VAI TRÒ PHẬT GIÁO TRONG ĐỊNH HÌNH HỆ TƯ TƯỞNG QUỐC GIA, GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG Ở CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Ngày đăng: Thứ 6 , 18/04/2025 11:26 .
Ở các nước Đông Nam Á lục địa, Phật giáo là tôn giáo chính và có ảnh hưởng đối với nhiều mặt trong đời sống. Dựa trên cơ tầng văn minh nông nghiệp, các nước đã tiếp thu chọn lọc, sáng tạo những tinh hoa của văn hóa Ấn Độ (trong đó có Phật giáo) để làm giàu, phong phú thêm văn hóa dân tộc khi Đông Nam Á và Ấn Độ có sự giao lưu, tiếp xúc, tiếp biến văn hóa.
Tại khu vực này, nếu Islam giáo là tôn giáo chiếm đa số tín đồ ở các nước hải đảo (như Indonesia, Malaysia, Brunei) thì ở các nước Đông Nam Á lục địa (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan), Phật giáo đóng vai trò quan trọng.
Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, Phật giáo dù có lúc thăng lúc trầm song ít nhiều đều có đóng góp trong việc định hình hệ tư tưởng chính thống và gắn kết cộng đồng trong một môi trường có nhiều sự đa dạng và khác biệt về văn hóa, tôn giáo.


I. PHẬT GIÁO LÀ HỆ TƯ TƯỞNG THỐNG NHẤT QUỐC GIA

Lịch sử hình thành nhà nước trên thế giới nói chung và ở các nước Đông Nam Á nói riêng cho thấy: hầu như quốc gia nào cũng dựa trên một nền tảng tư tưởng để gắn kết cộng đồng và thống nhất quốc gia. Trường hợp Nho giáo ở Trung Quốc; Hindu giáo ở Ấn Độ; Công giáo ở châu Ấu, Islam giáo ở Trung Đông… là những ví dụ điển hình[1].



Đối với đạo Phật, từ khi du nhập vào Đông Nam Á lục địa (khoảng thế ký III TCN)[2] với tính khoan dung và nhân văn cao đã trở thành nhân tố để người đứng đầu vận dụng trong quản lý và điều hành “bộ máy” nhà nước. Khá nhiều vị vua mộ đạo, uyên thâm Phật giáo, thông hiểu giáo lý, kinh điển Phật pháp. Xuất phát nhu cầu phát triển của chính bản thân đạo Phật và sau đó là lợi ích quốc gia, Phật giáo đã kết hợp với vương quyền, trở thành “quyền lực mềm” cho việc xây dựng hệ tư tưởng quốc gia, thống nhất khối đoàn kết toàn dân.
Lịch sử Đông Nam Á trung đại từng chứng kiến vận mệnh của Phật giáo gắn liền với sự hưng vong của nhiều triều đại. Khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao. Khi độc lập chủ quyền mất đi, Phật giáo cũng chịu chung số phận cùng đất nước.

I.1 Phật giáo ở Campuchia



Nhìn lại dòng chảy của Phật giáo, chúng ta thấy tôn giáo này hầu như gắn liền với chính quyền trung ương tới mức có thời kỳ (thời kỳ trung đại) là sự “đồng nhất” tương đối giữa vương quyền và thần quyền. Nhiều vị quốc vương sùng bái đạo Phật và họ vừa là vua, vừa là phật tử: “Quốc vương là tượng trưng cho người ủng hộ duy trì tôn giáo và là người ủng hộ Phật giáo có hiệu lực nhất”[3] (vua Javarman VII, 1181 - 1219). Thời cận đại (1884 - 1953), thực dân Pháp chiếm đóng và xâm lược, Phật giáo có phần suy giảm vai trò. Song, khi hiệp nghị Giơnevơ được ký kết vào tháng 07 năm 1954, người Pháp kết thúc sự thống trị gần 90 năm ở Campuchia thì với tình hình mới, chính phủ Campuchia tiếp tục sự nghiệp củng cố, xây dựng và phát triển đất nước trên nền tảng của Phật giáo . Vì vậy, “không có gì lạ khi tất cả các giai cấp cầm quyền Campuchia ở mọi thời đại, đều nắm lấy tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, coi đó là liều thuốc hiệu nghiệm để điều hòa mâu thuẫn, hòa giải xã hội. Hiện nay, các Đảng phái Chính trị ở Campuchia như Đảng Nhân dân Campuchia (CPP); Đảng Renxi đều ủng hộ và đề cao Phật giáo… Không một Đảng phái nào muốn thu phục, tập hợp đông đảo quần chúng lại dám đơn phương hạ thấp vai trò của Phật giáo”[4].
Ở thời điểm hiện tại, số người theo Phật giáo chiếm hơn 90% dân số [5]. Trong lịch sử hơn 2.000 năm kể từ khi du nhập, tuy có lúc thăng lúc trầm nhưng với triết lý mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc, Phật giáo vẫn luôn khẳng định vai trò và vị thế trong đời sống: “Phật giáo đã gắn liền với sự hưng vong của vương quốc Campuchia, khi quốc gia cường thịnh, Phật giáo được phát triển đến đỉnh cao, còn khi độc lập chủ quyền đã bị mất thì Phật giáo cũng chịu chung số phận với đất nước. Sự có mặt của Phật giáo Campuchia đã góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Ngày nay, Phật giáo vẫn là nền tảng văn hóa - xã hội của đất nước Campuchia” [6].

I.2 Phật giáo ở Lào



Từ nửa sau thế kỷ XII, Phật giáo đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng để phát triển nền văn hóa dân tộc. Đồng thời, cũng là nhân tố để liên kết các mường Lào. Vào triều đại Sulinha Vông Sa (1637 - 1694), Phật giáo phát triển đến đỉnh cao và vương quốc Lạn Xạng trở thành một trong bốn trung tâm Phật giáo lớn trên bán đảo Trung - Ấn.

Vua Phạ Ngừm và các vị vua kế tiếp là những người mộ đạo. Trong giai đoạn trị vị đất nước, họ đều có những nỗ lực nhằm củng cố và phát triển đạo Phật. Đến lượt mình, Phật giáo với tính nhân văn cũng đã tích cực đóng góp cho dòng chảy văn hóa dân tộc và trở thành sức mạnh tinh thần to lớn mỗi khi đất nước gặp gian nan. Chính sức mạnh tiềm ẩn ấy, khi Pháp tiến hành xâm lược quốc gia Vạn Tượng này, “chúng đã thất bại hoàn toàn trong chính sách nô dịch về văn hóa… Các ngôi chùa Lào vẫn là nơi nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và phát triển nền văn hóa dân tộc Lào”[7].
Hiện nay, ở Lào tồn tại 4 tôn giáo chính: Phật giáo là tôn giáo chính được đông đảo nhân dân Lào tôn thờ; Công giáo; Islam giáo và đạo Bahai. Trong đó, số người theo Phật giáo chiếm tỷ lệ 66,17%,  Công giáo 2,55% và các đạo khác 31,28 % [8]. Như vậy, Phật giáo vẫn là tôn giáo lớn ở xứ sở này. Trên cơ tầng văn hóa nông nghiệp lúa nước và các tín ngưỡng bản địa, Phật giáo được dân tộc hóa, thế tục hóa, trở thành nhân tố có nhiều đóng góp cho đời sống, xã hội của đất nước Vạn Tượng.

I.3 Phật giáo ở Myanmar



Kể từ khi du nhập vào bằng con đường hòa bình, trong suốt thời kỳ cổ trung đại, Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa, dần thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của người dân Myanmar, được mọi tầng lớp nhân dân tiếp nhận nồng nhiệt.
Giai đoạn thế kỷ X - XVIII, Phật giáo đóng vai trò nhất định trong nhiều phương diện của đời sống. Sau đó, vào thời cận hiện đại, khi Myanmar bị thực dân Anh xâm chiếm, Phật giáo lại đồng hành cùng người dân nơi đây trong quá trình đấu tranh giành độc lập. Chính sự đóng góp tích cực và vai trò chủ đạo của  Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo tiền đề để các nhà lãnh đạo sau này kế thừa và phát huy giá trị của Phật giáo trong thời đại mới, bắt đầu từ thời kỳ tổng thống Unu (1948).
Sau khi giành độc lập từ Anh, năm 1948, Unu lên cầm quyền. Từ thời tổng thống Unu, Phật giáo phát triển mạnh. Là phật tử thuần thành, là vị hộ pháp, có bổn phận bảo vệ Chính pháp, tổng thống Unu cố gắng phục hưng Phật giáo bằng thanh tịnh hóa thiền môn, nỗ lực phát triển đạo Phật. Tháng 09/1959, tại Đại hội của Liên đoàn “Trong sạch”, Thủ tướng cam kết nâng Phật giáo thành quốc đạo. Vào năm 1960 khi vận động tranh cử, ông vẫn nhắc lại cam kết đó với các cử tri. Khi trở lại nắm thực quyền, ông dần hiện thực hóa các cam kết [9].
Ngày 17/07/1961, Chính phủ thông qua sửa đổi Hiến pháp đã ghi rõ: “Phật giáo là tôn giáo của đa số công dân Miến Điện, là tôn giáo quốc gia qua hai điều bổ sung là Điều 21 và Điều 23”[10]. Kèm theo đó, Quốc hội ban hành “Đạo luật về tôn giáo quốc gia” quy định người lao động được nghỉ việc trong những ngày lễ của Phật giáo. Đạo Phật cũng được đưa vào giảng dạy tại nhiều trường học các cấp. Trên đài phát thanh truyền hình, nhiều chuyên đề Phật giáo được mở ra nhằm phổ biến kiến thức Phật học sâu, rộng trong toàn thể nhân dân[11].
Trong quá khứ, Phật giáo Myanmar từng phát huy vai trò trong việc duy trì xã hội hòa bình, ổn định, phồn thịnh. Những thập niên cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế XX (1885 - 1948), là giai đoạn có nhiều biến động trong xã hội Myanmar. Cùng chung số phận với hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác, Myanmar chịu sự thống trị của chủ nghĩa thực dân Anh, sau là phát xít Nhật.
Những biến động đó, tác động không nhỏ đến sự phát triển của Phật giáo Myanmar. Song, suốt giai đoạn này, Phật giáo vẫn gắn bó mật thiết với xã hội Myanmar, Phật giáo - Tăng già đã kết hợp tinh thần Phật giáo với tinh thần dân tộc trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, có những đóng góp to lớn cho đời sống xã hội Myanmar.
Hiện nay, Myanmar không còn bị các thế lực ngoại bang xâm chiếm thì Phật giáo lại nổi bật với vai trò kết nối các thành phần trong xã hội, vốn tồn tại những bất đồng sâu sắc về mặt sắc tộc và tôn giáo. Bởi Myanmar được biết đến là quốc gia đa sắc tộc. Hơn 135 sắc tộc cùng tồn tại với nhiều ngôn ngữ và tập quán khác nhau, kết hợp với sự chia cắt lãnh thổ, đã khiến cho vấn đề sắc tộc ở nước này trở thành bài toán nan giải. Tuy nhiên, sự thống nhất trong một tôn giáo chung - Phật giáo đã là chất xúc tác để những cá nhân trong cộng đồng dân tộc Myanmar xích lại gần nhau, tìm kiếm một nền dân chủ thực sự.

I.4 Phật giáo ở Thái Lan



Ở Thái Lan, triều đại Sukhothai (1237 - 1350) trong thời vua Ram Khamheng (vị vua thứ 3 của triều đại Sukhothai) nắm quyền là giai đoạn thịnh trị và phát triển rực rỡ. Ngay từ lúc lên ngôi, ngoài việc chấn hưng văn hóa giáo dục, nhà vua đã tích cực truyền bá sâu rộng Phật giáo trên phạm vi toàn đất nước.
Nhà vua với lòng mộ đạo sâu sắc, muốn lấy Phật giáo làm tư tưởng, đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn của đạo Phật. Có một tấm bia đá đã mô tả tinh thần mộ đạo của thần dân lúc bấy giờ: “người Sukhothai thường bố thí, trì giới và cúng dường. Nhà vua Sukhothai, ngài Ram Khamheng cùng các quan chức đại thần và nhân dân, không kể nam nữ, đều tín ngưỡng Phật giáo. Thời kỳ an cư, mọi người đều trì giới; trong vòng một tháng sau khi an cư, làm việc công đức cúng dường. Lúc bấy giờ, Sukhothai là trung tâm Phật giáo lớn. Tất cả mọi người đều cố gắng làm theo nhưng điều đức Phật răn dạy. Nhà vua coi mình như một môn đồ trung thành của đức Phật”[12].
Ở giai đoạn này, bên cạnh vua Ram Khamheng thì vua Lithay cũng rất tâm huyết với Phật giáo và có nhiều chính sách phát triển đạo Phật. Ông là người am hiểu kinh kệ, giáo lý, tin sùng đạo Phật. Đương thời, ông cũng cho xây dựng nhiều chùa tháp, đúc tạc tượng Phật, khuyến khích tăng nhân nghiên cứu Kinh tạng. Chính ông là người đã sáng tác bộ “Tray Phum” (3 thế giới) - một bộ sách khổng lồ về vũ trụ quan, nhân sinh quan Phật giáo Thái Lan.
Trong thời gian trị vì đất nước, ông cũng đã nhiều lần thỉnh các vị cao tăng từ Srilanka đến Sukhothai đề hoằng dương Phật pháp, cải cách và bổ sung giáo lý. Có văn bia ghi chép về ân đức của vị vua này như sau: “Đức vua rất hiểu thấu nỗi khổ của dân chúng. Thấy người đói, đức vua cho gạo, thấy người nghèo, đức vua cho tiền, khi bắt được những kẻ mưu hại đức vua thì đức vua không bao giờ giết hoặc đánh chết. Sỡ dĩ, đức vua kiềm chế được sự giận dữ của mình, sở dĩ đức vua thương yêu mọi người là vì đức vua muốn thành Phật, muốn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử” [13].
Vậy nên, Phật giáo ngay thời kỳ đầu của lịch sử Thái Lan đã có những thành tựu nhất định, làm cơ sở cho sự phát triểu của các thời kỳ sau. Cũng từ thời điểm ấy, số người xuất gia và tin theo Phật giáo ngày càng gia tăng. Một chế độ quản lý Tăng đoàn với các chức tước như: Tăng vương, Tăng già tôn trưởng, Đại trưởng lão, Thượng tọa cũng ra đời. Sự ra đời của Tăng tước (do nhà vua sắc phong) là một minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo thời kỳ Sukhothai.
Nhìn lại toàn bộ tiến trình phát triển của lịch sử Thái Lan, Phật giáo có lúc thăng lúc trầm song vẫn là tôn giáo chi phối đời sống văn hóa người Thái. Nhiều người đã nhận ra: “Bức tranh tôn giáo, tín ngưỡng Thái Lan thật đa dạng, nhiều sắc thái nhưng gam màu chủ đạo, chiếm ưu thế tuyệt đối và chi phối gần như toàn bộ bức tranh đó là màu vàng của áo cà sa nhà Phật dòng Tiểu thừa Nam tông” [14].
Từ những buổi đầu lập quốc đến nay, trải qua hơn mấy trăm năm tồn tại và phát triển, Phật giáo vẫn luôn là hệ tư tưởng chính của người Thái Lan dù bức tranh tôn giáo nước này khá đa dạng. Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh từng nói: “Hầu như người dân Thái Lan đều theo Phật giáo và không có một tôn giáo nào lại bén rễ sâu, có ảnh hưởng lớn với sự tồn tại lâu bền ở đất nước này như tôn giáo của đức Phật” [15]. Quả thật, không bằng cách nào và làm thế nào để có thể nào phủ nhận được vai trò của Phật giáo trong đời sống Thái Lan.
Đến hôm nay, tại Thái Lan, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng. Số người theo tôn giáo này chiếm khoảng 90% dân số[16].
Tại các nước Đông Nam Á lục địa, ở Campuchia và Myanmar còn chủ trương xây dựng “nhà nước xã hội chủ nghĩa” dựa trên nền tảng tư tưởng Phật giáo gọi là mô hình “chủ nghĩa xã hội Phật giáo”. Chủ nghĩa xã hội Phật giáo là một ý thức hệ chính trị có nội dung ủng hộ chủ nghĩa xã hội dựa trên các lý thuyết của Phật giáo.
Chủ trương của những người theo chủ nghĩa xã hội Phật giáo là kêu gọi và đấu tranh cho việc xóa bỏ hoặc giảm bớt phân biệt giai cấp, cho việc cung ứng những nhu cầu cấp thiết về thực phẩm, nhà ở, thuốc men, quần áo của người dân, củng cố các giá trị luân lý dựa trên giáo lý nhà Phật và giúp đỡ người dân vượt qua được sự tham lam về của cải vật chất. Những cá nhân được đánh giá là người theo chủ nghĩa xã hội Phật giáo có thể kể đến như Bhimrao Ambedkar, Buddhadasa Bhikkhu, S. W. R. D. Bandaranaike, Hàn Long Vân, U Nu[17] (U Nu là thủ tướng dân sự đầu tiên của Miến Điện sau khi đất nước giành được độc lập, ông cũng là tín đồ trung thành của Phật Giáo rất tôn sùng chủ nghĩa Mác. Thủ tướng U Nu đã vận dụng triết lý đạo Phật và triết học Macsxit để quản lý chính quyền nghị viện dân chủ đa đảng và lãnh đạo Liên bang Miến Điện trong suốt thời gian từ năm 1948 đến 1962)[18] và Norodom Sihanouk [19].
Ở Myanmar, cách đây hơn 50 năm, tổng thống Unu (1948 - 1962) là người nhiệt thành và chủ ý xây dựng mô hình “chủ nghĩa xã hội Phật giáo”[20]. Trong bài diễn văn ngày 18/12/1951 tại trụ sở công đoàn Miến Điện, ông cho rằng: “lựa chọn của Miến Điện là kết hợp xây dựng chủ nghĩa xã hội với đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo. Chủ nghĩa xã hội mang lại đầy đủ về vật chất, phục hưng Phật giáo mang lại niềm tin giải thoát. Triết học Mác - xít không đối lập với tôn giáo, mà cùng bàn về các việc trần thế và tìm cách làm thỏa mãn nhu cầu vật chất cuộc sống. Triết học Phật giáo gắn với giải pháp về các vấn đề tinh thần”[21].
Trên tinh thần đó, năm 1960, Unu lãnh đạo khối Phật giáo, đắc cử vẻ vang, thành lập chính phủ dân sự. Tháng 10/1962, ông đưa ra dự thảo đạo luật lấy Phật giáo làm Quốc giáo. Để trấn an những tôn giáo khác, ông chủ trương tự do tôn giáo, triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Năm 1980, trường Đại học Phật giáo được thành lập tại Yangon và Mandalay. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Phật giáo vẫn luôn đồng hành cùng người dân Myanmar trong giải quyết những vấn đề nội bộ quốc gia cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế: bệnh dịch, nghèo đói, ô nhiễm môi trường, xung đột tôn giáo - sắc tộc…
Phật giáo là nhân tố gắn kết cộng đồng không chỉ biểu hiện ở: là hệ tương tưởng thống nhất quốc gia mà còn là sợi dây “ràng buộc” người dân bởi vì có chung niềm tin tôn giáo. Với tính chất ấy, Phật giáo trở thành nhân tố gắn kết cộng đồng người trong một  quốc gia có sự đa dạng về tôn giáo và sắc tộc. Hay nói cách khác: “Tôn giáo có khả năng liên kết. Họ có chung một niềm tin, cùng bị ràng buộc bởi giáo lý, giáo luật; cùng thực hiện một số nghi thức tôn giáo và những điểm tương đồng khác. Sự liên kết giữa các cộng đồng cùng tôn giáo chặt chẽ và lâu bền”[22].


II. PHẬT GIÁO LÀ NHÂN TỐ GẮN KẾT NỘI BỘ TRONG MỘT QUỐC GIA



Trong nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, Phật giáo với hệ thống triết lý đồ sộ cùng các nghi thức hoàn chỉnh - đã thẩm thấu sâu đậm trong cộng đồng các dân tộc Đông Nam Á lục địa. Do vậy, đạo Phật giáo trở thành điểm hội tụ về lối sống, phong tục tập quán của người dân. Nền tảng giáo lý của Phật giáo đã góp phần chuyển tải những chuẩn mực, giá trị luân lý đạo đức đời thường như “từ bi hỷ xả”, “cứu khổ, cứu nạn”, “vô ngã vị tha” trong đồng bào các dân tộc Đông Nam Á.
Thế giới quan, nhân sinh quan của Phật giáo cùng những giá trị đạo đức cao cả ẩn chứa dường như thấm nhuần trong tư tưởng, phong cách sống của người Đông Nam Á, tạo nên tương quan gắn kết nhuần nhuyễn giữa đạo và đời.  Sự gắn kết cộng đồng dựa trên nhân tố Phật giáo dược thể hiện ở một số phương diện sau đây:

II.1 Vai trò của ngôi chùa

Chùa ở các nước Đông Nam Á lục địa vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là nơi kết nối văn hóa truyền thống dân tộc. Ngoài chức năng tôn giáo, chùa cũng đặc biệt chú trọng mở rộng sự quan tâm cho các hoạt động xã hội, phục vụ đời sống cộng đồng, đặc biệt là đời sống tâm linh.



Tại khuôn viên các ngôi chùa, ngoài nơi thờ Phật ở chính điện và các công trình phục vụ cho hoạt động nghi lễ tôn giáo cũng như đời sống tu hành của sư sãi còn có các công trình khác thiết thực cho việc tu học và các hoạt động sinh hoạt của đồng bào. Phòng học là không gian phát triển văn hóa, giáo dục, là nơi dạy chữ cho con em các dân tộc. Thư viện là nơi lưu giữ kinh Phật, thư tịch cổ và các tư liệu văn hóa, xã hội phục vụ nhu cầu tu tập, đọc sách của đồng bào.
Chùa còn là ngôi từ đường chung của phum, sóc. Nhiều thế hệ người dân Đông Nam Á lục địa gắn bó với ngôi chùa từ khi sinh ra đến khi kết thúc cuộc đời. Khi sống, họ học tập và sinh hoạt văn hóa trong chùa. Đến lúc chết, họ được hỏa táng trong chùa, tro cốt gửi vào trong chùa, thân xác và linh hồn của họ đều gửi gắm nơi linh thiêng đó.
Như vậy, ngôi chùa không đơn giản chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nhân tố quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa mang đậm dấu ấn Phật giáo, là điểm hội tụ, là cầu nối liên kết Phật giáo với cộng đồng. Hệ thống chùa tại các nước Đông Nam Á lục địa khá đồ sộ. Ở Campuchia, cho đến thời điểm này có khoảng 4.843 ngôi chùa[23]; ở Lào có gần 5.000 ngôi chùa; ở Myanmar có gần 4.000 ngôi chùa và ở Thái Lan có hơn 40.000 ngôi chùa.

II.2 Vai trò của lễ hội mang dấu ấn Phật giáo

Là những cư dân thuần nông, lễ hội có ý nghĩa quan trọng đối với người Đông Nam Á lục địa.Về mặt cấu trúc, lễ hội gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội. Cho nên lễ hội vừa có tính thiêng và tính thế tục. Đó là hình thức sinh hoạt mang ý nghĩ tâm linh tinh, thần song cũng có tính giải trí. Đặc điểm này khiến lễ hội có sức hút lượng lớn sự tham gia của cộng đồng trong xã hội.



Sau những tháng ngày lao động vất vả, lam lũ, dân làng chờ đón ngày hội như chờ đón tin vui. Họ đến lễ hội hoàn toàn tự nguyện, ngoài vui chơi, gặp gỡ bạn bè, mọi người đến dự đều cảm thấy như mình được thêm một cái gì đó, có thể mang lại may mắn. Lễ hội cũng là dịp dể con người bày tỏ niềm tin và sự biết ơn của mình đối với đấng thiêng liêng.
Trong ý nghĩa ấy, Phật giáo với tư cách là thành tố của văn hóa đã đan xen vào các lễ hội truyền thống. Lễ hội tại chùa là biểu hiện sâu sắc của Phật giáo trong việc gắn kết cộng đồng. Mốt số lễ hội tiêu biểu của người dân Đông Nam Á lục địa là: Lễ hội Chôl Chnăm Thmây ở Campuchia; lễ hội Bun Phạ Vệt và Bunpimay ở Lào; lễ hội Thingyan ở Myanmar; lễ hội Songkran và Phra - Wết ở Thái Lan.
Thời điểm hiện tại, không khí lễ hội vẫn diễn trong sự nô nức đón chờ của các tầng lớp nhân dân. Mọi người đến đây không phân biệt trai gái, già trẻ, buông bỏ hết những vất vả và lo toan đời thường để hóa thân thành những người sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Và khi đó, sự thương yêu, tin tưởng, gắn kết nhau cùng các khát vọng lại quay về.

II.3 Vai trò của các nghi lễ vòng đời có ảnh hưởng của Phật giáo

Rất nhiều nghi lễ được tiến hành ở Đông Nam Á lục địa có ảnh hưởng từ Phật giáo, đặc biệt là nghi lễ vòng đời (cụ thể là các nghi lễ liên quan đến sinh đẻ, cưới hỏi, ma chay). Sự  kết hợp giữa yếu tố bản địa với đạo Phật đã làm cho đạo và đời hòa quyện. Đây là sợi dây vô hình gắn kết mọi người lại với nhau trong sinh hoạt chung của cộng đồng.



Nghi lễ vòng đời, tùy mỗi gia đình, vùng miền mà ít nhiều có những khác biệt, song về cơ bản, đó đều là sinh hoạt tinh thần mang tính tập thể cao. Vì mỗi lần nghi lễ nào đó diễn ra thì chúng ta thấy không đơn thuần chỉ là sự hiện diện của một gia đình mà còn có sự tham gia của họ hàng, làng xóm và các nhà sư. Với ý nghĩa ấy, việc thực hành các nghi lễ vòng đời không chỉ phản ánh cấu trúc văn hóa của xã hội mà còn là những sợi dây quan trọng kết nối đời sống cộng đồng và tâm linh của con người.
Từ khi sinh ra đến khi chết đi, những nghi lễ này không chỉ là những dấu mốc cá nhân mà còn biểu hiện truyền thống văn hóa của một dân tộc, ở đó, các giá trị cốt lõi của đạo Phật luôn được khẳng định, góp phần xây dựng đạo đức lối sống cho người dân. Xuyên suốt những nghi lễ này, các chủ đề tạo công đức, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tiếp nối văn hóa luôn hiện hữu.
Các nghi lễ luôn tạo điều kiện để mỗi cá nhân tạo công đức cho bản thân và những người thân yêu; đồng thời cũng củng cố các mối quan hệ xã hội, mang lại sự sẻ chia, thấu hiểu trong cộng đồng qua việc tham gia và hỗ trợ lẫn nhau. Đây cũng là cách để chứng minh Phật pháp không chỉ nằm trong tu viện, chùa chiền với hệ thống giáo lý kinh điển mà đã hòa vào đời sống, mang lại những giá trị thiết thực.

KẾT LUẬN

Qua những phân tích ở trên cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử từ khi du nhập và trải qua nhiều gia đoạn khác nhau với những thăng trầm, biến động của đời sống, Phật giáo ở các nước Đông Nam Á lục địa luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, là sợi dây kết nối mọi người trong xã hội dù thuộc nhiều giai tầng khác nhau, dù mỗi quốc gia nơi đây đều có sự đa dạng về tôn giáo và sắc tộc.

Hiện nay, các nước trong khu vực này đều là các nước có sự đa dạng về tôn giáo, song Phật giáo vẫn là tôn giáo chủ đạo chiếm phần lớn trong dân số: Ở Campuchia chiếm khoảng 96% dân số; Lào khoảng 67%; Myanmar khoảng 87% và ở Thái Lan khoảng 90% 24. Với tính thế tục hóa ngày càng rõ nét, đạo Phật đang từng bước được “hiện đại hóa” một cách phù hợp và tham gia vào giải quyết nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến vận mệnh quốc gia cũng như đời sống con người.

Tác giả: TS.Hà Thị Đan
Viện Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam


Chú thích

(1) Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, xin xem thêm bài Một số khái niệm về nhà nước nhìn từ góc độ tôn giáo của tác giả Đậu Công Hiệp trên tạp chí Nghiên cứu Phật học số 9/2023  trên trang https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-so-khai-niem-ve-nha-nuoc-nhin-tu-goc-do-ton-giao.

(2) Will Durant (2006, Nguyễn Hiến Lê dịch), Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 118 - 122.

(3)Trương Sỹ Hùng (2010), Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, tr. 90.

(4) Nhiều tác giả (1999), Một số vấn đề về văn hóa với phát triển ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 525

(5) https://www.embassyofcambodiadc.org/culture-religion.htm, cập nhật ngày 10/03/2025

(6) Thích Nữ Diệu Thuận, Phật giáo Campuchia, https://phatgiaobaclieu.com/phat-giao-campuchia-thich-nu-dieu-thuan/, cập nhật ngày 25/05/2024

(7) Nhiều tác giả (1999), Một số vấn đề về văn hóa với phát triển ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 390

(8) Bộ nội vụ(2020),  Thống kê thường niên ngành Nội Vụ năm 2019, VC, tr.22, cập nhật ngày 02/4/2023

(9) Chu Công Phùng (2011),  Mianma, Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 106

(10) Vũ Quang Thiện (1997),  Quá trình phát triển của Myanmar, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 55 -56

(11) Chu Công Phùng (2011),  Mianma, Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 106 – 107

(12) Tịnh Hải Pháp Sư – Thánh Nghiêm Pháp Sư (2008), Lịch sử Phật giáo thế giới , Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 242

(13) Nguyễn Tương Lai (2016), Văn hóa Thái Lan, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 47

(14) Ngô Văn Doanh, Quế Lai, Vũ Quang Thiện, Nguyễn Khánh Vân, Phạm Thị Vinh (1991),  Tìm hiểu văn hóa Thái Lan,  Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1991, tr. 31

(15) Ngô Văn Doanh (1985), Phật giáo ở Thái Lan, Tài liệu lưu tại thư viện Đông Nam Á, tr

(16) Http//www.cia.gov/library/publication/the-world-factbook/fields/2122/html

(17) Tham khảo thêm về Chủ nghĩa xã hội Phật giáo trên Wiki, https://vi.wikipedia.org/, cập nhật ngày 05/03/2025

(18) Theo bài Lịch sử Myanmar trang https://nghiencuulichsu.com/2014/01/06/lich-su-myanmar/, cập nhật gnayf 22/03/2025

(19) K Buchanan  (1962), Cambodia: Buddha, Max and Sihanouk  Về Norodom Sihanouktrên Tạp chí “The Asia and Pacific Scene”, nguồn: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/pdf/10.1111/apv.32011, cập nhật ngày 10/03/2025

(20) Theo bài Lịch sử Myanmar trang https://nghiencuulichsu.com/2014/01/06/lich-su-myanmar/, cập nhật gnayf 22/03/2025

(21) Chu Công Phùng (2011),  Mianma, Lịch sử và hiện tại, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 100.

(22) Nguyễn Đức Lữ (chủ biên, 2011), Lý luận về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị - Hành chính, tr. 19

(23) Quần Anh (biên dịch), Phật giáo Campuchia ngày nay: Campuchia hiện có bao nhiêu ngôi chùa?trang https://nguoiphattu.com/tin-tuc/, cập nhật ngày 12/04/2025

(24) Theo Trung tâm Nghiên cứu tư vấn các vấn đề xã hội và dư luận ở Mỹ (PEW), https://www.pewresearch.org/religion/2023/09/12/buddhism-islam-and-religious-pluralism-in-south-and-southeast-asia/, cập nhật ngày 23/12/2024

Các tin bài, hình ảnh, thư từ muốn đăng lên Website: chuathien.vn xin gửi vào địa chỉ: chuathien2014.@gmail.com
Ý kiến của bạn 0
Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài và điền đầy đủ thông tin. Bình luận của bạn sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?
Số lượngTỷ lệ
247( 18 %)
59( 4 %)
23( 2 %)
36( 3 %)
971( 73 %)
Số người tham gia bình chọn: 1336
Lần bình chọn đầu tiên: Thứ 5 , 18/04/2013 17:12
Lần bình chọn sau cùng: Thứ 3 , 15/04/2025 00:42

Tin liên quan

Thông báo

THÔNG BÁO TUYỂN SINH LỚP NGHIỆP VỤ DẪN CHƯƠNG TRÌNH PHẬT GIÁO

Nhằm giúp quý Thầy Tăng Ni có nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp dẫn chương trình Phật giáo, và ứng dụng AI soạn thảo văn bản Phật giáo, Ban Hoằng pháp GHPGVN huyện Thường Tín tổ chức Lớp Nghiệp vụ dẫn chương trình Phật...
Chi tiết »

LỊCH GIẢNG PHÁP TẠI CÁC ĐẠO TRÀNG THÁNG 10 GIÁP THÌN

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 10 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO MỞ LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ

Thông tin về việc mở lớp Hoàng pháp viên Cư sỹ Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thường Tín - TP Hà Nội
Chi tiết »

Chương trình từ thiện " BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG"

Thông tin về chương trình từ thiện của Lớp Phật học trực tuyến kết hợp với Ban điều hành Đạo tràng Cấp Cô Độc,Chùa Phúc Lâm, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ...
Chi tiết »

Lịch giảng pháp tại các đạo tràng tại Hà Nội tháng 5 năm Giáp Thìn

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 5 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

Bài viết của Phật tử

Lên chùa hái lộc ngày xuân

Hòa chung trong dòng người kẹt cứng, tôi cũng len chân đến một gốc cây to của ngôi chùa bên đường để hái lộc. Nhưng tôi chỉ đưa tay bàn tay chai sần của mình chạm vào thân cây, rồi vươn những ngón...
Chi tiết »

Những Dòng Cảm Nhận

Những cảm nhận của các Phật tử Đạo tràng Cấp Cô Độc qua khóa Tập huấn Hoàng pháp viên cho cư sĩ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc 
Chi tiết »

Vu Lan - Tình người trong đại dịch - PT Dương Thị Thúy Vân - PD Diệu Tường

Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và trong “tâm bão” của dịch thì khắp mọi nơi trên vùng miền của Đất nước đã...
Chi tiết »

Lá thư yêu Thương gửi Cha Mẹ nhân Mùa Vu Lan - PT Trần Thị Kim Dung

Và thế nào là Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Tứ Đế và Nghiệp báo, 12 nhân Duyên, Luân Hồi, Con hiểu được 5 giới là phẩm hạnh Đạo đức của Người Phật Tử, Ý Nghĩa Lễ Vu Lan “ Tâm...
Chi tiết »

MÙA VU LAN – NHỮNG KÝ ỨC VỀ MẸ - PT Đỗ Thị Minh Dũng

Chúng con lớn dần, lưng mẹ còng hơn, tóc mẹ bạc hơn, da nhăn nheo, nhưng từ con đến cháu lần lượt mẹ vẫn cõng bế cho bố mẹ chúng đi làm. Lúc đấy ai cũng bận chỉ lo công việc, gia đình chồng (vợ) con mà cứ nghĩ mẹ...
Chi tiết »

Mời quảng cáo

Pháp âm

Tin tức mới

ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM SẼ TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP LỄ KHAI MẠC, BẾ MẠC ĐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2025

Sáng 25-4, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đã đến làm việc với Trung tâm Truyền hình Việt...
Chi tiết »

THANH HÓA: LÃNH ĐẠO TỈNH, TP. THANH HÓA CHÚC MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Nhân dịp Đại lễ Phật đản PL.2569- DL.2025. Sáng 25/04/2025, đoàn công tác Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn  đã đến...
Chi tiết »

TT. NHẬT TỪ TIẾP TỔNG LÃNH SỰ ẤN ĐỘ TRAO ĐỔI CÔNG TÁC PHẬT SỰ

Sáng 24/04/2025, tại Chùa Giác Ngộ, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM Vipra Pandey đã có buổi gặp, làm việc cùng Thượng tọa Thích Nhật Từ – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Phó Chủ tịch, Phó Tổng Thư ký Ban Tổ chức...
Chi tiết »

MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN VESAK LHQ 2025

Nhờ đức Phật chúng ta mới thấy rõ, giá trị lớn nhất của đời người là trí tuệ và phước đức, không có gì giá trị chân thật, bền vững và miên viễn hơn phước đức và trí tuệ.
Chi tiết »

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?




Thống kê truy cập

00000005

Hôm nay: 972

Hôm qua: 205

Tháng này: 46094

Tháng trước: 67318

Tất cả: 5738213


Đang online: 185
IP: 3.14.251.87
Mozilla 0.0