HỎI:
Tôi là một cư sĩ đã thọ Thập thiện, phát nguyện giữ Thập trai, hiện đang còn công tác tại địa phương. Tuy nhiên, vì lý do công tác, quan hệ xã hội, dòng tộc nên tôi phải tham dự các lễ chiêu đãi, tiệc tùng, cưới hỏi, giỗ chạp… và cảm thấy rất khó xử khi những ngày ấy là ngày trai. Nhiều lúc tôi đã từ chối thẳng hoặc nhận lời rồi gởi quà mà không đến hay đến mà chỉ ngồi chơi, không ăn uống gì cả. Tôi thấy cách nào cũng không ổn. Xin giúp tôi một giải pháp khả thi.
ĐÁP:
Đọc những dòng tâm sự của Phật tử, chúng tôi vô cùng xúc động và tán thán sự tinh tấn, nhiệt tâm tu học, giữ gìn trai giới của Phật tử. Trong bối cảnh xã hội và hoàn cảnh công tác như Phật tử hiện nay mà thọ trì Thập thiện và giữ được Thập trai chứng tỏ Phật tử có thiện căn sâu dày với Phật pháp. Với phước đức tu tập như thế, chắc chắn Phật tử và gia đình sẽ gặt hái được nhiều quả phúc trong hiện tại và mai sau.
Một khi đã đối trước Tam bảo phát nguyện trai giới rồi thì phải nỗ lực giữ gìn, hết sức cố gắng để không vi phạm những điều mà Phật tử đã thệ nguyện. Do vậy, trước hết nên tìm cách thể hiện cho cơ quan, bằng hữu, thân tộc và mọi người biết mình là một người Phật tử đã thọ Thập thiện và phát nguyện ăn chay vào những ngày nùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 âm lịch mỗi tháng (Thập trai). Phật tử phải thể hiện và tự hào về việc thọ trì Thập trai của mình. Một khi mọi người đã biết thì họ sẽ hiểu và sẵn sàng thông cảm khi Phật tử không tham dự các lễ tiệc, đồng thời họ sẽ tránh bớt không mời Phật tử vào những ngày kể trên. Kế đến, trong các cách ứng xử mà Phật tử trình bày như từ chối, gửi quà mà không đến hay đến nhưng chỉ ngồi chơi không ăn uống gì thì tuyệt đối Phật tử không nên chọn cách thứ ba. Vì đến mà không ăn uống gì trong bối cảnh “tửu nhập ngôn xuất” thì hoàn toàn bất lợi và có thể trở thành đối tượng trung tâm cho mọi sự đàm tiếu. Trong trường hợp có thể thì Phật tử cứ chọn cách ứng xử thứ nhất và thứ hai vì như đã nói, người mời đã biết bạn “tu” nên dễ dàng thông cảm. Một cách ứng xử khác để tránh duyên trong những ngày trai mà Phật tử không đánh mất tình cảm là có thể đến trước thăm viếng, chúc mừng, tặng quà rồi cáo từ. Trong trường hợp bất khả kháng, không còn cách thoái thác, nếu Phật tử không tham dự thì sẽ gặp nhiều điều bất lợi trong quan hệ, thì Phật tử có thể tâm nguyện phương tiện ăn chay vào một ngày khác để thay thế. Tuy nhiên sau đó Phật tử phải đối trước Tam bảo thành tâm sám hối, đồng thời không nên tùy tiện sử dụng phương tiện này.
Trong những ngày trai, ngoài ăn chay, Phật tử nên kiêng ngũ vị tân (năm món gia vị như hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu…) và không dùng các chất kích thích, các loại rượu bia… Song song với việc ăn uống chai lạt, Phật tử phải tu tập để trau dồi hành động, lời nói và tư duy cho trong sạch, hợp Chánh pháp. Sự hoàn thiện tự thân của Phật tử sẽ là một tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo. Chính sự kiện toàn nhân cách của Phật tử là câu trả lời, là minh chứng hùng hồn nhất cho pháp tu Thập trai, đồng thời với “uy tín” đó sẽ trợ duyên tích cực cho Phật tử tu tập viên mãn trai giới đã phát nguyện.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 147-148.