Thiền xoa dịu vết thương chiến tranh
Sergey Washin Tsarenko, Thiền sư người Ukraine là một tu sĩ Phật Giáo dấn thân vào công tác xoa dịu và chữa lành tâm bệnh cho đồng bào của Thầy bằng pháp môn Tọa Thiền theo Thiền phái Tào Động.
Thiền phái Tào Động do Thiền Sư Động Sơn Lương Giới (807-869) sáng lập tại Trung Hoa vào thời nhà Đường (618-907). Thiền Sư Đạo Nguyên (1200-1253) là người sáng lập Thiền Tào Động tại Nhật Bản. Đây là một trong những Thiền phái được truyền bá rộng rãi tại Tây Phương hiện nay.
Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko đã lập Thiền đường dưới đất và trên mạng để hướng dẫn người trên khắp thế giới vào Tọa Thiền. Ông còn tổ chức những buổi Tọa Thiền Vì Hòa Bình cho Ukraine và Thế Giới. Ông cũng tham gia nhiều công tác thiện nguyện, gồm việc dạy khí công và Thái Cực giúp người dân Ukraine có nghị lực và sức khỏe, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường trước sự tàn phá của chiến tranh, đi phân phối thực phẩm và hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân chiến cuộc tại Ukraine. Nói chung, dù là một Thiền Sư ông đã không thể ngồi yên để Tọa Thiền trước nỗi đau thương, thống khổ của người dân Ukraine mà đã làm tất cả mọi thứ có thể làm được trong khả năng của mình để giúp xoa dịu vết thương chiến tranh cho đồng bào của ông. Độc giả có thể vào thăm trang mạng mà Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko đang sinh hoạt ở địa chỉ: https://www.treeleaf.org.
Để giúp độc giả có thêm sự hiểu biết rõ ràng về hành trạng và những đóng góp của Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko cho Ukraine, xin trích dịch bài viết “Zen During Wartime: Sergey Washin Tsarenko on Practice in Ukraine” [Thiền Trong Thời Chiến: Sergey Washin Tsarenko Hành Trì Tại Ukraine] của tác giả Rod Meade Sperry, Giám Đốc Biên Tập Kỹ Thuật Số cho trang mạng Lion’s Roar, được đăng trên trang mạng Lion’s Roar vào ngày 20 tháng 4 năm 2023. Tựa đề chính và một số tiểu mục trong bài này do người dịch đặt lại. Sau đây là bản dịch.
Sergey Washin Tsarenko là một Thiền sư. Nhưng kinh nghiệm của Sergey thì thật là đáng chú ý, và hướng dẫn chúng tôi, vì sự thật là tất cả những gì Thầy làm – sống đơn giản, sống đơn giản, thực hành theo và dạy cho những người khác Giáo pháp, tự nguyện để làm lợi lạc cho tha nhân – đang được thực hiện từ khi Ukraine bị chiến tranh tàn phá. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Chúng Treeleaf Zendo, cộng đồng Phật Giáo Thiền Tào Động trên mạng, và sự phát triển thông minh của kỹ thuật, từ bi, kiên trì, và trí tuệ, Sergey đang làm cho những điều tích cực thành hiện thực.
Trong phần hỏi và đáp với Lion’s Roar dưới đây, Thầy chia sẻ kinh nghiệm sống của mình tại Ukraine và việc hành trì Giáo pháp.
Cảm nhận về cuộc chiến Ukraine của một Thiền sư
Rod Meade Sperry: Thầy sinh và sống ở thành phố Odesa. Thầy có thể cho biết đặc điểm của năm ngoái như thế nào? Và Thầy nhìn thấy mọi thứ ngày nay ra sao?
Sergey Washin Tsarenko: “Chiến tranh là đáng sợ. Cuộc sống thì luôn luôn đổi thay.” Tôi đã nghe những lời này từ ngày đầu của cuộc chiến xâm lược. Sự bình thường của cuộc sống đã biến mất khi mọi thứ bị đảo lộn.
Đối với hàng triệu người Ukraine, điều này đã trở thành một hiện thực tăm tối. Cơn chấn động ban đầu đã kéo theo sự sợ hãi, đau buồn, giận dữ, cảm giác mất mát và bất an đối với tương lai. Đối với tôi, cảm giác mất mát là mạnh nhất. Trong thời gian những tuần lễ đầu tiên của chiến tranh, tôi không thể tin rằng tất cả điều này đang xảy ra trong cuộc sống thực, đôi khi nghĩ rằng đây có thể chỉ là một cơn ác mộng. Khi ngày tháng trôi qua, tôi nhận ra rằng cuộc sống tiếp diễn và dù nó diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, tôi nên duy trì sinh hoạt thường kỳ của mình, tiếp tục hành trì và cố gắng giúp đỡ người khác bất cứ nơi đâu có thể. Tôi đã tổ chức hàng tuần khóa Thiền Vì Hòa Bình trên Zoom và tham gia các dự án thiện nguyện khác. Tôi hiểu rằng bất cứ điều gì đang xảy ra, bạn chỉ nên tiếp tục làm “công việc của bạn.” Mọi người đều quan trọng và có vị trí của họ. Cho dù bạn ra tuyến đầu để bảo vệ tổ quốc, nướng bánh mì, hay tiếp tế thực phẩm, dọn dẹp đường sá hay hướng dẫn người khác ngồi thiền.
Ngày nay, cho dù chúng ta đã trở thành “quen thuộc” với cuộc sống trong tình trạng chiến tranh, những cảm giác phần lớn vẫn giống nhau. Vài ngày yên tịnh và chúng ta hạnh phúc về điều đó. Những ngày khác có thể là những ngày tràn đầy lo lắng và sợ hãi. Bạn không bao giờ biết được điều gì sẽ xảy ra trong ngày kế tiếp. Và ở đây, lời giáo huấn của Thiền về “tâm không biết” đã giúp tôi. Tôi chỉ đơn giản nỗ lực tập trung vào việc làm hàng ngày và miên mật giữ trạng thái không biết. Cuộc sống có thể thường xuyên thay đổi, nhưng nó luôn luôn đáng để sống một cách trọn vẹn.
Hành trạng của Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko
Hàng ngày Thầy làm gì?
Sinh hoạt hàng ngày của tôi thì đơn giản: Mỗi sáng vào lúc 6 giờ rưỡi tôi mở Zoom và ngồi Thiền trong vòng 30 phút cùng với các bạn hữu từ Treeleaf. Vào những buổi chiều tôi đi làm tại Trung Tâm Luyện Tập Châu Á (Asian Practices Center) nơi tôi dạy Thái Cực (Taiji) và Khí Công (Qigong). Giữa ngày thì thường làm nhiều việc lặt vặt và tham gia vào diễn đàn thảo luận cũng như lên mạng nghiên cứu những điều có liên quan đến công việc của tôi. Vào những sáng Thứ Bảy tôi thường hội họp với nhóm trồng cây của tôi để chăm sóc “những cây xanh yêu thích” của chúng tôi mọc bên bờ biển. Vào buổi chiều tôi thường ngồi Thiền, thời khóa này là ngồi với tăng đoàn khác từ Ba Lan. Mỗi trưa Chủ Nhật, nhân danh Treeleaf, tôi tổ chức khóa “Ngồi Thiền Vì Hòa Bình,” cho cộng đồng thế giới. Đôi khi tôi tham gia vào các dự án thiện nguyện khác như phân phối thực phẩm và viện trợ, tuy nhiên hoạt động này đúng ra chỉ thỉnh thoảng chứ không đều đặn.
Khi nào và bằng cách nào Thầy đến với Phật Pháp?
Bắt đầu từ những năm cuối tuổi vị thành niên của tôi, và sâu đậm hơn là khi tôi ở giữa những năm hai mươi tuổi, tôi trở nên thích thú với nhiều tư duy triết lý về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người, đôi khi nhìn lên những vì sao trên trời để cố tìm câu trả lời. Sau này, vào những năm 40 tuổi, tôi thú vị với các triết lý và hành trì tôn giáo Á Châu, nhưng mãi cho đến mười, mười hai năm rồi tôi đã “khám phá” ra Thiền và bắt đầu thực tập sâu và thường hơn.
Thầy dấn thân với Tăng Đoàn Treeleaf như thế nào? Điều gì đã lôi cuốn Thầy đến với họ?
Ngược thời gian về trước, không có hội chúng Thiền ở địa phương này (nó giống như tình cảnh hiện nay) với người mà tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm hành trì hay chỉ đến ngồi Thiền thường xuyên. Tôi đã hành trì một mình qua một thời gian trong khi cảm thấy rất cần thiết để có một cộng đồng hay nhóm những người cùng chí hướng. Sau đó, khoảng năm 2014, một người bạn trên Facebook đề nghị nối kết Treeleaf. Do vậy, sau khi ngồi Thiền một mình vài năm, cuối cùng tôi đã tìm thấy ngôi nhà mới cho sự hành trì của mình. Tôi rất cảm ơn vì được chào đón ở đó trong sự chân thành như thế. Tôi cảm thấy đây là nơi mà tôi thuộc về.
Xin Thầy kể cho chúng tôi nghe về sự tham gia của Thầy vào Monastery of Open Doors [Khai Môn Viện] của Treeleaf.
Tôi đã có mặt với Monastery of Open Doors (MoD) từ lúc mới bắt đầu sau khi Jundo Roshi mời tôi tham gia chương trình này. Tôi xem MoD như là động lực sáng tạo, một phương thức mới, và một thử nghiệm tuyệt vời nơi mà tất cả Tu Sĩ tham gia phải học và làm nhiều việc trong phương cách hơi mới mẻ một tí. Những cánh cửa của “Đạo Tràng Đào Tạo” mở ra cho bất cứ ai muốn xuất gia nhưng gặp nhiều khó khăn để làm điều đó trong “cuộc sống thực” vì nhiều giới hạn. Trong khi tự đào luyện, tôi vui vẻ để có thể giúp đỡ và ủng hộ những người khác là những người gia nhập vào tu viện. Tôi tin mãnh liệt rằng dự án của Monastery of Open Doors có một tương lai tươi sáng và sẽ giúp tiếp tục truyền thống đào tạo tu sĩ Phật Giáo Thiền Tào Động. Có chỗ cho tất cả phương cách đào tạo trong các tu viện tây phương, các tu viện của Á Châu, các ẩn sĩ trong rừng núi, và Tu Viện Cửa Rộng Mở của chúng tôi.
Xuất gia với một vị Thầy qua một tăng đoàn trên mạng có ý nghĩa gì? Điều đó có gì đặc biệt hay thách thức? Lợi lạc gì?
Xuất gia theo truyền thống Thiền là bước đi trên con đường rất trọng đại, dù thực hiện việc này trên mạng hay trực tiếp mặt đối mặt. Khi tôi hiểu được ý nghĩa được độ cho xuất gia (shukke tokudo, 出家得度,xuất gia đắc độ) vào tháng 7 năm 2019, tôi liền cảm thấy trách nhiệm đi kèm với điều đó, một biến chuyển quan trong trong cuộc đời tôi. Tôi tin rằng không có khác biệt lớn giữa việc được xuất gia trong một ngôi chùa, tu viện, hay trên mạng, đã cung ứng lễ xuất gia với sự thành khẩn và tâm mở rộng và tất cả những nghi lễ tuân theo phương thức truyền thống.
Đặc điểm của tăng đoàn trên mạng nằm ở khả năng mở rộng cho mọi người thật tâm muốn thực hành hay chưa được xuất gia vì gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm ra một trung tâm Thiền. Với những thách thức cho đến nay, tôi đã gặp một số trong lúc đầu, hầu hết liên quan đến việc thông truyền vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi. Tuy nhiên, thường xuyên lên mạng và tham gia vào các cuộc thảo luận là hữu ích; Tôi ngày càng cảm thấy thoải mái hơn với việc nói và viết trong ngôn ngữ thứ hai. Còn lợi lạc là gì? Đối với tôi dường như lợi lạc thường giống nhau: có thể phục vụ tha nhân và giúp đỡ tất cả chúng sinh.
Nhu cầu hành Thiền gia tăng trong thời chiến tại Ukraine
Thầy mô tả như thế nào về vai trò của việc thực hành Thiền trong cuộc sống của chính Thầy và những người cùng thực hành với Thầy, ngồi Thiền như Thầy ngồi với chiến tranh luôn hiện diện? Điều đó đã thay đổi ra sao kể từ khi chiến tranh được bắt đầu?
Tôi nhận thấy rằng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, ngày càng có nhiều người đã trở nên thích thú với thiền. Cuộc sống hiện tại của chúng tôi tràn ngập rối loạn, những cảm xúc tiêu cực, đôi khi tuyệt vọng. Do vậy thật là hợp lý đối với nhiều người đi tìm cách để làm lắng dịu trái tim và quân bình cuộc sống của họ. Thực hành Thiền thì tương đối mới đối với người dân Ukraine, và tăng già của chúng tôi thì cũng trẻ trung, đang trong tiến trình phát triển. Tôi tin rằng có sự lợi lạc đối với tất cả mọi người đến để tọa Thiền với chúng tôi, tuy nhiên, mọi người tự khám phá Thiền bên trong chính họ.
Thầy đã tham gia vào việc trồng và chăm sóc cây (cũng như tất cả các loại công tác thiện nguyện). Làm sao Thầy đạt được điều này như là trọng tâm công việc của Thầy?
Dự án “Bờ Biển Xanh” (Green Coast), mà nhóm thiện nguyện tôi đã tham gia khoảng 4 năm trước, đã hoạt động năng nỗ kể từ năm 2016. Cho đến nay, chúng tôi đã trồng và chăm sóc được hơn 1,600 cây. Tôi xem hoạt động này như một phần quan trọng của sự hành trì của tôi khi nó liên kết một cách nền tảng với vai trò là một tu sĩ đào tạo của tôi.
Trong cộng đồng của mình chúng tôi thích nói rằng việc trồng cây là “vũ khí phản ứng” của chúng tôi với tất cả các loại bạo động và xâm lược. Và đặc biệt hiện nay, khi chúng tôi sống trong một quốc gia chiến tranh, chúng tôi cố gắng không quên nét đẹp và cây cối của chúng tôi cũng là những chúng sinh mà chúng tôi phải chăm sóc.
Trong những ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, có nhiều nghi ngờ về việc chúng tôi có thể tiếp tục công việc của mình hay không bởi vì mối đe dọa pháo kích từ biển, nhưng chúng tôi đã quyết định bằng mọi cách không ngưng trong khi bảo đảm an toàn tối đa cho người dân ở ven bờ biển.
Khoảng hai lần một tháng Thầy hướng dẫn các khóa Thiền Vì Hòa Bình tại Ukraine và trên thế giới, và cũng cung ứng trọn ngày đến với nhau để tọa thiền (zazenkai – tọa thiền hội) được tổ chức với mục đích thúc đẩy hòa bình tại Ukraine. Hãy kể vắn tắt cho chúng tôi nghe về các chương trình này – ai tham dự, và cảm nhận của Thầy về việc họ được lợi lạc ra sao khi tham dự.
Như tôi đã nói ở trên, mỗi trưa Chủ Nhật kể từ khi bắt đầu cuộc chiến xâm lược, tôi đã tổ chức “Ngồi Thiền vì Hòa Bình tại Ukraine và khắp Thế Giới.” Những sự kiện này là vì cộng đồng trên toàn cầu, và những người tham dự là từ nhiều nơi khác nhau như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, và các quốc gia Châu Âu cũng như một số từ Châu Á. Thường, số người tham dự trong một khóa là từ 25 đến 30 vị. Theo truyền thống chúng tôi bắt đầu với việc tụng Tâm Kinh. Tôi làm điều này bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Anh, tiếng Ukraine, và tiếng Nga. Đối với mỗi sự kiện, tôi đều tụng kinh bằng một thứ tiếng khác nhau. Rồi chúng tôi Tọa Thiền trong khoảng 40 phút. Cuối cùng, chúng tôi tụng Bài Kệ Sám Hối và Bốn Lời Thệ Nguyện (Tứ Hoằng Thệ Nguyện) bằng tiếng Anh.
Khoảng hai lần một tháng vào những tối Chủ Nhật, tôi hướng dẫn việc hành trì pháp môn Tonglen (Chú thích của người dịch: Tonglen là Pháp môn tu tập của Phật Giáo Tây Tạng. Tong có nghĩa là “cho đi hay gửi đi,” và len có nghĩa là “nhận hay lấy.”) là nhận lấy tất cả khổ đau của thế gian và gửi đi tình thương và sự tử tế. Chúng tôi ngồi Thiền khoảng 40 phút.
Mong chiến tranh tại Ukraine là cuộc chiến sau cùng trên Trái Đất
Nếu có một điều gì đó mà các độc giả của chúng tôi có thể thực hành, hay hiểu biết, để giúp tạo ra thay đổi tích cực đối với các anh chị em và đại tăng tại Ukraine, thì đó có thể là điều gì?
Trước hết và quan trọng nhất, tôi muốn nói lên lòng biết ơn đối với tất cả anh chị em Phật Tử trên toàn thế giới là những người đã giúp và hỗ trợ cho chúng tôi hôm nay. Có thể bằng việc vào tham dự để tọa Thiền với chúng tôi trên mạng, hay bằng việc tổ chức các khóa Thiền vì hòa bình tại nhà của họ. Có thể bằng cách cúng dường cho các dự án hòa bình của chúng tôi hay giúp đỡ tăng già địa phương phát triển và gia tăng. Mỗi hành động tử tế đều quan trọng khi tất cả chúng ta ở trong này cùng nhau. Xin cảm ơn!
Mong rằng chiến tranh tại Ukraine là cuộc chiến sau cùng trên Trái Đất này.
Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko hướng dẫn ngồi Thiền cho những người tham dự khóa Thiền tại Ukraine
Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko đang ngồi Thiền
Thiền Sư Sergey Washin Tsarenko và nhóm thiện nguyện trồng cây tại Ukraine.