1. Điều ngự Giác Hoàng với bài phú Cư trần lạc đạo
Theo Đại Việt sử ký toàn thư Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông “tên húy khâm sinh năm Mậu ngọ, Nguyên phong năm thứ 8, (1258) vào ngày 11, tháng 11 âm lịch, ngài là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu”[1], lúc mới sinh ra vua đã có tướng mạo tươi sáng, khí chất rạng ngời. Năm 16 tuổi, (1274) “tháng 12 sắc phong hoàng trưởng tử Khâm làm hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Hưng Đạo Đại Vương làm phi cho thái tử”[2]. Vua cha Trần Thánh Tông vô cùng yêu quý đã cho mời các bậc thầy danh tiếng có đạo đức trong kinh thành vào dạy học cho thái tử, vốn sẵn có tư chất thông minh thiên bẩm, lại hiếu học, nên chẳng bao lâu Điều ngự đã tinh thông kinh điển,thiên văn, binh pháp, âm luật, y thuật, không điều gì là không am hiểu sâu sắc.
Cư trần lạc đạo của đức Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từ lâu đã trở thành một triết lý sống động kết hợp đạo với đời, là biểu tượng trí tuệ tâm linh của thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Điều ngự đã thật khéo léo đưa đạo vào đời làm đẹp cuộc sống, đời đạo song toàn, Điều ngự như con chim đại bàng vương có hai đôi cánh đạo và đời cân xứng, mạnh khoẻ đẹp, và lộng lẫy đến lạ thường.
Trong cuốn Thánh đăng lục giảng giải của Hòa thượng Thanh Từ có ghi, “Ngài rất thông minh và hiếu học, có nhiều tài năng và xem hết các sách, thông suốt cả nội điển lẫn ngoại điển”[3].Tháng 10 năm (1278) niên hiệu Bảo Phù thứ 6, thái tử Trần Khâm lên ngôi vua kế thừa sự nghiệp của các bậc tiên đế, ông đã thực thi chính sách khoan hòa, thân dân, mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế, làm cho đất nước tiếp tục hưng thịnh.
Dưới thời Trần Nhân Tông, đất nước ta trải qua hai lần phải chống lại ý đồ xâm lược của quân Nguyên – Mông, lần đầu vào năm 1284, “tháng 7, Hốt Tất Liệt cử con trai Thát Hoan chính thức cầm quân đánh Chiêm Thành mà chủ ý là đánh Đại Việt”[4], trước sức ép và nguy cơ của cuộc chiến tranh cận kề, vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cho triệu tập hội nghị Bình Than, cùng các tướng lãnh bàn kế sách giữ nước, triệu tập hội nghị trước điện Diên Hồng “ban yến hỏi ý kiến các bô lão tiền bối và nhân dân cả nước nên đánh hay hàn. Các phụ lão đều nói“đánh”, muôn người cùng hô một tiếng như bậc ra từ một cửa miệng”[5], từ đây truyền đi tinh thần đoàn kết, nhân dân trăm họ đều là binh lính sẵn sàng chiến đấu, khí thế lẫy lừng không kém chi quân địch. Năm 1287 quân Nguyên tiếp tục phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông hỏi Hưng Đạo vương rằng: “giặc tới liệu tình hình thế nào?. Vương trả lời: “năm nay đánh giặc nhàn”[6], quả thật là như vậy, lời nói đầy tự tin của tướng quân có chút xem thường giặc ấy đã mang về chiến thắng huy hoàng cho đất nước. Năm 1288 trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Đại vương tập trung tất cả các đội quân lại đánh một trận thật lớn, “đánh từ giờ Mão tới giờ Dậu, tức từ sáng tới chiều thì chấm dứt”[7], quân giặc thua trận phần chết, phần gấp rút tháo chạy về nước. Chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng, chính thức kết thúc tham vọng bành trướng lãnh thổ của nhà Nguyên, “ba lần xâm lược là ba lần phơi giáp”[8].
Năm 1293 Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lui về làm thái thượng hoàng, mặc dù đã nhường ngôi cho con nhưng thượng hoàng vẫn bên cạnh, hướng dẫn cho vua trẻ trong việc trị nước an dân. Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại “tháng 8, năm 1920,
Điều ngự lại xuất gia vào tu ở núi Yên Tử”[9], ở đây ngài chuyên cần tu tập theo hạnh đầu đà, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, người đời sau tôn xưng là Phật hoàng Trần Nhân Tông hay Điều ngự Giác Hoàng.
Trong bối cảnh đất nước độc lập, nhà Trần muốn xây dựng một hệ tư tưởng Phật giáo thống nhất, cho phù hợp với xã hội và nhu cầu của con người, cũng là hoàn thành tâm nguyện thống nhất Phật giáo của ông nội và cha mình. Điều Ngự đã kết hợp tinh hoa của ba dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, cũng với những tín ngưỡng văn hóa dân tộc hình thành thiền phái Trúc Lâm, mang đậm bản sắc riêng của con người Đại Việt do chính Điều Ngự khai sáng và làm Sơ tổ của Thiền phái, với chủ trương nhập thế, tùy duyên tùy tục đẩy mạnh nền Phật giáo thế sự phục vụ cho con người và đất nước, đỉnh cao của thiền phái Trúc Lâm là chủ thyết Cư trần lạc đạo.
Theo học giả Lê Mạnh Thát, những gì còn lại trong toàn bộ trước tác của vua Trần Nhân Tông hiện nay chỉ gồm 32 bài thơ, 2 bài phú, 2 bài giảng, 2 đoạn ngữ lục, 1 bài văn xuôi và một số văn thư ngoại giao. Trong đó, Cư trần lạc đạo phú được sáng tác năm nào thì chưa rõ lắm, nhưng dựa vào hội đầu tiên, bắt đầu câu “mình ngồi thành thị nết dụng sơn lâm,Muôn nghiệp lặn an nhàn thể tính, nửa ngày rồi tự tại thân tâm” [10].
Căn cứ vào đây thì tác phẩm Cư trần lạc đạo phú này, có thể được sáng tác vào khoảng những năm sau đại thắng Nguyên Mông lần thứ ba, khi đất nước sạch bóng quân thù vua quan nhà Trần cũng rảnh rang chiến sự, công cuộc xây dựng đất nước được ổn định. Lúc này có lẽ Điều ngự đã có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác văn học, Cư trần lạc đạo phú có thể cũng được chấp bút trong khoản giai đoạn này. Tuy nhiên cũng trong bài phú này ở hội thứ 5 có đoạn, “Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng trong quê Hà Hữu, kinh xem ba biến, ngồi ngơi mái quốc Tân La. Lánh thị phi ghê danh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa, áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu tha”[11].
Và ở hội thứ 10 cũng có câu “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng âm thanh,chính thực cảnh đạo nhân du hý”[12], như vậy theo lời Điều ngự đây không còn là cảnh xa hoa vương giả chốn cung đình nữa, mà là một cuộc sống nơi núi rừng yên tĩnh.
Tới đây, có thể Điều ngự đã xuất gia và cư trú ở núi Hoa Yên, vậy thì bài phú Cư trần lạc đạo hẳn phải mất một thời gian khá dài để hoàn thành.
Theo Lê Mạnh Thát bản in xưa nhất của tác phẩm này, được in vào “năm 1745, do Sa di ni Diệu Liên vâng lệnh thầy mình in lại và bản gỗ lưu lại ở chùa Liên Hoa Thăng Long. Nó được in kèm theo Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang và Ngộ đạo nhân duyên kệ của Chân Nguyên”[13]
Toàn bài phú Cư trần lạc đạo gồm 10 hội và một bài kệ bằng chữ Hán, Điều ngự dùng thể loại phú để sáng tác có lẽ vì phú thường dùng để diễn tả cái đẹp, lấy sự vật hiện hữu mà nói lên tâm trạng và cảm xúc con người, xét về hình thức “lời văn của phú cốt ở tỉ mỉ đầy đủ. Xét về trình bày, cốt ở sự dồi dào, thiên về kỹ xảo”[14]. Điểm thú vị là thể phú từ xưa thường được viết bằng chữ Hán, nhưng trong văn học Phật giáo đời Trần phú được viết bằng chữ Nôm, điều này lại càng thể hiện tính độc lập tự chủ, tự cường của dân tộc.
Theo Nguyễn Tài Thư cho rằng “chữ Nôm là lối chữ được sản sinh ra và sử dụng chủ yếu ở các ngôi chùa, trên cơ sở vay mượn yếu tố chữ vuông Hán và phương tức cấu tạo của chữ Hán,nhưng vì chữ Nôm là thứ chữ dùng để ghi tiếng nói dân tộc, nên có khả năng phục vụ nhu cầu biên chép, sáng tác văn học của dân tộc”[15].
Sự xuất hiện của chữ Nôm trong giai đoạn này đánh dấu một bước phát triển lớn trên con đường tiến lên của lịch sử, càng làm đẹp cho nền văn hoá dân tộc thời kỳ độc lập, tự chủ.Mặc dù xuất hiện từ rất sớm nhưng mãi đến thời Trần, chữ Nôm mới thật sự được thịnh hành nhiều trong các văn bản, văn học, chiếu thư. Trên cương vị là vua của một nước, vừa là người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm Điều ngự đã dùng ngôn ngữ Việt để sáng tác thơ văn, nhằm truyền tải giáo lý đến gần với quần chúng nhân dân, qua đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về tư tưởng thiền, đường lối tu tập của Phật giáo.
2.Tư tưởng thiền trong bài phú Cư trần lạc đạo
Thiền phái Trúc Lâm ra đời là cả một quá trình vận động, nỗ lực không ngừng nghỉ của chư vị thiền sư, thiền gia. Theo Thích Phước Đạt trong cuốn “Thiền học Việt Nam”, cho rằng tư tưởng Cư trần lạc đạo đã manh nha từ thời Lý, “tiếp thu nhận thức “tùy tục” của thiền sư Trường Nguyên, thế hệ thứ mười phái Kiến Sơ, cùng những bổ sung của thiền sư Thường Chiếu, thế hệ thứ mười hai phái Kiến Sơ”[16]. Thừa kế tư tưởng đó đến thời Trần, vua Trần Thái Tông người được xem là nhà tiên phong, có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm. Dựa vào các bản kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm, Kim Cang, Kim Cang Tam muội Thái Tông chú giải lấy đó làm cơ sở “biện tâm”. Chủ trương Phật tại tâm của Phật giáo không chỉ dừng lại ở con người, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng đều có Phật tính. Từ cái nhìn rộng mở phóng khoán đó của Phật giáo, đã phần nào xóa đi sự ngăn cách giữa con người với con người, con người với thế giới ngoại tại. Chính tư tưởng ấy đã khẳng định ý thức độc lập của dân tộc cả về chính trị, lẫn tôn giáo, khiến cho nhân dân Đại Việt dưới thời nhà Trần, trên dưới một lòng sẵn sàng hy sinh làm tất cả vì lợi ích quốc gia.
Kế thừa tư tưởng Phật tại tâm, Tuệ Trung Thượng sĩ phát triển thành tư tưởng hòa quang đồng trần. Với triết lý sắc sắc, không không, “khi mê thấy không sắc, lúc ngộ hết sắc không. Sắc không và mê ngộ xưa nay lẽ tương đồng”[17], chính những tư tưởng ấy đã ảnh hưởng sâu sắt đến Sơ tổ Trúc Lâm, trong bài phú Cư trần lạc đạo, hình ảnh người đệ tử Phật tuyệt đẹp giữa cõi đời xô bồ vẫn an nhiên tự tại. Thân ở giữa hồng trần náo nhiệt mà tâm không vướng bận chút bụi trần, trên thực tế cuộc sống đức Điều Ngự cho thấy dù ở kinh thành gánh vác việc nước, vừa chăm lo đời sống nhân dân, lại vừa ráo riết chuẩn bị đối phó với cuộc chiến tranh Nguyên-Mông. Đứng trước tình thế xã hội đầy biến động, mà tâm người vẫn trong sạch, giữ bao rối ren phiền muộn của cuộc sống vẫn ung dung tự tại, “Trần Nhân Tông thân ở chốn cửu trùng mà xem ngôi vua như đối dép cỏ không một ý niệm tham đắm, vinh hoa phú quý tột bực mà không dính mắc”[18], thế gian, liệu có được bao nhiêu người là bậc đế vương ở ngôi cao chí tôn mà tâm luôn hướng về núi rừng tĩnh lặng, một vị vua lại thích đời sống thiền gia đạm bạc, là thiền sư mà làm tất cả mọi việc của bậc quân chủ, quả thật tư tưởng Cư trần lạc đạo của Điều ngự đã đưa Phật giáo vào cuộc sống như nước hòa với sữa, đạo pháp và dân tộc như một thực thể không thể tách rời.
Quan điểm Phật tại Tâm: Quan điểm này đã xuất hiện từ thời Phật còn tại thế, với câu nói nổi tiếng “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”, như vậy, chính đức Phật đã khẳng định rằng trong mỗi con người đều sẵn có tính Phật hằng hữu, mãi đến khi Phật giáo Đại thừa ra đời, trong kinh Pháp Hoa quan điểm ấy lại rõ ràng hơn với câu tuyên ngôn “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”. Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, chỉ vì phiền não tham ái che lấp nên không thấy được thể tính thanh tịnh của chính mình, người thì có phân biệt cao thấp, tốt xấu, giàu nghèo, Nam, Bắc nhưng tính Phật vốn không có Bắc, Nam.
Dưới thời Trần quan điểm Phật tại tâm một lần nữa được tái hiện, khi được vua Trần Thái Tông vận dụng vào trong đời sống một cách thiết thực sống động nhất. Ngay từ buổi đầu lên ngôi vua, Trần Thái Tông đã nhận được lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng, khi vua muốn bỏ ngai vàng lên núi để cầu làm Phật. Quốc sư bảo, “trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm, tâm lặng mà biết gọi là chơn Phật, nay bệ hạ nếu ngộ được tâm này thì tức khắc thành Phật, không nhọc tìm cầu bên ngoài”[19]. Vận dụng yếu chỉ ấy Trần Thái Tông đã lãnh đạo đất nước theo con đường mới với chủ trương, Phật tại tâm, mang tính chất bình đẳng, không phân biệt già trẻ, gái trai, nam nữ, giàu nghèo, xuất gia hay tại gia, bất cứ ai cũng có thể thành phật ngay trong đời sống hiện tại, muốn thấy Phật chẳng phải tìm kiếm ở một nơi nào đó xa xôi hư ảo, tìm Phật chính là tìm lại ngay bản tâm thanh tịnh của chính mình, tâm sáng trong thì Phật tính hiển lộ.
Một quan điểm nữa mà Quốc sư Phù Vân đã vạch ra cho vua Trần Thái Tông khi ở cương vị vừa làm vua, “Dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm”[20] dịch: Phàm làm đấng nhân quân, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình. Điều này vô cùng cần thiết cho một vương triều còn non trẻ, để thay thế triều đại cũ nhà Trần cần sự ủng hộ của nhân dân, nếu có được lòng dân ắt có được thiên hạ trong tay.
Trần Thái Tông dựa vào bản kinh Kim Cương và Kim Cương tam muội chú giải để phát triển, thành cơ sở lý luận cho những hoạt động Phật giáo và phục vụ trong đời sống xã hội, qua tư tưởng kinh Kim Cương nói lên tinh thần vô ngã, vô chấp, tất cả pháp đều là Phật pháp, vì không có chỗ trụ nên mới trụ được trên ý muốn và tấm lòng của thiên hạ. Không còn cái ngã riêng tư của mình, vua mới có thể xem ước muốn tâm tư tình cảm của nhân dân, như chính ước muốn của mình vậy. Chính tư tưởng ấy thiền phái Trúc Lâm đã tạo ra lớp người ưu tú, siêu việt, vừa là vua, vừa là thiền sư, thiền gia, ngộ đạo, lại cũng hết lòng cống hiến tài năng cho đất nước, bởi vì dù họ là ai, làm bất cứ việc gì, ở địa vị nào trong xã hội thì tính phật luôn bình đẳng hằng hữu trước mỗi cá thể con người.
Trần Thái Tông trong Niệm Phật luận đã nói “thân ta tức là thân Phật”, Tuệ Trung Thượng sĩ trong Thượng sĩ ngữ lục thì cho rằng “Phật và chúng sinh không khác nhau”. Đến Sơ tổ Điều ngự Trần Nhân Tông tiếp nhận yếu chỉ của những bậc tiền bối khai sáng, trong cư trần lạc đạo phú: “Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa, nhân khuấy bổn nên ta tìm bụt, đến mới hay chính bụt là ta”. Với một quan điểm như thế, hình ảnh của đức Phật trở nên bình dị gần gũi hơn với con người, Phật ở trong nhà như một người thân thích, lúc nào cũng ở cạnh chúng ta nên chẳng phải nhọc lòng chạy khắp Đông Tây tìm kiếm.
Tư tưởng tùy duyên tùy tục:
Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyên Lang “Phật giáo truyền vào Việt Nam vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch”[21]. Trước khi tiếp nhận Phật giáo, nước ta thời bây giờ vốn đã hình thành những tín ngưỡng văn hóa bản địa, là cư dân nông nghiệp lúa nước, họ vô cùng sùng bái và tôn thờ các đấng siêu nhiên, như thần sông, thần núi, thần biển, mây, mưa,sấm, chớp. Phật giáo muốn tồn tại và phát triển trên mảnh đất đa thần, đa tín ngưỡng này đã áp dụng tinh thần tùy duyên, tùy tục, nhiệt tâm xây dựng hình tượng Phật, mang dáng vóc và gương mặt người dân bản xứ. “Những vị thần người Việt tôn thờ, Phật giáo đã không loại trừ mà còn bao dung tiếp nhận họ vào trong hệ thống giáo lý tư tưởng, tạo cho những vị thần này có bộ mặt Phật giáo và Phật giáo có bộ mặt của người bản xứ”[22]. Phật giáo cứ như thế tồn tại trong lòng dân tộc như một tôn giáo bản địa, mà không hệ gặp phải sự đối kháng hay chống cự nào của nhân dân địa phương.
Tinh thần tùy duyên tùy tục được các nhà sư tiếp nối và xem đó như một phương tiện vào đời hóa độ chúng sinh, cống hiến hết mình cho dân tộc, dưới triều đại nhà Đinh, có thiền sư Ngô Chân Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng ban cho mỹ hiệu Khuôn Việt Đại sư, người có công phò giúp nước Việt. Dưới thời nhà Tiền Lê, có thiền sư Đỗ Pháp Thuận, ông được vua Lê Đại Hành vô cùng tôn kính, giữ trọng trách cố vấn việc nước cho vua, khi có xứ thần phương Bắc đến, thiền sư Pháp Thuận cải trang thành ông lão chèo thuyền tiếp đón xứ thần, kiến phương Bắc không dám xem thường nước ta. Cuối triều Tiền Lê, vua Lê Long Đĩnh hà khắt, bạo ngược thiếu đức, kém tài, lại đam mê tửu sắc khiến muôn dân lầm than trước tình thế đó, thiền sư Vạn Hạnh đã vận động quan lại triều đình cùng tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở ra một vương triều thuần từ nhất trong lịch sử nước nhà.
Qua những cống hiến trên cho thấy các vị thiền sư đều là những nhà tri thức lớn của dân tộc, có học vấn uyên bác tinh thông tam giáo, am tường sấm vĩ, vì tấm lòng yêu nước thương dân, vì vận mệnh quốc gia xã tắc, các vị thiền sư trên tinh thần tùy duyên tùy tục đã đảm nhận nhiều vai trò, trọng trách khác nhau theo nhu cầu của mỗi thời đại.
Nhà sư nhập thế tùy duyên tùy tục giúp đời là một hình ảnh đẹp, chứng tỏ bấy giờ đạo gắn liền với cuộc sống, Phật pháp với dân tộc. Đến thời Trần, các vị thiền sư, thiền gia, y cứ vào những bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa như: Hoa Nghiêm, Kim Cang, Kim Cang Tam Muội, Pháp Hoa…những bộ kinh trên hầu hết đều nêu cao tinh thần Bồ tát. Vì lợi ích của chúng sinh Bồ tát có thể làm bất cứ mọi việc, dùng mọi phương tiện thiện xảo tùy duyên hóa độ, tuy nhiên các vị Bồ tát dù làm nhưng không thấy mình làm, xong việc nhẹ nhàng ra đi.
Các vị thiền sư,thiền gia đầu thời Trần, như: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông, dù tại gia hay xuất gia đều tích cực nhập thế, tùy thời, tùy vào từng giai đoạn lịch sử yêu cầu mà có những đóng góp cống hiến cho đời cũng như cho đạo. Họ có thể làm tốt vai trò của nhà lãnh đạo, vai trò của vị tướng cầm quân xông pha chiến trận, cũng có thể là những nhà thơ, nhà ngoại giao, tùy vào khả năng của mình hết lòng phục vụ cho quốc gia xã tắc.
Tinh thần dung hợp: Dưới thời Trần, xã hội Đại Việt không chỉ bước vào thời kỳ phát triển độc lập tự chủ trên cương giới lãnh thổ, mà còn độc lập về chính trị, kinh tế văn hóa, tín ngưỡng, nhằm kết nối sức mạnh đoàn kết toàn dân cùng nhau xây dựng đất nước, trong bối cảnh đó, đòi hỏi phải có sự thống nhất về hệ tư tưởng.
Nhà Trần đã chọn thiền tông Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo đi vào đời sống thực tiễn, dựa trên sự dung hợp của ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, hợp nhất hình thành thiền Phái Trúc Lâm. Về phương pháp tu học, thiền phái Trúc Lâm cũng kế thừa, dung hợp các pháp môn của những thiền phái trước như: niệm Phât, tụng kinh, trì chú, sám hối, trì giới, hành thiền…“theo Trần Thái Tông để công phu thiền quán dễ tiến sâu vào định, cần phải hành trì giới luật”[23]. Ngoài ra, trong Niệm Phật luận Trần Thái Tông còn khen pháp môn niệm Phật là một phương pháp dễ tu, dễ thực hành, phù hợp cho mọi căn cơ trình độ.“Tinh thần thiền học Việt Nam là tinh thần dung hợp các thiền phái, dung hợp cả pháp môn tu tập Phật giáo, tịnh độ, mật giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian, rồi lại đi vào trong đời sống tu tập và sinh hoạt thiền”[24]. Nhờ tinh thần dung hợp các pháp môn tu tập mà Phật giáo thời Trần vô cùng sinh động, phong phú, phổ biến rộng rãi khắp nơi, bất cứ người nào cũng có thể ứng dụng tu tập, tùy vào căn cơ trình độ, không phân biệt tôn giáo, nơi chốn, thành thị hay núi rừng chỉ cần thấy tính là thấy Phật.
Thiền phái Trúc Lâm chủ trưởng dung hợp đạo đời, ở đời vui đạo, đạo không lánh đời, đời không bỏ đạo, cho rằng trong tâm có phật, bản thể chân như của mỗi người không khác biệt,Phật và chúng sinh, sinh tử và niết bàn, phiền não, bồ đề cũng không khác, chỉ đề cao sự giác ngộ tỉnh thức của tâm. Có lẽ chính tinh thần dung hợp, phóng khoán, không câu nệ,chấp chặt nên thời Trần đã sản sinh ra những con người thật đặt biệt, vừa làm vua, vừa làm Phật, vừa là tướng quân cũng là thiền gia đắc đạo, là một Nho sĩ cũng có thể là đệ tử của thiền gia cống hiến hết mình, dù ở vai trò nào họ đều làm tròn sứ mệnh của mình đối với xã hội.
Phật giáo tuy có vị trí vô cũng đặt biệt, có sức ảnh hưởng lớn đối với xã hội, là điểm tựa tinh thần cho triều đình phong kiến, mặc dù tôn sùng Phật giáo nhưng các vua Trần không xem Phật giáo là hệ tư tưởng độc nhất để lãnh đạo quốc gia. Với chủ trương dung hòa cân bằng ba tôn giáo lớn trong xã hội gồm, Phật, Nho, Đạo, nhà vua cho xây dựng chùa tháp khắp nơi, bên cạnh đó cũng xây đạo quán, đền, miếu, năm 1236 Trần Thái Tông cho lập Quốc tử viện dạy Ngũ kinh, cho con em các quan văn vào học, “năm 1253 Trần Thái Tông xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện học Tứ thư Ngũ kinh, năm 1281, lập thêm nhà học ở phủ Thiên trường”[25]. Mở khoa thi nho học, trong đó có cả khoa thi tam giáo, những nhà cầm quyền đầu thời Trần hầu như đều quy hướng theo Phật, tuy nói rằng ưu ái Phật giáo, những vẫn sử dụng đường hướng trị nước theo Nho gia, trọng dụng nhân tài, đãi ngộ sĩ phu mà không hề bó buộc họ phải theo Phật, bởi mỗi bên đều có cái dụng khác nhau.
Trong khuyến phát bồ đề tâm, Trần Thái Tông ghi lại “tuy nhiên nói thân mệnh đáng trọng những cũng chưa trọng bằng cái đạo tối cao. Khổng Tử nói sớm nghe đạo chiều chết được rồi, Lão Tử nói ta sở dĩ có điều lo lớn là vì ta có cái thân. Đức Thế Tôn quên mình cứu hổ, há chẳng phải ba bậc thánh nhân khinh thân mình mà trọng đạo đó sao”[26]. Trần Thái Tông đã nói lên điểm tương đồng của ba vị thánh nhân, đều vì cái lợi ích lớn mà quên đi cái lợi riêng tư cho bản thân mình, tôn giáo nào cũng đem đến lợi ích cho xã hội theo cách riêng của tôn giáo đó. Theo Trần Trọng Kim nhận định: “Tam giáo tuy có khác nhau ở chỗ lập giáo, và hành đạo nhưng lên đến chỗ cùng tột tuyệt đối thì gặp nhau ở chỗ lý tưởng cho nên vẫn dung nạp được nhau”[27]. Sách nhà Nho thì dạy sống nhân nghĩa, Lão giáo thì yêu muôn loài, nhà Phật giữ gìn giới sát sinh. Có thể thấy giáo lý của đức Phật dùng để khai thông trí tuệ, sáng rõ con đường sinh tử, còn bổn phận trách nhiệm của thánh hiền là đặt ra khuôn phép, kỷ cương làm ổn định trật tự xã hội. Trong bối cảnh đất nước cần tinh thần đoàn kết nhân dân, thiền phái Trúc Lâm ra đời, góp phần ổn định về tư tưởng, kết nối được toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh thời đại, đáp ứng yêu cầu lịch sử, xây dựng đất nước Đại Việt độc lập tự chủ trên mọi lĩnh vực.
3. Thay lời kết
Tác phẩm Cư trần lạc đạo của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông không chỉ có giá trị về mặt văn học thiền, mà tác phẩm còn ẩn chứa trong đó bài học sâu sắt cho con đường tu đạo. Tư tưởng sống đời vui đạo là minh triết siêu việt vượt ra khỏi thế tục, lạc đạo không phải chỉ ở mức vui mừng bình thường của cảm xúc, hay cái vui tạm bợ mong manh của kiếp người, mà lạc đạo của Điều Ngự chính là cảnh giới Niết bàn của Phật giáo.
Người học đạo muốn sống theo con đường của đức Điều Ngự phải nhìn nhận rõ ở đời vui đạo phải tùy duyên, chứng tỏ Phật giáo chưa từng chủ trương xa lánh cuộc đời để tìm đạo giải thoát, mà ở ngay chính cuộc sống hiện tại xem mọi chướng ngại, khổ đau, phiền lụy là chất liệu tôi luyện cho mình thêm bản lĩnh dù trong hoàn cảnh nào cũng tìm thấy niềm an lạc giữa cuộc đời. Không dừng lại ở vui đời chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa đó là vui đạo, vui đạo thì phải tùy duyên đói ăn, khát uống mệt ngủ liền, vậy để tìm thấy niềm vui với đạo không gì hơn là chính trong những hành động, thói quen mỗi ngày đó, nhưng người đã giác ngộ thì tùy duyên ăn uống ngủ nghỉ trong sự tỉnh giác, bởi vì chúng ta vẫn còn thân tứ đại thì vẫn còn những nhu cầu của một người bình thường chỉ là đối diện với nó ta không còn tâm đắm nhiễm.
Ngai vàng mà người đời đổ máu cũng muốn có được thì Điều ngự xem như đôi dày rách,trong đời sống dù ăn rau ăn trái cũng không ngại đắng cay, thân mặc vải thô, vải bố không cần màu sắt sặc sỡ chỉ cần trong lòng giữ được đạo đức thì nửa gian nhà tranh cũng quý hơn cả cung trời, người sống nhân nghĩa trước sau vẹn toàn thì ba phiến ngói cũng có giá trị hơn lầu son gác ngọc.
Tác giả:
Thích nữ Hạnh Hiển
Học viên lớp cao học Khóa V – Học viện PGVN tại TP.HCM
***
[1] Viện sử học (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, tr.44.
[2] Lê Mạnh Thát ( 2000) Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.36.
[3] Thích thanh Từ (1999), Thánh đăng lục giảng giải, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.103.
[4] Lê Mạnh Thát (2000), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.57.
[5] Viện sử học (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, tr.50
[6] Viện sử học (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Viện khoa học xã hội Việt Nam, tr.50
[7] Lê Mạnh Thát (2000), Trần Nhân Tông toàn tập, Nxb. TP. Hồ Chí Minh tr.147
[8] Vũ Văn Quân (chủ biên 2022), Vương triều Trần, Nxb. Hà Nội, tr.138
[9] Viện sử học (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội tr.77.
[10] Thích Nhất Hạnh (2017) Trái tim của Trúc Lâm Đại sĩ, Nxb. Phương Đông, tr.9.
[11] Lê Mạnh Thát (2000) Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. TP.HCM, tr.279.
[12] Thích Nhất Hạnh (2017) Trái tim của Trúc Lâm Đại sĩ, Nxb. Phương Đông, tr.208.
[13] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, Nxb. TP. HCM, tr. 271.
[14] Nguyễn Công Lý (2018), Văn học Việt Nam thời Lý Trần, Nxb. Đại học quốc gia, Tp HCM, tr.246.
[15] Viện sử học (2022), Tìm hiểu xã hội việt nam thời Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr.397.
[16] Thích Phước Đạt (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, tr.203.
[17] Viện Trần Nhân Tông (2019), Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, Nxb. Đại học quốc gia. Hà Nội, tr.356.
[18] Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên Thanh, Nxb. Khoa học xã hội, tr.181.
[19] Thích thanh Từ (1996), Khóa hư lục giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, tr.16.
[20] Viện văn học (1989), Thơ văn Lý-Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội, tr.27-29.
[21] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 1, Nxb. Phương Đông, tr.21.
[22] Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, tr.163.
[23] Thích Phước Đạt (2019), Trần Thái Tông và Khoa Hư Lục nhìn từ góc độ văn học, Nxb.Hồng Đức, tr.75
[24] Thích Phước Đạt, thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế, (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, tr.235.
[25] Viện sử học (2022) tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, tr.348.
[26] Viện sử học (1998), Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, tập 2, tr.63.
[27] Trần Trọng Kim, Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, tr.8.