Một hôm, Đức Phật cùng đoàn tỳ kheo đến thị trấn Kesaputa thuộc vương quốc Kosala. Mọi người kéo đến rất đông để được thấy tôn nhan, hành lễ với ngài và nghe pháp. Một người thưa: "Bạch Đức Thế tôn. Có nhiều vị sa môn và bà la môn đến đây truyền đạo, vị nào cũng hết lời ca tụng đạo của mình và khuyên nhủ mọi người đi theo, đồng thời cũng ra sức chê bai, tỏ ý khinh miệt, dè bỉu đạo của các vị khác cũng như lời dạy của họ. Chúng con rất băn khoăn không biết lời vị nào đúng, đạo nào là chân lý và đạo nào không phải chân lý. Chúng con nên tin vị nào và theo đạo nào?".
Đức Phật đáp: "Này các thiện nam, tín nữ, các vị phân vân, nghi ngờ là điều tất yếu và hợp lý. Các vị không nên vội tin hay bác bỏ quan điểm của đạo nào khi chưa tìm hiểu đạo ấy một cách thấu đáo".
Đức Phật giảng pháp.
Nhân đó, Phật cũng giảng giải cho các thiện nam tín nữ về 10 điều mà chúng ta không nên vội tin:
-
Một, chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
-
Hai, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
-
Ba, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
-
Bốn, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
-
Năm, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
-
Sáu, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
-
Bảy, chớ vội tin điều gì khi nó căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
-
Tám, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
-
Chín, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được vũ lực và quyền uy ủng hộ.
-
Mười, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Giải thích về lý do không vội tin những điều trên, Đức Thế tôn nói: "Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm. Sau khi kiểm nghiệm, nếu quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, việc thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ở hiện tại và về lâu dài, chỉ khi đó quý vị mới đặt niềm tin vững chắc và thực hành theo".
Phật dạy, khi học, đọc hay nghe một học thuyết nào đó, điều quan trọng nhất là phải áp dụng, thực hành. Khi bản thân thực hành, trải nghiệm theo giáo pháp đó mà cảm thấy bình yên, hạnh phúc ngay trong hiện tại và lâu dài thì đó là những lời dạy chân chính.
"Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, lợi ích cho mình và người khác thì quý vị hẵng đem lòng tin tưởng và làm theo. Đó là tiêu chuẩn của đức tin chân chính", Đức Phật nói.
Nếu theo đúng lời Phật dạy, thì đức tin chân chính không thể là đức tin mù quáng - tin không cần hiểu biết. Lòng tin phải xuất phát từ trí tuệ, phải qua sự suy tư, thể nghiệm của chính mình. Một khi mình hiểu rõ, chứng thực điều đó là tốt đẹp, đem lại sự an vui, hạnh phúc chân chính thì mới tin. Đừng vội tin ngay cả kinh điển hay lời nói được cho là của bậc thánh nhân, nếu bản thân chưa tự mình suy xét, kiểm chứng, vì cả kinh điển cũng dễ tam sao thất bản, lời thánh nhân cũng có thể bị trích dẫn sai. Đức Phật thậm chí còn khuyên các thiện nam tín nữ đừng vội tin vào Ngài nếu chưa thật sự hiểu về Ngài và giáo pháp Ngài truyền dạy.
Nếu học cách tin bằng trí tuệ và thực chứng như vậy, chúng ta sẽ không sợ bị lợi dụng lòng tin và đi theo con đường sai lầm.