Một chữ thương
Đã gần bốn tháng trôi qua kể từ khi làn sóng đại dịch lần thứ tư càn quét tại Việt Nam. Với biến chủng mới, độ nguy hiểm cao đã làm cho người dân Việt Nam rơi vào cảnh lao đao chưa từng có. Trong đó nặng nề nhất vẫn là Thành phố Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế, nơi ôm trọn vòng tay của hàng triệu dân lao động tứ xứ đổ về.
Những bệnh nhân cứ mãi tăng dần đều, vài chục, vài trăm cho đến vài ngàn. Những con số thật biết làm đau lòng người. Những bệnh viện dã chiến cứ thế mà lập nên như nấm mọc sau mưa, các khu cách ly dần rơi vào trạng thái quá tải. Chỉ thị 15, 16 cứ liên tiếp nối đuôi nhau, chỉ mong chúng ta lại chiến thắng đại dịch như những lần làm được trước đây. Người dân lao động vốn phụ thuộc vào những đồng lương ít ỏi, nay ở nhà suốt mấy tháng trời đã làm cho tình cảnh Thành phố mang tên Bác đượm buồn hơn bao giờ hết. Người ta vẫn thường nói nhau rằng, thành phố này là nơi dễ sống, chẳng phân biệt một ai, cứ vậy mà cùng nhau phát triển. Ấy vậy mà đứng trước cơn đại dịch khủng khiếp, Thành phố lại mắc bệnh nặng đến như vậy. Bao người vì thế mà lao đao, con mất cha, vợ mất chồng, ông bà mất đi cháu. Một tình cảnh thật thê lương, chua xót biết bao!
Nhưng có lẽ vì cái tình đồng bào đã ăn sâu vào máu mủ của người dân Việt. Thành phố gặp khó khăn thì người dân khắp nơi ở cả nước đều hướng về, chung một lòng cùng nhau vượt qua đại dịch. Những chuyến xe chở rau củ chục tấn đến hàng trăm tấn không kể ngày đêm mà lăn bánh vào tâm dịch, mang theo tấm lòng yêu thương của tất cả mọi người. Cầm trên tay bó rau, cọng hành mà người dân Sài Gòn ấm lòng biết bao, ngay lúc này tình cảm là thứ động lực mạnh mẽ nhất để người dân cùng nhau vượt qua giai đoạn đau thương này.
Rồi những cây ATM gạo, ATM khẩu trang cứ thế mà mọc lên mà chẳng cần một lời kêu gọi nào cả. Người ta vẫn thường nói rằng một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thật vậy, những món quà có thể giá trị không nhiều nhưng nhận được thì ấm lòng biết bao, vì nhận ra rằng bản thân mình đứng trước những khó khăn vẫn còn được quan tâm, san sẻ từ cộng đồng.
Đặc biệt hơn hết, bản thân con thật hạnh phúc biết bao khi Phật giáo là một trong những tôn giáo đi đầu trong công tác san sẻ yêu thương, hỗ trợ đến bà con khó khăn, vùng dịch. Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi hoàn cảnh, những vị Tăng, Ni đứng trước tình cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy. Đã sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu cùng các y bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh. Gần đây là hình ảnh mười vị Sư tăng Nam Định tình nguyện vào Nam hỗ trợ phòng chống dịch. Hình ảnh ấy làm người Phật tử như con thật ngưỡng mộ và cảm động biết bao. Khi xưa chiến tranh loạn lạc, các vị Tăng Ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào”, nay vào thời điểm dịch bệnh, hoàn cảnh khác, thế hệ khác nhưng tấm lòng mãi không thay đổi, sẵn sàng “cởi áo cà sa khoác đồ bảo hộ”. Những ân tình ấy thật cao quý, tốt đẹp biết nhường nào.
Các tự viện trên khắp thành phố cũng đề nghị, góp lòng để làm bệnh viện dã chiến, phục vụ các bệnh nhân. Những bếp ăn thiện nguyện, không đồng cứ thế mà đỏ lửa ở nhiều ngôi chùa. Những suất cơm nóng hổi lặng lẽ lan tỏa không ngơi nghỉ đến mọi ngõ ngách trong thành phố. Thành phố tuy bệnh nặng thật đấy nhưng tấm lòng không vì thế mà ảnh hưởng. Cùng chung tay góp sức tạo nên kì tích trong hành trình vượt qua đại dịch Covid - 19.
Giờ ngồi đây, viết những dòng này mà bản thân con thật trân quý những giây phút hiện tại, vui được mình còn thở, còn được đoàn viên cùng với gia đình. Ngoài kia vẫn còn rất nhiều y bác sĩ, những tình nguyện viên vẫn ngày đêm chung sức cứu giúp các bệnh nhân. Những vị Tăng, Ni vẫn luôn cống hiến không ngơi nghĩ. Vì tình thương, vì cộng đồng mà dấn thân, phụng sự chung tay cùng đồng bào. Tấm lòng ấy thật đẹp, thật rạng rỡ, mong sao tình yêu thương ấy sẽ lan tỏa, đồng hành cùng tất cả người dân Thành phố vượt qua cơn đại dịch khó khăn này. Sẽ sớm thôi, Thành phố sẽ lại khỏe, chúng ta rồi lại đoàn viên, sum họp, những cái ôm, cái chào nhau không cần khẩu trang lại xuất hiện. Cầu chúc tất cả mọi người sẽ luôn bình an, vững chắc niềm tin vì một ngày mai tươi sáng. Trân trọng và biết ơn những tấm lòng.
PT Nguyễn Nhật Thái PD Quang Hỷ