Nhân ngày Rằm tháng 4 âm lịch (tức ngày 15/5 dương lịch), Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 – Dương lịch 2023 chính thức khai lễ tại chùa Quán Sứ. Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự GHPGVN chủ trương tổ chức Đại lễ Phật đản an lạc, gọn nhẹ, đề cao tinh thần đồng thuận dân tộc, đồng thuận xã hội.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuyên đọc thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Thông điệp bày tỏ: “Mùa Phật đản năm nay, những người Phật tử Việt Nam chúng ta đồng thời thành kính kỷ niệm 60 năm ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023). Chúng ta tự hào về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và trong đó có dấu ấn về hạnh nguyện cao cả của Bồ tát Thích Quảng Đức trên con đường phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Ngọn lửa từ bi cùng với trái tim bất diệt của Ngài có năng lực soi sáng và thức tỉnh lương tri của con người, hóa giải tất cả hận thù. Ngọn lửa đó đã chỉ cho mỗi người sống là phải biết vượt lên mọi chủ nghĩa cá nhân ích kỷ hẹp hòi và mọi ý niệm cực đoan. Ngài là biểu tượng sáng ngời của tinh thần bi, trí, dũng của bậc Bồ tát hiện thế và tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam”.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự T.Ư GHPG Việt Nam sau đó đọc diễn văn Đại Lễ Phật đản PL.2567 – DL.2023 của Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đọc diễn văn Đại Lễ Phật đản PL.2567 – DL.2023.
Tiếp sau đó, các chư Tôn giáo phẩm Ban trị sự GHPGVN trang nghiêm cử hành nghi lễ dâng hương, tụng kinh Khánh đản và nghi thức tắm Phật truyền thống.
Hàng trăm Phật tử từ khắp nơi cũng đổ về chùa Quán Sứ từ rất sớm để hành lễ và thực hiện nghi thức tắm Phật. Thực hành nghi lễ tắm Phật chính là cơ hội để mỗi người tự quán chiếu nội tâm, để gột rửa những tham lam, sân hận, si mê mà quay về với nếp sống chính niệm, quay về Phật tính trong mỗi người.