Hòa thượng Thích Trí Quảng
Pháp môn Tịnh độ được thiết lập tại Ấn Độ và Thế Thân Bồ-tát đã soạn bộ luận nói về Tịnh độ. Nhưng truyền sang Trung Hoa, ngài Huệ Viễn cho thực tập mô hình Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà ở thế giới chúng ta. Sau đó, pháp môn Tịnh độ phát triển được nhờ ngài Thiện Đạo chính thức thành lập tông Tịnh độ. Nhưng pháp môn Tịnh độ mạnh nhất ở thời ngài Vĩnh Minh vì ngài đã kết hợp tu Thiền và Tịnh độ mới có sự thuyết phục nhiều người.
Tuy nhiên, pháp môn nào cũng đòi hỏi phải có những bậc cao đức thể nghiệm đạt được kết quả tốt đẹp. Vì có bậc chân tu đắc đạo mới có sức thu hút quần chúng, không phải pháp môn đó cao hay thấp. Điểm lại, chúng ta thấy pháp môn Tịnh độ được xương minh do các bậc cao đức tu pháp môn này từ Thế Thân Bồ-tát, cho đến ngài Huệ Viễn, Thiện Đạo, Vĩnh Minh… , nhưng các ngài đã vắng bóng, từ đó những người khác lợi dụng pháp môn Tịnh độ, bày ra nhiều chuyện làm Phật giáo suy yếu.
Đến thế kỷ XX, ngài Ấn Quang đại sư phục hồi tông Tịnh độ, đưa ra Tịnh độ ngũ kinh. Ngài chủ trương xây dựng Tịnh độ ngay tại Ta-bà, ngoài ba kinh là kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ, kinh Di Đà, ngài còn căn cứ vào kinh Thủ lăng nghiêm và kinh Hoa nghiêm. Như vậy là trở lại cốt lõi của đạo Phật mới thực sự kết hợp được pháp tu Tịnh độ và các pháp khác. Và vãng sanh Cực lạc không phải để an hưởng, sống nhờ Phật A Di Đà, vì đó là sai lầm lớn. Đức Phật không chủ trương đào tạo người ăn hại, nhưng nương Phật A Di Đà để chúng ta tu Bồ-tát đạo cho đến thành Phật và chúng ta cũng làm được việc như Phật A Di Đà và Phật Thích Ca ở thế giới này.
Sau đó, đến cuối thế kỷ XX, ngài Tịnh Không pháp sư phục hưng tông Tịnh độ. Nhưng ngài cũng về Phật rồi, không biết sau này có cao tăng nào tiếp tục sự nghiệp của ngài không.
Đức Phật Thích Ca là giáo chủ cõi Ta-bà, Ngài dạy chúng sanh ở Ta-bà là chính. Tuy nhiên, Phật giới thiệu Cực lạc không phải để chúng ta về đó hưởng, nhưng Ngài muốn giới thiệu chúng ta pháp môn tu, cách thức tu là chính.
Thật vậy, đối với người ở thế giới này không chịu nổi phiền não, trần lao, nghiệp chướng của chính họ. Cuộc đời họ khổ nhọc quá. Phật mới giới thiệu cách tu khác là pháp môn Tịnh độ. Vì người ta bất lực hoàn toàn ở thế giới mà họ sống. Phật mới dạy tạm thời quên thế giới này là quên ba thứ: phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Cái nào chúng ta nên quên trước? Đó là phiền não, nhớ nó làm chi, vì đưa phiền não vô lòng mình sẽ làm mình khổ. Phật nói thực tế không khổ, nhưng mình tự làm mình khổ. Người nghèo khổ mà người giàu cũng khổ, người thấp cổ bé miệng khổ đã đành, nhưng người quyền thế cũng khổ.
Tôi tiếp xúc với người quyền thế nhất, họ than bị mất ăn mất ngủ và nói rằng thầy không có quyền thế, sao thầy ung dung vậy! Xét cho cùng, tự đưa phiền não vô đốt cháy tâm mình, chỉ cần đưa phiền não ra ngoài thì được ung dung liền. Phật dạy điều này qua câu chuyện ông chủ đồn điền mất bò. Các thầy Tỳ-kheo chỉ có một y một bát mà sống ung dung tự tại. Còn ông chủ đồn điền giàu có chỉ mất 7 con bò mà mất ăn mất ngủ, vì ông lệ thuộc vật chất nhiều quá.
Phật dạy mình đừng lệ thuộc vật chất, đừng lệ thuộc tình cảm quá nhiều. Tự mình đặt ra phải làm thế này thế nọ để rồi khổ. Hầu hết mọi người khổ vì sống với tham vọng, tưởng tượng. Hãy trở về sống với thực tế của mình sẽ được an lành. Sống với tham vọng tạo ra phiền não mà phiền não này ta bỏ được.
Và pháp căn bản đối với người tu Tịnh độ gọi là nhất tâm bất loạn. Nghĩa là người xung quanh làm gì, mình không bận tâm, vì bận tâm mới khổ, mới loạn động khiến mình không tập trung được.
Pháp môn Tịnh độ chính là tập trung. Tập trung vô sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật. Chỉ nghĩ đến sáu chữ này thôi, không biết gì khác mới là nhất tâm bất loạn. Có người miệng niệm Phật, tay lần chuỗi, mắt nhìn xung quanh, tai lóng nghe người ta nói, thật là tội nghiệp. Niệm Phật như vậy không vãng sanh được.
Đầu tiên niệm Phật, việc xảy ra xung quanh mình không biết, không nghe, chỉ thấy Phật A Di Đà. Trước kia tôi tu Tịnh độ cũng vậy, lúc nào trước mặt tôi cũng có tượng Phật A Di Đà, nhưng tượng Phật này phải có hảo tướng để tạo độ cảm mới đem Phật vô lòng được. Bây giờ tôi lớn tuổi, nhưng trong phòng tôi vẫn có tượng Phật và tôi tụng kinh, chú tâm vào Phật, không cho hình ảnh Phật mất, còn chuyện xung quanh không quan trọng.
Và Phật vào lòng mình sẽ tạo cho mình nhất tâm bất loạn. Phật ở trong lòng, hay lòng mình thấy Phật thì kinh Hoa nghiêm nói rằng bấy giờ thấy ai cũng là Phật. Và cuối cùng, tâm mình và Phật hợp nhất thành một, bất tức bất ly. Đạt được kết quả tốt đẹp của nhất tâm bất loạn, đương nhiên vãng sanh, nhưng cũng có được kết quả ngay trong cuộc sống này.
Thật vậy, khi tâm mình và Phật hội lại thành một làm tâm mình sáng ra, nhìn sự vật rõ hơn, chính xác hơn và làm theo cái thấy biết đúng đắn, nên có được kết quả tốt đẹp trong đời sống thực tại, không cần phải đợi chết mới vãng sanh.
Nhờ Phật vào lòng mình, làm tâm mình tỉnh thức, biết rõ con người thật của mình ở đây nên làm gì, nói gì là điều quan trọng. Thấy rồi, biết rồi, nếu làm vậy sẽ mắc quả báo tù tội, dại gì mà làm, dại gì mà nói chọc tức cho người ta đánh. Không thấy đúng, tạo tội thì nghiệp sanh và mang nghiệp phải khổ thôi.
Vì vậy, tu hành nhưng không biết cốt lõi dễ phạm sai lầm. Biết làm đúng vị trí của mình thì đã cho mình kết quả hiện tại như ý. Và phát triển rộng, niệm sáu chữ Nam-mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật là vô lượng quang, vô lượng công đức, vô lượng thọ. Vô lượng quang là hiểu biết vô lượng. Hiểu biết quan trọng nhất trong cuộc sống, vì khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì hoàn cảnh nào cũng sống được.
Đầu tiên xây dựng tâm mình sáng suốt là A Di Đà Phật, thấy biết tất cả mọi việc. Biết thì Cực lạc hay Ta-bà cũng là Tịnh độ. Điển hình như Phật Thích Ca cũng xây dựng Tịnh độ ở ngay Ta-bà vậy.
Trong kinh Duy Ma, Phật giới thiệu Tịnh độ của Phật A Di Đà quá đẹp. Xá Lợi Phất khởi niệm tại sao Tịnh độ của Phật Thích Ca toàn hầm hố gai chông và Phật phải đi khất thực nắng nôi, tối ngủ dưới gốc cây. Xá Lợi Phất không thấy Tịnh độ của Phật Thích Ca, trong khi thực sự Tịnh độ của Phật Thích Ca ở Ta-bà đâu có khác gì Cực lạc.
Phật Thích Ca liền hiện cho ông thấy thế giới thật của Ngài là Thật báo trang nghiêm Tịnh độ. Và Thật báo trang nghiêm Tịnh độ của Phật Thích Ca và Thật báo trang nghiêm Tịnh độ của Phật A Di Đà giống nhau. Vì thế giới của báo thân Phật hẳn nhiên phải giống nhau. Báo thân là phước đức và trí tuệ thì Phật nào cũng có phước đức, trí tuệ toàn hảo, đương nhiên các ngài đều tạo thành Tịnh độ.
Tịnh độ của Phật Thích Ca tại Ta-bà, nếu nhìn kỹ mình sẽ thấy được. Thật vậy, Phật một mình đến thôn Ưu Lầu Tần Loa có một ngàn tu sĩ do Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp làm giáo chủ nổi tiếng sai khiến rắn hổ mang hại người và ông cũng định hại Phật. Thực tế cho thấy các tôn giáo khác nhau thường đối nghịch và hại nhau. Nhưng chỉ sau một đêm, chẳng những không hại được Phật, mà ba lãnh tụ của đạo thần rắn và một ngàn đồ chúng đã quỳ xuống xin xuất gia, làm đệ tử Phật. Đây là sự thật được ghi lại trong sử sách. Thử nghĩ xem điều này không phải Tịnh độ thì là gì.
Sau đó, Phật xuống Ma Kiệt Đà đến thăm vua Tần Bà Sa La theo lời cầu thỉnh của vua trước kia. Vua đã cúng dường Phật và một ngàn tu sĩ mới xuất gia ở thôn Ưu Lầu Tần Loa đi theo Phật. Hơn thế nữa, vua còn cúng cả vườn ngự uyển để Phật làm Tăng xá. Điều này cũng thể hiện rõ nét Tịnh độ của Phật Thích Ca hiện hữu theo từng bước chân hóa độ của Ngài.
Có thể khẳng định rằng người có phước đức và trí tuệ sẽ có Tịnh độ, có thế giới an vui. Ban đầu, quý vị phải xây dựng được thế giới an vui trước trong lòng, bằng cách cắt đứt tham, sân, si. Tu hành không cắt đứt ba thứ phiền não này thì có tu gì cũng vô ích.
Đơn giản là sống thực tế với những gì mình có thì vẫn luôn được an lạc. Chúng ta thấy rõ người có nhiều tiền của nhưng không bằng lòng, họ vẫn khổ. Có ít tiền cũng vui được, vì biết sống với cái của mình, không sống với tham vọng. Thân phận mình thế này, lại muốn có cuộc sống như trưởng giả, muốn có quyền hành như Thủ tướng thì chỉ chuốc họa vào thân. Sống với thực tế của mình được an lành rồi mới tạo công đức.
Phật nói nhờ Ngài có trí tuệ, tu đạo Bồ-tát tạo nên muôn ngàn công đức. Tuy trong vô hình không thấy công đức, nhưng có trí tuệ sẽ nhận ra được người có phước đức, trí tuệ. Điển hình, Phật Thích Ca ở Ta-bà, nhưng Loa Kế Phạm thiên nói rằng Tịnh độ của Phật Thích Ca đẹp hơn cõi trời của ông, cõi trời của ông không bằng là không bằng đạo đức, không bằng trí tuệ của Phật Thích Ca. Vì vậy, ông tới Ta-bà học với Phật Thích Ca là học trí tuệ, học đạo đức của Phật. Quý vị tu phải thấy, phải học trí tuệ, đạo đức của Phật mới là học đạo.
Đầu tiên mình niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhưng tiến xa hơn, niệm hiểu biết và niệm công đức của Phật A Di Đà, nghĩa là lòng mình nghĩ tới hiểu biết và công đức của Ngài để mình học công đức, hiểu biết đó và tập làm theo Ngài. Từ niệm Phật suông ban đầu đến niệm Phật để tập trung nhất tâm bất loạn giúp chúng ta thấy đúng, hiểu xa và làm đúng mới sanh công đức.
Ngoài ra, niệm Phật A Di Đà phải thấy tiền kiếp của Ngài là vua tên Vô Tránh Niệm. Trong kinh Vô lượng thọ, Phật Thích Ca cũng nói xưa kia Phật A Di Đà làm vua Vô Tránh Niệm, lòng Ngài không hơn thua với ai. Tu Tịnh độ, mình phải thực tập điều này trước, ai muốn hơn cho hơn, muốn làm mình sẵn sàng nhường. Thuở nhỏ tu, tôi suy nghĩ điều này, cái thiên hạ muốn làm để họ làm, cái họ bỏ, mình làm. Tôi xin dọn quét nhà vệ sinh. Hòa thượng Giám đốc ngạc nhiên, thấy ông đạo này lạ, thích làm việc không có quyền, không có lợi, không có danh. Làm việc này không ai giành, vì thấy cực khổ, nhưng họ đi vệ sinh thấy sạch sẽ thoải mái thì họ đều thọ ơn mình, là công đức sanh ra từ đây. Nếu biết việc này có công đức, họ đã giành! Tôi chỉ làm việc này ba tháng, Hòa thượng không cho làm nữa và bảo làm thị giả ngài.
Ngoài việc quét dọn vệ sinh, tạo được công đức, hầu thầy cũng có công đức. Giúp thầy làm được nhiều việc, thầy cũng chia công đức cho mình. Phật nói ông Kiết Tường cúng Phật một bó cỏ mà hưởng phước không bao giờ hết. Vì Phật ngồi thiền trên bó cỏ này, Ngài thành đạo và truyền bá giáo pháp khắp nơi. Ai học giáo pháp Phật cũng mang ơn ông này.
Thiết nghĩ làm việc lớn không được thì làm việc nhỏ, từ từ tích tụ công đức. Có người đòi làm việc lớn, nhưng không được giao, ngồi chờ đến khi tuổi lớn cũng không làm được gì, chỉ có phiền não.
Mới tu, làm quyến thuộc của Bồ-tát lớn, làm công việc hầu Hòa thượng Giám đốc, ai thấy tôi cũng nhận xét rằng ông đạo này hiền lành, dễ thương. Các Hòa thượng miền Trung, miền Bắc đến làm việc với Hòa thượng Giám đốc biết tôi, cũng thương tôi. Nhờ có được thiện cảm của chư tôn đức như vậy, sau này tôi hành đạo nơi nào cũng được cảm tình, mới dễ tạo công đức.
Phật A Di Đà không có ý niệm tranh giành với ai, nhưng Ngài biết rõ người làm được thì Ngài hợp tác với họ, lần lần người tốt tìm đến Ngài. Tu Tịnh độ phải ý thức điều này. Quan sát chung quanh mình, thấy có nhiều người xấu thì biết phước mình chưa có, mà nghiệp mình nặng, phải ráng tu. Giống như Bồ-tát Di Lặc không làm Phật được, vì quyến thuộc của Ngài chưa thuần thục, người theo đông nhưng không có người được việc.
Khi tiền thân Phật A Di Đà làm vua Vô Tránh Niệm, Ngài có bốn người con văn võ toàn tài. Bốn người con đó là bốn vị Bồ-tát nổi tiếng sanh lại làm quyến thuộc của Ngài. Người thứ nhất là Phổ Hiền Bồ-tát là con cả của vua Vô Tránh Niệm. Bồ tát này thành tựu mười đại hạnh. Tài giỏi như vậy mà làm quyến thuộc chắc chắn Ngài hỗ trợ vua làm được việc lớn. Người thứ hai là Thường Tinh Tấn Bồ-tát làm việc siêng năng không biết mệt mỏi, quản lý việc triều chính không sơ suất. Hai người lo việc bên ngoài là Bồ-tát Quan Âm và Đại Thế Chí. Năm cha con này quá giỏi, không ai dám động đến họ, tất yếu đất nước của họ cai quản hoàn toàn yên ổn.
Vô Tránh Niệm làm vua lại có Phật Thế Tự Tại Vương ra đời hơn hẳn ông vua này. Tại sao vua và Phật gặp nhau. Vì ông vua sống quá bình yên muốn tìm cái cao hơn. Phật Thế Tự Tại Vương dạy Vô Tránh Niệm rằng ông làm được tất cả mọi việc trong quốc gia, không ai hại được, nhưng bên ngoài lãnh thổ, ông chưa biết. Ông chỉ biết những gì trong cuộc sống thôi, muốn biết ngoài cuộc sống, Phật sẽ giúp. Nghe Phật nói vậy, ông liền bỏ ngôi vua đi tu.
Ông đi tu là theo Phật tu, theo Bồ-tát hành đạo, không phải vô chùa tu rồi không biết làm gì. Ông theo Phật Thế Tự Tại, vị Phật hiểu biết sâu rộng và dạy ông những điều ông chưa biết là tất cả các loại hình thế giới của chư Phật. Phật bảo muốn biết được như vậy, phải gia công thiền định. Chưa tu, ông đã hơn người ở điểm không có ý niệm hơn thua, tức cắt lòng tham rồi và tu có được Chánh niệm thì phải tiến xa hơn để đi vào Chánh định. Vào định, Phật Thế Tự Tại đưa ông đi tham quan mười muôn ức Phật độ. Và học hết các mô hình Phật độ như vậy, ông mới có tên Pháp Tạng Tỳ-kheo, không phải Tỳ-kheo tầm thường, nhưng là người tu biết tất cả các pháp Phật ví như cái kho chứa pháp, vì ông đã đi tu nghiệp ở các thế giới đó rồi. Vì vậy, Phật Thế Tự Tại bảo đại chúng muốn học cái gì phải hỏi Pháp Tạng.
Tu theo Phật A Di Đà là tu như vậy, không phải chỉ niệm suông tên Ngài. Phải niệm từ “Vô Tránh Niệm” không hơn thua, cho đến niệm “Pháp Tạng” cái gì cũng biết là biết giáo pháp, không phải biết thế sự bên ngoài. Và Ngài học trong thiền định, nên nhanh hơn và chính xác hơn học theo sách vở. Vì vậy, Ngài đi khắp các thế giới Phật cũng bằng tâm nên đi rất nhanh và không có chướng ngại.
Với hiểu biết rộng, Ngài làm không sai, tạo được nhiều công đức một cách nhẹ nhàng. Còn không biết, làm chín lần đúng, một lần sai cũng mất trắng. Phật Thích Ca biết trước, làm sau. Phật biết độ được sát nhân Vô Não đắc La-hán, Ngài mới tìm đến độ. Còn các tên sát nhân khác, Phật biết không độ được mà độ thì nguy hiểm. Mình không biết mà làm không đạt kết quả còn thiệt thân. Thực tế có thầy vì không biết mà nuôi một người bất lương cho ở trong chùa, bị nó giết chết để cướp tiền.
Với hiểu biết đúng đắn rộng lớn, Ngài tạo được vô lượng công đức. Phật A Di Đà mới xây dựng Cực lạc bằng công đức, nói theo ngày nay là sức người, sức của.
Người có công đức cầu nguyện mới có kết quả, ví như mình có tiền gửi ngân hàng thì đến đó rút tiền được. Không có tiền trong ngân hàng đương nhiên không rút tiền được. Cũng vậy, có tu, có công đức gửi vào kho vô tận của Phật thì Phật mới bảo người đem tới cho mình.
Phật A Di Đà tạo muôn ngàn công đức rồi, các Bồ-tát tìm đến làm với Phật, ban đầu là các Bồ-tát lớn mới về Cực lạc. Sau có các La-hán phát tâm Bồ-đề cũng về Cực lạc. Mình chưa có hiểu biết và công đức như Phật mà tập hợp đông người, họ phá, làm sao chịu nổi.
Vì vậy, tu Tịnh độ, học cách của Phật A Di Đà làm. Tu một mình có Tịnh độ một mình. Có thêm hai, ba người bạn sống chung thì có Tịnh độ của hai, ba người. Không phải chỉ có Phật giáo, mà tôn giáo khác cũng làm theo mô hình này. Tôi có người bạn là mục sư Tin Lành làm giáo sư đại học ở Nhật. Ông này cũng có năm người bạn là giáo sư tiến sĩ sống chung với nhau, thực tập pháp này. Dù là mục sư Tin Lành nhưng họ nghiên cứu Phật giáo và ứng dụng pháp Phật trong cuộc sống. Năm ông hiểu nhau mới sống chung được, mỗi người một việc, không làm mất lòng nhau.
Các Phật tử tu tịnh độ, đầu tiên tập sống một mình cũng được, cho đến sống hai người hay nhiều người cũng được, nhưng phải hiểu nhau, chấp nhận nhau, hợp tác với nhau, giúp đỡ nhau thì tập thể hòa hợp, an vui. Nếu không như vậy sẽ biến Tịnh độ thành uế độ.
Mới đầu tâm mình thanh tịnh là Tịnh độ, nhưng kết hợp với những người không thanh tịnh, hay không hiểu nhau, biến thành Ta-bà liền. Phật dạy Tịnh độ và Ta-bà ở ngay trong tâm mình vậy.