Quang lâm chứng minh và tham dự buổi lễ có HT. Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN; HT. Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TT-XH TƯ GHPGVN; HT. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT TƯ GHPGVN, Trưởng BTC, cùng chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, đoàn đại diện Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, các vị khách mời là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.Hà Nội, đại diện cho bà con nhân dân Phật tử Thủ đô Hà Nội đồng tham dự.
Chư Tôn đức và các vị đại biểu lãnh đạo Đảng, nhà nước tham dự.
Đây là chương trình giao lưu, gặp gỡ các nhân vật đặc biệt, được tổ chức tại Nhà Hát Lớn Thủ đô Hà Nội, một không gian linh thiêng, nơi đã từng chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt của đất nước.
Khách mời lần này là các nhân vật có nhiều hoạt động vì cộng đồng như: ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng bộ VHTT; Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội hỗ trợ các gia đình Liệt sĩ Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng, các Nghệ sỹ nổi tiếng có nhân duyên với Phật pháp như: Ca sỹ Việt Hoàn, Thanh Lam, Ngọc Ngân, Đặng Hồng Nhung, nhạc sỹ Trần Thanh Liêm vv…
Đêm giao lưu ca nhạc với nhiều ca khúc nội dung tuyên truyền, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, gương hy sinh của các anh hùng Liệt sĩ, lòng tri ân, hiếu kính của người Việt Nam. Giao lưu khách mời là nội dung chia sẻ những việc làm thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, thông qua các hoạt động của Phật giáo kết nối đến với cộng đồng.
HT. Thích Gia Quang, Trưởng BTC cho biết: Nhằm tạo công đức dâng lên Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2023, Ngày Quốc khánh 2 tháng 9 và Cách mạng Tháng 8. Đại lễ Vu Lan PL.2567 – DL.2023, với mục đích là xiển dương Đạo pháp, phát huy truyền thống Hiếu đạo của Phật giáo, lòng tri ân trong tứ trọng ân của Phật giáo đối với quốc gia dân tộc. Chung tay chia sẻ cùng xã hội, trao quà tới các gia đình Liệt sỹ, gia đình có công với đất nước, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Đạo hiếu, giáo lý nhà Phật tới cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn, sự hy sinh lợi ích của các cá nhân cho cộng đồng, khơi dậy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn của dân tộc, một lần nữa khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Tại đây Ban Tổ chức đã dành những phần quà tình nghĩa trao tặng cho đại diện các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh nặng, gia đình có công với cách mạng.
Trước đó BTC đã có một chuyến đi 3 ngày viếng thăm các di tích lịch sử tại Côn Đảo, làm lễ cầu siêu cho hương linh các Anh hùng Liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, trao quà cho một số gia đình thân nhân Liệt sĩ, người có công tại huyện Côn Đảo, tỉnh BR-VT.
Đã từ lâu Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành một “lễ hội” cùng dân tộc, Vu Lan báo hiếu đã trở thành nét đẹp văn hóa Hiếu đạo truyền thống, mang tính nhân văn, thể hiện lòng hiếu kính của mọi người đối với ông bà cha mẹ hiện tiền hay đã quá vãng, cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Lòng trân trọng hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, chính là sợi dây liên kết, là truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam.
Đức Phật dạy: Ngày Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Ngày đó dù các vị ở trong thiền định hay thọ hạ kinh hành, hay hoá độ nhân gian, cũng tập trung lại để cùng Tự Tứ. Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày Đại lễ Vu Lan trở thành chương trình thường niên hàng năm.
Với thông điệp tôn vinh đạo hiếu, nhắc nhở các thế hệ hậu bối nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ, tổ tiên cũng như đền ơn đáp nghĩa những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Chương trình đã mang lại hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa các giá trị nhân văn cao đẹp, Đại lễ vu lan Đạo Hiếu và Dân Tộc do Ban TTTT Trung ương GHPGVN đã thành tựu viên mãn, chương trình đã truyền đi một thông điệp cụ thể trong xã hội, mọi người hãy chung tay cùng thể hiện lòng tri ân và báo ân, tinh thần Đạo pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa, làm cho Đạo pháp mãi trường tồn, quốc gia được hưng thịnh.
PV: Tronghaitb