HỎI:
Xin cho biết tại sao người ta phải lễ bái và vì sao hình thức lễ bái là một nghi thức thường thấy trong nghi lễ Phật giáo? Tại sao phải lạy Phật và tác dụng của lễ bái là gì?
ĐÁP:
Lễ bái là một nghi thức tín ngưỡng thường thấy ở một số tôn giáo phương Đông nói chung, trong đó có Phật giáo. Khởi nguyên, lễ bái biểu thị sự phục tùng, tôn kính tuyệt đối đối với các uy lực siêu nhiên, đấng thần linh mà con người đang tôn thờ. Dần dần, tùy theo sự phát triển của mỗi tôn giáo mà có những ý nghĩa khác nhau trong cách thức lễ bái.
Quan niệm về lễ bái theo Phật giáo hoàn toàn khác biệt với tất cả những quan niệm kể trên. Theo Phật giáo, vì sùng kính ân đức vô lượng, trí tuệ vô biên của chư Phật mà hàng đệ tử Ngài đã biểu lộ sự thành kính ấy qua hình thức lễ bái. Sự lễ bái hoàn toàn không hề mang tính chất hạ thấp phẩm giá của mình như bao nhiêu người lầm tưởng. Bởi vì, phát xuất từ sự nhận thức về nhân cách siêu việt, cao tột của chư Phật, chư vị Bồ tát mà chúng ta thực hành lễ bái. Vì khi lễ bái, chúng ta biểu lộ sự kính trọng của mình qua thân tướng, đồng thời lập chí noi theo công hạnh của các Ngài. Trong nhân quả của sự tôn kính “kính thầy thì được làm thầy”, việc xưng tán công đức chư Phật, chư vị Bồ tát với tâm chân thành, với lòng kính ngưỡng thiết tha, chắc chắn từng bước ta sẽ đạt đến quả vị như các vị ấy. Lễ bái như vậy không phải là một hành động mê tín và là một sự thực tập mầu nhiệm làm tăng trưởng tính thánh thiện, hoàn thiện một nhân cách vĩ đại trong tự thân.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ trong tác phẩm “Bước đầu học Phật” thì “lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quý kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạy ngài. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao. Quý kính gương cao cả của Phật để mình noi theo. Phước đức lạy Phật là ở chỗ đó”.
Mặt khác, lễ Phật và dẹp bỏ ngã mạn – bản chất con người chúng ta lúc nào cũng tự cao tự đắc, vênh váo nghênh ngang, xem cái “tôi” của mình là trung tâm vũ trụ. Đó là tánh xấu khiến mọi người chán ghét, xa lánh, làm tiêu mòn công đức. Phật tử ý thức được điều này, kính lạy Phật, Bồ tát và các bậc tôn túc, để diệt trừ tâm ngã mạn của mình. Kính lạy các Ngài vì tự mình thấy mình không sánh kịp các Ngài, biết mình thấp kém thì tánh ngạo mạn từ từ biến mất.
Khi lạy các Ngài, ta không mong một ân sủng nào, chỉ vì một lòng kính trọng đức hạnh cao cả của các Ngài, tự thấy mình hèn hạ, thấp kém, thế là mọi công đức từ đó phát sinh. Kính ngưỡng và quy hướng về Đấng Giác ngộ là biểu hiện của tự thân đã giác ngộ. Bởi đứa ăn trộm thì phục kẻ ăn trộm giỏi, chàng võ sĩ tập tễnh vào nghề thì nể tay võ sĩ vô địch. Ở đây, việc kính trọng Phật, Bồ tát và các bậc tôn túc thì trong ta luôn có hình ảnh của các vị ấy. Chúng ta muốn dẹp bỏ những tánh xấu, thực hành đức hạnh để tự hoàn thiện mình thì kính lễ những bậc đức hạnh là điều cần thiết vậy.
Lễ Phật vì noi gương – kính lạy Phật, chính vì chúng ta muốn học tập theo gương của Ngài. Chúng ta phải kính lễ để học tập theo Đức Phật. Bởi vì, Phật là bậc toàn giác, đầy đủ mọi công đức, viên mãn Trí tuệ và Từ bi.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 138-140.