MÙA VU LAN – CẢM NIỆM VỀ MẸ !
’’Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe ai’’
Tiếng hát tha thiết vang lên của Thượng tọa Thích Minh Quang trong ngày đại lễ Vu lan được truyền hình trực tiếp năm nay. Lời hát cứ vang vọng mãi trong trái tim con, cứ da diết trong con. Cũng như bao người con khác con được hạnh phúc có Mẹ, xong cũng khác với những người mẹ khác Mẹ của con chính là người cha cũng là người mẹ nuôi nấng dạy dỗ chúng con nên người. Mẹ đã thay người cha hy sinh vì tổ quốc để nuôi dạy các con. Trong những ngày vu lan tháng bẩy này với hoàn cảnh đại dịch covid đang hoành hành trong nước và khắp toàn thế giới, hơn khi nào hết con hướng về sự biết ơn Tổ quốc, ơn thầy, ơn đồng loại và cũng không quên hướng về mẹ, cảm niệm sâu sắc về người mẹ kính yêu!
Người mẹ kính yêu của con năm nay đã tròn chín mươi tuổi, tóc đã bạc trắng. Nét nhăn trên khuôn mặt của mẹ cũng đi cùng năm tháng. Mặc dù vậy nhưng mẹ vẫn toát lên vẻ đẹp của tuổi già, viên mãn cùng con cháu. Từ khi con còn nhỏ cho đến hôm nay mái tóc con đã điểm bạc, trong trái tim con mẹ luôn là hình ảnh cao đẹp nhất. Mẹ là quê hương, là bóng mát, là hy sinh, là che chở, mẹ là tất cả. Suốt cuộc đời chỉ sống vì các con. Mẹ đã cô đơn trong những ngày tháng chiến tranh, cuộc sống vợ chồng chỉ được tính bằng tháng. Rồi một ngày nào đó tin người chồng đã hy sinh anh dũng tại chiến trường phía Nam của Tổ quốc đến với Mẹ. Để lại tuổi thanh xuân cùng ba đứa con thơ dại. Một đứa không biết mặt cha, cha không biết mặt con. Mẹ sống trong lặng lẽ, nén đau thương chăm chỉ sớm chiều chu toàn việc xã hội, chăm chút các con học hành khôn lớn. Có câu hát : ’’hai mươi năm mẹ nuôi con một mình...’’ nhưng mẹ đã suốt đời nuôi con một mình, vì các con. Sống trong một mái nhà thôn quê với dăm ba thước ruộng, cấy gặt, rau cháo nuôi con qua ngày, chắt chiu từng hạt gạo củ khoai. Nhìn ba đứa con tranh nhau ăn mà lòng mẹ cảm nhận được sự hạnh phúc bình an.
Chiến tranh tàn khốc, cả nước dốc lòng vì miền Nam thân yêu, mẹ đã mang những hạt gạo cuối cùng, những cọng rau muống phơi khô để gửi chi viện cho những chiến sĩ ngày đêm bảo vệ tổ quốc nới chiến trường phía Nam. Khi không còn người chồng yêu thương trên đời, thì những sẻ chia trên với mẹ là cả một tấm lòng vĩ đại. Một câu hát về mẹ mà con đã từng liên tưởng tới người mẹ của mình ’’ tay bồng con thơ tay chống giặc giữ nhà...’’ và ’’ Tuổi trẻ mẹ tôi không được đi xa nên trong lời ru mẹ ước cánh cò bay lả bay la, mẹ mong con khôn lớn để mẹ chắp cánh con bay xa...’’. Con đã đọc được suy nghĩ của mẹ bằng những hình ảnh một người mẹ sáng dậy sớm giục con học hành, nấu cho con từng nắm mì củ khoai để con yên dạ đến trường. Mẹ còn dạy cho chúng con yêu tổ quốc yêu đồng bào, kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận. Những khi trái nắng trở trời chỉ có mình mẹ chạy ngược chạy xuôi lo thuốc cho con. Mẹ chính là vị bác sĩ tuyệt vời nhất của các con, bên các con ru các con giấc ngủ ngon lành. Những lúc thiên tai bão gió mẹ gồng mình che chở cho các con trong mái nhà tranh xiêu vẹo đổ nát. Phải chăng cả cuộc đời của mẹ chỉ dành trọn cho các con tất cả. Tình yêu của mẹ dành cho các con không bao giờ cạn. Ba lần sinh nở là ba lần chịu bao nhọc nhằn vất vả. Từ khi con chào đời và trưởng thành là cả một quãng thời gian dài dằng dặc chỉ có mẹ và các con. Những lúc vô tình con thấy mẹ ngắm nhìn ba chị em con, con bỗng cảm thấy được ở bên mẹ thật an toàn và ấm áp. Những khi con đi xa về hoặc bắt đầu đi mẹ luôn đến tận cửa nhìn con. Những nẻo đường con đi qua, luôn cõng lên lưng một đôi mắt như một mảnh bùa bình an, ’’ Mẹ của tôi nhiều đêm không ngủ dõi theo bước đường con hành quân xa...’’. Mẹ đã như vậy trong suốt cả cuộc đời trưởng thành của các con.
Trong cuộc sống không tránh khỏi được sự khó khăn vấp ngã, mẹ cắn răng chịu đựng, mẹ nuốt nước mắt vào trong để chăm con, sợ con gục ngã, sợ con đau. Nhưng con biết khi màn đêm buông xuống mẹ lại nằm thở dài, trằn trọc và nước mắt mẹ lại rơi. Lúc đó con cũng nằm khóc theo mẹ mà không biết phải nói gì. Là người con gái lớn trong gia đình con thấu hiểu được sự vất vả hy sinh của mẹ. Con luôn có ý thức thay mẹ thay cha gồng gánh công việc trong gia đình để có thể báo hiếu đền đáp công lao của mẹ một cách tốt nhất.
Giờ đây con đã được làm mẹ, làm bà, trên đầu con tóc đã điểm bạc, con hiểu được tình cảm của mẹ đã hy sinh cả cuộc đời để dành cho các con. Con thấy con thật hạnh phúc khi có mẹ ở trên đời. Dù khó khăn, dù gian khó con đều giấu kín trong lòng, không phải vì con bất hiếu không sẻ chia với mẹ mà vì con đang thương mẹ hơn bao giờ hết. Con muốn trên khóe mắt của mẹ không còn chỗ cho những giọt nước mắt của những thời chiến tranh, thời khó khăn mà mẹ đã trải qua.
Con mong rằng những ngày còn lại, mẹ là niềm hạnh phúc, niềm tự hào của con. Đúng là tình thương của mẹ dành cho con như nước suối trong nguồn không bao giờ cạn kiệt. Suốt đời mẹ đã chỉ biết sống hy sinh cho tổ quốc cũng như các con của mẹ : ‘’ Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình’’. Cũng là đoạn kết của bài hát ‘’ Bao la tình mẹ’’ mà con đã gửi trọn tấm lòng, cảm xúc để hát dự thi trong mùa thi Vu lan báo hiếu năm nay.
Vì cuộc đời là vô thường, ai biết được một ngày nào đó con không còn có mẹ trên đời, cho nên báo hiếu cho cha mẹ là báo hiếu hàng ngày, báo hiếu cả khi cha mẹ còn trên đời cũng như cha mẹ đã quá vãng. Khi cha mẹ còn sống chúng ta phải thành kính vui vẻ phụng dưỡng chăm lo cho cha mẹ bằng tất cả yêu thương về vật chất cũng như tinh thần. Ngoài ra nên tìm cách để cha mẹ được quy y Tam bảo, tôn kính Tam bảo, hỗ trợ nghe pháp cũng dường, tụng kinh niệm phật... Với người quá vãng tùy theo duyên, căn cơ, hoàn cảnh để thực hiện tâm cung kính chân thành nhất. Chúng ta nên học tập theo gương Đức Phật, Ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên. Mang tâm thành ủng hộ sự phát triển của đạo phật, làm việc thiện, cũng dường tam bảo, phóng sinh, tu phúc, làm mười điều thập thiện, để hồi hướng cho đất nước, cho cha mẹ hiện tiền và cha mẹ đã quá vãng.
Là người phật tử, được học giáo lý của Đức Phật, được tham gia học lớp Phật học trực tuyến, được tham dự trực tiếp các khóa tu hàng ngày con đã hiểu chữ hiếu trong Đạo Phật và thấy rõ :’’ Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật ’’. Nhận thức được về tứ trọng ân : ơn tổ quốc, ơn đấng sinh thành, ơn thầy và ơn đồng loại. Trong tình hình đại dịch covid cũng là cơ hội để chúng ta thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến Tổ quốc, đến đồng loại. Lớp Phật học trực tuyến chúng con đã chung tay ủng hộ những phần quà vào công tác phòng chống dịch bệnh, con cũng đã vinh hạnh làm được điều này.
Mùa Vu lan năm nay đang diễn ra với nhiều cung bậc cảm xúc. Đây cũng là mùa Vu lan thứ hai diễn ra trong bối cảnh dịch covid đang hoành hành phức tạp trong nước cũng như toàn thế giới. Thể hiện tinh thần đạo hiếu tứ trọng ân trong đạo Phật. Ân trời đất, ân quốc gia, ân thầy tổ, cha mẹ, ông bà, ân đồng bào xã hội. Những chuyến xe ân tình chở đầy nhu yếu phẩm đã đến tận tay vùng dịch. Đã có biết bao Tăng, Ni cởi áo cà sa ra tuyến đầu chống dịch. Bao phật tử cũng đóng góp công, hỗ trợ công tác phòng dịch vì ba chữ ’’ nghĩa đồng bào’’. Các buổi trực tuyến mùa Vu lan năm nay đã lan tỏa được ý nghĩa :’’ tình người trong đại dịch’’. Thấy được giá trị cốt lõi của Đạo Phật. Như lời Đức Phật dạy rằng : ’’ này các Tỳ kheo, nếu một người biết ơn và đền ơn, thì dù sống xa Ta ngàn dặm vẫn như đang ở bên cạnh Ta. Còn người không biết ơn và không đền ơn, thì dù ở bên cạnh Ta cũng giống như cách xa Ta ngàn dặm’’. Con cũng không ngoại lệ, cảm xúc của con dâng trào khi nghe Thượng tọa Thích Minh Quang cất tiếng hát về mẹ. Con mạo muội có vài lời cảm niệm về mẹ, xin Quý Thầy lượng thứ, các Đạo hữu hoan hỷ. Cuối cùng con nguyện mang công đức này hồi hướng cho cha mẹ quá vãng, cửu huyền thất tổ được siêu sinh về cõi lành. Con lại cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền, gia đình con cùng tất cả thế gian mau chóng qua được đại dịch. Cầu cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc !
Nam mô đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát !
Nam mô hoan hỷ tạng Bồ Tát Ma Ha Tát !
Phật tử: Trần Thị Thu Hà - Pháp danh: Hoa Đức