HỎI:
Tôi đã phát nguyện thọ Năm giới và trở thành một Phật tử. Thế nhưng, trong năm giới đó, dường như tôi chưa giữ trọn. Số là, trong cơ quan tôi, công nhân làm việc trong một môi trường khá nguy hại. Thường bệnh hoạn và họ cũng quá nghèo trong việc thanh toán các khoản phí y tế. Để cho người lao động được hưởng thêm các khoản chăm nom từ các cơ quan bảo hiểm, tôi – người chịu trách nhiệm xác nhận với cơ quan bảo hiểm – đã kê khai thêm. Giả dụ như thuốc nội thì tôi kê thuốc ngoại, bệnh vừa phải thì ghi trầm trọng. Như vậy, tôi đã phạm giới thứ tư (nói dối) có phải không? Có lần tôi nghe băng giảng, có đoạn bảo rằng nếu Phật tử đã quy y mà không giữ năm giới thì không còn là Phật tử. Cho nên, khi có thầy nào hỏi tôi có phải là Phật tử không, tôi chỉ cười và trả lời rằng mình chỉ là một người mến mộ đạo Phật. Hiện tại, tôi khá băn khoăn vì những suy nghĩ đó cứ ám ảnh mãi. Xin giúp tôi một lời khuyên.
ĐÁP:
Chúng tôi thật sự cảm kích trước nghĩa cử vị tha của bạn. Điều đó cho thấy rằng, bạn là một người rất mẫn cảm với các nỗi khốn khó của tha nhân. Cuộc sống hiện tại với bao cay đắng, tranh đoạt nhọc nhằn để tìm cầu danh lợi cho việc mưu sinh mà bạn vẫn giữ được một trái tim đầy tình thương cảm như vậy quả thật là một việc làm hiếm có trong đời. Mặc dù tận trong sâu thẳm của con tim, bạn tự khẳng định và luôn khẳng định rằng mình hành xử theo lương tâm thuần thiện. Thế nhưng, căn cứ vào việc làm, vào tính chất của công việc của bạn thì theo chúng tôi, thái độ hành xử đó không nên có vì thực chất là một lối ứng xử nặng về cảm tính mà thiếu đi sự cân nhắc của lý trí, của trí tuệ.
Khoan vội xem xét bạn có phạm giới hay không, chỉ xét trên phương diện đạo đức xã hội thì hành động đó của bạn cũng có nhiều điều cần phải bàn. Vì lẽ, hơn đâu hết, yếu tố quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ xã hội như bạn bè, đồng nghiệp, người chủ và công nhân… đó chính là niềm tin lẫn nhau. Nếu như không có yếu tố niềm tin này thì các mối quan hệ sẽ trở nên lỏng lẻo, nhợt nhạt và chỉ còn là cái vỏ hình thức. Niềm tin ấy, quan trọng tới mức nó quyết định tới sự thành công, vươn lên của một con người, một tập thể, một xã hội và cũng cần thấy rằng, cơ sở của niềm tin chính là lòng trung thực của mọi người. Bạn có biết không, sở dĩ bạn được làm ở vị trí hiện tại là do hội đủ nhiều yếu tố, mà trong đó quan trọng hơn hết là sự tín nhiệm của cơ quan bảo hiểm y tế. Nếu như bạn cứ hành động theo cảm tính và không đúng với thực trạng của vấn đề thì không chóng thì chầy, sự “nâng đỡ” của bạn đối với công nhân tất sẽ bị cơ quan y tế chủ quản nhận ra và không còn tin ở bạn nữa. Mặt khác, khi sự việc đã đổ bể thì hơn ai hết, bạn sẽ là người trực tiếp nhận chịu mọi hậu quả. Trên bình diện rộng hơn, bạn cũng cần phải thấy rằng, cơ quan bảo hiểm y tế không phải là một tổ chức “từ thiện” theo kiểu ban ơn mà chính là một sự vận dụng, điều tiết sức lực, tài sản của những thành viên tự nguyện đóng góp. Nếu như đặt nhiều sự quan tâm, nghiêng nặng về những thành viên này không đúng với tình hình thực tế, thì ở đâu đó, sẽ có một sự thiệt thòi cho những thành viên khác. Như vậy, bạn đã vô tình góp phần tạo ra những nỗi bất công trong cuộc đời.
Ở đây, mặc dù bạn hành xử theo sự dẫn dắt của lòng thương cảm sẵn có trong bạn, thế nhưng hành động đó đã vắng mặt một yếu tố rất quan trọng kèm theo, đó chính là sự cân nhắc, suy xét của lý trí. Theo Phật giáo, tình thương phải được dẫn dắt bởi lý trí, bởi trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ dẫn dắt, tình thương ấy mới thoát khỏi cái “ta” nhỏ nhen, hẹp hòi mà vươn lên đúng nghĩa một tình thương rộng lớn. Trong hành động của bạn, mặc dù phát xuất từ sự thương cảm, nhưng do thiếu sự cân nhắc của lý trí nên bạn đã phản ánh nó không đúng với hiện trạng đang diễn ra, do vậy bạn đã phạm vào giới nói dối. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá hoảng sợ về việc này. Vì lẽ, một khi ta biết mình phạm giới và cố gắng ăn năn không tái phạm nữa thì lẽ dĩ nhiên bạn đã tự mở ra cho mình một hướng đi đúng. Trong nhiều kinh điển, Đức Phật đã từng xác nhận rằng, có hai hạng người có sức mạnh: hạng thứ nhất đó là không bao giờ phạm tội và hạng thứ hai, đó là đã phạm tội nhưng biết ăn năn hối cải. Bạn cần nên chiêm nghiệm kỹ về điều này.
Về việc bạn do tự nhận thấy rằng mình lỡ phạm giới nên không xứng đáng là một Phật tử, theo thiển ý của chúng tôi thì quan niệm đó chưa đúng hẳn. Vì muốn trở thành Phật tử, không nhất thiết phải thọ trì đủ Ngũ giới. Trong nhiều trường hợp, có thể chỉ cần thọ Tam quy và thường xuyên nhớ nghĩ về điều này, thì lẽ cố nhiên bạn đã trở thành một Phật tử rồi. Mặt khác, chuyện một Phật tử phạm giới chỉ ảnh hưởng đến tính chất đạo đức trong một giới hạn nào đó chứ chưa hoàn toàn đánh mất danh hiệu là một Phật tử. Bạn đừng nên quá băn khoăn về chuyện này, và nếu như có ai hỏi thì cứ mạnh dạn trả lời: Tôi là một Phật tử. Chúc bạn nhận ra những việc cần làm và tự tin, dũng mãnh trong việc thừa nhận mình là một Phật tử.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 141-144.