HỎI:
Tôi có một đưa em trai, cách đây bốn năm, em tôi bị tai nạn sắp lìa đời. Trong giờ phút ngặt nghèo của cơn thập tử nhất sinh ấy, em tôi được một người thân chỉ cách niệm danh hiệu “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Mầu nhiệm và may mắn thay, em đã qua cơn nguy hiểm và khi ấy, em phấn chấn phát nguyện: “Xin hãy cho con được sống thêm vài năm nữa để làm được một cái gì giúp ích cho gia đình và xã hội rồi con có chết đi cũng mãn nguyện”. Bốn năm đã trôi qua, hiện giờ em tôi đã là sinh viên y khoa và đôi lúc, những lời nguyện kia thỉnh thoảng lại xuất hiện trong tâm trí của em. Là một người chị, tôi rất lo lắng, vì sợ rằng không biết đến lúc nào đây thì em tôi phải thực hiện lời nguyện của mình? Và lời nguyện kia có tác hại gì không?
ĐÁP:
Đời sống sẽ ngọt ngào và hạnh phúc biết bao khi biết rằng trên cuộc đời này vẫn có những tấm lòng của những người chị, người anh luôn biết thương yêu, lo lắng cho em của mình không hề mệt mỏi. Thoảng đâu đó trong nhịp sống tất bật này, vẫn có những ánh mắt lặng thầm, dõi theo bước chân của em mình mà chưa từng nghĩ đến và thậm chí hy sinh cả hạnh phúc của bản thân. Với những trăn trở mà chị đã sẻ chia, chúng tôi tin chắc rằng, chị đã đứng trong hàng ngũ những người mà chúng tôi vừa nói.
Nguyện ước là điều thường có trong đời sống của mỗi người. Có những nguyện ước mộc mạc đơn sơ nhưng cũng có những nguyện ước thanh cao thánh thiện. Ở đây, cần phải thấy, lời phát nguyện trong một chừng mực nào đó có dáng dấp như lời thề trong tập quán dân gian. Một đôi bạn chân tình khi đã hiểu được nhau thường nguyện rằng sẽ sống cùng nhau dầu phải đi đến tận cùng trời cuối đất. Trong phim ảnh cũng như thảng hoặc trong đời thường, ta thấy nhiều người khi kết bạn tâm giao thường phát khởi những lời thề nguyện như “tuy không sinh cùng tháng cùng năm, nhưng sẽ chết cùng một ngày”. Lời thề tại hội “Bàn đào” của ba anh em Trương Phi, Lưu Bị, Quan Vân Trường thuở nào đó vẫn còn đó. Thế nhưng, khi Quan Vân Trường tử nạn, không vì thế mà Lưu Bị quyên sinh, nhưng ai nào dám trách là Lưu Bị vi phạm lời thề? Vì lẽ, lời thề thực chất chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của một ý chí mạnh mẽ, một quyết tâm sâu sắc cần phải thực hiện một việc gì đó. Là sự xác quyết thực hiện điều gì thông qua lời nói của một con người. Đôi khi, có những người chưa bao giờ thề thốt một lần trong đời, nhưng thử hỏi trong sâu thẳm của tâm hồn, có ai biết được rằng họ đã từng thầm nguyện một điều gì đó hay không? Nói như vậy để thấy rằng lời nguyện hay lời thề vẫn có tính tương đối của nó. Vì chúng chỉ là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến sự nỗ lực thực hành để đạt được mục tiêu nào đó trong đời sống của mỗi chúng ta.
Xét về phân loại thì có những lời thề hay lời nguyện làm đẹp cho bản thân, dâng hiến hương hoa cho cuộc đời nhưng cũng có những lời nguyện đi ngược lại hạnh phúc của số đông. Lời nguyện của em bạn chính là lời nguyện nhằm đem lại sự an lạc, niềm hạnh phúc của tha nhân và đó chính là một lời nguyện đáng trân trọng. Và ở đây, trên phương diện tích cực, em của chị đã khởi phát một lời nguyện chân thành là “được sống thêm vài năm nữa để làm được một cái gì giúp ích cho gia đình và xã hội”. Theo chúng tôi, đây là một lời nguyện đáng trân trọng bội phần và sẽ không ai trách phạt nếu như vì lý do nào đó mà chủ thể phát nguyện chưa thể thực hiện được lời nguyện của mình. Nói rõ hơn, Phật giáo khác hoàn toàn với những tín ngưỡng khác vì không bao giờ trách phạt ai cả nếu giả như có ai đó không thực hiện lời nguyện mà mình đã xác quyết trước đây. Trong hoàn cảnh của em chị, lời nguyện đó không có tác hại nào cả nếu không nói là rất thích hợp đến mức tự nhiên trong bối cảnh như chị đã trình bày.
Trong thực tế cuộc sống, có vô số điều “ngẫu nhiên” xảy đến, nhưng không thể tìm ra đâu là nguyên nhân đích thực của mọi vấn đề nên thói thường con người dựa vào những ức đoán để cho đó là do không thực hiện lời thề này, điều nguyện nọ… nên mới phải như thế. Theo chúng tôi, đó là những quy kết chưa đủ cơ sở. Cần phải thấy rằng, sự sống cũng như cái chết của một con người là nơi hội tụ và tan rã của vô số nhân duyên. Không hề có chuyện chỉ do một nhân duyên, một yếu tố mà có thể xoay chuyển toàn bộ hoàn cảnh, điều kiện sống của một con người.
Phát xuất từ tình hình thực tế, em của chị đang học ngành y khoa, một ngành khoa học đang mở ra nhiều dự hướng nhằm góp phần xoa dịu những nỗi đau khổ thiết thực cho bao người. Chỉ cần căn cứ vào từng ấy thôi, chúng tôi thiết nghĩ em của chị đã và đang thực hiện lời nguyện đó. Chúc chị vững tin và hoàn thành tâm nguyện của một người chị cao cả trong suy nghĩ của đứa em mà chị luôn dành trọn tình yêu thương, chăm sóc.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 127-129.