Kính bạch quý thầy
Kính thưa quý Phật tử
Sau đây con xin gửi lá thư này đến mẹ con. Con xin cảm ơn mọi người lắng nghe con nói lên những tình cảm của mình dành tặng mẹ mùa vu lan.
Mẹ thân yêu của con!
Thật ra khi đặt bút viết những dòng thư này con chẳng hình dung được mình sẽ viết điều gì, chẳng phải vì không có gì để nói với mẹ chỉ là con chợt nhận ra rằng những điều mẹ đã làm, đã hy sinh vì gia đình mình nhiều quá, cao cả quá đến nỗi ngòi bút của con cũng không kể hết được. Mười tám năm con có mặt trên đời là mười tám năm mẹ hy sinh cả thành xuân và trao hết thảy tình yêu thương của mình cho con.
“Nhọc nhằn mẹ chẳng tiếc thân
Gánh đời mẹ quẩy vai trần vẫn mang
Những đêm lệ ướt hai hàng
Thương con mẹ nhận muôn vàn thương đau”
Dòng thơ trên con dành tặng mẹ, tặng mẹ những chi ân vì cả đời mẹ đã thầm lặng hết lòng vì con.
Con còn nhớ những ngày thơ còn bé, con vô lo, vô nghĩ đã không ít lần khiến mẹ phải buồn. Con gái hư quá mẹ nhỉ? Ương bướng, cướng đầu, mẹ nói chẳng chịu nghe. Những lúc ấy, mẹ mắng nhưng con biết mẹ chẳng trách con đâu vì mẹ thương con nhiều lắm, mẹ yêu con hơn chính bản thân mình. Tình cảm đó khi lớn lên con mới rõ, con tự trách bản thân sao quá vô tâm mãi không hiểu được lòng mẹ.
Cả một đời, mẹ lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, quan tâm con từ những điều nhỏ nhất. Những đêm con bệnh sốt, mẹ thức thâu đêm trông con. Lúc nào cũng vậy, trong cơn sốt mê man khi tỉnh giấc con cũng thấy mẹ ở đây rồi. Mẹ ôm con thật chặt như muốn thu hết về mình những khó chịu, mệt mỏi của con. Mẹ biết không? Khi ấy, nhìn gương mặt lo lắng khẽ nở vụ cười an ủi con của mẹ, con hạnh phúc lắm, mẹ à! Vì con biết khi có mẹ ở bên chăm sóc, dìu dắt sẽ chẳng có mệt mỏi, khó khăn nào con không thể vượt qua.
Viết đến đây con lại thấy thương và cảm thông cho những người không có, không còn mẹ thật nhiều. Bởi chính con đã từng lo sợ mỗi khi nghĩ về điều đó mẹ ạ! Nếu một ngày con không còn mẹ, con chẳng thể tưởng tượng được mình sẽ sống tiếp thế nào. Năm con bước chân vào lớp 10, đó là khoảng thời gian con lo sợ nhất. Không phải vì con lo việc học tập khó khăn mà bởi khi đó là lúc gia đình mình biết mẹ mang trong người một căn bệnh rất nguy hiểm. Con biết khoảng thời gian ấy mẹ mệt mỏi, suy sụp rất nhiều. Mẹ hay quát mắng, gắt gỏng với chúng con hơn. Có những lần con buồn, giận đến phát khóc vì lời mẹ nói: “Sau này tôi chết, thì mấy đứa sống thế nào? Lớn rồi, học cách mà tự lo cho bản thân mình đi chứ. Lúc nào cũng dựa dẫm vào tôi, mai này tự lo thế nào”. Con đã khóc mẹ à! Con khóc không phải gì con tức giận với câu nói của mẹ mà con giận chính bản thân mình đã luôn ỷ lại vào sự bao dung, chở che, quan tâm vô điều kiện ấy, con lớn nhưng vẫn vô lo vô nghĩ khiến mẹ phải gồng mình lo toan hết mọi việc trong gia đình, để mẹ chịu đựng vất vả chẳng ngày nào được vui. Con khóc vì con sợ, con sợ lời mẹ nói sẽ thành sự thật, bệnh của mẹ sẽ trở nặng và mẹ sẽ ra đi mãi mãi, lúc ấy con phải sống thế nào, mẹ ơi!
Mẹ biết không, con gái mẹ lúc ấy lo sợ nhiều, cũng quyết tâm nhiều lắm! Con đã tự hứa với lòng mình phải học thật tốt, phải làm thật nhiều để mẹ được an lòng. Con tự nhủ rằng: Tốc độ thành công của bản thân phải nhanh hơn tốc độ già đi của ba mẹ. Và con đã làm được. Con học tốt hơn, trưởng thành hơn. Tuy thành tích không quá cao nhưng con biết mẹ đã vui mừng lắm. Con cũng chăm chỉ đi làm thêm phụ giúp gia đình để mẹ bớt phần nào gánh nặng. Mẹ nói mẹ tự hào về con nhiều nhưng mẹ biết không, những điều con làm, con đạt được đều nhờ có mẹ. Mẹ chính là động lực để con cố gắng hơn mỗi ngày.
Con cũng nhớ những ngày ôn thi cuối cấp, áp lực thi cử lớn con tập trung hết sức vào học tập, thức đêm cũng nhiều hơn. Con biết mẹ lo lắm, ngày nào mẹ cũng hỏi con “Mấy giờ học xong vậy con? Có đi ngủ sớm không?”. Những câu hỏi ấy ngày nào mẹ cũng lặp lại khiến nó trở thành một thói quen của con từ bao giờ. Dù phải trả lời nhiều lần một câu hỏi nhưng con không thấy phiền đâu vì con biết mẹ hỏi là do mẹ quan tâm, lo lắng cho con. Ngày đó, con thường nói dối mẹ “Con học xong sớm, đi ngủ sớm mẹ đừng lo”. Mẹ đừng trách con mẹ nhé! Nói dối vì con không muốn mẹ phải bận lòng mà mất ngủ, lại ốm nhiều. Con biết nói dối là tội rất lớn nhưng mẹ ơi, những tội lỗi ấy con chấp nhận mang nếu đổi lại được cho mẹ cuộc sống an yên, hạnh phúc.
Ngày con nhận kết quả trúng tuyển đại học, cả nhà mình ai cũng mừng nhưng con biết mẹ là người hạnh phúc nhất, cũng là người lo lắng nhiều nhất. Mẹ lo cho con phải đi học xa nhà sẽ thiệt nhiều, lo con không biết tự chăm sóc bản thân, sợ con còn khờ dại và xã hôi ngoài kia thì nhiều cám dỗ quá. Hôm phải xa nhà đi học, mẹ dặn con nhiều điều, chuẩn bị trước cho con đủ thứ. Con chỉ trả lời qua loa, chẳng để tâm nhưng rồi sau này nghĩ lại, lời mẹ dặn thật chẳng thừa.
Cuộc sống sinh viên khó khăn hơn con tưởng tượng mẹ ạ. Con phải tự lập mọi thứ không giống như ở nhà có mẹ chăm lo. Ở thành phố đông đúc, nhộn nhịp dòng người, xe cộ tấp nập, thế sao, con vẫn cảm thấy cô đơn, tủi thân. Con nhớ khi học phổ thông, đi học về khuya, mẹ thấp thỏm chờ con trước cổng. Còn giờ đây, khi con về lại căn phòng bé nhỏ, một mình gặm nhấm nỗi cô đơn. Con nghĩ về mẹ như niềm an ủi. Con làm về trễ đâu ai mong ngóng, hỏi han, cũng chẳng có ai sợ con đói rét giữa đường. Nghĩ đến đó là con nhớ mẹ vô cùng. Nhưng con chẳng dám điện về vì sợ mẹ thêm lo, đêm dài lại mất ngủ. Có những hôm trở bệnh chỉ có một mình, con phải tự mua thuốc, tự nấu cháo, con lại nhớ những ngày ở nhà có mẹ chăm, được mẹ ôm vào lòng những lúc ốm khi đau. Tủi thân nhiều lắm, mẹ ạ! Nhưng rồi mọi việc con đều vượt qua vì con luôn có mẹ. Dẫu ở xa nhà, ngày nào cũng vậy mẹ luôn gọi điện hỏi han con đã ăn cơm chưa? Nay học môn gì? Đi làm thêm có mệt không? Ngủ sớm đừng thức khuya con nhé! Mẹ vẫn luôn ở bên những khi con cần nhất. Con gái mẹ giờ đây đã trưởng thành nhiều mẹ đừng chỉ lo cho con, mẹ ạ!
Mẹ biết không, khi con theo học khóa tu trên chùa, thầy dạy: Trong bữa cơm gia đình, người mẹ thường để con cái ăn những phần thức ăn ngon, còn mình ăn những phần thức ăn bình thường. Về nhà con để ý mẹ, con thấy lời thầy nói thật đúng. Hóa ra, bấy lâu nay, con cứ tưởng mình vốn được nuông chiều, nhưng giờ con đã hiểu đó là tình thương, là sự hy sinh vì con cái.
Theo học lớp Phật học trực tuyến và các khóa tu, con càng hiểu ý nghĩa mùa vu lan thật ấm áp, con càng hiểu hơn công ơn cha mẹ cao biết nhường nào. Mẹ biết thầy dạy con thế nào không? Thầy dạy: “Nếu ai đó đổi cả địa cầu lấy tính mạng của mình, mình có đổi không? Tất nhiên mình không đổi, vì không thứ gì quý giá hơn mạng sống. Nhưng cha mẹ lại chính là người cho ta sinh mạng ở trên đời, nuôi nấng ta khôn lớn trường thành”. Thầy lại hỏi: Người thầy lớn nhất trong cuộc đời ta là ai? Chúng con cứ ngơ ngác cả. Hóa ra người thầy ấy lại chính là cha mẹ. Con ngẫm đúng thật. Con được cha mẹ dạy lẫy, dạy bò, dạy đi, dạy nói… dạy đủ mọi thứ trên đời. Đến giờ này con vẫn được cha mẹ dạy dỗ bảo ban. Nhưng con cũng thấy mình quá thờ ơ khi ngày 20 tháng 11 mà không biết tặng mẹ một cành hoa.
Mùa vu về, các Bác cán sự lớp bảo viết thư cho mẹ. Con cứ ngại ngùng không biết con nên viết thật không, có gì đó con cảm thấy bối rối. Nhưng rồi con suy nghĩ: Làm sao phải ngại, làm sao không dám nói cảm xúc thật của mình cho cha mẹ. Cha mẹ hy sinh, yêu thương con hết mực và thể hiện hằng ngày chăm sóc, yêu thương con mà con lại không dám thể hiện cảm xúc. Vì vậy, con viết những lời này, là những cảm xúc của con gửi đến mẹ. Và mẹ ơi, con muốn nói với mẹ: “Con rất yêu mẹ”
Vu Lan, kính tặng mẹ ngàn đoá hồng,
PT Nguyễn Thị Kim Thoa - PD Diệu Huệ