Các Di tích xung quanh hồ Hoàn Kiếm

Ngày đăng: Thứ 7 , 10/06/2023 14:45 .
Trong Quyết định số 92/QĐ của Bộ Văn hóa ngày 10-7-1980 đã xếp hạng Di tích đền Ngọc Sơn và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Như vậy, hồ Hoàn Kiếm không chỉ có Di tích đền Ngọc Sơn, mặc dù đền Ngọc Sơn là hồn cốt nhất của khu vực, song bên cạnh đó còn có các di tích vệ tinh xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Dưới đây chúng tôi xin nêu ra những điểm khái quát nhất về các di tích này.

1. Đền Ngọc Sơn: Xa xưa truyền rằng, ở gò đất trong hồ đã có các tiên nữ thường về đây múa hát. Thời Lý, Trần, nơi đây gọi là Ngọc Tượng Sơn. Cuối đời Lê xây chùa Ngọc Sơn thờ Phật, bên cạnh có đền Quan Đế. Thời Nguyễn, chuyển thành đền thờ Văn Xương Đế Quân, rồi lại phối thờ Lã Động Tân và đặc biệt là thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Năm 1865, Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây dựng lại đền Ngọc Sơn có diện mạo gần giống như hiện nay, liên hoàn, tinh tế với các công trình: tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba.

Xây dựng trên đảo Ngọc, thuộc khu vực hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn không những là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô, mà còn là nơi biểu dương thần tượng văn võ song toàn - Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và ngôi sao Văn Xương - Thần chủ văn học của đất kinh kỳ.

Hai chữ đại tự “Phúc” “Lộc” do Nguyễn Văn Siêu viết ở cổng đền, là tâm nguyện của người xưa khắc ghi trên bia đá: “Người làm điều thiện không gì quan trọng bằng ngăn lòng dục của mình, để bảo tồn lẽ phải của tự nhiên. Được như vậy chỉ chẳng cầu phúc, cầu lộc, nhưng phúc lộc vẫn tự nhiên đến với họ”.

Đền Ngọc Sơn thường xuyên được tu bổ, tôn tạo để luôn xứng đáng với Hà Nội - Thủ đô hòa bình, trái tim của cả nước.



Đền Ngọc Sơn

2. Đền Bà Kiệu: Nằm bên bờ thắng cảnh Hồ Gươm, đối diện với đền Ngọc Sơn, nhìn qua tháp Bút, qua cầu Thê Húc.

Đền có tên chữ “Thiên Tiên Điện”, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng để thờ ba vị nữ thần: Liễu Hạnh công chúa - một trong “Tứ bất tử” trong thần điện người Việt, Đệ nhị Ngọc nữ Quỳnh Hoa và Đệ tam Ngọc nữ Quế Nương. Những năm đầu thế kỷ, do quy hoạch mở đường nên đã tách kiến trúc Đền làm hai phần: Nghi môn nằm sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm và đền chính tọa lạc song song, cách đường phố Đinh Tiên Hoàng. Đền có quy mô kiến trúc hình chữ Công (I) gồm: nhà đại bái 3 gian rộng, phương đình hai tầng bốn mái và 3 gian hậu cung được quy hoạch tập trung tạo sự bề thế trang nghiêm.



Đền Bà Kiệu 

Bộ di vật văn hóa - lịch sử của đền Bà Kiệu rất phong phú, đa dạng gồm bia đá, chuông đồng, hệ thống 27 đạo sắc phong thần thuộc các triều đại Lê, Tây Sơn và Nguyễn. Với hàng cột đá trong kiến trúc và hai cây đa cổ thụ sát bên Đền đã đem lại sự cổ kính và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc Việt Nam.

3. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục: Là một Quảng trường nằm ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quảng trường này là đấu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Thời Pháp thuộc, Quảng trường này có tên là Palace Négrier (Quảng trường Tướng Négrier).

Về lịch sử Đông Kinh Nghĩa Thục: Từ giữa năm 1906 dân phố Hàng Đào thấy các nhà nho có tên tuổi như Phó bảng Hoàng Tăng Bí, Cử nhân Dương Bá Trạc, Tú tài Lê Đại, Huấn đạo Nguyễn Quyền…thường xuyên lui tới nhà cụ Cử Lương Văn Can ở số nhà 4. Lại có các vị thanh niên Tây học danh tiếng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Bùi Đình Tá... cũng có mặt

Đến tháng 3 năm 1907, nhà số 10 phố Hàng Đào treo biển dọc, theo cách hồi đó Đông Kinh Nghĩa Thục và bắt đầu chiêu sinh. Đông Kinh là tên Kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng Ngoài, Nghĩa Thục là trường dạy việc nghĩa. Học sinh tới tấp ghi tên nhập học, đủ lứa tuổi, tầng lớp: các ông nhà Nho tới học chữ Pháp, quốc ngữ, các cậu thanh niên học chữ Pháp và cả chữ Hán, có riêng một lớp cho nữ. Ban đầu chỉ có 3 lớp khoảng 100 trò, đến tháng 5 năm 1907 khi có giấy phép chính thức (do Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra làm đơn xin mở trường) thì học sinh đã lên tới vài trăm, phải mở 8 lớp. Nhà số 10 không đủ chỗ, phải san sang nhà cụ Cử Can số 4 và thuê thêm căn nhà bên số lẻ gần ngõ Gia Ngư của cụ Cống Sùng giàu có vào hạng nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Có thế nói Đông Kinh Nghĩa Thục là nhà trường kiểu mẫu cho tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Do Lương Văn Can làm Thục trưởng và Nguyễn Quyền làm Giám học, trường có 4 ban: Giáo dục, Tài chính, Tu thư và Cổ động.

Chương trình học tập bao gồm những kiến thức địa lý, sử kí, cách trí, vệ sinh..., vẫn phải nương vào chương trình giảng dạy trong trường học của thực dân. Nhưng điểm khác nhau căn bản là Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng biên soạn những bài giảng theo quan điểm đào tạo những con người hữu dụng cho đất nước chứ không phải để đào tạo những tay sai như trong trường của thực dân. Bên cạnh nội dung giáo dục đó là các buổi diễn thuyết ngoại khóa hô hào chống lề thói phong kiến lạc hậu và trọng thực nghiệp, dùng hàng nội hóa...

Một vấn đề đặc biệt tiến bộ Đông Kinh Nghĩa Thục đã làm là mạnh dạn tuyên truyền những tư tưởng dân chủ tư sản tiến bộ của các nước châu Âu. Để truyền bá những tư tưởng học thuật mới, Đông Kinh Nghĩa Thục  đặc biệt chú trọng phổ biến chữ quốc ngữ thay thế cho chữ Nho khó đọc và dịch các sách ngoại ngữ ra chữ quốc ngữ.

Đông Kinh Nghĩa Thục  nhằm vào một mục tiêu cụ thể là phát triển văn hóa làm lợi khí để đẩy mạnh hoạt động thực nghiệp làm cho nước giàu dân mạnh. Nước có giàu dân có mạnh thì mới mong thoát khỏi ách nô lệ. Đó chính là nội dung và mục đích yêu nước mà Đông Kinh Nghĩa Thục đặt ra.

Cái “hồn ái quốc” mà Đông Kinh Nghĩa Thục muốn kêu gọi và giáo dục cho mọi người đó không thể là điều gì khác ngoài nền tự do của Tổ quốc. Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hay như vậy nên ảnh hưởng tỏa ra nhiều nơi. Gần trung tâm Hà Nội có Mai Lâm Nghĩa Thục ở Hoàng Mai, Ngọc Xuyên nghĩa thục ở Tứ Liên. Các nhà Nho tiến bộ cũng lấy Chương trình Đông Kinh Nghĩa Thục về dạy ở quê hương mình như Cử nhân Nguyễn Châu Đỉnh làng Vẽ, Trần Đỉnh làng Thượng Cát (đều thuộc huyện Từ Liêm). Các địa phương khác đều có “phong trào” tương tự là Trôi Gối ở Đan Phượng, Nhị Khê ở Thường Tín, đều thuộc Hà Đông, cùng Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên...



Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục 

Thực dân Pháp mới đầu còn tỏ thái độ phỉnh phờ đối với Đông Kinh Nghĩa Thục nhưng sau thấy xu hướng chính trị của trường càng bộc lộ rõ, lại có ảnh hưởng lớn, nên vội vã đàn áp. Tháng 12 năm 1907, chúng ra lệnh đóng cửa cơ sở giáo dục này, tìm cách đày ải các thành viên ra Côn Đảo.

Nhìn lại, thì Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào yêu nước xuất hiện ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ XX, lấy trường học hợp pháp ở Hà Nội là trung tâm để mở rộng phạm vi ra nhiều nơi. Hoạt động của trường mở ra nhiều lĩnh vực nhưng nổi bật nhất là trong văn hóa, giáo dục, xã hội. Đông Kinh Nghĩa Thục đã chống lại những cái lạc hậu của xã hội phong kiến đang là trở lực ngăn cản sự tiến bộ của dân tộc. Hơn 100 năm đã qua nhưng dấu ấn và đóng góp của Đông Kinh Nghĩa Thục vào đời sống tư tưởng của nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung không thể phai nhạt.

4. Hội Khai Trí Tiến Đức: Còn được gọi là Hội AFIMA (viết tắt nguyên tiếng Pháp của Hội l’Association pour la Formation Intelleetuelle et Morale des Anmamites) là một hiệp hội tư lập với chủ trương giao lưu văn hóa giữa trào lưu Tây học và học thuật truyền thống Việt Nam vào đầu thế kỷ XX (1919-1945).

Được thành lập ngày 2 tháng 5 năm 1919 với Phạm Quỳnh làm Tổng Thư ký, Hoàng Huân Trung làm Hội trưởng. Những nhân vật khác có tên tuổi cũng đứng tên trong Hội là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải) và Thượng thư Bộ binh kiêm Bộ học Thân Trọng Huề (người mà Vua Bảo Đại gọi là cậu). Ngoài ra Louis Marty, Chánh sở Liêm phóng và Nha Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội.

Năm 1922, Hội mua được căn nhà ngay phía Tây bờ hồ Gươm để làm Hội quán, nay thuộc Tòa nhà Không gian Văn hóa Việt ở 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội làm nơi tổ chức nhiều sinh hoạt như: các cuộc hội thảo, diễn thuyết, triển lãm tranh cùng các trò giải trí tiêu khiển như bi da, đánh cờ, yến tiệc. Hoạt động của Hội có những mốc lịch sử đáng kể như “Giải thưởng văn chương năm 1925” (trao cho tác phẩm Quả dưa đỏ của Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuận), truy niệm Thi hào Nguyễn Du (1924), truy điệu Doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932), diễn thuyết về các đề tài như Truyện Kiều, quốc học... Có những cuộc trao đổi không kém gay gắt về chính trị giữa giới trí thức người Việt và chính quyền Bảo hộ của người Pháp đã diễn ra tại Hội quán tuy chủ ý của Hội là văn hóa chứ không phải là chính trị.



Hội Khai Trí Tiến Đức 

Sau khi Việt Minh đoạt chính quyền, Hội bị giải tán theo Sắc lệnh ngày 24 tháng 9 năm 1945 vì bị cho là “công cụ thống trị tinh thần và nô dịch văn hóa của thực dân”.

Thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tựa Việt Nam Tự điển do Nhà In Trung - Bắc Tân - Văn xuất bản năm 1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (Chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục và Đỗ Thận.

Cuốn từ điển này là tác phẩm công phu, dày 663 trang, tra cứu cả chữ Nho lẫn tiếng Pháp hầu tạo chữ để diễn tả những tư tưởng mới du nhập vào Việt Nam, nhất là những danh từ kỹ thuật. Hơn nữa Từ điển Khai Trí Tiến Đức còn thâu nhận những danh từ thổ ngữ của các địa phương cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Cuốn từ điển này sang thế kỷ XXI vẫn thường được lấy làm mẫu mực chính tả và từ mục.

5. Khu Di tích tượng đài Vua Lê: Thuộc số 18 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, bên bờ phía Tây - Nam hồ Gươm.

Tên gọi của hồ Hoàn Kiếm gắn liền với truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ (1428-1443) trả gươm thần. Lê Lợi là người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc ở thế kỷ XV. Sau chiến thắng quân Minh, Vua ngự thuyền rồng đi chơi Hồ và bị Rùa vàng lấy lại gươm thần - trả lại kiếm, mở nền thái bình muôn thuở.



Khu Di tích tượng đài Vua Lê 

Tượng Vua Lê được xây dựng năm 1889, đời Thành Thái Nhà Nguyễn, trên khu vực đền cũ thờ Vua Lê Thái Tổ. Tượng bằng đồng, cao 120m, đứng trên trụ đá cao nhìn ra mặt hồ quanh năm lục thủy và thỉnh thoảng rùa thần lai nổi lên tìm gặp người trả kiếm năm xưa. Phía trước tượng còn có nhà phương đình xây gạch kiểu hai tầng mái.

Tượng Vua Lê là di tích của thủ đô Hà Nội, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tôn thêm vẻ đẹp của thắng cảnh hồ Gươm.

6. Đình Nam Hương: Hiện tọa lạc tại số 75 phố Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa, phố này là đất đai nhiều thôn xóm nổi tiếng kinh thành, ở ven hồ Gươm, như: Cổ Vũ, Khánh Thụy, Tự Tháp thuộc Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Nơi đây cũng từng là một trung tâm văn hóa - giáo dục của chốn kinh kỳ, là nơi các nhà văn, nhà thơ, nhà giáo nổi tiếng, yêu cảnh trăng nước hồ thiêng, có thú vui tao nhã, với hai ngôi trường lừng danh của cụ cử Phạm Hội và cụ nghè Vũ Tông Phan.

Nằm khiêm tốn phía sau khu tưởng niệm Vua Lê trong Cụm Di tích hồ Gươm, đình Nam Hương được dựng từ thời Lê để tôn thờ năm vị Thượng đẳng thần là: Vua Lê Thái Tổ, thần Long Đỗ, thần Cao Sơn, thần Linh Lang và Công chúa Hà Duy.

Trong quá trình đô thị hóa theo mô hình phương Tây, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, Di tích đền Nam Hương được chuyển từ khu đất thuộc khách sạn Phú Gia ngày nay đến vị trí hiện tại. Đình Nam Hương không còn lưu lại được kiến trúc cổ truyền, đình hiện có quy mô kiến trúc gồm: bình phong, sân vườn, nhà gác hai tầng với cầu thang lên xuống, cùng các di vật cổ như: kiệu, long ngai, bài vị, hoành phi, câu đối, cửa võng, bảng văn, phỗng thờ... Đặc biệt, đình Nam Hương còn bảo lưu được 19 đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ Thời Lê, Tây Sơn đến Thời Nguyễn.



Đình Nam Hương 

Hàng năm, vào những dịp “xuân thu nhị kỳ”, tại đình Nam Hương thường tổ chức tế lễ vào ngày sinh, ngày hóa của các vị thần và rước kiệu, long ngai, bài vị của Công chúa Hà Duy từ đình sang đền Ngọc Sơn. Đặc biệt, vào ngày 25 tháng Chạp tại đình có tổ chức “Lễ sắp ấn” (cất ấn đi) – báo hiệu các quan và việc quan, từ ngày này nghỉ tết, đây là một điểm khác biệt của đình Nam Hương so với những di tích khác.

Nằm trong quần thể di tích xung quanh hồ Gươm, đình Nam Hương tuy có vị trí và quy mô kiến trúc khiêm tốn nhưng lại mang một giá trị lịch sử nổi trội. Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng theo Quyết định số 65/QĐ-BT ngày 16-10-1995.

7. Tháp Báo Thiên: Còn gọi là Đại Thắng Tư Thiên Tháp, được xây năm 1057 ở chùa Sùng Khánh, trong phạm vi chùa Báo Thiên, nay là khu đất mé Đông hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháp này cao đến 10 trượng, có tất cả 12 tầng. Tầng trên cùng bằng đồng, những tầng dưới bằng đá và gạch.

Tháp được xếp vào một trong An Nam tứ đại khí, bốn báu vật của đất nước, mà ba (kiến trúc điêu khắc) quý giá khác là chùa Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh và chuông Quy Điền.

Suốt hai triều Lý - Trần gần 400 năm, chùa Báo Thiên là một ngôi quốc tự nổi tiếng của Kinh đô Đại Việt. Năm 1427, trong thời thuộc Minh, khi quân Minh bị vây trong thành Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay) cố thủ để chờ quân tiếp viện, đã đến chùa, tốc chóp tháp đồng, nấu chảy đại hồng chung và tất cả những gì bằng đồng để làm vũ khí chống lại nghĩa quân Lam Sơn.

Cùng với chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng chùa Quỳnh Lâm, tháp Báo Thiên trong chùa được coi là An Nam tứ đại khí (4 bảo vật của nước Nam). Có tài liệu cho rằng tháp Báo Thiên bị phá vào thời thuộc Minh để chế súng; hai trong số An Nam tứ đại khí khác là chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh được xác định do Tướng Minh là Vương Thông phá để lấy đồng đúc vũ khí. An Nam tứ đại khí chỉ còn lại tượng chùa Quỳnh Lâm.



Tháp Báo Thiên ( Hình tư liệu)

Thời Nhà Lê, nền tháp bị phá đã được tôn cao bằng một dàn đàn tràng ở gần nơi bây giờ là Nhà thờ Lớn Hà Nội. Trong chùa Lý Quốc Sư ngày nay vẫn còn lưu giữ bản gấm thêu sắc tứ từ Thời Cảnh Hưng (tức Vua Lê Hiển Tông 1740-1786) nói về sự kiện này.

Cho tới thế kỷ XIX, chùa Báo Thiên luôn được trùng tu bảo tồn, là nơi cử hành các nghi lễ Phật giáo cầu cho quốc thái dân an mưa thuận gió hòa…

Năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, giao toàn bộ ngôi chùa tháp này cho Giám mục Paul-Francois Puginier làm nơi ở và làm việc tạm thời khi Giám mục về Hà Nội trực tiếp làm thông ngôn và cố vấn cho Garnier. Lúc đó, Giám mục Puginier dựng mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa để ở và làm việc cho gần Garnier đóng quân tại Trường Thi gần đó, còn Tòa Giám mục (khi đó gọi là Tòa Giám mục Tây Đàng ngoài) thì vẫn đóng ở Kẻ Sở (nay là Kiện Khê, Hà Nội).

Năm 1882, Henry Riviere đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai.

Năm 1883, theo yêu cầu của Công sứ Bonnal, kinh lược Bắc Kỳ là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã giao khu chùa này cho Giám mục Puginier phá đi để kiến tạo Nhà thờ chính tòa Hà Nội.

8. Cụm di tích đình, đền, chùa Vũ Thạch: Hiện tọa lạc tại số 13 phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Cái tên Vũ Thạch được gọi theo tên làng Vũ Thạch, nơi có ngôi trường danh tiếng xưa và ông giáo làng Vũ Thạch là Nguyễn Huy Đức (1824-1898) nổi tiếng phẩm hạnh, đào tạo được nhiều môn sinh tài đức trên đất Thăng Long.

Đình Vũ Thạch là nơi thờ Khỏa Ba Sơn, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Thần tích cho biết, Khoả Ba Sơn được Hai Bà cử tới ấp Hoa Động (nay thuộc Cự  Khối, quận Long Biên) lập một đồn giả để lừa quân Hán, nhờ đó mà đánh bại được Tô Định. Sau khi lên ngôi, Hai Bà Trưng cho ông trở về đóng đồn tại ấp Hoa Động, song ông đã hoá vào ngày tiệc khao thưởng dân làng (nơi thờ chính của ông hiện thuộc làng Xuân Đỗ Hạ). Để tưởng nhớ công ơn của thần, hàng năm vào dịp xuân thu nhị kỳ dân làng lại mở hội vào ngày 10-2 và 15-10 Âm lịch. Trong ngày hội năm nào cũng có một đoàn của làng Xuân Đỗ Hạ cùng tham gia (kết chạ). Lễ hội có rất nhiều trò chơi dân gian như hát Ca trù, hát Văn, biểu diễn võ thuật.



Cụm di tích đình, đền, chùa Vũ Thạch 

Một điều đáng chú ý là tại đình Vũ Thạch, đã từng là nơi đặt hòm phiếu bầu cử Quốc hội khoá I ngày 06-01-1946 và là nơi đóng quân của Tự vệ thành Hà Nội trong những ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Đền Vũ Thạch thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu - là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng  những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người. Chùa Vũ Thạch có tên chữ là Quang Minh tự, chùa chủ yếu thờ Phật, ngoài ra còn thờ Mẫu và các vị Tổ huân qua nhiều năm trụ trì đã viên tịch.

Trải qua thời gian dài tồn tại, cụm di tích đình - đền - chùa Vũ Thạch đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần qua các năm: Tự Đức thứ 35 (1882), Thành Thái thứ 3 (1891) và Khải Định thứ 9 (1924). Hiện vẫn còn bảo lưu được nhiều tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng với khối lượng di vật đồ sộ là nguồn tư liệu quý giá trong việc tìm hiểu lịch sử văn hoá của Thủ đô.

Với ý nghĩa và giá trị lớn, cụm di tích đình, đền, chùa Vũ Thạch đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá tại Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12-12-1986.

9. Tháp Hòa Phong: Bên bờ Nam hồ Hoàn Kiếm, phía đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay còn lại một ngôi tháp mang vẻ rêu phong cổ kính như đồng hành với thời gian - đó là tháp Hoà Phong. Tháp Hoà Phong mang vẻ đẹp tâm hồn của người Hà Nội đã hơn 200 năm, mà ít người biết về ngọn nguồn của ngôi tháp cổ này và lịch sử gắn liền với một ngôi chùa bên bờ hồ Hoàn Kiếm mà nay đã vang bóng một thời.

Dải đất bưu điện Hà Nội bên bờ hồ Hoàn Kiếm xưa thuộc thôn Cựu Lâu, những năm đầu niên hiệu Thiệu Trị Nhà Nguyễn, Tổng đốc Ninh Thái là Nguyễn Đăng Giai cho hưng công xây dựng ngôi chùa Liên Trì Hải Hội trên nền cũ lầu Ngũ Long với quy mô to lớn nhất chốn kinh kỳ được hoàn thành vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), gồm 36 nóc, gần 200 gian. Chùa vô cùng lộng lẫy và trang hoàng, sử sách còn ghi chép lại. Chùa dựng xong Hòa thượng Phúc Điền trụ trì và ấn tống rất nhiều kinh sách trong công cuộc hoằng dương Phật pháp. Cứ liệu ghi chép về ngôi chùa này sớm nhất hiện nay là sách Hà Nội địa dư được Lương Đình Công soạn năm Tự Đức thứ 4 (1851) ghi rằng “chùa Liên Trì ở thôn Cựu Lâu, ...năm đầu Thiệu Trị, Nguyễn Tây Thúc (Đăng Giai) dựng xây vô cùng tráng lệ, 8 ngòi trồng sen vây quanh, gọi là chùa Liên Hoa”. Về sau nhiều thư tịch cũng như Trương Vĩnh Ký ra Bắc đều hết lời khen ngợi chùa Liên Trì.



Tháp Hòa Phong 

Chùa Liên Trì Hải Hội có rất nhiều tên gọi như chùa Liên Trì, chùa Báo Ân, chùa Đại sứ quán Hà Nội (Hà Nội Đại sứ quán tự), chùa Sùng Hưng, chùa Quan Thượng (gọi theo phẩm hàm của quan Thượng thư Nguyễn Đăng Giai), chùa Liên Hoa, chùa Cửu Tỉnh, người Pháp thì gọi là chùa Thụ Hình vì dựa trên cảnh xử tội trong tranh Thập điện Diêm Vương treo trên tường Phật điện. Nhưng chùa tên chính là Liên Trì Hải Hội và được gọi tắt là Liên Trì (ao sen).

Chùa cách biệt thế giới bên ngoài bởi sự bao bọc các ngòi nước trồng sen và chỉ có một lối đi là chiếc cầu đá trước chùa nối tiếp ra tận tháp Hòa Phong làm cổng. Qua cầu là Tam quan đồ sộ, phía sau hai bên là hai tháp lớn, sau đó là toàn bộ ngôi chùa đồ sộ nguy nga. André Masson, một học giả người Pháp đã mô tả hình dáng chùa: “ở phía Đông Nam hồ, chỗ ngày nay là Sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các ngôi chùa ở Hà Nội. Toà nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì”. Vào khoảng năm 1889, người Pháp cho xây dựng khu nhượng địa bên bờ Nam hồ Hoàn Kiếm và cho phá bỏ chùa Liên Trì.

Dấu tích của chùa còn lại tới nay là tháp Hòa Phong, với vẻ đẹp cổ kính, lặng lẽ bên hồ. Tháp cao 3 tầng, cửa tháp theo bốn hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, các cửa đều có chữ Hán đề tên như: Báo Đức môn, Báo Ân môn, Hòa Phong tháp, Báo Thiên tháp,... tầng trên còn có hình bát quái và chữ Phạn. Nói về tổng thể kiến trúc ngôi chùa, André Masson nhấn mạnh tới tháp Hòa Phong: “trong vô số tháp, tháp chuông, hàng hiên lôi cuốn du khách từ rất xa, ...chỉ còn lại tháp Hoà Phong, tháp của gió thuận. Công trình nhỏ bé này rất đơn giản, phần trên là tháp xây trên sàn bốn góc trang trí bốn con nghê. Nằm bên bờ hồ, tháp là điểm khởi đầu đường vào chùa”.

Chùa xưa đã mất, chỉ còn lại giai thoại về vị quan Thượng “làm cho tổn Bắc lại hao Đoài” và tháp Hòa Phong cổ kính rêu phong. Những hàng liễu rủ bóng như tôn thêm vẻ đẹp của tháp cổ. Thời gian cứ trôi và ngôi tháp vĩnh hằng làm một chứng tích cho tâm hồn và lịch sử của đất và người Hà Nội.

10. Tượng đài Vua Lý Thái Tổ: Được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tượng đài là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh vị Vua Lý Thái Tổ (974-1028), người có công khai sáng Kinh thành Thăng Long.



Tượng đài Vua Lý Thái Tổ 

Tượng đài được khởi công xây dựng ngày 17-8-2004, và được khánh thành ngày 07-10-2004. Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công  khởi lập và tạo dựng trên mảnh đất ngàn năm văn hiến – Vua Lý Thái Tổ, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm Chiếu dời đô, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ giật cấp ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời - địa lợi - nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để Vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên.

Tượng đài là công trình văn hoá trọng điểm chào mừng 50 năm giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2004),  kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010).

11. Hồ Hoàn Kiếm: Đẹp như một lẵng hoa giữa lòng thành phố, hồ Hoàn Kiếm được bao quanh bởi các đường phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay dài khoảng 1.800m. Mặt nước là tấm gương lớn soi bóng la đà những cây cổ thụ, những rặng liễu thướt tha bóng rủ, những mái đền, chùa cổ kính, tháp cũ rêu phong, các toà nhà mới cao tầng vươn lên trời xanh.

Nước hồ xanh ngăn ngắt quanh năm nên xưa hồ có tên là Lục Thuỷ. Truyền thuyết kể rằng: Khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn có tìm được lưỡi kiếm báu. Kiếm theo ông suốt 10 năm dài chống quân Minh xâm lược (thế kỷ XV). Sau khi giành lại được thành Thăng Long, Vua Lê có một buổi dạo thuyền chơi trên hồ, bỗng gặp rùa vàng nổi lên mặt nước. Vua rút kiếm chỉ cho quân sĩ thấy, thì rùa vàng đã nhảy lên đớp lấy thanh kiếm rồi lặn mất tăm. Vua cho là điềm lành, đất nước có giặc, rùa thần cho mượn kiếm, nay đã thanh bình nên lấy lại. Bởi vậy đặt tên là hồ Hoàn Kiếm (trả kiếm), gọi tắt là hồ Gươm.

Rùa là biểu tượng của bốn vật linh (Long, Ly, Quy, Phượng) trong tâm thức văn hoá dân gian. Giống rùa quý này vẫn còn sinh sống trong lòng hồ, hàng năm có đôi lần nhô lên mặt nước, thật hạnh phúc cho các du khách được chiêm ngưỡng rùa nổi trên mặt hồ.

Trong hồ có hai đảo nổi. Đảo lớn là đảo Ngọc ở phía Bắc hồ, gần bờ Đông có cây cầu Thê Húc sắc đỏ uốn cong nối ra đảo. Đảo Rùa nhỏ hơn, trên có ngọn tháp cổ ở phía Nam hồ, giữa bốn bề long lanh sóng nước.



Hồ Hoàn Kiếm 

Hồ Hoàn Kiếm là nơi hội tụ, điểm hẹn của du khách bốn mùa. Mùa xuân đậm đà lễ hội truyền thống và rực rỡ sắc hoa đào. Mùa hạ ùa ra từng cơn gió lồng lộng, quạt đi cái oi bức của phố phường râm ran tiếng ve. Mùa thu với màn sương huyền ảo, dáng liễu mơ hồ như thực, như hư đã làm say đắm bao du khách. Mùa đông đi giữa cơn mưa lá vàng, chân nhẹ bước trên thảm lá vừa rung, xuýt xoa với cái rét và những giọt mưa phùn lất phất bay.

Mùa nào tình nấy, hồ Gươm mãi là dấu ấn vẻ vang thời giữ nước và khát vọng hoà bình của người dân Thăng Long - Hà Nội và đất nước, là nơi điểm hẹn đẹp đẽ nhất của người Hà Nội, bạn bè trong nước và quốc tế như trong bài thơ Nơi điểm hẹn hồ Gươm của tác giả Nguyễn Doãn Tuân đã có câu:

Đến rồi vẫn ước mai sau

Bao giờ lại được bên nhau cảnh hồ?


Trần Thanh Tùng - Nguyễn Doãn Văn

Các tin bài, hình ảnh, thư từ muốn đăng lên Website: chuathien.vn xin gửi vào địa chỉ: chuathien2014.@gmail.com
Ý kiến của bạn 0
Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu khi viết bài và điền đầy đủ thông tin. Bình luận của bạn sẽ được phản hồi trong thời gian sớm nhất

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?
Số lượngTỷ lệ
242( 23 %)
59( 6 %)
23( 2 %)
36( 3 %)
711( 66 %)
Số người tham gia bình chọn: 1071
Lần bình chọn đầu tiên: Thứ 5 , 18/04/2013 17:12
Lần bình chọn sau cùng: Thứ 6 , 27/12/2024 08:42

Tin liên quan

Thông báo

LỊCH GIẢNG PHÁP TẠI CÁC ĐẠO TRÀNG THÁNG 10 GIÁP THÌN

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 10 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO MỞ LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ

Thông tin về việc mở lớp Hoàng pháp viên Cư sỹ Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thường Tín - TP Hà Nội
Chi tiết »

Chương trình từ thiện " BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG"

Thông tin về chương trình từ thiện của Lớp Phật học trực tuyến kết hợp với Ban điều hành Đạo tràng Cấp Cô Độc,Chùa Phúc Lâm, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ...
Chi tiết »

Lịch giảng pháp tại các đạo tràng tại Hà Nội tháng 5 năm Giáp Thìn

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 5 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO: Khóa tu mùa hè "Hành trang tuổi trẻ” lần thứ 5 tại chùa Phúc Lâm

Nhằm giúp các bạn thanh thiếu niên Phật tử có môi trường trải nghiệm tốt trong những ngày hè, chùa Phúc Lâm, thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội tổ chức chương trình...
Chi tiết »

Bài viết của Phật tử

Lên chùa hái lộc ngày xuân

Hòa chung trong dòng người kẹt cứng, tôi cũng len chân đến một gốc cây to của ngôi chùa bên đường để hái lộc. Nhưng tôi chỉ đưa tay bàn tay chai sần của mình chạm vào thân cây, rồi vươn những ngón...
Chi tiết »

Những Dòng Cảm Nhận

Những cảm nhận của các Phật tử Đạo tràng Cấp Cô Độc qua khóa Tập huấn Hoàng pháp viên cho cư sĩ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc 
Chi tiết »

Vu Lan - Tình người trong đại dịch - PT Dương Thị Thúy Vân - PD Diệu Tường

Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và trong “tâm bão” của dịch thì khắp mọi nơi trên vùng miền của Đất nước đã...
Chi tiết »

Lá thư yêu Thương gửi Cha Mẹ nhân Mùa Vu Lan - PT Trần Thị Kim Dung

Và thế nào là Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nhân quả, Tứ Đế và Nghiệp báo, 12 nhân Duyên, Luân Hồi, Con hiểu được 5 giới là phẩm hạnh Đạo đức của Người Phật Tử, Ý Nghĩa Lễ Vu Lan “ Tâm...
Chi tiết »

MÙA VU LAN – NHỮNG KÝ ỨC VỀ MẸ - PT Đỗ Thị Minh Dũng

Chúng con lớn dần, lưng mẹ còng hơn, tóc mẹ bạc hơn, da nhăn nheo, nhưng từ con đến cháu lần lượt mẹ vẫn cõng bế cho bố mẹ chúng đi làm. Lúc đấy ai cũng bận chỉ lo công việc, gia đình chồng (vợ) con mà cứ nghĩ mẹ...
Chi tiết »

Mời quảng cáo

Pháp âm

Tin tức mới

KHAI MẠC LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ - HUYỆN THƯỜNG TÍN - HN

Sáng Chủ nhật, ngày 3/11/2024 (nhằm ngày 03 tháng 10 năm Giáp Thìn), tại chùa Phúc Lâm - Thôn Cao Xá - Xã Dũng Tiến - Huyện Thường Tín - HN, các Phật tử thuộc Đạo tràng Cấp Cô Độc đã...
Chi tiết »

LỊCH GIẢNG PHÁP TẠI CÁC ĐẠO TRÀNG THÁNG 10 GIÁP THÌN

Lịch giảng pháp của Ban Hoằng Pháp GHPGVN TP Hà Nội tại các đạo tràng tháng 10 năm Giáp Thìn.
Chi tiết »

THÔNG BÁO MỞ LỚP HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SỸ PHẬT TỬ

Thông tin về việc mở lớp Hoàng pháp viên Cư sỹ Phật tử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thường Tín - TP Hà Nội
Chi tiết »

Chương trình từ thiện " BẦU ƠI THƯƠNG LẤY BÍ CÙNG"

Thông tin về chương trình từ thiện của Lớp Phật học trực tuyến kết hợp với Ban điều hành Đạo tràng Cấp Cô Độc,Chùa Phúc Lâm, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội và Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội ủng hộ...
Chi tiết »

Đăng ký học

Lĩnh vực quan tâm chính là gì?




Thống kê truy cập

00000005

Hôm nay: 936

Hôm qua: 2067

Tháng này: 51719

Tháng trước: 36177

Tất cả: 5452368


Đang online: 32
IP: 18.227.46.87
Mozilla 0.0