được sự khác biệt của mình” và bày tỏ hy vọng rằng “những lời dạy của Đức Phật sẽ giúp chúng ta tiến đến một thế giới mới, hòa bình và hạnh phúc hơn”.
Buổi lễ long trọng này còn có sự tham dự của lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân Choo Kyung-ho, lãnh đạo Đảng Dân chủ Park Chan-dae, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon, Đại sứ Trung Quốc Xing Haiming và một số vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo.
Sau đó, vào ngày 19-5, Tổng thống Yoon và Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee đã tham gia buổi cầu nguyện nhân lễ kỷ niệm sự hồi hương của các bảo vật của Phật giáo ở thế kỷ XIV tại Hoeamsa, tỉnh Gyeonggi. Các bảo vật này đã bị đưa ra khỏi Hàn Quốc một cách bất hợp pháp trong thời kỳ thuộc địa của Nhật Bản. Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tổng thống Yoon đã đánh giá rất cao giá trị của các bảo vật “di sản quốc gia quý giá, tượng trưng cho tính xác thực và truyền thống tâm linh của Hàn Quốc”. Sau những nỗ lực đàm phán không ngừng nghỉ từ phía Chính phủ Hàn Quốc, cuối cùng, những di vật cũng được trả lại đúng như ý nguyện cầu của hàng nghìn Phật tử Hàn Quốc.
Vào tháng 4-2023, Đệ nhất phu nhân Kim đã kêu gọi kết nối lại một cuộc đàm phán bị đình trệ về việc trả lại các di vật Phật giáo trong chuyến thăm của bà đến MFA Boston. Vấn đề này cũng bắt đầu dần dần được giải quyết từ đây. Trước đám đông khoảng 10.000 người tham dự, Đệ nhất phu nhân Kim đã cho biết rằng dù là những việc nhỏ nhất thì “bà cũng rất vinh dự khi có thể giúp đỡ hoàn thành những ước nguyện từ lâu cho các nhà sư Hàn Quốc”.
Các di vật được trao trả lại cho chùa Hoeamsa, một cơ sở Phật giáo ở Yangju, tỉnh Gyeonggi, trong đó bao gồm một bộ sưu tập sarira (xá-lợi) của hai nhà sư thế kỷ XIV là Jigong, một nhà sư Ấn Độ còn được gọi là Dhyanabhadra và đệ tử của ngài, nhà sư Naong Hyegeun - cũng như các mảnh vỡ khác liên quan đến Phật Shakyamuni, Phật Kassapa và Phật Dipamkara.
Tổng thống Bangladesh kêu gọi lãnh đạo PG làm việc vì hạnh phúc của người dân
Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã kêu gọi các cộng đồng Phật giáo nêu cao mục tiêu vì sự thịnh vượng của quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ đón tiếp tại Hội trường Credentials dinh Tổng thống Bangladesh (Bangabhaban) ở thủ đô Dhaka, nhân dịp cử hành Quốc tế lễ Vesak PL.2568 – DL.2024, Tổng thống Bangladesh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hướng dẫn mọi người trên hành trình chính tín, chính kiến phật pháp, nỗ lực vì sự hoàn hảo của tất cả mọi người, thay vì chỉ tập trung vào vì lợi ích cá nhân hoặc gia đình riêng.
Công nhận truyền thống Phật giáo có lịch sử lâu đời tại Bangladesh, bắt nguồn từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, Tổng thống Bangladesh đã gửi lời chào nồng nhiệt, lời chúc phúc cát tường nhất đến các Phật tử Bangladesh và trên toàn thế giới.

Ông nhấn mạnh rằng giáo lý từ bi, trí tuệ của đức Phật nhắm đến vì phúc lợi, an lạc hạnh phúc cho tất cả nhân loại trên hành tinh này, vượt qua các rào cản về thời gian và không gian.
Tổng thống Bangladesh khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo, nên tuân thủ những khía cạnh tích cực của tất cả các tôn giáo, trong khi loại bỏ những mặt tiêu cực, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Phật giáo phát huy các giá trị giáo lý cao quý của đức Phật vì một quốc gia Bangladesh hài hòa và thịnh vượng, như cha đẻ của Cộng hòa Nhân dân Bangladesh và từng là Tổng thống đầu tiên của Bangladesh Sheikh Mujibur Rahman (1920-1975) đã hình dung.
Tổng thống Bangladesh nhấn mạnh rằng tôn giáo nên phụng sự hạnh phúc của con người hơn là gây ra đau khổ, tầm quan trọng của việc hiểu tôn giáo từ góc độ nhận thức chứ không phải tranh luận.
Trong một thế giới bị ảnh hưởng bởi vi phạm nhân quyền, xung đột và bất ổn kinh tế xã hội, Tổng thống Bangladesh kêu gọi sự đoàn kết và hỗ trợ giữa các quốc gia.
Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin và phu nhân Rebecca Sultana chân thành gửi lời chào mừng đến các nhà lãnh đạo Phật giáo.
Tại tại Hội trường Credentials dinh Tổng thống Bangladesh (Bangabhaban), Tổng thống Bangladesh đã nhận những vòng hoa tươi thắm của các nhà lãnh đạo Phật giáo, và của cộng đồng phật tử.
Tổng thống Bangladesh đã giao lưu chia sẻ với các nhà lãnh đạo Phật giáo.
Trên khắp đất nước, đặc biệt là ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh, các phật tử đã tham gia Quốc tế lễ Vesak với lòng tôn kính và nhiệt tình, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn.
Chiêu đãi tiệc chay tại Hội trường Credentials dinh Tổng thống Bangladesh (Bangabhaban), với sự tham dự hơn 1.000 người, trong đó có rất nhiều khách mời.
Buổi lễ trang nghiêm trọng thể với sự hiện diện của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo Faridul Haque Khan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề về vùng đồi Chittagong Kujendra Lal Tripura, các nhà lãnh đạo cộng đồng Phật giáo và các thư ký văn phòng dinh Tổng thống Bangladesh
Thông điệp Vesak của Tổng thống SriLanka: Cống hiến hôm nay để ngày mai tươi sáng hơn
Tổng thống Ranil Wickremesingh nhấn mạnh rằng, vào thời điểm quan trọng này, nhân dân SriLanka nên với lòng nhiệt huyết nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao đối với sự giác ngộ mà đức Phật đã nêu gương, sẵn sàng cống hiến hôm nay để ngày mai tươi sáng hơn.
Tổng thống SriLanka : Ranil Wickremesingh
Quốc tế lễ Vesak là một ngày trọng đại thiêng liêng đối với Phật tử trên toàn thế giới, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật, đó là đức Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn. Toàn thể nhân dân và Phật tử SriLanka và các phật tử trên khắp thế giới, long trọng cử hành Quốc tế lễ Vesak với thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với đức Phật. Họ dành thời gian này để tham gia vào các nghi lễ tôn giáo và tích cực hơn nữa trong việc cống hiến, phụng sự đất nước.
Thông điệp Vesak 2024 của Tổng thống SriLanka
Chúng ta mãi khắc ghi kim ngôn khẩu ngọc của đức Phật, “Sabbattha Sammanaso,” là tôn trọng sự tự do của mọi người, đối xử bình bình với mọi người, đảm bảo chúng ta ứng dụng thực tiễn này với tư cách là một quốc gia. Đây là lễ trọng kính lớn nhất mà chúng ta kính dâng lên đức Phật trong ngày kỷ niệm Vesak thiêng liêng.
Bất kể chủng tộc, tôn giáo, đẳng cấp hay đảng phái chính trị, tất cả chúng ta đều phải đoàn kết để hàn gắn và kiến thiết xây dựng lại đất nước. Chúng ta hãy nỗ lực cùng nhau vâng lời đức Phật dạy về các nguyên tắc để giúp quốc gia cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Chúng ta hãy nhớ rằng, mục đích chính của Quốc tế lễ Vesak là thúc đẩy sự tăng cường sức khỏe tinh thần và phát triển nhân cách trong một thế giới phát triển nhanh chóng về vật chất.
Tôi cầu chúc mọi người một Quốc tế lễ Vesak cát tường như ý.
Thông điệp Vesak của Thủ tướng Pakistan: Kêu gọi tôn vinh 'di sản chung'
Hôm thứ Năm 23/5/2024, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Shehbaz Sharif đã ca ngợi cộng đồng Phật giáo toàn cầu tại buổi lễ Kỷ niệm: Kỷ niệm sự kiện Vesak là một trong những ngày trọng đại thiêng liêng nhất trong lịch sử Phật giáo, với việc tuân thủ giữa các truyền văn hóa Phật giáo khác nhau, lễ hội thường niên này thường rơi vào ngày trăng tròn của tháng Vesakha cổ đại, rơi vào tháng 5 hoặc tháng 6 theo lịch Gregory.

Mặc dù Pakistan hiện nay dân số theo đạo Phật không nhiều, nhưng đất nước này đã từng là Vương quốc Phật giáo cổ đại Gandhara phát triển rực rỡ từ khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.
Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo đã tìm cách phát triển du lịch tâm linh trong các khu vực, chủ yếu tập trung ở khu vực bang Khyber Pakhtunkhwa và Punjab là một bang giáp miền Bắc Ấn Độ, là một phần của vùng Punjab lớn hơn, đồng thời trong những năm gần đây, thường xuyên tiếp đón những du khách thập phương hành hương chiêm bái thánh tích Phật giáo, và các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Shehbaz Sharif vieest: “Nhân dịp Quốc tế lễ Vesak, chúng tôi chân thành gửi lời chúc nồng nhiệt đến quý đạo hữu phật tử trên toàn thế giới. Nguyện cầu ngày trọng đại thiêng liêng này mang lại hòa bình, thịnh vượng và hòa hợp cho tất cả nhân loại. Hãy tôn vinh di sản chung của chúng ta và tiếp tục nỗ lực hướng đến sự tôn trọng và sự hiểu biết lẫn nhau”.
Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Shehbaz Sharif
Pakistan đã thực hiện một số sáng kiến, nhằm cải thiện hình ảnh quốc tế bằng cách tăng cường quan tâm đến các nhóm tôn giáo thiểu số, thúc đẩy du lịch tâm linh. Ví dụ nổi bật là Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã khai trương hành lang Kartarpur vào tháng 11/2019 để thiết lập một sự kết nối miễn thị thực giữa những tín đồ đạo Sikh từ Ấn Độ hành hương Gurdwara Darbar Sahib ở Pakistan.
Địa điểm này rất có ý nghĩa bởi là nơi đã trải qua những năm cuối đời và an nghỉ của Guru Nanak (1469-1539), người sáng lập và là Guru đầu tiên của đạo Sikh.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Pakistan, đất nước này vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức, bao gồm cả bạo lực của đám đông, tệ nạn phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số, nêu bật cuộc đấu tranh đang diễn ra, nhằm đảm bảo về việc thực thi nhất quán các quyền của người dân tộc thiểu số.
Cộng đồng Thiên Chúa giáo cầu chúc Phật tử an lành nhân dịp lễ Vesak
Ngày 23/05/2024, khi Phật tử đánh dấu khởi đầu của Quốc tế lễ Vesak, ngày trọng đại thiêng liêng nhất của họ, một số nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo ở Đông Nam Á đã gửi thông điệp chúc mừng tốt đẹp nhất, như một cách thúc đẩy đối thoại liên tôn.
Hiệp hội các Giáo hội Sarawak (ACS) đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến cộng đồng Phật giáo ở các bang Malaysia và trên khắp các nước Đông Nam Á.
Giám mục Danald Jute, Chủ tịch Hiệp hội các giáo phái của Kitô giáo (ACS) kiêm Giám mục Công giáo Anh (Anglican Catholicism) chia sẻ: Trong bối cảnh khủng hoảng, chiến tranh và sự bất hòa, cũng như sự xâm lược, chia rẽ và xung đột, những kim ngôn khẩu ngọc giáo lý quý báu và thông điệp về hòa bình, từ bi tâm, sự tận tâm với nhân loại của đức Phật, là điều cần được chia sẻ và lan tỏa nhiều hơn.
Giám mục Danald Jute chia sẻ: “Trong một quốc gia đa văn hóa, đa tôn giáo và đa sắc tộc như Malyasia, điều cần thiết là chúng ta phải tôn trọng và tôn vinh những điểm tương đồng cũng như sự khác biệt của các tôn giáo.
Chúng ta hãy khẳng định những điều hoàn hảo của mỗi cá nhân, bằng cách này, tất cả chúng ta đều có thể giúp kiến tạo quốc gia hòa bình, được tôn trọng và thịnh vượng hơn”.

Đức Hồng Y William Goh, Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận (TGP) Singapore gửi thông điệp đến cộng đồng Phật giáo: “Cầu mong tâm hồn của quý đạo hữu phật tử tràn ngập sự bình yên, tràn đầy niềm hoan hỷ khi quý đạo hữu phật tử kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản sinh, Thành đạo và Niết bàn.
Trong thế giới ngày nay, nhiều người mãi đắm chìm trong dục lạc, đam mê của cải vật chất, trong khi đẩy các giá trị tinh thần và ý thức đạo đức của họ xuống hàng thứ cấp. Là Phật tử và tín hữu Kitô giáo, các nguyên tắc đạo đức tôn giáo và trách nhiệm của chúng ta thúc đẩy chúng ta phụng sự nhân loại trong việc tìm kiếm chân lý hòa bình.
Cần có sự quan tâm và chăm sóc liên tục để duy trì niềm tin giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Singapore. Điều này đặc biệt quan trọng khi thế giới đang trải qua những căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng cũng như sự phân cực về sắc tộc và tôn giáo.
Các cộng đồng tôn giáo hãy tiếp tục ứng dụng thực tiễn tính chân thực thay vì giả dối, từ bi thay vì hận thù, bao dung tha thứ thay vì trả thù, để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng vĩnh cửu”.
Tổng Giám mục Julian Leow của Tổng Giáo phận Kuala Lumpur đã gửi một thông điệp ngắn đến các đạo hữu Phật tử Malaysia: “Cầu mong Quốc tế lễ Vesak này truyền cảm hứng cho chúng ta trau dồi sự hiểu biết, thiện tâm và sự hòa hợp hơn trong cộng đồng. Hy vọng chúng ta tăng cường cam kết nỗ lực hướng đến hòa giải và kiên cường”.

Ở Malaysia, Phật tử chiếm 18,7% trong tổng 34 triệu người, trong khi ở Singapore, chiếm 31,1% trong tổng số 4 triệu dân.
Chủ yếu Phật giáo được hình thành bởi người gốc Hoa, nhưng một số thành viên bao gồm người Thái gốc Malaysia, người Sri Lanka gốc Malaysia và người Myanmar gốc Malaysia.
Vesak là ngày lễ hội cấp quốc gia ở cả Singapore và Malaysia. Vào dịp này, các phật tử thực hiện nghi lễ, trong các cơ sở tự viện Phật giáo trang trí đầy màu sắc trong, thắp sáng rất nhiều đèn dầu, đèn nến tượng trưng cho sự giác ngộ của đức Phật.
Tổng hợp từ các nguồn trên Internet