Toàn cảnh đại lễ
Quang lâm chứng minh và tham dự đại lễ có Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN, trưởng Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng, trưởng Ban tổ chức khóa an cư kiết hạ PL.2567, Đường chủ hạ trường chùa Nam Hải; Thượng tọa Thích Nguyên Bình – Chánh Duy Na hạ trường; Thượng tọa Thích Tục Bách – Phó Ban Pháp chế TƯ GHPGVN, ủy viên thường trực Ban kinh tế – tài chính TƯ GHPGVN, trưởng ban Kinh tế – Tài chính GHPGVN thành phố Hải Phòng, phó chánh Duy Na hạ trường, cùng hơn 300 hành giả đang thực hiện cấm túc an cư tại hạ trường chùa Nam Hải.
Tham dự buổi lễ còn có một số Phật tử đại diện cho đạo tràng Tổ đình Dư Hàng ( Phúc Lâm tự), các đạo tràng trong thành phố và đông đảo quý Phật tử đang tu học tại các chùa nội, ngoại thành của thành phố Hải Phòng.
Lễ Vu Lan (ngày rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn.
HT. Thích Quảng Tùng phát biểu khai mạc đại lễ và chia sẻ nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Vu lan Báo hiếu, ý nghĩa Bông Hồng cài áo
Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Chư tôn đức Tăng tham dự đại lễ
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Hòa thượng Thích Quảng Tùng đã chia sẻ cùng đại chúng về nguồn và ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu. Theo đó, Lễ hội Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan xuất phát từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác và người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên.
Chư tôn đức Tăng tham dự đại lễ
Kinh “Vu Lan Bồn” có ghi lại: ngày xưa, khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, tưởng nhớ mẫu thân, đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi thì thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ. Nhưng do bà Thanh Đề còn quá sân si, ác nghiệp còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì bát cơm hóa thành than lửa. Tôn giả Mục Kiền Liên không cón cách nào để cứu được mẫu thân nên Ngài liền quay về hỏi Đức Phật.
Chư tôn đức Ni tham dự đại lễ
Đức Phật dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ”. Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư Tăng, sắm sanh phẩm vật cúng dàng chư tăng vào ngày rằm tháng 7. Sau đó, mẹ của Ngài đã được cứu thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm”. Từ đó, ngày Lễ Vu Lan ra đời.
Nghi thức “Bông hồng cài áo” nhân mùa Vu lan Báo hiếu
Ngoài ra, Hòa thượng cũng chia sẻ về ý nghĩa cài hoa hồng, các màu hoa hồng được sử dụng trong ngày lễ Vu lan Báo hiếu. màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ, màu trắng dành cho ai đã mất mẹ. Với những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực áo thì được nhắc nhở hãy cố gắng hết lòng vâng lời, hiếu kính, lễ phép với cha mẹ. Còn người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ.
Phật tử Diệu Hải đại diện cho các Phật tử có mặt tại buổi lễ dâng lời cảm niệm nhân mùa Vu lan Báo hiếu
Trong buổi lễ Vu Lan thiêng liêng, ai còn cha mẹ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó như một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm cha mẹ yên lòng. Ai mất cha hoặc mẹ thì nhè nhẹ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt. Những ai không may mất đi cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực hoa hồng trắng – màu của ký ức, như nhắc nhớ về những thời khắc thiếu vắng bóng hình mẹ, cha. Màu trắng tuy buồn thương nhưng thanh khiết như động viên người con thảo hãy sống thật tốt dù đấng sinh thành vắng bóng. Hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.
Toàn thể đại chúng tụng kinh, chú nguyện nhân mùa Vu Lan
Riêng hoa hồng vàng sẽ cài lên ngực áo của chư tôn Thiền đức. Màu vàng là màu của sự giải thoát, màu của ánh đạo được Như Lai thế tôn truyền trao đến hàng Thích tử, cài lên hoa hồng vàng ấy như cài lên một sứ mệnh mà vạn loại hữu tình giao phó, đưa người thoát bến mê, tiến về bờ giác. Thay vì cài bông hồng đỏ hoặc trắng để chỉ cho cha mẹ hiện tiền, những người tu sĩ còn có cha mẹ rộng hơn, lớn hơn, cao cả hơn. Đó là tất cả chúng sinh, vì thế cài bông hồng vàng để tỏ rõ lý tưởng cao quý này.
Sau nghi thức “ Bông Hồng Cài Áo”, chư hành giả an cư tại hạ trường chùa Nam Hải và quý Phật tử có mặt tại buổi lễ đã tổ chức khóa lễ tụng kinh Sám nguyện và kinh Vu lan Báo hiếu cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc, tăng thọ; ông bà cha mẹ đã quá vãng được siêu sinh về miền Tịnh cảnh.
Chư tăng tụng kinh, chú nguyện
Dịp này, đạo tràng Tổ Đình Phúc Lâm ( Dư Hàng), cùng một số đạo tràng trong và ngoài thành phổ đã tổ chức lễ cúng dàng trai tăng chư hành giả an cư tại hạ trường chùa Nam Hải nhân mùa Vu lan Báo hiếu, hồi hướng công đức cho ông bà cha mẹ hiện tiền và cửu huyền thất tổ được hưởng thêm phần lợi lạc.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận:
Cung nghinh chư tôn đức quang lâm tham dự đại lễ
Đại đức Thích Chân Thường dẫn chương trình Đại lễ
Văn nghệ chào mừng
Toàn cảnh đại lễ
Niệm Phật cầu gia hộ
Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Phó Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN
Hòa thượng Thích Quảng Tùng phát biểu khai mạc Đại lễ
Các Phật tử trong đoàn cài hoa hồng
Nghi thức cài hòa hồng
Chư tôn đức xúc động trong khi cài hoa hồng
Chư tăng cài hoa hồng vàng
Phật tử còn mẹ sẽ được cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu đỏ thắm
Phật tử mất mẹ sẽ ngậm ngùi cài lên ngực áo của mình một bông hoa hồng màu trắng tinh khôi
Phật tử Diệu Hải đại diện cho các Phật tử dâng lời cảm niệm nhân mùa Vu lan Báo hiếu
Chư tăng tụng kinh cầu nguyện
Phật tử tụng kinh cầu nguyện
Thành Trung