HỎI:
Con là một sinh viên Phật tử, thường đi lễ bái, tu học ở các chùa và tịnh xá. Ngoài hệ phái Bắc tông, hiện tại con vẫn chưa phân biệt được những điểm giống và khác nhau về nguồn gốc hình thành, pháp phục, giáo lý cơ bản và pháp môn tu tập của hệ phái Nguyên thủy và hệ phái Khất sĩ. Trong đó, hệ phái nào thuộc Bắc tông (Đại thừa) và hệ phái nào thuộc Nam tông (Tiểu thừa)? Hàng Phật tử chúng con có những lợi lạc gì khi theo hai hệ phái kể trên?
ĐÁP:
Trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) hiện nay, ngoài hệ phái Bắc tông – một hệ phái lớn, chiếm ưu thế và có nguồn gốc lâu đời – còn có nhiều hệ phái khác đang ngày một phát triển góp phần xây dựng hoàn chỉnh ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Nguyên thủy và Khất sĩ là hai hệ phái khá lớn, với tốc độ phát triển nhanh và có địa bàn hoạt động rộng rãi ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Trước khi đi vào việc phân biệt sự tương đồng và khác biệt để dễ dàng nhận diện hai hệ phái Nguyên thủy và Khất sĩ, thiết nghĩ nên minh định vấn đề Bắc tông và Nam tông. Theo quan điểm của đa phần các nhà Phật học trên thế giới ngày nay, khái niệm Đại thừa và Tiểu thừa có tính phân biệt và hẹp hòi, cần được thay thế bằng khái niệm Bắc tông hay Bắc truyền (Mahayana) và Nam tông hay Nam truyền (Theravada). Xuất phát từ Ấn Độ, Phật giáo được truyền xuống hướng Nam, hình thành dòng Phật giáo Nam tông, bao gồm Phật giáo các nước Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Cũng từ Ấn Độ, Phật giáo được truyền lên phía Bắc, hình thành dòng Phật giáo Bắc tông, bao gồm Phật giáo các nước Trung Quốc,Triều Tiên, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản và Việt Nam.
Riêng tại Việt Nam, từ thập niên 30 của thế kỷ XX trở về trước, chỉ thuần nhất Phật giáo Bắc tông. Đến năm 1939, Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam hình thành. Những người Việt Nam đầu tiên phát động phong trào nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy là cụ Nguyễn Văn Hiểu, Văn Công Hương và bác sĩ Lê Văn Giảng. Tiếp đến, Những vị cao tăng tu theo Phật giáo Nguyên thủy lần lượt xuất hiện. Đó là quý Hòa thượng Thiện Luật, Hòa thượng Huệ Nghiêm, Hòa thượng Bửu Chơn và Hòa thượng Hộ Tông. Chư tôn Hòa thượng kể trên cùng với sự trợ duyên của các sư tu theo Phật giáo Nguyên thủy, người Việt gốc Khmer như Sư Miên, Sư Sinh và Sư Thạnh là những vị cao tăng đầu tiên đã đặt nền móng xây dựng nên Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam (Thích Thiện Minh, Những nhà sư Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên…, Giác Ngộ 132)
Hệ phái Khất sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng, chính thức thành lập Giáo hội vào năm 1946. Xuất phát từ chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, Mỹ Tho, Đoàn Du tăng Khất sĩ trải qua bao thăng trầm, đến nay trở thành một hệ phái Phật giáo lớn mạnh, có Tăng số đông đảo và là một thành viên của GHPGVN. Tuy nhiên, ngoài hệ phái Khất sĩ của Tổ Minh Đăng Quang, còn có các phái Khất sĩ khác như Khất sĩ của Đại sư Huệ Nhật, Khất sĩ của Mẫu Trầu và Khất sĩ có nguồn gốc từ Tổ Minh Đăng Quang nhưng không thuộc Trung ương hệ phái Khất sĩ (Thích Giác Trí, Sự hình thành và phát triển hệ phái Khất sĩ, Luận văn tốt nghiệp HVPGVN, Khóa IV).
Về pháp phục, cả hai hệ phái Nguyên thủy và Khất sĩ đều dùng pháp y truyền thống có từ thời Phật. Cả hai hệ phái đều xem trọng pháp tu khất thực để tự nuôi sống và hành đạo. Do vậy, có phần khó khăn cho người Phật tử khi nhìn vào y phục để phân biệt hệ phái của một vị sư. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt cơ bản về màu sắc trong pháp y của hai hệ phái. Đa phần chư Tăng của hệ phái Nguyên thủy sử dụng pháp y với gam màu đất nung (hỏa hoàng) hay màu đỏ sậm, còn chư Tăng hệ phái Khất sĩ thường mang pháp y màu vàng như màu của pháp phục trong phần lớn chư Tăng hệ phái Bắc tông.
Một điểm quan trọng khác để phân biệt là hệ phái Nguyên Thủy không có chư Ni. Tuy có người nữ xuất gia, cạo tóc và đắp y nhưng là bạch y (y màu trắng của người cư sỹ). Hệ phái Khất sĩ thì có Ni giới, chư Ni Khất sĩ đắp y vàng và thường phục cũng màu vàng.
Đối với giáo lý cơ bản thì tất cả các hệ phái Phật giáo đều lấy việc tu tập Giới – Định – Tuệ làm nền tảng. Kinh điển y cứ của hệ phái Nguyên thủy là hệ thống kinh luận Nam truyền (Nikaya), thuộc ngữ hệ Pàli. Đối với hệ phái Khất sĩ thì đặc biệt hơn, với chủ trương dung hội hai nền giáo lý Bắc truyền và Nam truyền, nên ngoài việc y cứ bộ Chơn lý do Tổ Minh Đăng Quang trước tác, còn sử dụng cả hai tạng kinh Bắc truyền và Nam truyền làm cơ sở nghiên cứu giáo lý và ứng dụng tu học.
Đối với pháp môn tu tập, cả hai hệ phái Nguyên thủy và Khất sĩ đều lấy thiền định làm căn bản. Tuy nhiên, trong tụng kinh, hệ phái Nguyên thủy có truyền thống tụng đọc kinh Phật bằng tiếng Pàli, giống như hệ phái Bắc tông thường tụng kinh bằng âm Hán – Việt. Hệ phái Khất sĩ thì tụng kinh bằng tiếng Việt, những kinh này đa phần được diễn thơ, có vần điệu nhằm dễ đọc tụng.
Mặt khác, để dễ dàng phân biệt hai hệ phái này là vấn đề thọ thực. Cùng chủ trương khất thực nhưng chư Tăng hệ phái Khất sĩ ăn chay, chỉ dùng thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong khi đó, chư Tăng của hệ phái Nguyên thủy không có chủ trương ăn chay, chỉ ăn ngọ, sau buổi trưa thì không dùng bất cứ thực phẩm nào.
Trên đây là một vài khác biệt căn bản nhằm giúp phân biệt và nhận diện dễ dàng giữa hai hệ phái Nguyên thủy và Khất sĩ. Tuy có khác biệt về hình thức nhưng nội dung tu tập vẫn thuần nhất là hướng đến giải thoát. Đối với người Phật tử, tu học theo hệ phái nào là vấn đề nhân duyên. Ai có duyên với hệ phái nào thì quy y và tu học theo hệ phái ấy. Không hề có sự phân biệt cao thấp hay lớn nhỏ trong vấn đề tu học giữa các hệ phái Phật giáo. Điều quan trọng là sự nỗ lực tu tập của người Phật tử theo lời Phật dạy, để được hạnh phúc và an lạc. Bởi vì tất cả các hệ phái đều có vai trò và vị trí bình đẳng trong GHPGVN.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 130-133.