HỎI:
Tôi là một Ni sinh đã tốt nghiệp trung cấp Phật học (TCPH). Tôi muốn học thêm nữa để có đủ tri thức và kinh nghiệm hoằng pháp tại địa phương nhưng thầy bổn sư không đồng ý, do vậy tôi rất buồn. Bởi tôi biết rằng với một trình độ giới hạn như tôi hiện nay thì chưa đủ sức để thực hiện công tác hoằng pháp – một nhu cầu bức thiết của Phật tử địa phương. Để vâng lời thầy, tôi đã tận lực cố gắng bằng cách tự học, tự tham khảo, nghiên cứu kinh sách để nâng cao kiến thức và quên đi ước nguyện được đi học. Nhưng tôi bất lực vì không thể tự học và luôn ưu phiền, mặc cảm với khả năng yếu kém và tri thức ít ỏi của mình. Do vậy, nhiều lúc tôi có ý định bỏ thầy để đi học hoặc đi tìm một vị minh sư khác để được tu học lên các cấp cao hơn, sau này có đủ phương tiện để làm các Phật sự. Hiện nay tôi rất băn khoăn vì không biết phải làm như thế nào? Nếu ở lại thị sợ uổng phí một đời không giúp gì cho Phật pháp, còn nếu bỏ đi thì con không nỡ phụ bạc và có lỗi với Thày. Tôi không được học lên có phải do Thầy hay do nghiệp tôi về học vấn còn nặng? Xin cho tôi vài lời khuyên.
ĐÁP:
Đọc những dòng tâm sự của cô, chúng tôi rất xúc động trước những trăn trở, ưu tư và nhiệt huyết của một vị Ni trẻ về nỗ lực vươn lên, mong ước kiện toàn tri thức để góp phần hoằng dương chánh pháp. Chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của cô hiện tại và có vài lời xin chia sẻ nỗi niềm mà cô đang gặp phải.
Trước hết, cô là một người có khá nhiều duyên lành. Không phải người xuất gia trẻ nào cũng có đủ thiện duyên được tu học và có một trình độ Phật pháp căn bản như cô. Trong bối cảnh tu học như hiện nay, tốt nghiệp TCPH chưa phải là đủ, song người đạt được trình độ ấy thì tự thân đã có đủ tri thức căn bản làm nền tảng cho sự nghiệp tu học và hoằng pháp đúng Chánh pháp. Do đó, cô không nên mặc cảm với kiến thức ít ỏi và năng lực thấp kém của mình. Với kiến thức và kinh nghiệm tu học mà cô đã tiếp nhận được ở trường TCPH, cộng thêm việc tham khảo kinh sách và các tài liệu chuẩn về diễn giảng, chúng tôi tin tưởng rằng cô có đầy đủ khả năng của một sứ giả Như Lai, truyền đạt lời Phật dạy, những phương pháp tu học cho mọi người. Vì vậy, khi chưa hội đủ duyên lành để học lên cao, cô vẫn thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình về sự nghiệp hoằng pháp.
Việc bổn sư không cho cô học lên các cấp đào tạo cao hơn ắt phải có nguyên nhân của nó. Theo chúng tôi, không có vị thầy nào mà không muốn học trò mình thành đạt. Vì rằng “con hơn cha là nhà có phúc”, trò hơn thầy mới làm rạng rỡ tông môn. Tuy nhiên, trong vấn đề tu học, để khai mở bản tâm, dự phần vào giải thoát thì tri thức chỉ là một nhân tố phụ. Tri thức không có khả năng quét sạch phiền não, tri thức chỉ là bản đồ chỉ dẫn con đường đi đến kho báu và chính trí tuệ mới là chìa khóa đích thực để mở cửa kho tàng vô giá kia. Do đó, người xuất gia phải thành tựu trí tuệ, muốn đạt được trí tuệ thì không còn cách nào khác là nỗ lực tu tập. Chúng tôi không phủ nhận việc nâng cao tri thức nhưng chắc chắn rằng tri thức không phải là công cụ tốt để khai mở tâm linh. Do đó, nếu bổn sư của cô không cho phép đệ tử của mình học nhiều để tăng trưởng tri thức mà chú trọng đến việc phát huy trí tuệ để thành tựu giải thoát thông qua phương tiện tu tập tại chùa thì bổn sư của cô đã hướng dẫn đệ tử tu học đúng Chánh pháp. Trong trường hợp vì tình cảm thầy trò lưu luyến hoặc muốn cô ở lại để phụ giúp, gánh vác công việc chùa chiền mà ảnh hưởng đến học hành của cô thì thật đáng tiếc nhưng không phải vì thế mà “uổng phí một đời” như cô đã nói. Mặt khác, xét ở góc độ phụng sự tha nhân, căn cứ vào kinh điển thì có rất nhiều pháp hành để cho ta lựa chọn. Đảm nhận một công việc trụ trì một ngôi tự viện cụ thể nào đó, thuyết pháp giáo hóa thính chúng theo công hạnh của một bậc giảng sư hay tổ chức, tham gia vào các chương trình an sinh xã hội…, tất cả những vị trí này đều có những giá trị riêng của nó. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của chúng tôi, những người xuất gia nào thực hiện đồng thời các việc học hành, tu tập và phụng sự là những người về sau sẽ rất thành công.
Vấn đề cô đang băn khoăn nhất hiện nay là có nên bỏ thầy để đi học hoặc tìm một minh sư khác, theo chúng tôi là hoàn toàn không nên. Đành rằng, Phật có cho phép người xuất gia làm chuyện ấy nếu gặp phải một vị thầy không xứng đáng (Như sư thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo – Luật Sa di, Hạ thiên: Oai nghi môn, Sự Sư đệ nhị). Người xưa thường giã từ vị thầy của mình, tìm đến nương tựa một vị thầy khác để tìm cơ hội chứng đạo. Còn ngày nay, không ít người từ bỏ vị thầy của mình để tìm cầu tri thức hư vọng là một sự đánh đổi quá đắt và hậu quả của nó sẽ rất khôn lường. Trên bước đường nâng cao tri thức, xu thế học tập chạy theo bằng cấp cuống cuồng như hiện nay chưa phải là một tín hiệu vui cho người xuất gia. Cũng không ít trường hợp vì mải mê học tập mà xao lãng tu hành nên “nửa đường đứt gánh”. Đó là chưa kể đến việc học hành sẽ vô cùng khó khăn khi không được hỗ trợ về tinh thần và vật chất từ phía bổn sư. Do vậy, cô phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện quyết định tối quan trọng này.
Việc cô không được bổn sư cho đi học không phải là do nghiệp của cô về học vấn quá nặng và cũng không phải do vị thầy không biết nhìn xa trông rộng về tương lại của đệ tử. Vấn đề ở chỗ cô đã ứng dụng những điều đã học vào thực tế tu tập để chuyển hóa phiền não như thế nào. Sự nghiệp đích thực của người xuất gia là phát huy trí tuệ để đoạn tận phiền não nhằm đạt được sự giải thoát cho tự thân và tha nhân. Trong đó, tri thức chỉ đóng vai trò thứ yếu, dù đó là những tri thức lớn. Hãy trau dồi và phát triển trí tuệ thì ánh sáng của trí tuệ sẽ xua tan bóng tối của phiền não và vô minh, thành tựu an lạc và giải thoát.
Nguồn: Huyền Ngu - Quảng Tánh, Phật pháp bách vấn, Nxb. Tôn giáo, 2006, tr. 113-116.