Ngày thứ 5 sau khi Sở y tế TP.HCM đồng ý dành khu vực khoảng 300 giường tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 10 (phường An Khánh, TP.Thủ Đức) tiếp nhận Tăng Ni trên địa bàn Thành phố không may nhiễm SARS CoV-2, để rõ chủ trương của Giáo hội, Báo Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, về những vấn đề chung quanh việc tiếp nhận, điều trị Tăng Ni tại đây.
Bạch Hòa thượng, Hòa thượng có thể chia sẻ về nhân duyên hình thành khu điều trị cho Tăng Ni tại Bệnh viện Dã chiến số 10?
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng: Chăm sóc y tế cho Tăng Ni là một trong bốn việc quan trọng để ngoại hộ sự tu tập của chư Tăng. Do vậy, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã bàn bạc và chúng tôi đã có văn bản đề nghị với các cơ quan chức năng Thành phố tạm sử dụng các cơ sở thuộc Ban Trị sự trực tiếp điều hành là Việt Nam Quốc Tự (Q.10) và chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình). Tuy nhiên, sau 2 lần khảo sát và họp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Y tế, việc thiết lập bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19, một dịch bệnh truyền nhiễm đòi hỏi nhiều điều kiện phức tạp hơn chúng tôi nghĩ để bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Sở Y tế đã gợi ý một giải pháp khác, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của Ban Tôn giáo và các cơ quan chức năng Thành phố, lãnh đạo TP.HCM, trực tiếp là Sở Y tế đã dành khu vực khoảng 300 giường tại Bệnh viện Dã chiến số 10 (phường An Khánh, TP.Thủ Đức) làm nơi tiếp nhận và điều trị những Tăng Ni không may nhiễm SARS CoV-2. Với sự nhiệt tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10 do TS.BSCK2 Nguyễn Thanh Vinh lãnh đạo đã nhanh chóng hình thành, bắt đầu tiếp nhận một số Tăng Ni từ ngày 15-8-2021.
|
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 tại địa phương (phường An Khánh, TP.Thủ Đức) - Ảnh: Bảo Toàn
|
Chúng con được biết số lượng lây nhiễm cộng đồng gần đây của dịch Covid-19 đã vượt, lớn hơn lây nhiễm trong các khu phong tỏa, cách ly. Do vậy, việc nhiễm SARS CoV-2 sẽ không loại trừ một ai. Tất cả Tăng Ni nếu nhiễm đều được tiếp nhận vào điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 10, điều đó có bắt buộc hay là tự nguyện, bạch Hòa thượng?
- Chúng ta biết việc điều trị bệnh tật là quyền tự quyết của mọi người. Tuy nhiên, đối với dịch bệnh khi chưa tìm ra phương thuốc đặc trị, nhất là đối với các dịch bệnh truyền nhiễm, thì quyền hạn chỉ định là thuộc cơ quan chức năng về y tế.
Với Giáo hội, chúng tôi nhận thức bệnh tật là một trong những điều ngoài ý muốn khiến con người bất an, lo lắng. Do đó, Ban Trị sự Phật giáo Thành phố mới thiết lập chương trình này để nếu Tăng Ni không may trong quá trình làm đạo, dấn thân phục vụ các hoạt động xã hội, thiện nguyện… bị nhiễm SARS CoV-2 thì có nơi để tạm cách ly, điều trị nếu có triệu chứng.
Chúng ta biết chiến lược phòng, chống Covid-19 tại TP.HCM luôn được điều chỉnh, cập nhật trên kinh nghiệm và hiệu quả thực tế; Hiện, cơ quan y tế đã cho phép cách ly F0 tại nhà. Tuy nhiên, không phải tự viện nào trên địa bàn Thành phố của chúng ta cũng có không gian phù hợp bảo đảm cho việc cách ly theo quy định mà không gây nguy cơ cho chúng nội tự, và không phải ai cũng đủ kiến thức để có thể tự chăm sóc về y tế, nên mới có việc thiết lập bệnh viện dã chiến dành cho Tăng Ni, mà nay là khu vực thu dung, điều trị được cơ quan chức năng dành cho Phật giáo tại Bệnh viện Dã chiến số 10.
|
Cơ sở Bệnh viện Dã chiến số 10 tại phường An Khánh, TP.Thủ Đức - Ảnh: Bảo Toàn
|
Chúng tôi xin lưu ý đây là việc làm để tạo thuận duyên cho Tăng Ni nếu không may nhiễm SARS CoV-2. Việc đến cách ly, điều trị ở đây hoàn toàn theo nguyện vọng và được ngành y tế chỉ định. Ngoài ra, việc chọn nơi điều trị là quyền của các Tăng, Ni; Sự can thiệp bắt buộc thuộc quyền hạn của cơ quan y tế địa phương.
Tăng Ni đã vào cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 10, nếu muốn trở về lại tự viện, hoặc chuyển viện thì có được không, bạch Hòa thượng?
- Điều đó rất quan trọng. Mỗi khi Tăng Ni được vào cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 10, hay bất cứ bệnh viện nào khác, thì việc quyết định ra viện, chuyển viện do đội ngũ thầy thuốc, ở đây là các bác sĩ của Bệnh viện Dã chiến số 10, hoặc cơ sở y tế mà người bệnh được nhập viện quyết định. Trong việc điều trị, Giáo hội chỉ ngoại hộ, có ý kiến đề nghị liên quan tới nếp sinh hoạt đặc thù tôn giáo trong những trường hợp cần thiết, chứ không thể can thiệp vào việc điều trị của các thầy thuốc được. Do vậy, việc cho xuất viện, chuyển viện… thuộc thẩm quyền của các thầy thuốc, trực tiếp là các bác sĩ lãnh đạo Bệnh viện Dã chiến số 10.
|
Phiên họp phối hợp giữa Ban Tôn giáo, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM và Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10 ngày 16-8-2021 - Ảnh: Bảo Toàn
|
Hòa thượng có nhắn gởi gì đến các Tăng Ni trong lúc này?
- Bệnh tật là điều không ai muốn, nó là một trong những nỗi khổ, bất an của con người; đồng thời cũng là điều mà không một ai có thể tránh được. Dịch bệnh cũng vậy, sẽ không chừa một ai nếu chúng ta không đủ sức khỏe và thiếu chánh niệm, không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống được ngành y tế khuyến cáo và cập nhật. Do đó, việc cố gắng để có một khu vực dành cho Tăng Ni như hiện tại là thắng duyên so với các tỉnh, thành phố khác. Đó là kết quả của nhiều lần làm việc, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo TP.HCM, Sở Y tế, Ban Tôn giáo và Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10.
Tôi đã được cho biết, các bệnh viện dã chiến nói chung và Bệnh viện Dã chiến số 10 nói riêng được thiết lập trên cơ sở các công trình nhà ở, nên chắc chắn sẽ không như một bệnh viện thật sự. Đội ngũ y tế, phục vụ đang gồng mình làm việc hơn 200% công suất bình thường, và đã nhiều tháng qua, trực tiếp và là nhóm có nguy cơ cao nhất nhiễm bệnh. Họ đã không về nhà, làm tất cả vì phận sự thiêng liêng của người thầy thuốc. Chúng ta mắc bệnh, nhưng lại may mắn có nơi tiếp nhận được điều trị, có thầy thuốc trực tiếp chăm sóc, cho nên cần ý thức tuân thủ chỉ định điều trị một cách nghiêm túc, vận dụng lối sống biết đủ của người tu.
Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Thành phố đã thành lập Ban Điều hành gồm các Thượng tọa, Bác sĩ Phật tử để phối hợp Ban Giám đốc Bệnh viện trong quá trình tiếp nhận, điều trị, cung cấp các suất chay hàng ngày cũng như tuyển tình nguyện viên hỗ trợ đội ngũ y tế tại đây.
Chúng ta là con người, và hễ là con người thì vẫn chịu sự chi phối của các duyên bên ngoài. Nội lực của người tu thật sự sẽ được thể hiện trong những hoàn cảnh nghịch duyên, chẳng hạn bệnh tật. Do đó, khi thân có bệnh, chúng ta cần ý thức sám hối, cầu nguyện và thực hành quán duyên khởi, vận dụng các pháp hành mà mình có được, để tự thân vượt lên, và hộ trì cho đội ngũ y tế đã không quản nguy hiểm để điều trị cho chúng ta, càng phải nỗ lực để cầu nguyện cho dịch bệnh sớm được kiểm soát. Có như vậy mới xứng đáng là người tu theo Phật, là tấm gương cho người khác.
Kính tri ân Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ những nội dung trên