Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HĐTS GHPGVN chia sẻ về một số nội dung mới tại Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7
Tại Hội nghị, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã chia sẻ một số nội dung mới của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7 được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Hiến chương GHPGVN sau khi sửa đổi về cơ bản vẫn kế thừa các nội dung, các điều khoản của Hiến chương hiện hành. Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 được thông qua, bao gồm 14 chương, trong đó có Lời nói đầu và 87 điều. So với Hiến chương cũ thì Hiến chương sửa đổi nhiều hơn 1 chương và 16 điều. Mục đích của việc tu sửa Hiến chương là để phù hợp, đáp ứng một cách tốt nhất cho các hoạt động Phật sự, cho công việc tu tập của các chức sắc tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào Phật tử, quản lý Tăng Ni, tự viện theo đúng chính pháp…Căn cứ sửa đổi Hiến chương GHPGVN dựa trên Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 2015 và căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Chư tôn đức tham dự Hội nghị
Nội dung mới thứ nhất và việc sửa đổi bổ sung quy định về hệ thống tổ chức của GHPGVN, trong đó có liên quan đến việc thành lập Ban Quản trị của các cơ sở tự viện. Thượng tọa cũng khẳng định việc thành lập Ban Quản trị các cơ sở tự viện là việc làm hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chức sắc, các nhà tu hành trong quá trình điều hành các cơ sở tự viện của mình, cũng như liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tự viện.
Nội dung mới thứ hai là quy định rõ tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức của GHPGVN. Nội dung này thể hiện ở khoản 2 điều 12 chương III và điều 30 chương V của Hiến chương sửa đổi lần thứ 7. Tổ chức tôn giáo trực thuộc bao gồm các ban viện TƯ thuộc HĐTS và Chủ tịch HĐTS là đại diện pháp lý cao nhất của tổ chức GHPGVN.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng – Trưởng BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng và Hòa thượng Thích Thanh Giác – Phó trưởng Ban thường trực BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng tham dự Hội nghị
Nội dung mới thứ ba là việc kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng chứng minh, đổi tên Hội đồng giám luật thuộc HĐCM thành Ban giám luật; xây dựng quy chế hoạt động, tiêu chuẩn hóa thành viên HĐCM, ban thường trực HĐCM để nâng cao vị thế lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường trực HĐCM và các cơ quan HĐCM, đảm bảo sự thống nhất tổ chức giáo hội giữa 2 hội đồng theo Hiến chương GHPGVN.
Nội dung mới thứ tư là bổ sung quy định thẩm quyền cùa HĐTS và BTS cấp tỉnh trong việc thành lập chia tách, sát nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc, bổ sung quy định về thẩm quyền của HĐTS trong việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho các tổ chức tôn giáo trực thuộc.
Nội dung mới thứ năm là bổ sung quy định về thẩm quyền của Ban trị sự cấp huyện trong việc đề xuất, bổ nhiệm thành viên Ban Quản trị.
Nội dung thứ sáu là quy định về cấp hành chính thứ tư là GHPGVN cấp cơ sở đó là Ban Quản trị cơ sở tự viện. Trong đó có quy định rõ vị trụ trì là trưởng Ban Quản trị cơ sở tự viện, là người giới thiệu thành viên tham gia Ban Quản trị cơ sử tự viện…
Ngoài ra, một số nội dung mới khác cũng được Thượng tọa Tổng Thư ký trình bày tại Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Bên cạnh việc phổ biến một số nội dung mới của Hiến chương GHPGVN sửa đổi, thượng tọa cũng đã chia sẻ một số thông tư của Giáo hội có liên quan đến hoạt động Phật sự của các cơ sở tự viện. Trong đó, đặc biệt là việc hướng dẫn việc thực hiện Thông tư số 04/2023/TT- BTC về việc hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ban hành ngày 19/01/2023. Qua đó, giúp chư tôn đức Tăng Ni nắm rõ và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật Nhà nước.
Được biết trường hạ chùa Nam Hải là trường hạ đầu tiên được TƯ GHPGVN về phổ biến, chia sẻ những nội dung mới của Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7.
Thành Trung