HỎI:
Trong cuốn Những mỗi tình trong lịch sử (tác giả Quỳnh Cư, NXB. Thanh Niên, 2001) nói rằng vua Lý Công Uẩn là con của Thiền sư Vạn Hạnh với bà Phạm Thị Ngà. Điều này có thật không? Lúc học ở trường Phật học, tôi chưa hề nghe nói đến điều này cho nên hơi thắc mắc, mong được giải đáp.
ĐÁP:
Lý Công Uẩn là một trong những vị vua anh minh, là người đầu tiên đã tạo dựng nên một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử phát triển dân tộc và là người đã góp phần tạo nên những tiền đề xán lạn cho sự phát triển của Phật giáo nước nhà. Về tiểu sử của Lý Công Uẩn, việc cho rằng vua là con của Thiền sư Vạn Hạnh là một sự ngộ nhận không riêng gì đối với tác giả trong tác phẩm mà bạn đã nêu. Vấn đề chính là ở chỗ, khi viện dẫn đến các vấn đề lịch sử thì không nên tin vào những luận điểm không rõ nguồn gốc.
Căn cứ vào những bộ chính sử của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử lược, Việt sử tiêu án, Thiên Nam ngữ lục… không hề đề cập đến sự kiện này. Chính sử chỉ ghi nhận Thiền sư Vạn Hạnh nhận Lý Công Uẩn làm con nuôi từ năm 3 tuổi và khi lên ngôi, Lý Công Uẩn truy phong cho cha mình làm “Hiển Khánh vương và mẹ là Minh Đức Thái hậu” (Đại Việt sử ký toàn thư 1, tờ 34a6). Các nhà nghiên cứu về sử học đã tranh luận rất nhiều về đề tài này, tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nhà sử học nào đưa ra một lý lẽ đủ tính thuyết phục, nhằm chứng minh vua Lý Công Uẩn là con ruột của thiền sư Vạn Hạnh.
Trong những truyền thuyết, thần thoại của Việt Nam cũng như của Ấn Độ và các nước trong vùng Đông Nam Á thì mô-típ theo kiểu như thế là phổ biến. Điển hình, trong Lĩnh Nam chích quái, truyền thuyết về Phật Pháp Vân, về Phù Đổng Thiên Vương,… Phật Pháp Vân là kết quả của mối quan hệ giữa Phật mẫu Man Nương và Nhà sư Khâu Đà La; và cậu bé Phù Đổng là sự hòa hợp giữa người mẹ Việt và vết chân của Thần linh mà sinh ra. Đây cũng là một cách mà người xưa thánh hóa nguồn gốc của một bậc vĩ nhân, bằng cách dựng nên truyền thuyết về dòng dõi cao quý của họ.
Việc chỉ tập trung khai thác yếu tố hiếu kỳ trong lịch sử không phải là thái độ nghiên cứu nghiêm túc. Nếu muốn nghiên cứu để hiểu rõ về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm các tác phẩm sau: Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc Tử Giám triều Nguyễn), Việt Điện u linh tập (Lý Tế Xuyên), Lĩnh nam chích quái (Trần Thế Pháp)…
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 145-146.