Hòa Thượng Thích Bửu Chánh – Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó trưởng Ban VHTƯ phát biểu khai mạc. Hòa Thượng nêu rõ việc“Lan tỏa đề án: pháp phục, ngôn ngữ, nghệ thuật và biểu tượng văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Theo Hoà thượng thì đây cũng là Phật sự của Ban VHTƯ nói riêng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.
Đến tham dự lớp tập huấn có đại diện Ban Trị sự các tỉnh, thành phía Bắc: Thanh Hoá, Thái Nguyên, Thái Bình, Yên Bái, Lai Châu, Vĩnh Phúc,Tuyên Quang. Trong buổi tập huấn, Ban VHTƯ khuyến khích Tăng Ni, Phật tử hưởng ứng các đề án trên, góp phần lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội. Đặc biệt là đề án Pháp phục, từ kinh nghiệm khi trong quá trình triển khai tại các tỉnh thành phía Nam và miền Trung thì các tỉnh phía Bắc theo đó rút kinh nghiệm để thực hiện và triển khai đề án hiệu quả. Bởi đề án Pháp phục lan toả đến Tăng Ni cũng như Phật tử chúng ta sẽ có tiếng nói riêng của Phật giáo Việt Nam khi sử dụng sắc phục mang đậm chất Văn hóa, Dân tộc.
Tiếp đó, là phần thuyết trình và hướng dẫn của CS. Chơn Phương (Đậu Giang Nam) – Ủy viên Ban VHTƯ, Phó Phân ban Pháp Phục. Cư sĩ Chơn Phương cũng trình bày chi tiết các lý do trong việc thống nhất Pháp phục Tăng Ni; cách thức và ý thức mặc trang phục của người Phật tử tại gia.
Cư sĩ Chơn Phương cũng thông tri đến chư Tôn đức các tỉnh thành về việc Ban VHTƯ đã cúng dường đến chư Tôn đức 1.091 bộ Y áo đến các vị đang công tác trong Ban, Viện TƯGH. Hiện nay, việc mặc Pháp phục chưa có sự thống nhất, nên sau khoá tập huấn này bắt tay vào việc triển khai thực hiện. Sẽ có một buổi tập huấn cách may đúng theo quy định của Ban VHTƯ.
Đối với Màu sắc và Pháp phục Tăng Ni: hiện có 6 màu căn bản cho Tăng Ni và Phật tử: Trong đó, màu vàng, nâu sòng, lam khói hương đậm dành cho chư Tôn đức Tăng Ni, màu trắng dành cho nữ tu Nam tông, màu nâu nhạt dành cho Phật tử nam và lam nhạt dành cho Phật tử nữ.
Chất liệu và màu sắc được sản xuất đúng tiêu chuẩn theo bản quyền của Ban VHTƯ. Màu đúng chuẩn màu hoại sắc, nhờ sự pha trộn tạo màu. Chất liệu vải vừa mát, ít nhăn, đặc biệt là thêm thành phần khán khuẩn.
Cách may mặc: Nam Tông Kinh may màu vàng theo tông phái, Khất sĩ may y bá nạp màu vàng theo quy định. Cách thức may y theo Bắc tông có y 5 điều, 7 điều và 9 điều nhưng gọn hơn, không cần xếp tay, nhưng có gắng nút, cột dây không cần móc kim loại hay nút nhựa.
Áo Hậu Tăng Ni: tay lớn nhỏ theo tỷ lệ chiều cao, bỏ mẫu áo theo kiểu Trung Quốc thập nhị nhân duyên mà thay vào đó là quy định các vạch trên cổ áo và tay (đại đức 1 vạch, thượng tọa 2 vạch, hòa thượng 3 vạch. Sư cô 1 vạch, ni sư 2 vạch, ni trưởng 3 vạch)
Thường phục Bắc Tông: Vạt hò, cổ giữa và nhật bình, Tăng mặc màu nâu, Ni màu lam
Sa Di và Thức Xoa: Mặc y màu nâu
Pháp phục dành cho Phật tử: Áo dài Phật tử mặc theo kiểu thuyền thống người Việt, cổ tròn và cổ cao, không đính các loại cườm, hoa…Phật tử nữ mặc màu lam khói hương nhạt, hoa sen thiêu cách điệu trên ngực áo và có chữ PP (pháp phục).
Phật tử Nam mặc màu nâu nhạt, áo dài cổ cao truyền thống, theo hai kiểu cách tân và dài xuống khỏi ống chân, tay gọn vừa để tiện khi chấp tác công việc lễ lược. Chỉ may của tất cả đều có tiêu chuẩn sản xuất riêng theo màu của các loại vải.
Cuối buổi tập huấn, Hòa Thượng Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Trưởng Ban VHTƯ chia sẻ với chư Tôn đức và Phật tử tham dự về đề án Pháp phục. Đây là một trong những đề án quan trọng được lãnh đạo TƯGH quan tâm và chỉ đạo thực hiện sớm. Với màu chư Tôn đức và Phật tử mặc đúng với giới luật là những màu hoại sắc là nâu sòng, màu vàng gỗ đất và màu khói hương. Để có quy chuẩn đó, Ban VHTƯ đã tham khảo các bộ y của quý Cụ tổ là những tấm y truyền thống Việt Nam. Vì vây, Ban VHTƯ tình lãnh đạo TƯGH duyệt lấy làm mẫu để giữ lại truyền thống dân tộc.
Ban VHTƯ là đơn vị triển khai thực hiện, trực tiếp Phân ban Pháp phục TƯ sẽ phối hợp và hỗ trợ các chư Tôn đức các tỉnh triển khai trong quá trình thực hiện. Ban Văn hóa chỉ cung cấp vải và mẫu quy định (vải này hiện không bán ra thị trường), chi phí tài chính do BTS các tỉnh, thành tự quyết định, quản lý và lan toả đến Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh mình phụ trách.
Hoà thượng cũng mong muốn nhận được sự chung tay, đồng hành của BTS các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với Phân ban Pháp phục TƯ để đề án Pháp phục sẽ được hoàn thành nhanh chóng, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam sẽ có bộ Pháp phục riêng của Phật giáo nước nhà.
SC. Thích Nữ Liên Thảo