Lấy mạng sống để đảm bảo cho tin B52 đánh Hà Nội
Người đó là Đinh Hữu Thuần, nguyên Trung tá, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Ra - đa 45, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 291, Quân chủng Phòng không - Không quân; giờ là Đại đức Thích Chánh Tuệ. Ông là người có công lớn trong việc phát hiện chính xác đường bay của B52 Mỹ đánh vào Hà Nội trong 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.
Nhiều lần liên lạc, thuyết phục, tôi mới có được lịch hẹn với thầy để nghe về chuyện “bắt” B52 năm xưa. Thầy hẹn gặp tôi ở Thiền viện Sùng Phúc (ở phường Bát Khối, quận Long Biên, TP Hà Nội) nhân dịp về nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Trung tá Đinh Hữu Thuần nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2015.
Đúng hẹn, thầy chờ sẵn ở sảnh chính, tay chắp hình búp sen lên ngực, A Di Đà Phật: “Bần tăng đã nương tựa cửa Phật không màng đến thành tích năm xưa. Nhưng bần tăng có kỷ niệm với báo Tiền Phong, nên đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình”.
Thầy nói: “Vào năm 2014, trong một bài viết đăng trên báo Tiền Phong có nhắc về câu chuyện Đinh Hữu Thuần phát hiện ra máy bay B52 đánh Hà Nội. Sau đó, Quân chủng Phòng Không - Không quân cho người đi tìm rồi đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tôi. Vì cái duyên đó, nên tôi nhận lời chia sẻ câu chuyện của mình”.
Rảo bước vãn cảnh chùa dưới mưa xuân lất phất, trong không gian thanh tịnh của Thiền viện Sùng Phúc, thầy Chánh Tuệ kể: Từ tháng 11 đến đầu tháng 12/1972, Đại đội Ra - đa 45 triển khai đội hình chiến đấu tại trận địa Đồi Si thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đại đội có nhiệm vụ cảnh giới vùng trời phía Tây, giáp Hạ Lào, nhằm phát hiện B52 từ xa.
“Ngày 18/12/1972, đơn vị có phiên mở máy ra - đa P12, phiên trực từ 18 giờ đến 20 giờ. Lúc 19 giờ 21 phút, trắc thủ Kiều Văn Tiết phát hiện có sự bất thường, màn hình ra - đa nhiễu tích cực rất mạnh. Quan sát tình hình, với kinh nghiệm đúc kết trong những lần máy bay B52 bay tập đường dài vào những năm 1971-1972 và bay ném bom ở Quân khu 4 và TP Hải Phòng, tôi lúc này là Đại đội trưởng Đại đội Ra - đa 45 ngay lập tức cho mở máy ra - đa P35, báo cho sở chỉ huy của đơn vị vào cấp báo động cao nhất rồi lập tức báo cáo đồng chí Trung đoàn trưởng rằng đơn vị phát hiện dấu hiệu của B52 hoạt động”, thầy Chánh Tuệ kể.
Dựa vào những kinh nghiệm, Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần bám vào các dải nhiễu, hướng dẫn tiêu đồ Lê Trường Kỳ đánh dấu trên bản đồ vị trí của B52. Phát thanh viên Nguyễn Minh Đạo phát tọa độ ô vuông, trần bay cho hai nhân viên ghi vào sổ ghi chép. Hai báo vụ căn cứ vào đó mà gõ ma-níp phát tình hình về sở chỉ huy cấp trên, mỗi tin báo kèm theo phát tiếng B52 đánh bom Hà Nội.
Sau khi các tin được báo về sở chỉ huy, 2 phút sau, một hồi chuông vang lên, từ đầu dây bên kia nói: “Cho gặp đồng chí Đinh Hữu Thuần, tôi là Hứa Mạnh Tài, Tham mưu phó Binh chủng Ra - đa đây. Có đúng là đồng chí Đinh Hữu Thuần đấy không? Anh lấy gì làm căn cứ mà dám báo B52 vào đánh Hà Nội?”
“Thực ra đây là giây phút cực kỳ hệ trọng đối với Tổ quốc, sự lâm nguy của Hà Nội. Lúc này, mình phải làm sao để cấp trên tin vào lời báo cáo là B52 sẽ đánh Hà Nội. Lúc đó, không do dự tôi quyết đoán trả lời: “Tôi xin lấy tính mạng của mình để bảo đảm với Tổ quốc, chịu trách nhiệm trước pháp luật, chính xác máy bay B52 đang bay vào đánh Hà Nội!”.
Thầy kể thêm: “Sau cuộc gọi của đồng chí Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Ra - đa, khoảng 2 phút, tiếp tục có thêm cuộc gọi của chỉ huy khác, đồng chí ấy không xưng tên, nhưng giọng rất dứt khoát: Anh có dám chắc là B52 vào đánh bom Hà Nội không? Anh lấy gì làm căn cứ mà dám báo B52 đánh Hà Nội là lẽ gì vậy?. Mặc dù mình đã lấy tính mạng ra để đảm bảo, nhưng cấp trên vẫn chưa tin tưởng. Nhưng tình hình lúc này rất nguy cấp, nên ông trả lời ngay: Tôi xin lấy đầu ra để đảm bảo chính xác B52 ném bom Hà Nội và tôi xin được chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Đại đức Thích Chánh Tuệ (người mặc áo nâu sòng) dự tọa đàm “12 Ngày Đêm Lằn ranh lịch sử”, kỷ niệm 50 năm chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.
Cách “bắt” B52 sau lớp sóng tàng hình
Sau đó ít phút, 9 tốp B52, mỗi tốp 3 chiếc “núp” trong những dải nhiễu nặng, tàng hình trước các máy ra - đa lừ lừ bay vào Hà Nội. Thế nhưng, chúng không qua khỏi sự thông minh, lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Đại đội Ra-đa 45 bởi vẫn có những kẽ hở để phát hiện ra vị trí B52 chính xác và liên tục báo cáo với cấp trên. Khi phát hiện tốp máy bay B52 đầu tiên cách Hà Nội 350km, Đinh Hữu Thuần khẳng định chính xác B52 sẽ đánh vào Hà Nội với thời gian sớm hơn 35 phút.
“Máy bay B52 có hệ thống gây nhiễu cực mạnh, bay đến đâu chúng gây nhiễu làm cho màn hình ra - đa trắng xóa. Nhưng bằng kinh nghiệm, tôi đã sử dụng phương pháp “gậy ông, đập lưng ông”, dùng chính dải nhiễu tích cực của B52 để chỉ ra chính xác đường bay, tọa độ, độ cao của chúng”, Đại đức chia sẻ.
Trong những giây phút lặng người, chờ tin cấp trên báo về, điện thoại đổ chuông liên hồi. Ông nhấc máy trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng, không biết tin lành hay dữ, thì đầu dây bên kia một giọng nói trầm ấm của Trung đoàn trưởng Đỗ Văn Năm báo tin: Tối 18/12, Đại đội Ra - đa 45 đã chủ động mở máy bắt được tín hiệu, thông báo máy bay B52 đánh bom Hà Nội rất chính xác, giúp Hà Nội chủ động đánh thắng. Trận này, tên lửa của Hà Nội đã bắn rơi 3 chiếc B52, trong đó có 1 chiếc B52D rơi ở cầu Đuống.
Cứ như thế, trong suốt 12 ngày đêm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Đại đội Ra-đa 45 dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần đã góp phần thông báo kịp thời, chính xác cho cấp trên chủ động chỉ huy các lực lượng đánh thắng B52.
Nương tựa cửa Phật
Khi câu chuyện “bắt” B52 của thầy kết thúc, tôi hỏi Đại đức về cái duyên đến với Phật pháp, thầy chia sẻ, tháng 12/1989, thầy nghỉ hưu, rồi cùng vợ bươn chải buôn bán ngược xuôi, nuôi 3 người con ăn học. Hơn 15 năm xuôi ngược, tôi cảm thấy cuộc sống buôn bán cứ lao xao, làm cho tâm của mình không yên, rồi thầy tìm đến với thiền và khi trái nhân duyên chín muồi, cuộc đời thầy rẽ sang nương tựa cửa Phật.
Đại đức chia sẻ: “A Di Đà Phật! Khi hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội giao, con cái cũng đã khôn lớn, tôi xuất gia với pháp danh Chánh Tuệ, tu thiền theo tông chỉ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập”.
Đại đức Thích Chánh Tuệ chia sẻ, Phật luôn ở trong tâm của mỗi người, để cuộc sống xã hội ngày một tốt đẹp, người người rộng lượng, bao dung, chan hòa, khiêm nhường. Ngoài việc tụng kinh, niệm phật, thầy tham gia hướng dẫn phật tử tu học Phật pháp, tổ chức khóa tu mùa hè cho các cháu thanh niên, thiếu nhi.
Trong đời sống, Đại đức Thích Chánh Tuệ cũng khuyến khích các Phật tử phát nguyện tu tập, đem giáo pháp hòa nhập vào cuộc sống, trưởng dưỡng tâm từ bi, trí tuệ, giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh...