Theo đó, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử.
Trưng bày gồm hai không gian chính, không gian thứ nhất có gần 200 tư liệu, hình ảnh, biểu đồ, tài liệu, hiện vật.
Khu trưng bày có những hiện vật là bảo vật quốc gia thuộc văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử như: Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Bảo vật Quốc gia Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử
Ngoài ra, khu trưng bày còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh các giá trị đặc trưng của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc, giới thiệu tiêu chí lựa chọn xây dựng hồ sơ đề cử di sản quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc.
Bảo vật Quốc gia tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, chất liệu bằng đá, niên đại thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17.
Ở không gian thứ hai là hoạt động trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa in, dập mộc bản trên giấy dó. Đây là hình thức lưu giữ văn hóa và truyền bá tri thức có từ lâu đời.
Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh - ông Đỗ Quyết Tiến cho biết, điểm nhấn của khu trưng bày là các hiện vật, tài liệu minh chứng khác biệt của một nền văn hóa vẫn đang tồn tại.
Khu trưng bày còn là ví dụ nổi bật về truyền thống định cư, sử dụng đất hoặc biển đảo đại diện cho nền văn hóa hoặc sự tương tác của con người với môi trường.
Bản in 'Yên Tử Nhật Trình', một tác phẩm chữ Nôm trong kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Theo Ban tổ chức, chuyên đề lần này phần nào làm sáng rõ giá trị lịch sử, văn hóa nhà Trần, tư tưởng và các di sản của đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói riêng trong hệ thống các giá trị lịch sử nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Một số hình ảnh hiện vật thời nhà Trần:
Đầu rồng, chất liệu gốm (thế kỷ 14)
Tượng vịt, chất liệu bằng gốm (thế kỷ 14)
Cặp đôi móng tay của Phật làm bằng vàng nguyên chất
Tượng phượng bằng đồng, thế kỷ 14 phát hiện tại đền An Sinh, xã An Sinh, TX Đông Triều, Quảng Ninh
Ngói lá đề làm bằng gốm, thế kỷ 14
Gạch hoa cúc làm bằng gốm, thế kỷ 14
Cặp tháp đất nung có niên đại từ thế kỷ 14
Tượng uyên ương có niên đại từ thế kỷ 14, phát hiện tại Thái Lăng, xã An Sinh, TX Đông Triều, Quảng Ninh
Ngói Hoàng Lưu Ly làm bằng gốm, niên đại thế kỷ 14
Mảnh góc bệ tháp Huyền Quang làm bằng gốm, niên đại thế kỷ 14
Không gian trưng bày đang diễn ra tại Bảo tàng Quảng Ninh
Phạm Công