HỎI:
Thiền tông bắt nguồn từ đâu, xuất hiện từ khi nào? Có phải do Đức Phật truyền lại hay là của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma? Thiền tông có khác biệt gì với các dòng Thiền khác trong Phật giáo?
ĐÁP:
Thiền thường gọi là Thiền na, Trung Hoa dịch là Tư duy tu (cựu dịch) hay Tịnh lự (tân dịch), nghĩa thuần phác nhất là tập trung tâm vào một chỗ, không để vọng niệm bên trong và vọng cảnh bên ngoài chi phối. Cùng để gọi Thiền, tiếng Sanskrit: Dhyana; Pàli: Jhana; Japanese: Zen; English: Meditation; với tính cách là một danh từ được nhiều tôn giáo sử dụng nhằm để chỉ cho những phương pháp tu tập khác nhau tương ứng với những mục đích khác nhau. Thiền, vốn khởi nguyên từ Ấn Độ, lưu xuất từ những trầm tư sâu lắng vào trong cảnh giới tự nội của tâm thức của các nhà minh triết phương Đông, trước hết là các nhà tư tưởng, tôn giáo ở Ấn Độ trong thời kỳ cổ đại. Kể từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với tôn chỉ nhất quán là tìm về sự Giác ngộ chân lý tối thượng.
Theo D.T. Suzuki, “nếu Phật giáo là một tòa nhà xây dựng trên căn bản của Giác ngộ do Phật tự chứng, và đã hoàn tất con người của Phật thì dĩ nhiên Thiền là cột trụ trung ương chống đỡ toàn thể cơ cấu; Thiền là trực hệ của truyền thống Phật giáo, thừa tiếp giác tâm của Phật” (D.T Suzuki, Thiền luận, quyển thượng, Tuệ Sĩ dịch, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr.67).
Khi được truyền sang Trung Hoa, Thiền đã trở thành một trong những tông phái (Thiền tông) mang tính độc lập tương đối mạnh mẽ và đã để lại nhiều ảnh hưởng tích cực trên nhiều phương diện của đời sống tư tưởng, văn hóa của nhân dân Trung Hoa nói riêng và Phật giáo nói chung. Thiền tông còn gọi là Phật tâm tông, Đạt Ma tông, Vô môn tông, chỉ cho một tông phái thiền Đại thừa tôn ngài Đạt Ma là Sơ Tổ, chuyên nghiên cứu bản nguyên của tâm tính để “kiến tánh thành Phật”. Như vậy, khai tổ của Thiền tông tại Trung Hoa là Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), ngài là người Nam Thiên Trúc, đến Trung Quốc vào đời Lương (520), thị tịch vào năm Thiên Bình thứ 2, đời Hiếu Minh đế, Đông Ngụy (535), sau khi truyền “tâm ấn” cho Nhị Tổ Huệ Khả.
Theo lịch sử Thiền tông, Bồ Đề Đạt Ma là Tổ sư thứ 28 ở Tây Trúc và là Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa. Sau Bồ Đề Đạt Ma, “tâm ấn” được thế thứ truyền thừa cho Huệ Khả (Nhị Tổ), Tăng Xán (Tam Tổ), Đạo Tín (Tứ Tổ) và Hoằng Nhẫn (Ngũ Tổ). Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp cho Thần Tú, xiển dương Thiền tông ở phương Bắc nên hình thành “Bắc thiền” hay “Bắc tiệm”. Đồng thời, Ngũ Tổ truyền “Tâm ấn” cho Huệ Năng (Lục Tổ) truyền bá Thiền tông ở phương Nam nên gọi “Nam Thiền” hay “Nam đốn”.
Sau Lục Tổ, Thiền “Nam đốn” rất thịnh hành, phát triển rực rỡ và chia thành năm tông phái. Đó là: Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Tông Lâm Tế về sau phát triển thêm hai chi phái là Hoàng Long và Dương Kỳ, hình thành hệ thống truyền thừa “Ngũ gia thất tông”.
Tuy nhiên, ngoài Thiền tông của Bồ Đề Đạt Ma, Phật giáo còn có nhiều dòng Thiền khác như Thiền Nguyên thủy, Thiền Đại thừa Phát triển… Cho dù có sự khác nhau về tông phái và pháp môn nhưng cốt tủy của các dòng Thiền vẫn dựa vào nền tảng và kinh nghiệm Giác ngộ của Phật Thích Ca Mâu Ni. “Tâm ấn” của Thiền tông do Bồ Đề Đạt Ma khởi xướng, với phương pháp “trực chỉ” và “dĩ tâm ấn tâm” vẫn không nằm ngoài nguồn mạch tuệ giác của Đức Phật. Do đó, Thiền Nguyên thủy, Thiền Đại thừa Phát triển hay Thiền tông đều là pháp tu do Đức Phật truyền lại.
Trong pháp hành, Thiền tông có sắc thái riêng thậm chí rất kỳ đặc. Bồ Đề Đạt Ma đưa ra tuyên bố: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Ở đây, “giáo ngoại biệt truyền” tức truyền ngoài kinh điển không chủ ý là phủ nhận lời Phật. Đây thực sự là một cuộc cách mạng vĩ đại trong bối cảnh Phật giáo đương thời khiến người tu tỉnh thức, xoay trở lại nội tâm, tránh sự sa đà thái quá vào văn tự, chữ nghĩa. Đồng thời, pháp môn “trực chỉ” là một con đường tắt, thẳng vào tâm người với mục đích “kiến tánh” để thành Phật. Do vậy, dù Sơ Tổ tuyên bố sấm sét “bất lập văn tự”, không dựa vào kinh giáo nhưng vẫn không xa rời kinh điển mà bằng chứng rõ nhất là việc truyền lại bộ kinh Lăng Già cho Nhị Tổ Huệ Khả.
Chư Tổ sư của Thiền tông về sau lại dùng những phương tiện khá mạnh bạo hơn như Hét và Đánh. Với gậy Thiền của Lâm Tế, chém mèo của Nam Tuyền, chẻ tượng Phật của Đơn Hà… cùng vô số những việc làm “kỳ dị” khác khiến người bình thường không hiểu Thiền cho đó là không phải hành động của một Tăng sĩ Phật giáo mà là hành vi của ngoại đạo. Xuất phát từ sự ngộ nhận này, nhiều học giả, hành giả khi nghiên cứu và tu tập Thiền đã “đặt vấn đề” với Thiền tông, cho rằng Thiền tông đã đi quá xa so với truyền thống tu tập Thiền định của Phật giáo. Tuy nhiên, tất cả những việc làm của chư vị Tổ sư không ngoài mục đích “gỡ đinh, tháo chốt”, tức là vận dụng những phương tiện kỳ đặc khiến cho người đương cơ nhận ra được “chủ nhân” của chính mình, nhận chân được bản tâm để trực nhập vào bản thể, Phật tánh. Chính pháp môn “chỉ thẳng” và “đốn ngộ” này đã làm cho Thiền tông nói riêng và Phật giáo Trung Quốc hưng thịnh, rực rỡ trong một thời gian dài.
Ngày nay, Thiền tông có một vị trí quan trọng và tầm ảnh hưởng rộng lớn ở nhiều nước trên thế giới. Sự khẳng định đó lại một lần nữa xác nhận rằng công lao thừa tiếp, khơi ngòi và kết hợp độc đáo giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Quốc để hình thành Thiền tông khởi nguyên từ công lao to lớn của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 123-126.