Mẹ kính yêu của Con!
Thế là chúng con đã chính thức Mất đi người mẹ hiền yêu kính đúng vào Mùa Vu Lan và trong những ngày Hà nội thực hiện giãn cách XH. Mặc dù tất cả anh chị em chúng con đều đã chuẩn bị tâm lý về cuộc chia ly sinh tử này từ nhiều tháng trước, nhưng đến ngày Mẹ ra mãi mãi tim chúng con sao vẫn đau đến vậy….
Mẹ kính yêu! Giờ này, dù Mẹ đang ở một nơi nào đó thật xa và con không thể nhìn thấy được, nhưng con tin tình yêu của Mẹ vẫn mãi ở bên Con, ngồi bên con những lúc con tụng kinh và thầm ủng hộ những việc thiện con làm,… Mẹ vẫn luôn là vậy dù còn sống hay đã mất… Mẹ nhỉ???
Con từng nghe đâu đó nói rằng, cuộc đời như một chuyến tàu, và mỗi người chúng ta như một hành khách đi trên tàu, sẽ có người xuống sớm và có người xuống muộn. Trên con tàu đó, Mẹ con mình có nhân duyên gặp nhau ở trong cùng một toa tàu mang tên gọi Tình thân. Con có duyên được làm con của Mẹ, được Mẹ yêu thương, chăm sóc từ những ngày đầu bước chân vào nhà Mẹ.
Con nhớ mãi ngày đầu về làm dâu Mẹ, nhìn thấy cả cái thuyền Bát đũa đám cưới dành cho cô dâu mới…làm con giật mình hoảng hốt…., Ở nhà con chỉ học và học, có mấy khi phải rửa nhiều bát vậy đâu. Mẹ nhẹ nhàng kéo con đi chia tay Nhà gái về, cuộc nói chuyện chia tay dài đến nỗi mà khi quay lại, cả thuyền bát đũa đám cưới đó đã được mọi người rửa hết..
Hồi đó chưa biết đến Phật pháp, nên con rất thích ăn thịt, có món gì ngon Mẹ cũng phần con hết…. Biết con dâu thích ăn tôm bỏ đầu, mẹ nói: “ Con ăn cái thân đi, phần đầu đưa đây mẹ ăn cho, ăn đầu Tôm cho có canxi….”. Con dâu có thói quen ăn ổi không bao giờ ăn hạt, mẹ gọt hết phần hạt mẹ ăn, còn phần cùi dành con, mẹ nói “ con này dốt quá, phần ruột ngọt thế mà không ăn”; nhà có đĩa thịt gà thì trong bát con luôn là phần đùi, cổ cánh mẹ dành hết …Mãi sau này con mới biết, không phải mẹ thích ăn đầu tôm, ruột ổi, cổ cánh gà đâu mà vì Mẹ thương con và tích kiệm nên mới vậy….
Sau này khi con được học Phật, con đã hiểu rằng, việc được làm con của Mẹ là do nhân duyên mà có, được Mẹ yêu thương, quan tâm, khuyến tấn con làm việc thiện cũng là cái phước mà không phải ai cũng có được, chắc nhân duyên của Mẹ con mình cũng có từ nhiều đời nhiều kiếp nên khi gặp lại là thấy gần gũi, quý mến đến vậy. Từ hồi con ăn trường chay, thương con công việc bận rộn, sợ con ăn không đủ chất, nên thỉnh thoảng mẹ lại lặn lội đi 2-3 chuyến xe bus lên nhà Ông bà thông gia mang trứng lên cho con dâu ăn. Trứng mẹ bao giờ cũng chia thành 2 túi, 1 túi có trống cho các cháu và 1 túi trứng gà không trống cho con, mẹ cẩn thận đánh dấu X vào từng quả trứng, cất vào tủ lạnh kèm theo lời dặn: “ nhớ ăn uống cho đầy đủ vào, mày dạo này gầy lắm rồi đấy”….
Nhớ ngày con sinh 2 bạn Tôm, Nghé, bạn nào Mẹ cũng lên ở nhà ông bà thông gia mấy năm liền, chăm sóc các cháu để con trai, con dâu yên tâm công tác. Mẹ làm hư con đấy mẹ có biết không? bao nhiêu việc nhà mẹ dành làm hết, từ quét nhà, giặt quần áo cho đến chăm cháu. Nhớ thỉnh thoảng, mẹ lại nói đùa rằng : “ chẳng biết Tôm Nghé là con Trang hay con mẹ nữa…”
“ Ầu ơ, công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồi chảy ra”,
Con người có tổ có tông, Như cây có cội như sông có nguồn…Ầu ơ”
Nhờ có Mẹ mà con trai, con gái con được lớn lên trong tình yêu thương ấm áp bên lời ru của Mẹ.
Mẹ kính yêu!!!
Nhớ Vu Lan năm trước tại một ngôi chùa nhỏ bên Hưng Yên, được Sư cô quan tâm nên cả nhà mình đã tổ chức một lễ Vu Lan thật ý nghĩa và ấm áp. Lúc đó, mẹ đã khóc , Mẹ nói cả đời mẹ chưa bao giờ được tặng quà ngày Vu Lan cả, chưa bao giờ được cài hoa hồng lên áo nên Mẹ xúc động lắm ( mặc dù Mẹ cũng là Phật tử thuận thành, cũng đi chùa nhiều năm)…
Thỉnh thoảng cuối tuần về với Mẹ, con lại kể cho Mẹ nghe những Bài pháp con được học về cuộc đời Đức Phật, về các vị Thánh đệ tử của Ngài, những bài học về Bố thí, về Vô thường …, chẳng biết mẹ có thích không nhưng ai đến nhà chơi mẹ cũng khoe: “ Con Trang nhà tôi có trí nhớ tốt, nó kể chuyện rất hay..” rồi mẹ hăng say kể lại những câu truyện con kể. Mẹ còn khuyên con sử dụng giọng đọc của mình tham gia các chương trình từ thiện đọc sách cho người khiếm thị, Mẹ nói, đó cũng là một pháp tu Bố thí.
Những ngày mẹ trên giường bệnh, con lóng ngóng chẳng làm được gì nhiều ngoài việc đọc truyện cho mẹ nghe: câu truyện về Ngài Cấp cô độc trước khi mất, rồi những giây phút cuối đời của Đức Thế Tôn, của Ngài MahaBasaba đề, ai mà chẳng đến lúc chết phải không Mẹ?
Vô thường, vô ngã là những bài học hết sức cơ bản, ai rồi cũng phải đến lúc ra đi. Sinh, lão, bệnh khổ là quy luật muôn đời, khi vừa sinh ra thì lập tức hướng về phần mộ của mình mà thẳng đến. Có thân thì đừng mong không già, không bệnh, không chết, nên con chỉ mong muốn những giây phút cuối của cuộc đời Mẹ được đi về với Phật một cách nhẹ nhàng, không sợ hãi, không hối tiếc. Sinh – tử thì có gì đâu phải buồn, cái thân này chỉ là phương tiện thôi, cũ rồi thì mình thay đi như thay chiếc áo mới phải không Mẹ?
Ngày Mẹ mất, anh chị em chúng con buồn lắm, đau lắm nhưng dặn nhau kìm lòng không được khóc, khóc là ảnh hưởng đến những giây phút quan trọng của Mẹ. Nuốt nước mắt vào trong, cùng nhau niệm Phật, cầu cho mẹ được vãng sinh về cảnh giới an lành. Và dù ở cảnh giới nào, quốc độ nào mình cùng hẹn gặp lại nhau để đền ơn Tam Bảo, đền ơn quốc gia dân tộc. Chúng con cũng sẽ tiếp tục hành trang còn đang dang dở của Mẹ, tinh cần sớm tối, tụng kinh niệm Phật, cùng nhau sống thật tốt và làm nhiều việc thiện để hồi hướng các công đức lành này đến Mẹ kính yêu và những người Cha, người mẹ đã quá vãng của chúng con trong vô lượng kiếp. Với con, đây cũng là cách báo hiếu, đền ơn Tứ thân phụ mẫu hiện tiền và quá vãng, đền ơn đất nước mà mỗi người con có thể làm không chỉ mỗi dịp Vu Lan về.
Tạm biệt Mẹ kính yêu!!!
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀM LIÊN BỒ TÁT MA HA TAT
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀM LIÊN BỒ TÁT MA HA TAT
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀM LIÊN BỒ TÁT MA HA TAT
PT Trần Thị Thu Trang - PD Diệu Thê