Không biết từ bao giờ, vào những ngày tháng 7 âm lịch, trải dài khắp đất nước mọi người đều thành kính bước vào mùa Vu Lan - mùa báo hiếu, mùa tri ân, báo ân. Lễ Vu Lan không chỉ là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Lễ Tự tứ mùa An cư Kiết hạ), ngày Tết của các Thầy mà còn là dịp để nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con, làm cháu; đồng thời cũng truyền đi thông điệp nhân văn của cuộc sống “Mở lòng với mọi người xung quanh để yêu thương nhau nhiều hơn” hay là nhắc nhở chúng ta về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc.
Tuy nhiên, ắt hẳn nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng ngày Lễ Vu Lan chỉ dành cho người lớn, những người trưởng thành nhưng không… trẻ con cũng giống như những trang giấy trắng, khi chúng ta gieo vào các con những gì thì nó sẽ hình thành thói quen sau này cho các con như vậy. “Gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Tuy rằng chữ “Hiếu” chữ “Đức” không thể nào giảng bằng lời ngày một, ngày hai mà trẻ có thể hiểu ngay được nhưng chúng ta lại có thể từng bước từng bước, dùng những cách khác nhau để dạy cho các con hiểu.
Bài học đầu tiên, ta dạy cho trẻ biết kiên nhẫn, biết nói lời cảm ơn tới mọi người xung quanh, biết xếp hàng chờ đợi đến lượt của mình, biết cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ, biết nói lời xin lỗi khi mình sai,... Chẳng hạn như việc thông qua một buổi thưởng trà, các con sẽ hiểu thêm được một chút thế nào là tình, thế nào là nghĩa, thế nào là đức, thế nào là văn,... trong cuộc sống, trong nét văn hoá và trong cách ứng xử của con người dành cho nhau. Và hơn tất cả, các con đều nhận ra một điều cỏ cây cũng có tâm hồn!
..và hơn tất cả, các con đều nhận ra một điều cỏ cây cũng có tâm hồn!
Bài học thứ hai, thông qua Bông hồng cài áo, chúng ta dạy cho trẻ sự biết ơn, biết thương mẹ kính cha. Bởi cuộc đời vốn vô thường! Có những bạn ngày hôm nay còn có cả cha và mẹ, được đeo trên ngực bông hồng đỏ nhưng Vu Lan năm sau, vẫn em bé ấy, bông hồng đỏ đã thay bằng bông hồng trắng!.
Cuộc đời vốn vô thường! Nên hãy biết trân trọng và yêu thương những gì chúng ta đang có
Và để có được độc lập tự do như ngày hôm nay, để có được hòa bình như hiện tại thì đã đánh đổi bằng rất nhiều công lao, xương máu của ông cha ta. Vì vậy ở bài học thứ 3, ta dạy trẻ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không chỉ gói gọn hàm ý đến ơn tình mẫu tử, phụ tử mà rộng hơn là tri ân bốn nguồn ân đức: Ân Cha Mẹ sinh thành dưỡng dục; Ân thầy cô truyền đạt, mở mang tri thức, dạy bảo ta lên người, Ân quốc gia thủy thổ tài bồi đã dựng xây, gìn giữ nước nhà và tri ân cả đến chúng sinh muôn loài đã cung cấp bao nguồn sống cho chúng ta.
Ngày lễ Vu Lan giờ đây chúng ta cũng còn có thể dạy trẻ hiểu theo một nghĩa khác Vu Lan - Ngày Lễ văn hóa tình người lớn nhất trong năm “Lá lành đùm lá rách”, ngoài tri ân ra, chúng ta còn phải biết chia sẻ, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Vu Lan 2021 - lễ Vu Lan mang tính xã hội rộng rãi, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ mà còn là mùa yêu thương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Cuối cùng, chúng ta dạy cho trẻ biết yêu thương muôn loài. Hết thảy muôn loài đều bình đẳng. Đều xứng đáng được nhận sự yêu thương và lòng từ bi.
Cuối cùng, chúng ta dạy cho trẻ biết yêu thương muôn loài bởi một tâm hồn lớn được nuôi dưỡng từ những bài học rất nhỏ
Muốn xây dựng một tâm hồn lớn thì ngay khi còn nhỏ, chúng ta cần dạy trẻ những bài học từ những hành động nhỏ. Bởi những bài học về tình người, tình thương, sự chia sẻ tuy nhỏ nhưng lại giúp trẻ tu được về “Đức”. Vì nếu một người chỉ có “Tài” mà thiếu đi “Đức” thì cũng vô dụng, giống như chỉ có cái vỏ hào nhoáng bên ngoài còn bên trong trống rỗng. “Tài” đi đôi với “Đức”, có cả hai ắt sẽ thành công.
Xin được dành tặng những cô bé, cậu bé - những học trò thân thương của cô
PT Bảo Anh - PD Diệu Quế