Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chế định, Chư tăng, ni hàng năm có ba tháng An Cư Kiết Hạ, tập trung về một trụ xứ thích nghi gọi là“tịnh nghiệp đạo tràng” hay ‘đạo tràng an cư kiết hạ”, đó là một ngôi tùng lâm, già-lam, tịnh xá, tu viện, để cùng nhau tu tập Tam Vô Lậu Học: “Giới- Định- Huệ.”
Đây là phương tiện thắng duyên, để triển khai năng lực của người tu sĩ, tiến tới tinh thần tự giác, giác tha sống đúng quy cũ thiền môn, hòa hợp đoàn kết thanh tịnh, để củng cố tăng già, phát huy chính pháp, và cũng là phương pháp xây dựng cộng đồng tăng lữ, phát hiện nhiều nhân tố, xuất sắc về tài năng, đức hạnh làm gương tốt đời đẹp đạo, để cùng nhau tiến lên thành tựu quả vị giác ngộ, giúp cho mọi người được sống an vui hạnh phúc, bằng những hành động từ bi và trí tuệ, rèn luyện oai nghi tế hạnh của bản thân, để thành tựu giới -định -tuệ, ngõ hầu vượt qua sông mê biển khổ, để bước lên bờ giác, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ tam đồ làm lợi lạc quần sinh, báo Phật ân đức.
I. Lợi lạc trong mùa An Cư
Trong ba tháng An Cư, chư tăng, ni phải ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập, giữ cho thân tâm được thanh tịnh, thân thì không đi ra khỏi chùa, tâm thì chuyên cần tu học, luôn giữ được chính niệm, không chạy theo trần cảnh bên ngoài, hàng ngày học pháp, nghe pháp, hỏi pháp, trì kinh và tu tập thiền định, dưới sự quan tâm, dẫn dắt của các vị trưởng lão đã chứng đạo quả, hoặc có nhiều kinh nghiệm trong tu học, luôn hướng đến sự song hành giữa tự độ và độ tha, giữa tự giác và giác tha để thành tựu giác hạnh viên mãn như chư Phật. Vì vậy có thể nói, an cư kiết hạ là nòng cốt của sự tu học, giúp chính pháp duy trì được nội lực, tinh tấn, nương nhờ công đức tu học để tăng trưởng được trí tuệ, khi trí tuệ được tăng trưởng liên tục, đều đặn qua mỗi năm, thì cũng đồng nghĩa là con đường đến với quả vị Bồ Đề sẽ được rút ngắn lại, bản thân cũng được thêm một tuổi đạo.
Thứ nhất : Giá trị của sự tu tập
Truyền thống An cư kiết hạ, là một pháp tu hành, được người xuất gia duy trì, từ thời đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay (khoảng 2500 năm), để làm nòng cốt cho sự tu học và duy trì nội lực chính pháp, tinh tấn tu hành, để vun bồi công đức, phước báo, trí tuệ, nhằm thành tựu đạo quả giải thoát, hầu làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh, không ngoài ba mục đích:
Thứ nhất, trong thời gian tu tập, giáo giới, chỉ dạy phương pháp tu tập, và khích lệ tinh thần cho nhau, trên lộ trình giải thoát. Vì vậy, mùa An cư của chư tăng, ni chính là thời kỳ thuận lợi nhất, trong việc thực thi đời sống hướng thượng, quyết định sự chuyển hóa tâm thức, là cơ sở thành tựu phạm hạnh giải thoát tối hậu. Cho nên trong các bản kinh A hàm và Nikàya từng thuật lại, nhờ có sự tập trung An cư mà các hành giả trong thời gian này đã có sự thăng chứng vượt trội, nhờ sống phạm hạnh mà thành tựu giới, nhờ thành tựu giới mà chứng đạt được định, nhờ chứng đạt định mà khai mở trí tuệ, nhờ có trí tuệ mà chứng đắc quả Thánh.
Thứ hai, Một năm có mười hai tháng, thì 9 tháng tăng, ni bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà đi đây đi kia, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, đồng thời tổ chức các khóa tu, để quảng kết thiện duyên và làm phước điền cho những ai phát tâm, đồng thời thuyết pháp, giảng kinh…, mang lại niềm tin thanh tịnh và trí tuệ giải khổ cho mọi người, khi chúng ta tiếp xúc bên ngoài, bị ngoại duyên chi phối, ảnh hưởng đến sự nghiệp trí tuệ và mục đích cứu cánh giải thoát (tự độ) của mình, không có thời gian nhiều để nỗ lực tu. Cho nên đến mùa an cư tăng, ni đều gác qua mọi việc pháp sự bên ngoài, dồn hết tâm lực cho việc tu học, nỗ lực tinh tấn tu tập, trau giồi giới đức, phạm hạnh và tăng trưởng đạo lực, thể nghiệm chân lý thật khó có thể nghĩ bàn.
Đức Phật và các vị Thánh đệ tử, những bậc đã chứng đạo, thành tựu mục tiêu rốt ráo giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn, luôn luôn an trú trong chính niệm, thiền định và sống bằng tuệ giác, còn được sự nhắc nhở, chỉ dạy của chư vị hoà thương, thượng toạ và đại đức đã đạt được giới hạnh cao thâm, quý Ngài thường quan tâm đến nề nếp đạo đức, và làm tấm gương nghiêm trì giới pháp, luật nghi, tinh tấn thực hành đạo đức, phạm hạnh cho hàng phật tử noi theo, làm nơi nương tựa cho quần chúng, dùng thân giáo, khẩu giáo để phát huy tinh thần hoằng pháp, lợi lạc chúng sinh. Nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng, nhằm thành tựu đạo quả giải thoát, làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh. Đầy đủ giác ngộ, từ bi và giải thoát mới xứng đáng là đệ tử chân chính của Phật, làm nơi nương tựa, và là ngọn đuốc soi đường cho hàng phật tử tại gia.
Thứ ba, tạo điều kiện cho hàng phật tử có cơ hội gần gũi chư tăng, ni học hỏi chính pháp, hộ trì tam bảo, để tiến tu và vun trồng công đức, phước báo, làm nền tảng an lạc hạnh phúc đời này và đời sau. Phật tử tại gia nhờ nhân duyên này, mà chính tự thân của mỗi người có cơ duyên học pháp, khai mở trí tuệ, làm các việc lành, tạo sự nối kết, mở rộng vòng tay nhân ái, cứu giúp cộng đồng trong xã hội. Người thầy nỗ lực tu tập và hoằng pháp; người trò tiếp nhận pháp và hành pháp trong khả năng, điều kiện có thể, góp sức cùng cộng đồng, xây dựng đời sống hạnh phúc.
II. Trí tuệ và công đức
Trong thời gian cấm túc an cư, chư tăng, ni tập trung trong một môi trường thanh tịnh, và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng, ni trẻ tuổi, có cơ may học pháp từ các bậc trưởng thượng; và các bậc trưởng thượng có thuận duyên sách tấn, giáo huấn đàn hậu học, hành trì tu tập, trau dồi giới đức, phát triển nội tâm, khai mở trí tuệ, thăng tiến đạo hạnh, để cho hội chúng tại gia nam nữ cư sĩ có nhân duyên quy tụ nương tựa tịnh nghiệp đạo tràng mà tiến tu phẩm hạnh, đạo đức hoàn thiện. Có như thế, sinh mệnh tăng già không những trường tồn mà việc hoằng hóa độ sinh ngày một hưng thạnh, đem lại lợi ích cho quần sinh. Cho nên, đức Phật từng tán thán:“Nơi nào có hội chúng xuất gia thành tựu pháp, thì nơi đó hội chúng tại gia được an lạc, hạnh phúc nhờ sự hướng dẫn thực tập hành pháp của hội chúng xuất gia”. Vì vậy thành lập các trường hạ cũng là nơi thiết lập đạo tràng cho hội chúng tại gia có điều kiện nghe pháp, hành trì pháp, thực tập đời sống hướng nội một cách thiết thực và hữu hiệu nhất. Như trong kinh Tăng Chi Phật dạy rằng:“Hội chúng nào có các Tỳ kheo sống không biếng nhác, từ bỏ các đọa lạc, đi đầu hạnh viễn ly, sống theo tinh thần tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ, hội chúng này sẽ làm lợi ích cho đa số, sẽ làm tăng trưởng an lạc giải thoát”. Chính sự thành tựu của việc tu tập này, sẽ góp phần đem lại giá trị hạnh phúc thiết thực cho tự thân mỗi hành giả tu tập giải thoát, kết nối sự hòa hợp thanh tịnh của cả một đoàn thể tăng già, quyết định cho sự truyền đăng tục diệm, hưng thịnh đạo pháp, chúng sinh được an lạc.
Do đó, mùa an cư còn là thời gian để các Phật tử tại gia có dịp thực hành các giới pháp đã được thọ trì, đóng góp công đức hộ trì tứ sự cúng dường như thực phẩm, y phục, thuốc men, vật dụng cho các hành giả an cư, thân cận các vị sống đời sống phạm hạnh mà theo đó thăng tiến đời sống tâm linh của mình. Chính vì vậy, trong ba tháng an cư, ai cúng dường tăng đoàn tu hành thanh tịnh sẽ được phước báu vô lượng, công đức này có thể hồi hướng đến cho cha mẹ còn ở hiện đời được sức khỏe an lành; cũng như cha mẹ, thân nhân quyến thuộc đã quá vãng sẽ được thoát khổ, siêu sinh về cảnh giới cao đẹp.
III. Môi trường tu tập Tâm linh
Khi Phật còn tại thế, các vị đệ tử toàn là thánh tăng nhưng một năm phải an cư một lần, bây giờ thời mạt pháp hầu hết là phàm tăng, còn phải phụng sự chúng sinh với nhiều ma chướng, cho nên hằng năm tổ chức an cư, hoặc hằng tháng, hằng ngày, mục đích là để duy trì giới luật, nạp lại năng lượng đã bị sử dụng tiêu hao trong ngày. Cho nên an cư không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là nhu cầu thiết yếu, là con đường để thăng hoa đời sống tâm linh, vun bồi trí tuệ, thực hiện lý tưởng cao đẹp, có thể hiểu an cư là thời gian mà chúng ta dừng nghỉ, để bổ sung cho mình những tiêu hao trong quá trình phụng sự chúng sinh, nhằm đưa vào tâm thức những nguồn năng lượng mới, đó chính là yêu thương và hiểu biết, giúp đời sống của ta và tha nhân giảm dần những đau khổ và tăng thêm những an lạc, từ đó thiết lập được những môi trường an ổn, hài hoà với tất cả và thuận với thiên nhiên.
Cho nên An cư trong Phật giáo có ý nghĩa hết sức nổi bật để các tỳ kheo được an trú trong một môi trường tu tập“thanh tịnh” việc thiết chế an cư rất nghiêm tịnh, có quy mô theo một hệ thống tổ chức của tăng già, cũng không ngoài muc đích tạo ra một môi trường lý tưởng tốt đẹp, để cho tăng, ni thực nghiệm tâm linh thành tựu một cách viên mãn như sở nguyện. Vì vậy trong luật Ma ha Tăng kỳ 27, có nói rằng: “khi vào an cư, hành giả phải thưa rõ ý chỉ kiết chế an cư đối với người mà mình nương tựa (Tỳ kheo có giới đức) mới được vào an cư, gọi là Đối thú an cư. Nếu không có người nương tựa thì trong tâm tự nêu rõ ý chỉ kiết hạ an cư để vào an cư, gọi là “Tâm niệm an cư”. Trong thời gian an cư, hành giả không được phép ra ngoài; nếu trái sự quy định này thì phạm tội ác tác”.
Trong luật Tứ phần 37, lại nêu: “Người nào đi mà trở về cùng ngày hoặc có duyên sự đặc biệt, tăng đoàn cho phép thì cũng được ra ngoài, nhưng chỉ giới hạn trong vòng 7 ngày hoặc 15 ngày mà thôi, phương thức này gọi là thất nhật pháp”. Theo các thuật ngữ của tập Chú giải, điều này có nghĩa là ta có thể ra khỏi nơi an cư trong vòng sáu buổi sáng và phải trở về để đón chào bình minh thứ bảy ngay tại nơi An cư. Nếu người nào vi phạm qui định này mà ra ngoài, thì đắc tội ác tác, gọi là phá An cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận các vật cúng dường An cư được phân phối. Nhưng, nếu vì các chướng nạn như: Chạy tránh ác thú, rắn độc, hỏa hoạn, nước dâng, vua bắt, giặc đuổi, trúng thực, nữ nhân, thân tộc v.v…, hoặc vì sự hóa giải việc phá tăng mà rời khỏi nơi An cư, thì không phải tội. Sự khắt khe này cũng chỉ vì đức Phật muốn bảo hộ sức sống của tăng-già bằng việc triển khai năng lực tu tập của mỗi cá nhân.
Chính ý nghĩa An cư kiết hạ này, đã trở thành vấn đề thiết lập môi trường tu tập tâm linh, không chỉ mang ý nghĩa cho mỗi tâm linh tự thân chuyển hóa nội tâm, mà còn ý nghĩa lớn lao hơn nữa là xây dựng cho đại số đông, thân – tâm của bất cứ hành giả nào nương tựa pháp hành này cũng được công đức của phật pháp.
Trong kinh Tương ưng, Phật dạy: “Nơi nào có hội chúng xuất gia thành tựu Pháp, thì nơi đó hội chúng tại gia tại đó được an lạc, hạnh phúc nhờ sự hướng dẫn thực tập hành pháp của hội chúng xuất gia”. Cho nên trong Kinh Tăng Chi II “có nêu lên 5 lợi ích cho người sống chung với người an cư: 1. Nghe điều chưa được nghe; 2. Làm cho thanh tịnh điều được nghe; 3. An trú chính tín những gì đã được học; 4. Không cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; 5. Có được các thiện tri thức đồng tu tập”. Từ đó, sự kết nối yêu thương được thiết lập, các giá trị đạo đức, nhân cách, trí tuệ của mọi người cũng được định hình nhờ sự tiếp nhận suối nguồn chính pháp.
Trong thời gian ba tháng an cư, tăng đoàn sinh hoạt cộng trú, cùng nhau sống trong tinh thần lục hoà, cùng nhau nhắc nhở giới luật, sách tấn lẫn nhau. Đến ngày kết thúc, tức vào ngày thứ chín mươi, chư tăng tập trung tại một giới trường, đối chiếu với giới luật mà mình đã thọ trì, mỗi người tự kiểm điểm bản thân qua thấy, nghe và nghi và nếu thấy việc gì đó không đúng, tự mình nói lên hoặc nhờ một vị Tỳ kheo khác nói lên, sau đó nếu thấy rằng, mình có sai phạm thì phải sám hối đúng pháp. Sau khi sám hối liền được thanh tịnh, trong tâm cảm thấy an lạc. Đó là ý nghĩa của ngày Tự tứ, ngày kết thúc khoá an cư. Ngày Tự tứ này cũng còn gọi là ngày thọ tuế, nghĩa là chư Tăng được xác định thêm một tuổi đạo, là tuổi của Giới đức, của Tuệ học. Hàng xuất gia luôn lấy Giới đức và Tuệ học làm tuổi, chứ không tính tuổi theo năm tháng của thế gian. Nếu Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào không quan tâm đến việc tu tập thiền định để bồi dưỡng trí tuệ thì thật không xứng đáng là bậc mô phạm tỉnh thức.
IV. Kết luận
Trong ba tháng an cư, tăng – ni được phước duyên lành mới chung họp một nơi, trên có thầy dưới có bạn, chung quanh có Phật tử ủng hộ cho mình tu được viên mãn, không chướng ngại. Thiện hữu tri thức luôn luôn thúc đẩy chúng ta tiến lên, đó là phúc duyên lớn lao, phải cố gắng thực hiện cho đúng với sở nguyện, thỉnh những vị đạo cao đức trọng nhắc nhở, dạy bảo tu hành. Nhờ những bậc có kinh nghiệm trên bước đường tu hành đi trước, chỉ dạy lại cho người sau. Do đó, trong đại chúng ai cũng có đủ duyên tu tiến, không trở ngại, không lùi bước. Và còn thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh. Đồng thời duy trì tòng lâm quy củ, trang nghiêm Giáo hội, mang lại lợi lạc cho tự thân trên phương diện lý tưởng giải thoát và làm lợi ích cho nhân thiên ba cõi.
Cho nên, vai trò và trách nhiệm của vị Tỳ kheo là rất lớn, ngoài việc tự nỗ lực tu tập giải thoát cho chính mình, vị Tỳ kheo còn phải nhiệt tâm, tinh cần xây dựng giải thoát Tăng già trong thực thể Tam bảo. Từ đó hàng ngày tự bản thân mình, “ phản quan tự kỷ” luôn soi sáng với chính mình, mà trong Kinh, đức Phật dạy: “tất cả đều do tâm tạo” cho nên khi đã làm chủ được tâm mình thì “ tâm tịnh quốc độ tịnh”, “tâm bình thế giới bình”, không chạy theo dục lạc, vật chất thế gian, những vọng động, sinh diệt ở bên ngoài, thì trí tuệ sẽ phát sinh, thấy rõ và sống đúng với chân lý, lợi lạc được quần sinh. Chính vì vậy mà một vị tỳ kheo hàng ngày phải luôn tâm niệm tự mình thiết lập một môi trường tu tập, cùng nhau học hỏi chính pháp, hành trì giáo pháp để thăng tiến và giúp cho mọi chúng sinh thoát khổ, hướng tâm về Phật đạo.
Sau mùa an cư, tất cả tăng, ni, được thêm một tuổi đạo. Thông thường ở thế gian, mỗi năm đến ngày mồng một Tết người ta chúc thọ cho nhau (thân tứ đại thêm một tuổi là gần tới cái chết một phần, cho nên càng tăng tuổi thọ thì càng gần cái chết). Trong đạo thì lấy ngày mãn hạ tháng bảy làm ngày khánh tuế, chúc mừng tuổi đạo cho nhau (tuổi thọ trong đạo càng tăng thì càng gần với quả vị Bồ-đề, không phải gần cái chết.) Vì vậy, tuổi thọ thế gian là tuổi thọ của thân tứ đại, tuổi thọ của đạo là tuổi thọ của giới thân huệ mạng. Hai bên khác nhau.
Mùa an cư là thời gian tăng, ni tích lũy công đức, nỗ lực tu hành để tăng trưởng đức hạnh, tăng trưởng trí tuệ. Đức hạnh, trí tuệ tăng trưởng thì tăng trưởng giới thân huệ mạng. Người tu Phật cốt làm sao mỗi ngày trí tuệ mỗi tăng trưởng cho đến viên mãn, gọi là đạt quả Bồ-đề.
Thượng toạ Thích Thiện Hạnh
Phó Viện Trưởng Phân Viện NCPH tại Hà Nội