Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Uông Bí)
Như một chốn để tìm về của bất cứ Phật tử nào, đỉnh thiêng Yên Tử - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn làm nơi tu hành và lập nên giáo phái Phật học đặc trưng của Việt Nam là Thiền Phái Trúc Lâm đã trở thành điểm đến quá đỗi quen thuộc nhưng lại chưa bao giờ cũ với người yêu du lịch tâm linh.
Là bởi hành trình đến với Yên Tử cũng giống như trở về với nguyên sơ, khi lữ khách bước từng bậc thang giữa rừng nguyên sinh với những gốc tùng cổ thụ, rừng trúc, giữa hương hoa bưởi thơm ngạt ngào tháng 3 về. Đó cũng là hành trình tìm về với bản ngã của chính mình, khi mỗi chặng đến giữa rừng, chênh vênh trên núi, du khách được chắp tay bái Phật tại những ngôi chùa, tháp cổ kính rêu phong.
Chùa Hoa Yên quanh năm mây phủ với những cây hoa đại tuổi đời cả 700 năm. Chùa Một Mái cheo leo bám trên vách núi, ngọt mát dòng nước nguồn trong veo từ khe đá. Chùa Bảo Sái, Vân Tiêu ẩn hiện trong mây trắng. Chùa Đồng chênh vênh trên đỉnh Phù Vân sương mây huyền ảo… Mỗi công trình tâm linh trong quần thể Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử lại đem đến cho du khách những cảm xúc thiền tịnh, vô ngã giữa “chốn huyền không”, để bất cứ lúc nào lòng cần tĩnh lại, người ta lại muốn tìm đến nơi non thiêng ấy.
Bảo Hải Linh Thông Tự (Hạ Long)
Tọa lạc trên núi Ba Đèo và nằm trong tổ hợp Sun World Halong Complex, quần thể tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự được bao bọc bởi rừng thông xanh rì, với tầm nhìn ôm trọn vịnh biển thơ mộng cùng thành phố Hạ Long xinh đẹp.
Sự tổng hòa giữa lối kiến trúc chùa Việt cổ tại Bắc Bộ thế kỷ 17, 18 và sự vận dụng sáng tạo ngôn ngữ tạo hình dân gian đã đem đến cho Bảo Hải Linh Thông Tự - ngôi chùa thiêng giữa rừng thông xanh mát (ý nghĩa tên gọi mà Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc sinh tiền đã đặt cho quần thể) - một vẻ đẹp tâm linh kỳ vĩ. Bước chân tới đây là thấy như được chạm tới những không gian chùa gỗ cổ kính xưa. Các họa tiết trang trí, tạo hình hoa sen, vân mây được cách điệu tinh xảo trên hệ thống cửa, chân cột, cột trống trên xà… cũng cho thấy một sự tỉ mẩn và kỹ lưỡng hiếm thấy trong tạo tác mới.
Toàn bộ quần thể có diện tích 4000m2, gồm các hạng mục: Tam quan, Ngũ Phương Bảo Tháp, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, hai bên hành lang tả vu, hữu vu. Điểm độc đáo nhất của Bảo Hải Linh Thông Tự chính là Ngũ Phương Bảo Tháp bằng đá hoa cương lắp ghép nguyên khối, được thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen. Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước… Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m. Bên trong tháp, phần nội thất được ốp đá cẩm thạch từ Ấn Độ.
Theo lối cầu thang dẫn lên tầng hai của bảo tháp, du khách, Phật tử có thể từ đây phóng tầm mắt ngắm trọn vẹn cảnh vịnh Hạ Long với núi non nhấp nhô trên mặt biển biếc. Thiên nhiên khoáng đạt của núi, của biển, của rừng thông khiến bất cứ ai khi tới đây cũng đều thấy tâm tĩnh lại, thấy xúc cảm thanh tịnh, an yên lan tỏa.
Đi hết quần thể tâm linh trên đỉnh Ba Đèo, sẽ thấy một sự kỳ công trong từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt công phu hơn cả là bộ tượng gồm 106 pho, trong đó có 66 pho tượng đồng được tạo tác với những kỹ thuật, công nghệ đúc đồng lần đầu xuất hiện tại Việt Nam, bởi các nghệ nhân hàng đầu, theo nguyên mẫu tượng thờ tại các Chùa cổ Việt Nam ở Bắc Bộ như: Chùa Bà Đá, Chùa Lý Quốc Sư, Chùa Hoà Mã, Chùa Trân Tiên, Chùa Vua, Chùa Mía, Chùa Tây Phương (Hà Nội) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Để tới Bảo Hải Linh Thông Tự, du khách đi từ vườn Nhật (Sun World Halong Complex) qua cây cầu thép màu xanh vắt qua hẻm núi, có tên gọi Cầu May. Đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị, khi cây Cầu May dẫn lối du khách đi từ một không gian đậm chất thiền của vườn Nhật tới một không gian thiền tự đậm chất tâm linh truyền thống Việt, để đến với may mắn, thiện lành và bình yên nơi suối nguồn sinh khí mạnh mẽ của đất trời hội tụ trên đỉnh Ba Đèo.
Chùa Ba Vàng (Uông Bí)
Ngay khi đặt chân đến Chùa Ba Vàng, Phật tử và du khách đã thấy một sự bề thế, quy mô của một quần thể tâm linh giữa lưng chùng núi, phía trước là Bạch Đằng giang uốn lượn, xa xa là thành phố cảng Hải Phòng, hút tầm mắt là biển Đồ Sơn muôn trùng sóng vỗ. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Chỉ cần đứng giữa những bề thế uy nghi ấy, cũng đủ thấy những tham, sân, si trong đời bất chợt hóa vô thường.
Từ tàn tích của ngôi Bảo Quang Tự có niên đại từ năm 1706, trải qua nhiều lần tôn tạo và mở rộng, đến nay, Chùa Ba Vàng đã trở thành “Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương", với diện tích lên tới hàng ngàn mét vuông.
Chùa mới có đặc trưng của các ngôi chùa Bắc Bộ, gồm 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung, gồm có các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Toà "Đại hùng bảo điện" (chùa chính) có quy mô nhất với kiến trúc 2 tầng. Chùa cũng sở hữu “chiếc trống độc mộc bằng gỗ đỏ nguyên khối lớn nhất Việt Nam” và nổi tiếng bởi khu giếng Ngọc không bao giờ cạn nước. Tương truyền, ai đến đây lễ Phật và uống dòng nước mát lành này sẽ được khỏe mạnh và gặp nhiều điều tốt lành. Chính vì thế, mỗi dịp đầu năm mới, đông đảo Phật tử lại hành hương về Chùa Ba Vàng, tự thưởng cho mình một ngụm nước trong vắt để tâm hồn thanh sạch, suốt năm bình an, may mắn.