Khái quát hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo thời Lê Sơ

Ngày đăng: Thứ 6 , 10/11/2023 21:43 .
1. Khái quát bối cảnh lịch sử thời Lê Sơ
Sau khi tiêu diệt nhà Hồ, quân Minh cai trị Đại Việt cai trị nhân dân rất hà khắc và đồng thời thi hành chính sách hủy diệt nền văn hóa Đại Việt.
Nhiều cuộc khởi nghĩa như của vua tôi nhà Trần như khởi nghĩa của Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng nhưng đều thất bại(1) và phải đến năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo mới đánh đuổi được quân Minh về phương Bắc. Sau đó, Lê Lợi lên ngôi, định đô ở Thăng Long, quốc hiệu Đại Việt. Sử sách gọi là nhà Hậu Lê (1428- 1789) và được chia thành hai giai đoạn là Lê Sơ (1428-1527) và Lê Trung Hưng (1533-1789).
Thời Lê Sơ (1428-1527), các vị vua chú trọng xây dựng chính quyền trên nền tảng Nho giáo, tiêu biểu là thời vua Lê Thánh Tông trị vì được xem là thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Hậu Lê. Việc tuyển người tài qua khoa cử Nho học đã thúc đẩy Nho giáo phát triển, khuyến khích người dân tiến thân bằng Nho học,… Đạo giáo, và nhất là Phật giáo bị chính quyền hạn chế.
Sau khi lên ngôi năm 1428 thì năm 1429, vua Lê Thái Tổ ban hành: “Mùa Hạ tháng 6 ngày mồng 10 ra lệnh chỉ cho các tăng đạo người nào thông kinh sách, giữ tiết hạnh cẩn thận hạn đến ngày 20 tháng này đến sảnh đường trình diện, kiểm xét khảo thí, ai đỗ thì cho làm tăng đạo, ai không đỗ bắt hoàn tục”(2); đồng thời cấm xây dựng mới tự viện. Trước đó, việc khảo hạch tăng đạo đã được Hồ Quý Ly áp dụng nhằm loại bỏ những người không thông thạo kinh sách Phật giáo, không giữ gìn đức hạnh nhằm bổ sung nguồn lực cho quân đội. Như vậy, có thể thấy vào cuối thời Trần và trong thời Hồ vẫn tồn tại một số lượng lớn tín đồ Phật giáo.



Chùa Quán Sứ - Hà Nội

Song, cũng có thể thấy, trong bối cảnh suy tàn, nhiều người đã lựa chọn trở thành tín đồ Phật giáo với mục đích trốn lính và để có cái ăn, vì thế càng làm cho Phật giáo suy thoái, nhất là về mặt tu tập và đạo hạnh.
Sự kiện vua Lê Thái Tổ tiếp tục khảo hạch tăng đồ tiếp tục cho thấy tình trạng này, song “bằng biện pháp này, nhà Lê đã hạn chế được người không có học, lợi dụng cửa Phật để hành nghề cúng bái”(3). Tuy nhiên, “dù triều đình Lê sơ khi ấy có ngăn cấm Phật giáo thì trong dân gian vẫn có một dòng chảy âm thầm để nuôi dưỡng tâm Phật, dân chúng vẫn mộ đạo Phật và hướng về đạo Phật”(4),… Như thế, Phật giáo vẫn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con người thời kỳ này.
2. Hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo
Ở thời Lê Sơ, việc các vị vua lựa chọn Nho giáo làm hệ tư tưởng để điều hành chính quyền, tổ chức đời sống xã hội đã khiến cho Phật giáo và Đạo giáo mất đi vị trí của mình so với Nho giáo. Tứ thư, ngũ kinh và thầy đồ hiện diện khắp thôn quê, nhưng cũng chính trong thời kỳ này lần đầu tiên xuất hiện bộ Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Hoàng Thị Ngọ đã phát hiện niên đại của bản kinh này qua bằng chứng kiêng húy chữ Lợi và chữ Trần(5), nghĩa là kiêng tên húy vua Lê Thái Tổ và phu nhân Phạm Thị Ngọc Trần. Song rất tiếc, bản kinh này đến nay chưa biết do Tăng sĩ hay Nho sĩ diễn Nôm rồi san khắc, lưu thông trong xã hội. Nội dung bộ Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh là việc đề cao công lao cha mẹ cho thấy nhu cầu không chỉ của tín đồ Phật giáo mà còn phù hợp với tư tưởng của người dân Đại Việt(6).
Bên cạnh đó, sự kiện chính quyền Lê Sơ rước tượng Pháp Vân làm lễ cầu mưa cho phép chúng ta nghĩ đến Trung tâm Phật giáo Chùa Dâu. Dù trải qua những năm tháng bị quân Minh thi hành chính sách hủy diệt văn hóa Đại Việt, thì đến thời Lê Sơ vẫn hiện diện một số kinh sách Phật giáo, nhất là các bộ liên quan đến nghi lễ Phật giáo. Và có thể cả ở trung tâm Phật giáo Yên Tử cũng còn khá nhiều kinh sách Phật giáo Trúc Lâm, bằng chứng là sau thời Lê Sơ, Thiền sư Chân Nguyên đã dày công sưu tầm, biên soạn và phổ biến kinh sách dòng Phật giáo này và là nền tảng cơ bản để Thiền sư Minh Châu Hương Hải tiếp nối, phục hưng Phật giáo Trúc Lâm ở các thế kỷ sau và còn là cơ sở để Thiền sư Thích Thanh Từ phát triển Phật giáo Trúc Lâm hiện nay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là phỏng đoán về kinh sách Phật giáo ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Dâu hay trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, bởi đến nay chưa có thông tin cụ thể nào về hệ thống kinh sách hiện diện tại trung tâm này. Sau này, chúng ta thấy xuất hiện bộ Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục(7) được một người tên là Viên Hùng diễn Nôm rồi san khắc in lưu thông vào niên hiệu Cảnh Hưng 13 (1752). Điểm quan trọng là Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh ngữ lục không chỉ là một dạng kể hạnh, ngữ lục mà còn ghi chép về khoa nghi Phật giáo. Như thế, Ngữ lục Phật giáo có thể vẫn hiện diện ở thời Lê Sơ. Song, người diễn Nôm là Viên Hùng chưa đủ cho thông tin cho chúng ta xác định là tín đồ Phật giáo hay Nho sĩ. Điểm quan trọng hơn, việc diễn Nôm bộ Ngữ lục này cho ta biết chính xác Viên Hùng là người tinh thông cả Phật giáo và Nho giáo, Hán ngữ và chữ Nôm. Như thế, Nho giáo chủ yếu được chính quyền sử dụng trong quản lý điều hành quốc gia, còn Phật giáo vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt tinh thần của vua, quan và nhân dân.
Nhìn chung, với một số sự kiện được ghi chép trong chính sử, bi ký hiện còn cho biết về hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo thời Lê Sơ không nhiều so với thời Lý, thời Trần. Tuy nhiên, với sự xuất hiện bộ Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh cho thấy hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo chủ yếu là Phật giáo Bắc truyền. Bởi bản Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh lần đầu tiên được tìm thấy ở Đôn Hoàng (Trung Quốc). Và ở Đại Việt trước đó và ở cả thời Lý, Trần, Hồ, bộ kinh này chưa từng được nhắc đến trong các tài liệu Phật giáo Việt Nam hay trong chính sử. Hơn nữa, bản Cổ Châu Pháp Vân bản hạnh ngữ lục hiện diện cho thấy sự tiếp nối của thể loại “ngữ lục” rất phổ biến ở thời Lý, đặc biệt là ở thời Trần tiếp tục được lưu thông trong xã ở thời Lê đã cho thấy, tư tưởng, sinh hoạt Phật giáo Trúc Lâm vẫn hiện diện ở các sơn môn, tổ đình Phật giáo ở miền Bắc. Nghĩa là, tín đồ Phật giáo thời Lê Sơ chủ yếu sử dụng kinh sách Phật giáo Trúc Lâm hay sử dụng hệ thống kinh sách Phật giáo thời Trần, tiêu biểu như kinh Kim cương, Lăng già, Pháp Hoa và các bộ Ngữ lục còn sót lại sau những năm tháng đô hộ của nhà Minh.
Nếu như ở thời Lý và thời Trần, chúng ta biết khá rõ về hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo của cá nhân hay chính quyền. Chẳng hạn hoạt động san khắc, in ấn kinh sách Phật giáo ở các sơn môn, tổ đình hay việc thỉnh Đại tạng kinh do chính quyền chú trọng. Chẳng hạn, ở thời Lý, triều vua Lý Thái Tổ vào năm 1018 sai Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nhà Tống xin kinh Tam tạng. Đến năm 1020, Nguyễn Đạo Thanh đưa kinh về Quảng Châu, vua Lý Thái Tổ biết tin liền sai Tăng thống Phi Trì đi đón; Triều vua Lý Thái Tông: Năm 1034, Hà Thụ và Đỗ Khoan sang sứ Tống, được vua Tống tặng một bộ Đại tạng kinh nữa; Triều vua Lý Nhân Tông, có hai lần cử sứ sang nhà Tống xin Đại tạng kinh vào những năm 1081 và 1098. Các bộ Đại tạng thỉnh về là ấn bản Đại tạng kinh đầu tiên ở Trung Quốc do vua Tống Thái Tổ ban chiếu khắc từ năm 972. Bộ này san khắc trong 11 năm gồm 13.000 mộc bản, dung chứa 1.076 bộ kinh bao gồm 480 tập với 5.048 quyển. Sở dĩ có nhận định này bởi bộ Sùng Ninh Vạn Thọ Đại Tạng phải đến năm 1176 mới hoàn thành gồm 6.434 quyển. Việc thỉnh Đại tạng kinh về nước rất cần nơi chứa và san khắc để lưu thông. Về việc này, vua Lý Thái Tổ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trước khi bộ Đại tạng kinh được chuyển về nước ta năm 1020 thì trước đó, vào năm 1011, ông đã ra lệnh xây dựng nhà chứa kinh Trấn Phúc. Sau khi Đại tạng kinh được đem về kinh thành, vào năm 1021 vua sai người dựng nhà chứa kinh Bát Giác để chứa các kinh tạng. Vua Lý Thái Tông tiếp tục cho dựng nhà chứa kinh Trùng Hưng ở chùa Trùng Quang trên núi Tiên Du vào năm 1034. Về việc sao chép, ấn tống Đại tạng kinh vào năm 1023 và 1027, vua Lý Thái Tổ xuống chiếu sai người chép ra một bản cất ở nhà chứa kinh Đại Hưng. Năm 1036, vua Lý Thái Tông lại cho sao chép một bản Đại tạng kinh nữa để cất giữ ở nhà chứa kinh Trùng Hưng vừa mới dựng.
Ở thời Trần, hoạt động thỉnh Đại tạng kinh không dồn dập như ở thời Lý mà chỉ duy nhất một lần. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn kinh điển Phật giáo (Bắc truyền) đã hiện diện đầy đủ ở nước ta ngay từ thời Lý. Do đó, ở thời Trần, tín đồ Phật giáo chỉ kế thừa, chọn lọc kinh điển tu tập. Năm 1295, vua Trần Anh Tông cho người sang Trung Quốc thỉnh Đại tạng kinh đem về cất giữ ở phủ Thiên Trường. Việc trùng san được tiến hành trong nhiều năm, có khi bị gián đoạn. Đến năm 1311, Đệ nhị tổ Pháp Loa phụng chiếu tiếp tục khắc Đại tạng kinh. Sau khi nhận được chiếu chỉ, ông giao cho đệ tử Bảo Sái trông coi việc này. Đến năm 1319, công việc hoàn thành, Đệ nhị tổ Pháp Loa kêu gọi tăng lục chích máu in hơn 5.000 quyển lưu hành ở viện Quỳnh Lâm (tức chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh). Đích thân vua Trần Anh Tông cũng chích máu viết một tập nhỏ cho vào 20 hộp rồi ban cho Pháp Loa. Năm 1321, bộ Đại tạng kinh thứ hai được hoàn thành do vua Trần Anh Tông và các hậu phi chích máu viết hơn 5.000 quyển.
Có thể nói, việc thỉnh Đại tạng kinh làm cho nền Phật học thời Lý – Trần rất phát triển, như làm nền tảng chỉnh lý kinh điển Phật giáo, thuyết pháp, độ tăng, chủ trì các nghi lễ Phật giáo, các lễ hội Phật giáo,… thì ở thời Lê Sơ, chúng ta không có thông tin về hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo, không biết ai là người san khắc, lưu thông, quy mô, cách thức,…Về cơ bản, hoạt động này không được chính quyền quan tâm nên mang tính cá nhân.



Rồng thời Lê thềm điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) 

Điểm đáng chú ý là ở thời Lê Sơ, có thể thấy nhiều nhà Nho sau một thời gian tham gia chính quyền đã cáo quan về quê, hoặc thậm chí cả vua cũng theo tư tưởng “cư Nho mộ Thích”, lấy Phật giáo hay Đạo giáo làm thú tiêu dao, tiêu biểu là Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh,…
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu Ức Trai, người làng Nhị Khê, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là nhà văn hóa, nhân vật lịch sử đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đối với Phật giáo, ông cũng có vị trí lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Do biến cố thời cuộc, ông cáo quan về quê và thường đàm đạo với Đại sư Đạo Khiêm, thăm viếng các danh lam cổ tự như chùa Đông Sơn, Hoa Yên,…
Giũ bao nhiêu bụi bụi lầm
Giơ tay áo đến tùng lâm

Giữa Nguyễn Trãi với Đại sư Đạo Khiêm có những mối tương giao trong hơn 10 năm, và cảm giác khi đọc thơ Nguyễn Trãi là một tăng sĩ thực sự:
Chặm tự nhiên một thảo am
Dầu lòng đi bắc lẫn về nam
Chường thiền định hùm nằm chực
Trái thì trai, vượn nhọc đam
(8)
Bụt là lòng, “tâm tức Phật, Phật tức tâm”, cho nên không phải tìm cầu nơi nào cả:
Thiêu hương đọc sách quét con am
Chẳng Bụt chẳng tiên cũng chẳng phàm
(9)
Nhìn chung, qua tác phẩm Ức Trai thi tập(10) cho ta thấy Nguyễn Trãi rất uyên thâm Phật học. Và chính Nguyễn Trãi là Nho sĩ “vô tình” tham gia vào hoạt động truyền bá tư tưởng Phật giáo trong xã hội.
Vua Lê Thánh Tông (1442- 1497), trong một bi ký ở chùa Quang Khánh(11) có niên đại Quang Thuận thứ 6 (1465) thuộc xã Dưỡng Mông, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương hiện nay cho biết, vua Lê Thánh Tông đàm đạo với Đại sư trụ trì chùa về các vấn đề Phật học như “đại giác”, “vô cùng môn lý” – chỉ thế giới trần tục, “ngũ lực viên thông” – năm sức mạnh của người tu hành Phật giáo, “lục độ” – sáu hạnh Bồ tát (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ), “tam sinh” – ba đời chư Phật: Quá khứ – hiện tại – Vị lai,… Như thế, vua Lê Thánh Tông rất am hiểu Phật giáo. Trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn do chính vua Lê Thánh Tông biên soạn(12), phần “Giới thiền tăng” có nội dung khuyên “Thập loại cô hồn” học gì, tu như thế nào,… là minh chứng cho sự am hiểu Phật giáo của nhà vua. Bên cạnh đó, với sự thuyết giảng của Đại sư chùa Quang Khánh còn cho thấy tinh thần Phật học vẫn hiện diện sâu sắc trong các sơn môn, tổ đình Phật giáo.
Một nhân vật tiêu biểu nữa là Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496). Ông là một Nho sĩ tiêu biểu, từng có những phê
phán tệ lậu của Phật giáo Việt Nam(13), nhưng lại biên soạn sách Phật giáo, mà cho đến ngày nay chúng ta được biết đến bộ Thiền môn khoa giáo, và nhất là ông viết lời tựa cho bộ Nam tông tự pháp đồ của Đại sư Thường Chiếu. Đại sư Thường Chiếu (?- 1203) là một vị quan Lệnh Đô Tào ở cung Quảng Từ triều vua Lý Cao Tông. Sau khi từ quan đã xuất gia theo học Thiền sư Quảng Nghiêm (1120-1190) thuộc đời thứ 11 Thiền phái Vô Ngôn Thông ở chùa Tịnh Quả. Như vậy, với sự hiện diện của Thiền môn khoa giáo và nhất là bộ Nam tông tự pháp đồ cho thấy hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo không phải mục đích chính của các nhà Nho, mà là sự tương giao giữa các nhà Nho với tu sĩ Phật giáo. Song qua đó, việc biên soạn kinh sách Phật giáo cũng góp phần phổ biến giáo lý chính thống Phật giáo sâu rộng đến tín đồ Phật giáo và người dân(14).
Mặc dù còn có những điểm chưa đồng thuận của các nhà nghiên cứu về Lương Thế Vinh và Nguyên Trãi. Chẳng hạn, khi nghiên cứu về Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, Nguyễn Tài Thư nhận định Nguyễn Trãi rất am hiểu giáo lý Phật giáo, nhất là Thiền tông, khiến cho thơ Nguyễn Trãi uyển chuyển, phong phú, hun đúc lòng yêu nước thương dân của ông(15). Còn Nguyễn Hùng Hậu cho rằng: “yếu tố Phật giáo trong tư tưởng Nguyễn Trãi còn thể hiện ở tư tưởng xem cuộc đời như ảo hóa”(16). Song, nhìn chung, “Có những nhà Nho trong khi hăm hở tạo sự nghiệp thì bài bác Phật giáo, nhưng đáo đầu lại trở về quy y cửa Phật như Trương Hán Siêu là một trường hợp. Chính vì thế, mà các tác phẩm của giới bác học thời Lê sơ, ảnh hưởng của Phật giáo trong sáng tác hết sức hạn chế. Tiêu biểu có thể kể trường hợp Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh và Lê Thánh Tôn”(17).



Điêu khắc rồng trên trán bia chùa Kim Liên (Hà Nội) 

Tuy vậy, xét trên phương diện truyền bá kinh sách Phật giáo, có thể nói, những sáng tác của họ phần nào là hoạt động truyền bá tư tưởng, giáo lý Phật giáo đến với người dân trong xã hội, là cơ sở để tu bổ, tôn tạo tự viện và thực hành nghi lễ Phật giáo. Điều này phản ánh ở một số bi ký thời Lê Sơ còn lại đến ngày nay, chẳng hạn, trong một số văn bia do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn cho chùa, và việc biên soạn sách giáo khoa Phật giáo cho tín đồ Phật giáo tu học là minh chứng(18).
3. Đôi lời tạm kết
Nhìn chung, ở thời Lê Sơ, bên cạnh thành tựu về quân sự, chính trị, kinh tế thì văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo nước ta phát triển rực rỡ, đặc biệt là Nho giáo. Chính quyền lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính và do đó, những cơ sở Nho giáo và những nghi lễ liên quan đến Nho giáo được chính quyền chú trọng. Khoa cử Nho học ngày càng thịnh trị, nhất là ở thời vua Lê Thánh Tông cầm quyền. Đạo giáo và Phật giáo bị chính quyền hạn chế nên không phát triển. Song trong tâm thức của vua quan, quý tộc Lê Sơ vẫn đến với Đạo giáo và Phật giáo.
Trên phương diện hoạt động truyền bá kinh sách Phật giáo vắng bóng các tín đồ Phật giáo và thay vào đó là các Nho sĩ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, những trước tác của tầng lớp Nho sĩ mà tiêu biểu là vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh không mang chủ ý truyền bá kinh sách Phật giáo như các tín đồ Phật giáo. Song, chính những trước tác của họ làm cho giáo lý Phật giáo hồi sinh trong tín đồ Phật tử, nhất là trong tầng lớp Nho sĩ khi cáo quan về quê (đương nhiên, nhiều Nho sĩ cũng tìm đến Lão Trang, dẫn đến xu hướng từ Nho sang Trang). Nói cách khác, như nhận xét của Trần Đình Hượu cho rằng: “trong một số người – kể cả Nho sĩ và người dân, họ chịu chi phối của tư tưởng Nho giáo, nhưng về mặt con người, về đạo đức, tính người, cách sống nhiều khi họ chịu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo còn nhiều hơn”(19).
Tầng lớp Nho sĩ theo Nho giáo, “tiến vi sư, đạt vi quan”, nhưng khi đối diện với những việc không toại lòng, hay số phận tham chính bấp bênh,… họ đều có xu hướng tìm đến Phật giáo hay Đạo giáo. Dẫn đến ứng xử của họ trong quản lý đậm chất Nho giáo, song tư tưởng còn thấm nhuần Đạo giáo, Phật giáo và được thể hiện qua thơ ca của chính họ. Nhất là khi họ lưu về sống với làng quê, gần gũi với thiên nhân, Phật giáo ảnh hưởng lớn hơn cả.

Nguyễn Bình – TS. Nguyễn Văn Quý
Viện Nghiên cứu Tôn giáo


CHÚ THÍCH:

(1) Xin xem chi tiết tại: Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên (bản dịch, 1993), Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội; Quốc sử quán triều Nguyễn, (bản dịch, 1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,...
(2)Xin xem: Nguyễn Duy Hinh (1986), “Hệ tư tưởng Lê" Nghiên cứu lịch sử, số 6
(3) Viện sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr348
(4) Phạm Thị Thủy Vinh (2014), Van bia Lê sơ tuyển tập, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, tr33
(5) Xin xem: Hoàng Thị Ngọ (1999), Chữ Nôm và Tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại bảo phụ mẫu ân trọng kinh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
(6) Xin xem: Hoàng Thị Ngọ (1999), Sđd
(7) ký hiệu Viện Hán Nôm: A.818.
(8) Trần Trọng Dương (2014), Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, Nxb.Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội, Tr.441
(9) Trần Trọng Dương (2014), Sđd, tr445
(10) Xin bản dịch Trần Trọng Dương (2014), Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, Nxb.Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội.
(11) Thích Đức Thiện - Đinh Khắc Thuận (2017), Văn bia Phật giáo thời Lê Sơ, Nxb.Khoa học Xã Hội, Hà Nội, tr.68.
(22) Xin xem: Viện Văn học (1962), Hồng Đức quốc âm thi tập.
(13) Xin xem chi tiết hơn tại: Trần Mạnh Quang (2011), "Ứng xử của chính quyền phong kiến Việt Nam thế kỷ 15 đối với các tôn giáo qua tìm hiểu Đại Việt sử kí toàn thư", Nghiên cứu Tôn giáo, số 9 (2011)
(14) Về vấn đề này, xin xem chi tiết tại: Nguyễn Tài Thư (1989), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr276
(15) Xin xem: Nguyễn Tai Thư (1989), Sđd, tr276
(16) Nguyễn Hùng Hậu (2005), Đại cương triết học Việt Nam, Nxb.Thuận Hóa, thành phố Hồ Chí Minh, tr240-244
(17) Nguyễn Tài Thư (1989), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb.Khoa học Xã hội, Hà Nội, Tr.276
(18) Xin xem chi tiết tại: Nguyễn Thừa Hỷ (2015), Văn hóa Việt Nam truyền thống, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, Tr.301
(19) Trần Đình Hượu (1984), "Về đặc điểm tư tưởng Việt Nam" trong Viện Triết học (1984), Một số vấn đề lý luận về lịch sử tư tưởng

Các tin bài, hình ảnh, thư từ muốn đăng lên Website: chuathien.vn xin gửi vào địa chỉ: chuathien2014.@gmail.com
Ý kiến của bạn 0
Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài và điền đầy đủ thông tin. Bình luận của bạn sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?
Số lượngTỷ lệ
242( 24 %)
59( 6 %)
23( 2 %)
36( 4 %)
650( 64 %)
Số người tham gia bình chọn: 1010
Lần bình chọn đầu tiên: Thứ 5 , 18/04/2013 17:12
Lần bình chọn sau cùng: Thứ 2 , 28/10/2024 13:24

Tin liên quan

Thông báo

LỊCH GIẢNG PHÁP TẠI CÁC ĐẠO TRÀNG THÁNG 10 GIÁP THÌN

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 10 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO MỞ LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ

Thông tin về việc mở lớp Hoàng pháp viên Cư sỹ Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thường Tín - TP Hà Nội
Chi tiết »

Chương trình từ thiện " BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG"

Thông tin về chương trình từ thiện của Lớp Phật học trực tuyến kết hợp với Ban điều hành Đạo tràng Cấp Cô Độc,Chùa Phúc Lâm, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ...
Chi tiết »

Lịch giảng pháp tại các đạo tràng tại Hà Nội tháng 5 năm Giáp Thìn

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 5 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO: Khóa tu mùa hè "Hành trang tuổi trẻ” lần thứ 5 tại chùa Phúc Lâm

Nhằm giúp các bạn thanh thiếu niên Phật tử có môi trường trải nghiệm tốt trong những ngày hè, chùa Phúc Lâm, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội tổ chức chương trình...
Chi tiết »

Bài viết của Phật tử

Lên chùa hái lộc ngày xuân

Hòa chung trong dòng người kẹt cứng, tôi cũng len chân đến một gốc cây to của ngôi chùa bên đường để hái lộc. Nhưng tôi chỉ đưa tay bàn tay chai sần của mình chạm vào thân cây, rồi vươn những ngón...
Chi tiết »

Những Dòng Cảm Nhận

Những cảm nhận của các Phật tử Đạo tràng Cấp Cô Độc qua khóa Tập huấn Hoàng pháp viên cho cư sĩ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc 
Chi tiết »

Vu Lan - Tình người trong đại dịch - PT Dương Thị Thúy Vân - PD Diệu Tường

Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và trong “tâm bão” của dịch thì khắp mọi nơi trên vùng miền của Đất nước đã...
Chi tiết »

Lá thư yêu Thương gửi Cha Mẹ nhân Mùa Vu Lan - PT Trần Thị Kim Dung

Và thế nào là Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Tứ Đế và Nghiệp báo, 12 nhân Duyên, Luân Hồi, Con hiểu được 5 giới là phẩm hạnh Đạo đức của Người Phật Tử, Ý Nghĩa Lễ Vu Lan “ Tâm...
Chi tiết »

MÙA VU LAN – NHỮNG KÝ ỨC VỀ MẸ - PT Đỗ Thị Minh Dũng

Chúng con lớn dần, lưng mẹ còng hơn, tóc mẹ bạc hơn, da nhăn nheo, nhưng từ con đến cháu lần lượt mẹ vẫn cõng bế cho bố mẹ chúng đi làm. Lúc đấy ai cũng bận chỉ lo công việc, gia đình chồng (vợ) con mà cứ nghĩ mẹ...
Chi tiết »

Mời quảng cáo

Pháp âm

Tin tức mới

KHAI MẠC LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ - HUYỆN THƯỜNG TÍN - HN

Sáng Chủ nhật, ngày 3/11/2024 (nhằm ngày 03 tháng 10 năm Giáp Thìn), tại chùa Phúc Lâm - Thôn Cao Xá - Xã Dũng Tiến - Huyện Thường Tín - HN, các Phật tử thuộc Đạo tràng Cấp Cô Độc đã...
Chi tiết »

LỊCH GIẢNG PHÁP TẠI CÁC ĐẠO TRÀNG THÁNG 10 GIÁP THÌN

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 10 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO MỞ LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ

Thông tin về việc mở lớp Hoàng pháp viên Cư sỹ Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thường Tín - TP Hà Nội
Chi tiết »

Chương trình từ thiện " BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG"

Thông tin về chương trình từ thiện của Lớp Phật học trực tuyến kết hợp với Ban điều hành Đạo tràng Cấp Cô Độc,Chùa Phúc Lâm, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ...
Chi tiết »

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?




Thống kê truy cập

00000005

Hôm nay: 156

Hôm qua: 1189

Tháng này: 12718

Tháng trước: 36177

Tất cả: 5413367


Đang online: 283
IP: 18.97.14.90
Unknown 0.0