21. XUẤT XỨ, NIÊN ĐẠI CỦA KINH NA TIÊN?
HỎI:
Ai là tác giả tuyên thuyết kinh Na Tiên? Xin cho biết xuất xứ, niên đại xuất hiện của bộ kinh này và cuộc đời của Tỳ kheo Na Tiên.
ĐÁP:
Theo suy nghĩ của hàng Phật tử sơ cơ thì thông thường, khi nói đến kinh, ai cũng nghĩ rằng đều do Phật nói. Về cơ bản thì suy nghĩ ấy đúng nhưng thật ra xét ở góc độ nghiên cứu thì quan điểm ấy còn có nhiều điều cần phải minh giải cho rõ ràng. Vì lẽ, trong Hoa Nghiêm Kinh Sớ (Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 85, tr. 217b) đã chia ra có NGŨ LOẠI THUYẾT PHÁP (Năm loại thuyết pháp: 1- Phật thuyết; 2- Bồ tát thuyết; 3- Thanh văn thuyết; 4- Chúng sinh thuyết; 5- Khí giới thuyết). Ở dây, cần phải thấy rằng trong năm loại hình thuyết pháp này, điều đồng nhất giữa chúng là tuyên thuyết những chân lý mà Đức Phật đã chứng ngộ hoặc là con đường đi đến sự chứng ngộ ấy. Cho nên có nhiều bản kinh không nhất thiết phải do Phật trực tiếp truyền dạy mà có thể là do các đệ tử của Ngài thừa mật ý của Phật mà tuyên thuyết hoặc tập hợp và ghi lại. Đó cũng là điều dễ hiểu khi chúng ta đọc một số bản kinh như Pháp Cú, Tứ Thập Nhị Chương, Bát Đại Nhân Giác… đều không có lời dẫn khởi “Như thị ngã văn” của Ngài A Nan. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo cũng nằm trong trường hợp này. Căn cứ vào nội dung kinh văn, ta có thể khẳng định rằng những quan điểm về giáo lý được đề cập trong kinh Na Tiên là do chính Đức Phật tuyên thuyết; nhưng hệ thống hóa các quan điểm ấy thành một chỉnh thể, là bản kinh văn mà chúng ta có ngày hôm nay là công lao của nhiều người đời sau và có lẽ người có công lao lớn nhất chính là ngài Na Tiên (Nagasena). Mặt khác, đây là một bộ kinh nghiêng nặng tính chất vấn luận; cho nên kinh Na Tiên Tỳ Kheo có thể xem gần với luận tạng hơn. Đây cũng là một trong những lý do để luận sư Budhaghosa dùng bản kinh này làm luận cứ trong các tác phẩm của mình và cũng cần nói thêm rằng ngài Vasubandhu cũng đã đề cập đến bộ kinh này trong tác phẩm nổi tiếng A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận.
Những bản kinh (bản Hán) hiện đang lưu hành ở Việt Nam phần lớn được dẫn xuất từ bộ Đại chính tân tu Đại tạng kinh, tập 32, mang số hiệu 1670a và 1670b. Ngoài ra, hiện có nhiều phiên bản khác nữa như bản của Sei Syu Kanamoli: Question of King Milinda; Sogen Yamagami: Sutra on Questions of King Milinda; Milindapãnha…
Về niên đại xuất hiện của kinh Na Tiên Tỳ Kheo (bản Hán) hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau. Theo công trình nghiên cứu của Hòa thượng Thích Minh Châu (Milindapãnha and Nàgasenabhikshusùtra – a comparative study, 1963; bản dịch của Trần Phương Lan, 1999) thì niên đại xuất hiện của kinh Na Tiên Tỳ Kheo vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất, đầu thế kỷ thứ hai sau Tây lịch.
Cuộc đời và hành trạng của ngài Na Tiên hiện đang có nhiều điều cần phải bổ chính vì thất lạc dữ liệu. Theo sử sách ghi lại (căn cứ vào phần một của kinh Na Tiên Tỳ Kheo và Milindapãnha, Phật Quang đại từ điển), ngài Na Tiên (Nàgasena) – Hán dịch là Ba Ly Đồng, hoặc Na Già Tư Na, Na Già Trì Na – sinh trong một gia đình Bà la môn ở Bắc Ấn Độ, bẩm tính thông tuệ, am hiểu tường tận học thuật ở Ấn Độ thời bấy giờ. Năm mười bốn tuổi, ngài xuất gia với ngài Lâu Hán (Rohana) và đi cầu học ở nhiều nơi trên đất Ấn, thông hiểu Luận tạng với bảy bộ A Tỳ Đàm. Sau đó, ngài đến thọ giáo với Đạt-ma-ra-khi-ta (Dhammarakhita) ở Hoa Thị Thành (Pataliputra). Từ đây, ngài thông suốt Tam tạng Thánh điển, cộng với sự nỗ lực tu tập tinh nghiêm để cuối cùng chứng đạo quả A la hán. Sau khi đi giáo hóa nhiều nơi, ngài đã dừng chân tại chùa San Khế Đa (Sankkheyya), gần vùng Ngũ Hà (Punjab). Chính tại nơi đây đã xảy ra cuộc tương ngộ kỳ thú giữa ngài và vua Di Lan Đà để cuối cùng cống hiến cho kho tàng giáo lý đạo Phật một tác phẩm nổi tiếng”: Kinh Na Tiên Tỳ Kheo.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 88-90.