Quang lâm tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Từ thiện xã hội GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng BTC đại lễ; Thượng tọa Thích Tục Bách – Phó Trưởng ban Pháp chế TƯ GHPGVN, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban kinh tế tài chính GHPGVN thành phố, Trưởng BTS GHPGVN quận Lê Chân; Đại đức Thích Quảng Nghĩa – Ủy viên Thường trực Ban Hoằng pháp GHPGVN, Trưởng ban Ban Hoằng pháp GHPGVN thành phố, cùng đại diện chư Tôn đức Tăng Ni Thường trực BTS GHPGVN thành phố và đông đảo quý Phật tử gần xa.
Như chúng ta đã biết, Đức Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến”. Lòng từ bi thương xót chúng sinh đã được thể hiện qua lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Pháp Hoa. Xuất phát từ tình thương đối với chúng sinh, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ra tám vạn bốn ngàn pháp môn tu để phù hợp với căn cơ của từng chúng sinh, đưa chúng sinh từ bờ mê sang bến giác. Trong đó có pháp môn tu Tịnh Độ. Sở dĩ chúng ta biết được thế giới của Đức Phật A Di Đà là nhờ vào Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ dạy trong kinh Đại bản A Di Đà. Đây là một pháp môn dể tu, dễ chứng. Để tưởng nhớ đến công hạnh của Ngài, Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng đã long trọng tổ chức Đại lễ kính mừng khánh đản Đức Từ phụ A Di Đà PL.2567 – DL.2023.
Tại Đại lễ, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã có bài thuyết giảng về lược sử Đức Phật A Di Đà, Pháp môn Tịnh Độ và ý nghĩa 48 lời đại nguyện của Đức Phật A Di Đà. Qua đó, Hòa thượng sách tấn các Phật tử, nguyện noi theo tấm gương của Ngài, phát thệ nguyện rộng lớn, tinh tấn tu học, làm lợi lạc cho đạo, cho đời; luôn lấy Tín – Nguyện – Hành ( Đây là Tam tư lương, như kiềng 3 chân cho các hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ) làm hành trang trong suốt quá trình tu học, tìm cầu giác ngộ, giải thoát và nguyện quyết một lòng vãng sinh Tây Phương Cực Lạc khi mãn báo thân này.
Đặc biệt, trong bài “Cư Trần Lạc Đạo phú” cũng thể hiện rất rõ tư tưởng Phật học của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài muốn khẳng định rằng thế giới Tịnh độ chính là tự tâm thanh tịnh của mỗi người, không cần phải hỏi rằng có hay không có cõi Tịnh độ ở Tây phương Phật A Di Đà chính là tự tính sáng soi của chính lòng mình, không cần phải nhọc công tìm về cõi Cực lạc ở đâu đó nữa. Đây cũng chính là quan điểm của Thiền phái Trúc Lâm về tư tưởng Tịnh độ nhân gian được phổ biến rộng rãi trong tâm thức người dân Đại Việt vào thời Trần.
Dịp này, chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN thành phố đã tổ chức lễ dâng hương, bạch Phật, cúng dàng Đức Phật A Di Đà nhân ngày Khánh đản của Ngài. Đồng thời, toàn thể đại chúng đã lên khóa lễ tụng kinh A Di Đà, niệm hồng danh Ngài, tưởng nhớ đến thâm ân của Ngài, cầu nguyện Quốc thái, dân an, âm siêu, dương thái.
Thành Trung