Những lời dạy “Đi cùng năm tháng”
Bố mẹ Yêu quý, một mùa Vu lan báo hiếu lại về trong trái tim của mỗi người con Phật tử, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Bố mẹ vẫn ở gần đây, nhưng do đại dịch Covid 19 con không về thăm được, bức thư này sẽ thay cho “Bông hồng cài áo” mùa Vu lan con gửi tặng bố mẹ!
Bố mẹ tôi sinh ra trên mảnh đất quê hương giàu truyền thông văn hóa, truyền thống các mạng Hà Tĩnh - Nghệ An. Năm nay Bố 73 tuổi và Mẹ đã 75 tuổi, con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đến bây giờ khi đã trưởng thành, con vẫn nhớ về những câu chuyện của gia đình mình ngày trước...
Thuở còn ấu thơ Mẹ dạy con phải biết ngoan, lễ phép với ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo, biết yêu thương, giúp đỡ bạn bè và những người sống xung quanh. Mẹ thường kể những câu chuyện về quê hương của mẹ cũng chính là quê hương của Bác Hồ, mẹ tự hào kể chuyện về cả gia đình nhà ngoại đi làm cách mạng, từ đời ông nội là liệt sĩ thời chống Pháp, cho đến các anh em của ông ngoại, các anh em ruột của mẹ, và cả gia đình của Bố ở quê hương Hà Tĩnh, ông nội, các bác cũng đi dân công hỏa tuyến ở Lào, họ là những chiến sĩ cụ Hồ dũng cảm ra sao và cả những hy sinh mất mát của hai gia đình cho độc lập của Tổ quốc. Con nhớ câu nói của mẹ hàng ngày, mọi lúc mọi nơi “Ngày xưa ông ngoại dạy thế, ngày xưa bà ngoại dạy thế …” và hành trình của cuộc đời mẹ mang theo suốt cuộc đời vẫn là những lời dạy của cha, của mẹ.
Con sinh ra và lên lên ở Hà Nội ít khi được về quê, nhưng tình yêu về quê hương, đất nước, lòng tự hào vì mình được mang trong mình hai dòng máu Nghệ An- Hà Tĩnh cứ lớn mãi trong lòng con. Mẹ kể ngày ông bà ngoại mất ở quê chỉ dặn các bác “Thời bao cấp, con gái đi lấy chồng xa bận việc nhà chồng, lại đông con đi làm vất vả không được báo lại phải bỏ công việc về quê thì khổ”, đến bây giờ mẹ vẫn kể mãi, điều ân hận nhất trong cuộc đời là cha mẹ mất không về quê được gặp mặt lần cuối. Con nhớ mãi trong cuốn sổ tay nhỏ úa màu trang giấy là dòng chữ mẹ viết “Suốt đời không bao giờ quên cha me thân yêu và đứa em cùng máu mủ”, em trai mẹ cũng là bộ đội quân y đã ra đi ngay sau đi chiến tranh kết thúc, đang trên đường đi nhận nhiệm vụ làm y sĩ ở thành Vinh…Từ thưở ấy con đã hiểu thế nào là “Đạo Hiếu”, là tình yêu “Quê hương - Đất nước”.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mẹ dạy con tụng Kinh, niệm Phật, hướng tâm về công ơn của ông bà tổ tiên những ngày giỗ, ngày lễ tết; tuy lúc ấy con chưa hiểu hết nhưng cứ nhìn mẹ thực hiện hàng ngày mà con cũng trở nên thành thạo. Sau này khi đi làm về ăn cơm xong, con lại ngồi ở bàn học đọc các bài trong quyển “Chư kinh nhật tụng”, có khi con say mê thức suốt đêm làm một mâm cỗ chay cúng gia tiên để sáng hôm sau mẹ kính lễ. Sau này, khi khi lập gia đình con đã biết “Lễ nghi - Kính lễ - Hành lễ”. Cảm ơn Mẹ đã “Nêu gương - làm mẫu” để con hiểu và làm tròn “Chữ Hiếu”.
Lớn lên đi làm, những lời dạy ấy đã giúp trái tim con chia làm 3 ngăn, một ngăn cho gia đình, một ngăn cho sự nghiệp, một ngăn cho cộng đồng, cho xã hội và Tổ quốc thân yêu, cùng trong thời gian ấy ánh sáng của Đạo phật đã làm giàu thêm khối óc của trái tim con.
Khi chưa lập gia đình, phần lớn thu nhập con dành cho các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gia đình nghèo khó sau mưa bão; con cũng không quên phận sự của người Phật tử giữa đời thường là đóng góp vào những ngôi chùa với mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé vào việc xây dựng chùa, tạo dựng tượng Phật, đúc chuông trước là để tạo nơi thờ Phật, sau là nơi tu học và là nơi hoằng truyền Phật pháp, cứu độ muôn loài chúng sinh, là chốn an lạc, thanh bình giữa nhân gian để mọi người có cuộc sống tốt đẹp, xây dựng đất nước xã hội an vui và phát triển.
Con nhớ lại cảm xúc sau mỗi chuyến đi, mỗi khi ra về cửa trên môi con nở một nụ cười thật tươi, khóe mắt cay cay...con thấy mình hạnh phúc.
Về nhà con kể lại với bố mẹ, mẹ chỉ cười và bảo phải tiết kiệm để sau này còn lập gia đình.
Vào cái ngày con đi làm dâu nhà người, mẹ chỉ dặn “Đừng lo gì cho bố mẹ, đời còn dài và còn nhiều cảnh khổ, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, hết lòng phụng sự gia đình chồng con nhé”
Bây giờ con đã có hai cháu nhỏ, một cháu lên 3, một cháu lên 5, con đã đưa vào gia đình nhỏ bé của mình nét văn hóa “Hiếu-lễ-Nghĩa” để cùng nhau làm tròn “Đạo Hiếu”
Các cháu giờ đã biết thực hành “Tiểu hiếu” thể hiện bằng những việc làm đơn giản:
Hiếu tâm: Biết quan tâm, hỏi han, công bà bố mẹ hàng trước và sau khi đi học, khi ốm...
Hiếu dưỡng: Biết chăm sóc, kể chuyện, chảo đầu, đấm lưng, mời cơm, gắp thức ăn, lấy tăm cho ông bà, bố mẹ...
Các cháu đã hiểu và biết nói lời cảm ơn vì ông bà đã sinh ra bố mẹ và những người thân trong gia đình, nhờ đó bố mẹ mới sinh ra các cháu bây giờ.
Các cháu đã biết đến gia tiên, tiền tổ những người đã mất hiện đang ở trên trời, là những hình ảnh trên ban thờ, cháu lớn đã biết cùng mẹ cắm hoa, lau quả, lau hoa văn tủ thờ hàng tuần và mỗi khi nhà có việc.
Cả hai cháu cùng biết niệm danh hiệu phật và bước đầu cùng cả gia đình kính lễ....
Bố mẹ biết không ???
Mùa Vu lan năm nay thật đặc biệt vì cả đất nước ta đang trong trận chiến chống đại dịch COVID-19, hơn 500 ngày qua, dịch COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta phải chiến đấu với loại virus được ví như “kẻ thù nguy hiểm giấu mặt, liên tục biến hóa, tàng hình” và tạm thời chưa có thuốc chữa. Có quá nhiều người lâm vào cảnh đói ăn, nhiều nhà mất đi người thân
Vào lúc này con nhớ lời Mẹ dạy về chữ “Đại Hiếu” qua câu thơ của Bác:
“Chúng ta phải Trung với nước, Hiếu với dân”
Chữ “Hiếu với dân” đã được con và các thành viên trong lớp Phật học trực tuyến và các Phật tử trên cả nước thực hiên lời kêu gọi của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch Hội phật giáo Việt Nam kêu gọi tụng kinh dược sư trực tuyến hàng ngày từ ngày 27/7 đến ngày rằm tháng 7 để hồi hướng công đức, cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ, tham gia đóng góp vào quỹ từ thiện của lớp để ủng hộ giúp đỡ những người dân Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày giãn cách xã hội theo đúng tinh thần “Vu lan - Tình người trong đại dịch”
Mùa vu lan năm nay thật ấm áp và tự hào khi con là một trong những thành viên của lớp phật học trực tuyến khóa đầu tiên được tổ chức trong cả nước, con đã tham gia cuộc thi “Viết thư gửi Cha mẹ”và cuộc thi “Tiếng hát Vu lan”, gia đình con đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia khóa tu trực tuyến vào ngày 12/7 ÂL sắp tới.
Con xin cảm ơn các Quý Thầy đã mở ra một lớp học thật ý nghĩa cho chúng con được học tập, được rèn luyện và thực hành “Phép tắc cơ bản của cư sĩ phật tử”
Bố Mẹ thân yêu, đến lúc này con càng hiểu hơn ý nghĩa của những “Lời dạy đi cùng năm tháng” đã trở thành quy luật của muôn đời.
Bố và mẹ đã sống an lạc trong cõi nhân gian này cũng từ những lời dạy của ông của bà...
Con đã biết sống hiếu đạo vẹn tròn cũng từ những lời dạy của bố mẹ, và bây giờ con đang dạy lại cho những đứa con của mình...
Những lời dạy đó giống như một “Mạch nước ngầm” thần kỳ, luôn sâu đậm dẫn bước trên đường đời của mỗi người con đi với tình cảm ơn sâu nghĩa nặng của Cha Mẹ.
Chúng con sẽ luôn nhớ và hành theo những lời dạy từ ngàn xưa để lại
Chữ Hiếu đứng ở hàng đầu
Hiếu với đất trời hiếu với Tổ tiên
Ơn Đất nước từng ngọn rau tấc đất
Hiếu đạo vẹn tròn phúc ấm Tổ tiên !
Bức thư này xin được gửi đến bố mẹ thân yêu, xin được đọc lại cho các con của mình với một đích đến cùng nhau xây dựng một nét văn hóa kế thừa cho tương lai về chữ Hiếu, về Đạo làm con. Đấy cũng chính là tinh thần của người Phật tử và các thành viên trong gia đình mỗi khi mùa Vu Lan về...
Con của Bố Mẹ!
Phật tử: Trần Thị Ngoan - Pháp Danh: Diệu Ngọc
|