Chính niệm là phương pháp thực tập nhằm mời gọi chính niệm có mặt ngay trong giây phút hiện tại, từ đó, chúng ta có thể chủ động lựa chọn cách mà chúng ta phản ứng với những gì đang xảy đến thay vì hành động theo thói quen đã có từ trước. Ví dụ, chúng ta thường được khuyên không nên đưa tay lên chạm mặt để tránh sự xâm nhập của virus. Nhưng để làm được thì không phải dễ, vì đó là một thói quen tự động đã được hình thành từ rất lâu.
Thực hành chính niệm là một giải pháp tuyệt vời cho những điều trên: hãy ý thức về các thói quen phản ứng tự động của bạn, ngưng chúng lại và thay vào đó là những cách phản ứng mới với sự tỉnh giác. Chính niệm đóng vai trò như một chiếc đèn pin, chúng ta dùng nó để soi rọi vào những thói quen hành xử thông thường, quán xét lại nhằm phản ứng và giải quyết vấn đề theo một cách khác. Nếu không có chính niệm thì chúng ta không thể thay đổi những gì mà chúng ta đang thực hiện. Vì vậy, chính niệm luôn là bước đầu tiên.
Ví dụ, tất cả chúng ta đều đã được dạy là không được ngoáy mũi nơi công cộng. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể làm thế ở những nơi riêng tư, kín đáo. Nhưng để tránh sự thôi thúc trong vô thức đối với những hành động như vậy, chúng ta phải giữ chính niệm một cách thường xuyên.
Tại sao chính niệm có thể giúp chúng ta ngăn ngừa sự xâm nhập của virus? Chúng ta có thể xem xét về bốn phương diện sau:
1. Dừng các hành động được thực hiện theo vô thức hay thói quen
Những hoạt động nào không nên làm để tránh sự xâm nhập và lây lan của virus? Không chạm tay vào mặt, đặt biệt là miệng, mũi và mắt. Ho, hắt hơi và khạc nhổ vào khăn giấy thay vì bàn tay và không bắt tay hay ôm những người khác.
Vì cảm thấy ngứa ngáy ở đâu đó trên khuôn mặt nên chúng ta muốn chạm hay gãi ở khu vực đó. Nhưng những người đã thực hành chính niệm một cách thuần thục sẽ áp dụng phương pháp "không gãi ngứa" trong khi thiền định. Nói một cách chính xác hơn, đó là việc nhận biết về sự thôi thúc trong tâm trước khi tay cử động. Hãy cứ để nó ở đó mà không cần phản ứng hay hành động gì để xoa dịu cảm giác đó.
Ví dụ, áp dụng chính niệm vào việc tránh chạm tay vào mặt thông qua các bước sau:
Dành 1 hoặc 2 phút để nhận ra ý muốn thôi thúc bạn chạm vào mặt. Bạn chỉ quan sát các suy nghĩ và mong muốn khởi lên mà không cần phản ứng gì đối với chúng. Điều gì xảy ra với sự thôi thúc đó khi bạn không làm gì cả? Nó sẽ dần dần biến mất. Nếu cảm thấy khó khăn để thực hiện điều này, thì ban đầu bạn hãy tưởng tượng rằng nếu chạm vào khuôn mặt, bạn sẽ để lại dấu chấm đen ở đó. Hơn nữa, hãy neo tâm vào hơi thở để duy trì sự tỉnh giác trong suốt buổi tập.
Cố gắng ghi nhớ bài thực hành này và cảm giác nào xuất hiện khi không làm theo sự thôi thúc từ bên trong.
Thường thì bạn sẽ chỉ nhận ra khi đã chạm vào mặt mình. Nhưng đó là bước đầu của việc thực hành chính niệm, là một dấu hiệu của sự tiến bộ, đồng thời, chứng tỏ bạn đã duy trì chính niệm nhiều hơn bình thường. Cứ tiếp tục như vậy!
Lặp lại bước 1 nhiều lần cho đến khi bạn nhận thức rõ ràng và thuần thục hơn về suy nghĩ và ý muốn khởi lên trong ngày.
2. Cân nhắc và lựa chọn thực hiện những hành động tốt đẹp hơn
Ý thức trong từng hoạt động hằng ngày như rửa tay thường xuyên và trong khoảng thời gian lâu hơn (khoảng 20 giây), thực hành giãn cách xã hội và ở nhà nếu có một trong các triệu chứng của cảm lạnh và cúm. Những hành động như thế đã được chứng minh là giảm nguy cơ xâm nhập và lây lan của các bệnh về virus.
Rửa tay trong chính niệm
Rửa tay một cách chính niệm là một phương pháp thực hành được đưa vào sử dụng trong các bệnh viện và cơ sở y tế từ nhiều năm về trước. Phương pháp này được xem như một khoảng thời gian thư giãn trong chính niệm, giây phút mà một người có mặt hoàn toàn với tất cả các giác quan liên quan đến việc rửa tay. Chẳng hạn như cảm nhận dòng nước ấm áp đang chảy qua tay, cục xà phòng trơn và hương thơm dễ chịu tỏa ra từ bọt xà phòng. Chúng ta nên rửa tay trong khoảng thời gian đủ dài để loại bỏ tất cả bụi bẩn và các loại vi khuẩn và virus bám trên da. Hơn thế nữa, khoảng thời gian đó đóng vai trò như một khoảng thời gian thư giãn ngắn ngủi để thiết lập lại hệ thống thần kinh trong suốt một ngày làm việc căng thẳng.
Giãn cách xã hội
Giữ khoảng cách với đám đông và mọi người nhiều nhất có thể. Đây là cách tuyệt vời nhất để làm chậm sự lây lan của đại dịch, đồng thời, không gây sức ép cho hệ thống y tế nhằm ưu tiên cho những ai thực sự cần sự hỗ trợ. Thực hiện giãn cách xã hội nhưng vẫn kết nối với bạn bè, người thân và cộng đồng thiền tập thông qua những ứng dụng trực tuyến như Zoom, Skype hay Facetime… Ở thời điểm này, chúng ta cần đến sự hỗ trợ lẫn nhau nhiều hơn bao giờ hết. Đừng tự cô lập mình! Hãy thường xuyên liên lạc với các thiền giả khác và cùng nhau thực tập trên điện thoại hay ứng dụng Zoom.
Ở nhà nếu có các triệu chứng của cảm lạnh và cúm
Không đi làm khi có những triệu chứng giống cảm cúm có thể là một lựa chọn khó khăn khi nhu cầu làm việc nơi công sở rất cao và những ngày nghỉ ốm không được tính lương hoặc được trả nhưng rất ít. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành thì hy vọng sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta ở nhà nghỉ ngơi để mau chóng hồi phục và không lây nhiễm cho người khác; nếu được như thế thì sẽ tốt và an toàn cho cả người bệnh và các đồng nghiệp.
3. Thường xuyên thực hành thiền chính niệm sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy thường xuyên thực hành thiền chính niệm giúp cơ thể giảm thiểu mức độ căng thẳng một cách đáng kể, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường hệ thống miễn dịch. Covid-19 có nguy cơ biến chứng cao đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc bị tổn thương. Vì vậy, mặc dù có thể là quá lời khi nói rằng thiền giúp chúng ta không bị nhiễm bệnh hoặc giảm nguy cơ biến chứng khi bị bệnh, nhưng những người thực hành thiền lâu năm cho biết họ ít bị cảm lạnh và nhiễm cúm hơn hoặc tần suất tái phát của các bệnh mãn tính đã giảm hơn bình thường khá nhiều.
4. Chính niệm trong việc tiếp nhận các thông tin truyền thông: luôn cập nhật thông tin nhưng đừng hoảng sợ
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc thực hành thiền chính niệm có thể giảm lo âu và hoảng sợ. Khi tiếp nhận các thông tin về đại dịch trong nước và trên toàn thế giới trên phương tiện truyền thông, có thể bạn sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng lo lắng, thậm chí hoảng sợ.
Chính niệm giúp chúng ta nhận thức được sự có mặt của lo âu hoặc sợ hãi trong từng suy nghĩ và cảm xúc, nhưng thay vì tránh né hay cố gắng gạt bỏ thì chúng ta quan sát chúng một cách thân thiện. Liên tục quay lại quan sát thân để cảm nhận từng hơi thở hoặc cảm giác bàn chân xúc chạm với mặt đất hay sàn nhà giúp chúng ta định hướng lại thời điểm hiện tại thay vì rong ruổi về một viễn cảnh nào đó trong tương lai. Hãy nhớ khẩu hiệu: Giữ bình tĩnh và tiếp tục.
Áp dụng phương pháp chính niệm trong bối cảnh khó lường của đại dịch, chúng ta có thể giúp đỡ bản thân và xã hội vượt qua thách thức cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời, thực hiện tốt trách nhiệm và phần việc của mình để giảm thiểu sự lây lan và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hãy bình tĩnh để cùng nhau vượt qua thảm họa này.
Bản Huấn tự Thanh Linh