HỎI:
Tôi là bác sĩ đã về hưu (còn làm việc tại một cơ sở tư nhân) có mong muốn đóng góp một chút gì đó cho Phật giáo nhưng không biết có thể làm được điều gì không? Xin hỏi, nghề nghiệp của tôi có gần với đạo Phật không? Vì tôi biết Phật giáo chưa nhiều nên chưa dám thể hiện. Xin có cách gì chỉ cho tôi hòng giúp tôi thực hiện được ước nguyện của mình.
ĐÁP:
Điều đầu tiên, chúng tôi xin tán trợ lòng nhiệt thành của ông. Với năng lực hiện có, thiết nghĩ trước đây ông đã có nhiều cống hiến cho xã hội. Có lẽ hơn ai hết, ông là người trực tiếp đã và đang góp phần giảm thiểu những nỗi đau khổ cho tha nhân do bởi tính đặc thù trong chuyên môn nghề nghiệp – bác sĩ. Theo chúng tôi, đây là một sứ mạng rất mực cao cả, thiêng liêng. Chúng tôi cũng được biết, có lắm lúc rất mỏi mệt vì công việc, nhưng sự an lành của bệnh nhân có thể coi là một niềm phúc lạc lớn nhất không gì có thể so sánh. Ở ngay đây, công việc của ông dường như không xa lắm với chủ đích của đạo Phật: góp phần làm vơi đi và triệt tiêu hẳn bao nỗi thống khổ của chúng sinh.
Trong kinh, Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Việc làm của ông từ trước đến nay, nếu như đều xuất phát từ tấm lòng chân thật, vì mục tiêu giảm thiểu những nỗi đau khổ cho mọi người thì có lẽ ông là người đã cúng dường chư Phật rất nhiều! Và, việc cúng dường bằng những hành động cụ thể đó sẽ là những cơ sở ban đầu để ông tiến xa hơn trong đời sống tâm linh, trong thang bậc của hệ thống giá trị - Thánh quả - theo quan điểm Phật giáo. Nếu nói một cách nôm na, thì việc làm đó của ông gây tạo nhiều nhân phước thiện. Với một nhân tốt thì nghiệp quả thù thắng sẽ dành cho ông trong mai hậu đó là điều khỏi phải luận bàn.
Trên bước đường học và hành đạo, theo quan điểm Phật giáo, không nhất thiết phải đi cùng một con đường. Điều cần yếu là cơ sở nền tảng của mỗi con đường đó phải được thiết lập từ chánh pháp của Đức Phật. Cho nên trong điều kiện hiện tại của ông, nếu như biết khéo léo vận dụng tài năng của mình theo lương tâm nghề nghiệp, theo sự dẫn dắt, chỉ đạo của giáo lý Phật Đà, thiết nghĩ còn gì thuận lợi hơn.
Mặt khác, chúng tôi cũng được biết, một người theo ngành y khoa, ngoài việc phải tuân thủ lời thề của Hippocrate đã được chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với phong tục, tập quán, đạo đức luân lý của đất nước mình còn cần phải thực hiện những điều đã được thông qua trong bản Tuyên ngôn Genève 1948 (Déclaratiuon de Genève 1948): “Tôi tự đảm nhận lấy trách nhiệm trọng thể là cống hiến cả cuộc đời mình để phục vụ nhân loại”. Như vậy, có thể coi những người theo đuổi theo sự nghiệp y khoa là những người trực tiếp gánh vác một thiên chức rất mực cao cả.
Ngày hôm nay, khi cả thế giới vẫn chưa hoàn hồn với cơn đại dịch AIDS thì hội chứng SARS lại một lần nữa làm cho tình hình sức khỏe của mọi người luôn nằm trong tình trạng đáng quan ngại. Trong lúc này, vai trò và sứ mạng của người thày thuốc quan trọng hơn bao giờ hết. Trong một bài báo gần đây có nêu ra những trường hợp vì chăm sóc bệnh nhân bị SARS mà đã có vài “thiên thần áo trắng” đã vĩnh viễn nằm xuống. Điều ấy cho thấy rằng đây là một công việc khá nguy hiểm, đòi hỏi phải có một tấm lòng nhân hậu, can đảm, thấm đẫm tình thương con người, thương đồng loại mới có thể đảm trách và hoàn thành tốt sứ mạng của mình. Ngay tại đây, tinh thần từ bi – vô úy của Phật giáo đường như đang hiện diện. Vì lẽ, nếu như không xuất phát từ một tình thương yêu vô vụ lợi, một tình thương không còn vướng bận ta và tha nhân, vượt lên trên mọi ý thức phân biệt đẳng cấp, địa vị… cộng với một trái tim kiên định, ý chí sâu sắc thì khó có thể vượt qua những thử thách, những trở ngại trong quá trình thực hiện thiên chức của mình.
Như vậy, theo chúng tôi, nếu như ông đã và đang thực hiện đúng theo tôn chỉ của ngành y khoa thì ở một chừng mực nào đó, ông đang đứng rất gần với tinh thần căn bản của Phật giáo. Vì như đã nói, Phật giáo phát xuất từ tôn chỉ là vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh. Mà ở đây, sứ mạng mà ông đang đeo mang có thể phần nào đem đến một niềm an lạc, thanh thản cho mọi người. Tuy nhiên, sẽ tiệm cận với tinh thần Phật giáo hơn nếu như ông biết chuyển hóa và thăng hoa bệnh nhân bằng những liệu pháp hỗ trợ trên phương diện tinh thần. Đơn cử như ông có thể cứu sống một bệnh nhân trong trường hợp tự vẫn, nhưng rất khó đảm bảo rằng người ấy sẽ không tìm lại cái chết lần nữa, nếu như ta không can thiệp sâu hơn vào đời sống tinh thần. Những con nghiện ma túy, những tai nạn do đua xe… hiện đang rất cần một sự can thiệp, chuyển hóa sâu hơn vào trong những ngõ tối quanh co của đời sống tinh thần đang bức não. Trong những trường hợp này, việc vận dụng những tinh thần giáo dục căn bản của Phật giáo như giảm thiểu dục vọng, nhận thức rõ sự tạm bợ của cuộc sống, năng lực tự chuyển hóa trong mỗi cá nhân… tỏ ra hợp lý hơn bao giờ hết. Nếu như ông có thể tự mình nghiên cứu qua những tác phẩm căn bản về Phật học, hoặc giả có sự hỗ trợ trong một môi trường giáo dục Phật giáo nào đó, chúng tôi tin chắc rằng không những ông sẽ thành công hơn trong sự nghiệp của mình mà còn có những đóng góp hết sức thiết thực trong việc góp phần đưa những nguyên lý sống động trong giáo lý Phật Đà vào trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày của mọi người dân.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 134-137.