HỎI:
Chúng con kính lời hỏi về việc tu luyện Thiền trường sinh học mở luân xa có đúng với Chánh pháp của Phật hay không? Phật tử chúng con có nên theo hay không? Nếu không nên thì làm cách nào để giải thích với những Phật tử đã theo?
ĐÁP:
Trong truyền thống tu tập về Thiền của Phật giáo, không có pháp tu Thiền trường sinh học mở luân xa (TTSHMLX). Do đó, việc tu luyện TTSHMLX hoàn toàn không đúng với Chánh pháp. Theo Thiền sư Thích Thanh Từ, (Giới thiệu về đường lối tu thiền của Phật giáo, Nguyệt san Giác Ngộ, số 51, 6-2000, tr. 84) thì ngoài ba truyền thống tu tập thiền định của Phật giáo là Thiền Nguyên thủy, Thiền Đại thừa Phát triển và Thiền tông, các phương pháp tu thiền của Thiền chuyển luân xa, Thiền xuất hồn, Thiền thai tức, Thiền luyện tinh hóa khí – luyện khí hóa thần và Thiền Yoga hay Du già đều là “Thiền không phải của đạo Phật”. Là người Phật tử chánh tín, cố nhiên chỉ thực hành các pháp tu theo lời Phật dạy. Việc tu tập thiền định, do đó cũng chỉ nên tu thiền theo các phương pháp Thiền định Phật giáo.
Như vậy, người Phật tử không nên và không cần tu tập TTSHMLX. Bởi như đã nói, TTSHMLX không phải là phương pháp tu thiền của Phật giáo nên người Phật tử không nên tu tập. Lại nữa, TTSHMLX chú trọng đến việc khai mở các luân xa chứ không đề cập đến vấn đề đoạn trừ phiền não. Những người tu theo phái thiền này tin rằng khi khai mở được luân xa cuối cùng thì con người trở thành Giác ngộ, siêu nhân. Điều này hoàn toàn xa lạ với sự tu tập thiền định của Phật giáo. Một hành giả tu tập thiền định Phật giáo dù theo truyền thống nào đều lấy việc chuyển hóa tâm làm cốt lõi. Dùng ánh sáng chánh niệm soi sáng vào tâm để nhận rõ vọng tâm và chân tâm. Nhận chân được vọng tâm là hư giả, duyên sinh đồng thời thấy được chính vọng tâm là cội rễ, căn nguyên của mọi phiền não, khổ đau và luân hồi sinh tử. Phát huy trí tuệ chuyển hóa toàn bộ vọng tâm thành chân tâm, thành tựu Giải thoát, Giác ngộ, viên mãn Bi – Trí, thành Phật là mục đích tu tập của người Phật tử.
Tóm lại, phương pháp tu tập của TTSHMLX không có các tính chất Giải thoát, Trí tuệ và Từ bi như các phương pháp Thiền định Phật giáo. Dù pháp tu ấy có những kết quả an ổn, thăng hoa tâm linh nhất định nhưng không có năng lực chuyển hóa khổ đau và nhất là không thể thành tựu Trí tuệ, đoạn tận Vô minh để chứng đắc Niết bàn. Kết quả của TTSHMLX là các cảnh giới Thiền của cõi trời Sắc giới, còn trong sinh tử luân hồi. Vì vậy, muốn ra khỏi nhà lửa Tam giới thì nên tu tập các phương pháp Thiền định theo lời Phật dạy.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 149-150.