Chứng minh và tham dự có NS. Thích Đồng Hòa, Ủy viên Thường trực Ban TT-TT TƯ GHPGVN, Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Chánh Thư ký BTS GHPGVN quận Long Biên, Trụ trì chùa Tăng Phúc, Trưởng ban tổ chức; NS. Thích Hiền Thảo, Trụ trì chùa Bồ Đề (Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); cùng chư Tôn đức Ni tại Bản tự.
Về phía quan khách có ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBMTTQ phường Thượng Thanh; bà Vũ Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Thanh; cùng toàn thể lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các phòng ban ngành phường Thượng Thanh; ông Nguyễn Đức Tường, Đại Võ sư - Chủ nhiệm Võ Đường Vịnh Xuân Kungfu; Võ sư Đặng Quốc Dũng, Trưởng Ban Chủ nhiệm Võ Đường Vịnh Xuân Kungfu; PGS. Bác sỹ Đặng Hùng Minh, Bệnh viện Bạch Mai- Hà Nội; ông Phạm Văn Trung, Tổ trưởng Tổ dân phố 11, Trưởng tiểu ban Quản lý di tích cụm Đình, chùa Tăng Phúc (Thượng Cát); bà Nguyễn Thị Nga, Phó Tiểu Ban quản lý Di tích; ông Nguyễn Bính, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 08; ông Ngô Quốc Toản, Bí Thư chi bộ Tổ dân phố thứ 11; ông Phạm Văn Thuận, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 08; cùng các ông bà lãnh đạo các tổ dân phố cụm dân cư Thượng Cát, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP.Hà Nội và đông đảo bà con nhân dân Phật tử địa phương, thập phương đồng đến dự.
Tại buổi lễ, NS. Thích Đồng Hòa tuyên đọc bức Thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ GHPGVN. NS. Thích Hiền Thảo đọc Diễn văn Phật đản PL.2568 - DL.2024 của Hòa thượng Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN.
Tiếp đó, NS. Thích Đồng Hòa đã chia sẻ một thời pháp thoại về “Ý nghĩa Phật đản” đến với Chính quyền, Nhân dân, Phật tử địa phương và quý khách thập phương: Ni sư cho biết “Lễ Phật đản được tổ chức hàng năm vào tháng tư âm lịch tại các nước theo Phật giáo để kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật. Hình thức tổ chức Lễ Phật đản tại các quốc gia khác nhau tùy theo văn hóa mỗi nơi. Đức Phật đản sinh vào ngày rằm tháng Vesak nhằm tháng 05 dương lịch. Theo Phật giáo Bắc tông, ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật đó là:Đản sinh-Thành đạo và Nhập Niết bàn đều rơi vào ba tháng khác nhau. Phật giáo Nam tông thì cho rằng: Ba sự kiện này chung một ngày gọi là “Tam hợp”. Trước năm 1950, các nước theo Phật giáo Bắc tông tổ chức Đại lễ Phật đản vào ngày mùng 08/4 âm lịch hàng năm. Từ sau Đại hội Phật giáo thế giới đầu tiên được tổ chức tại Colombo, Srilanka từ ngày 25/5 - 8/6/1950, các đại biểu đến từ 26 quốc gia đã thống nhất ngày Phật đản là ngày rằm tháng tư âm lịch.
Đến ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên họp thứ 54 đã chính thức công nhận đại lễ Vesak là Lễ Vesak Liên Hợp Quốc (United Nations day of Vesak) và được tổ chức hàng năm tại các trụ sở liên hợp quốc vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch.
Lễ Phật đản trước nhất là kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ sự ra đời vĩ đại này, nhân loại mới có một bậc vĩ nhân, một Đức Phật đã cống hiến cho nhân loại nhiều giá trị đạo đức, trí tuệ, văn hóa nhân văn… Do đó, lễ Phật đản cũng mang ý nghĩa tri ân và tôn kính Đức Phật. Tri ân vì Đức Phật là bậc Thầy vĩ đại đưa đường chỉ lối cho chúng ta đi đến an lạc. Tôn kính vì những đóng góp to lớn của Đức Phật về giá trị đạo đức, phương pháp tu tập tâm linh.
Các nước Phật giáo đều tổ chức Đại lễ Phật đản theo văn hóa mỗi địa phương. Ở Việt Nam, các hình thức bao gồm lễ tắm Phật, thiết trí lễ đài, thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, làm xe hoa diễu hành, thuyền hoa, hoa đăng, lồng đèn, cờ Phật giáo, thiệp Phật đản, văn nghệ cúng dàng…
Đặc biệt, các thời khóa thuyết giảng được tổ chức để ôn lại ý nghĩa Phật đản và nhắc về công hạnh của Đức Phật. Sự thực hành lời Phật dạy là điều không thể thiếu. Chúng ta nên từ bỏ các việc xấu, ác, làm tất cả những việc thiện, lành…tạo công đức hướng tâm tri ân Đức Phật đồng thời cũng nhắc chính bản thân chúng ta siêng tu, làm thiện, lợi Đạo, ích Đời, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, giàu đẹp…
Cũng tại buổi lễ, chư Tôn đức Ni, các vị đại biểu, nhân dân, Phật tử đã tiến hành nghi thức tụng niệm Kinh Chuyển Pháp Luân, Kính mừng Phật đản, tắm Phật, cầu mong cho đất nước hòa bình, muôn dân an lạc, Phật sự viên thành.
TKN Thích Đồng Hòa