Tọa lạc trên sườn núi Ốc Sơn, thôn Trang Các, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, chùa Long Cảm là một trong những ngôi chùa cổ ở xứ Thanh.Sư thầy Thích Đàm Quang, người đã có nhiều năm làm trụ trì tại chùa Long Cảm cho biết, năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, đến vùng phủ Quảng Hòa (nay là huyện Hà Trung) đã dừng chân trên sườn núi Ốc Sơn. Đêm đến, Vua nằm mộng thấy rồng vàng. Sau khi giành thắng lợi, về tới kinh đô, nhớ lại giấc mộng, vua đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa, lấy tên là Long Cảm.
Trải qua hơn nghìn năm với nhiều lần trùng tu, ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được các báu vật vô giá như 4 cột đá ở hiên chùa chính, chân trụ đá còn nguyên vẹn, quả chuông đồng nặng 70kg và các tấm bia cổ.
Đặc biệt, phật tử và du khách bốn phương khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm bị thu hút bởi cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh rất lớn, mỗi chiếc nặng khoảng 3-4 tạ, màu xanh xám.
Theo sư thầy Thích Đàm Quang, hai chiếc khánh đá có đặc điểm và kích thước khác nhau. "Chiếc khánh nhỏ không có nhiều hoa văn, nhưng khi gõ vào phát ra âm thanh như tiếng chuông đồng. Thậm chí, chỉ cần vỗ tay nhẹ vào khánh cũng phát ra âm thanh. Hiện không có cứ liệu rõ ràng về tuổi đời của khánh đá, nhưng có nhiều chuyên gia về đây tham quan có nhận định chiếc khánh đá phát ra âm thanh này được đặt cùng lúc dựng chùa từ hàng nghìn năm trước", sư thầy Thích Đàm Quang cho biết thêm.
Chiếc khánh còn lại có kích thước lớn hơn, với họa tiết hoa văn nhiều hơn. Trước đây, chiếc khánh này ở trong ngôi chùa làng Thượng. Khoảng vài chục năm trước, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ, hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, thuê người trục vớt lên, đem về chùa Long Cảm cung tiến nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân. Tuy nhiên, chiếc khánh này không có tiếng kêu vang, khi vỗ vào chỉ nghe tiếng bình bịch.
Trải qua thời gian, một phần cạnh bên của chiếc khánh đá nhỏ ở chùa Long Cảm bị sứt mẻ.
Ngoài chiếc khánh cổ, tại lối lên chùa Long Cảm còn có một cây xoài cổ thụ. Sư thầy Thích Đàm Quang cho biết, cây xoài này có tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn tốt tươi, khỏe mạnh và cho ra quả đều đặn.
Năm 1992, chùa Long Cảm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Với giá trị văn hóa lâu đời, chùa Long Cảm nhiều năm qua trở thành điểm đến tâm linh với nhiều phật tử và du khách thập phương. Hàng năm, vào ngày Tết và các ngày rằm, mùng một, nơi đây đón đông đảo du khách về dâng hương, vãn cảnh.