Liệu có phải hạnh phúc thường đến vào lúc ta không mong chờ? Chúng ta thường cố tỏ ra tích cực vui vẻ, nhưng trên thực tế, cuộc sống luôn gồm hai mặt: cả hạnh phúc lẫn khổ đau, niềm vui và nỗi buồn. Nếu chưa từng khổ đau làm sao chúng ta biết được hạnh phúc? Hôm nay chúng ta cảm thấy ổn ư? Điều đó rất tuyệt! Song nếu không được như vậy thì đã sao?
Đừng tự lừa dối bản thân và thành thật với mình
Đừng tự lừa dối bản thân mà hãy trung thực suy ngẫm về những thăng trầm trong cuộc sống hay nơi nội tâm, và không nên che dấu ngụy tạo hoàn cảnh cùng tâm trạng. Điều này nghe có vẻ lạ lùng nhưng thực tế là chúng ta vẫn che giấu nhiều điều một cách ý thức hoặc vô thức. Chúng ta không quán chiếu dòng tư tưởng của chính mình mà chỉ để ý một cách hời hợt. Điều này dẫn đến tình trạng ta không hề “biết mình” mà cũng chẳng thể nào hiểu được người khác.
Nhiều người tự hỏi rằng làm sao chúng ta có thể “suy nghĩ tích cực” trong khi vẫn chấp nhận bất cứ điều gì, thậm chí sẵn sàng cho kịch bản của những điều tồi tệ nhất? Làm sao mà “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra” lại là “tích cực” được nhỉ?
Khổ đau lớn nhất là gì?
Thực tế cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực để ta có thể luôn suy nghĩ tích cực. Nhưng chúng ta phải thành thật với mình. Những điều tồi tệ vẫn xảy ra trong cuộc sống, chuyện buồn cũng vậy. Mọi thứ đều vô thường, duy nhất chỉ có cái Chết là điều chắc chắn. Vậy chúng ta không nên né tránh hay đè nén những lo lắng phiền muộn mà nên có cái nhìn trực diện và trí tuệ về chúng.
Rèn luyện tâm trí để sẵn sàng đón nhận mọi điều khác với sự bi quan và điều đó cũng không có nghĩa chúng ta mong chờ điều tồi tệ nhất. Lúc này, tốt nhất bạn hãy tập sống mà không mong chờ nhiều vì chúng giống như một loại xiềng xích vô hình. Sự chuẩn bị tốt nhất là chúng ta cứ nỗ lực làm tốt việc hôm nay và đừng cố gắng dự đoán những gì chưa xảy đến.
Than trách sẽ che mất những điều tốt đẹp
Lạ thay người ta chỉ thích chọn khổ đau
Đức Phật gọi những thăng trầm của cuộc đời là “vòng luân hồi của khổ đau”. Mới nghe thì có vẻ bi quan nhưng ta nên nhìn thẳng vào sự thật hơn là tự lừa dối mình và vờ như mọi thứ đều hoàn hảo. Với cách đó, chắc chắn ta sẽ chỉ chuốc thêm thất vọng. Chúng ta cũng dễ bị rơi vào thói quen lãng phí quá nhiều thời gian để ý tới “mặt trái” của cuộc sống. Nhiều người cho rằng than trách là cách tốt nhất hoặc không làm như vậy có nghĩa mình đang kìm nén cảm xúc. Đồng ý rằng chúng ta nên thẳng thắn và thành thật, nhưng câu hỏi đặt ra là những cảm xúc ấy bắt nguồn từ đâu? Những lời ca thán khó chịu cứ chất chồng lên để rồi những điều tốt đẹp bị che lấp khiến chúng ta không còn biết nhận ra và trân quý cuộc sống nữa.
Khi thực sự chú tâm dành chút thời gian quán chiếu những xúc tình tích cực và tiêu cực mỗi ngày, ta sẽ thấy tâm từ bi phát khởi một cách tự nhiên nhậm vận. Ta không còn dằn vặt bản thân, trốn chạy những lỗi lầm bất hạnh mà biết xả bỏ và tìm thấy các bài học từ chúng. Khi hiểu mình hơn, ta sẽ kiếm tìm sự tương đồng thay vì săm soi điều khác biệt. Nhờ đó nhận ra rằng đối tượng khiến mình phiền não cũng nếm trải những muộn phiền nội tâm. Lòng từ bi không tới ào ạt một lúc như con sóng lớn, nhưng khi ta biết nuôi dưỡng niềm tri ân đối với mọi mặt cuộc sống, chúng ta sẽ trải nghiệm sự cảm thông, tự thấy hiểu mình và hiểu người hơn trước.
NHÌN LẠI MỖI NGÀY
Hãy nằm xuống, nhắm mắt, đặt bàn tay lên trái tim và tự hỏi mình “Hôm nay đã xảy ra những việc gì?”. Để dòng tâm thức chảy qua trái tim và bạn sẽ cảm nhận niềm hứng thú muốn tiếp tục lắng nghe câu trả lời từ nội tâm. Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống này? Hãy thẳng thắn nhìn lại những gì mình đã trải qua. Các bạn không nên tô hồng mọi thứ, chỉ cần biết chấp nhận mọi việc như chúng hiện hữu. Cuộc sống đôi khi cho ta những phút giây vui vẻ, nhưng cũng lại đi kèm những giờ phiền não. Thành thật với mình là điều quan trọng nhất, hãy khám phá thế giới cảm xúc của bạn với tâm từ bi, biết chấp nhận bản thân và không phán xét. Bạn thực sự cần hiểu căn nguyên mọi thứ đang diễn ra. Cuộc sống là một chuỗi hàng loạt trải nghiệm khác nhau; nếu có thể quán chiếu những kinh nghiệm này bằng tâm từ bi bao dung, không đổ lỗi, e ngại hay giận dữ, bạn sẽ hiểu bản chất của mọi vấn đề cũng như cách chúng hình thành sinh diệt.
Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày”, do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành