Được sự thỉnh mời của TT.Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, sự cho phép của Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo TP.Hà Nội và các cấp chính quyền liên quan từ Trung ương đến phường quận; đoàn Phật giáo Myanmar do Thiền sư Ottamathara làm trưởng đoàn đã có mặt tại tại Thủ đô và bắt đầu chương trình khóa thiền sau gần 6 tháng chuẩn bị.
Thiền sư Sayadaw Ottamathara hiện là một trong những vị nổi tiếng tại Myanmar và trên thế giới, chuyên dạy Thiền Vipassanā theo truyền thống Nguyên thủy Phật giáo. Ngài không chỉ thông giỏi tiếng Anh mà còn có kiến thức liên ngành trên nhiều lĩnh vực, được mệnh danh là “Thiền sư Sóng thần” bởi sự hoằng pháp “siêu xuất”, “hiếm có”; sự dấn thân hành đạo “vượt trội” với thái độ tĩnh tại, hài hòa, Tâm Từ rộng lớn.
Về dự buổi lễ Khai pháp có sự hiện diện của TT. TS Thích Thanh Huân, Uỷ viên Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh VP TƯ GHPGVN, Phó Ban Phật giáo Quốc tế, Trụ trì chùa Pháp Vân; TT. Thích Minh Tuân, Ủy viên TT GHPGVN tỉnh Lai Châu, Chánh Văn Phòng, Ủy viên Ban KTTC TƯ, Trưởng Ban KTTC Phật giáo tỉnh, Trụ trì thiền viện Di Đà (Thường Tín, Hà Nội); TT. Thích Minh Thuận, Ủy viên HĐTS, Phó BHP TƯ, Trưởng Phân BHP Đồng bào dân tộc thiểu số, Phó trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ, trụ trì chùa Bảo Ngạn (Sông Lô, Việt Trì, Phú Thọ); NT. Thích Đàm Lan, Ủy viên TT HĐTS, Phó Trưởng ban TT PBNG TƯ, đặc trách các tỉnh phía Bắc; ông Ngô Văn Quán, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các Hội Unesco, Giám đốc Trung tâm Unesco Nghiên cứu và ứng dụng Phật học Việt Nam; cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni các chùa Nguyên thủy và Đại thừa về quang lâm lễ đài, gần 50 chư Tăng và Tu nữ Myanmar, khoảng 500 Phật tử từ các nơi vân tập dưới sự hướng dẫn của chư Tôn đức Tăng Ni Việt Nam.
Mở đầu buổi khai pháp là lễ niêm hương bạch Phật tại chánh điện chính chùa Pháp Vân. Với lòng bi mẫn chúng sanh, Tăng đoàn Thabarwa Myanmar và Tăng thân chùa Pháp Vân, đại diện Phật tử, quan khách đã hoan hỷ cùng thả chim bồ câu vì hòa bình.
Trong không khí linh thiêng và xúc động, trên tinh thần hòa hợp Tăng đoàn và Tứ chúng, dưới sự tiếp thu lời Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Phát biểu khai mạc TT. Thích Thanh Huân đã khẳng định: Vipassanā là sự hành thiền cổ xưa nhất của Phật giáo Ấn Độ do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng trên 2600 năm. Pháp Thiền này nhấn mạnhchánh niệm (mindfulness), tỉnh giác, để nhận rõ vạn pháp hữu vi là dukkha (đau khổ), anatta (vô ngã) và anicca (vô thường). Tam pháp ấn này của Nguyên thủy giống như Tính Không/Phật tính của Đại thừa. Thiền Vipassanā gắn chặt với Thiền Tứ Niệm Xứ; trong tiếng Việt, còn được gọi là Thiền Tuệ hoặc Thiền Minh Sát.
Ban đạo từ, TT. Thích Minh Thuận nhấn mạnh: Vipassanā như là pháp thiền không phương pháp, không tông phái; là con đường tự thay đổi bằng cách tự quan sát; nhằm giúp hành giả thanh lọc tâm, là một kỹ thuật tinh tế, triệt để huấn luyện tâm thức; nhấn mạnh sự nhận thức trực tiếp; là phương pháp Thiền Quán gắn với con đường Bát Chánh Đạo.
TT. Thích Minh Tuân khi khuyến tu hội chúng cũng nhận xét: Thiền Vipassanā ở Việt Nam gần giống Thiền tông, Thiền học Trúc Lâm thời Trần ở sự vô chấp, vô ngã, trực chỉ, thấy tánh; hiện đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi phương diện đời sống của nhân loại. Người Việt yêu mến trí tuệ từ bi của đạo Phật ở nhiều truyền thống tu tập khác nhau, thực hành đúng sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết, giải quyết các nhiệm vụ của thời cuộc, đưa đất nước đi lên, bảo vệ vững chắc độc lập và tự chủ của dân tộc; tác động tích cực đến kinh tế-chính trị-văn hóa-xã hội-văn học-nghệ thuật-giáo dục-ngoại giao…
Trong lời phát biểu, Thiền sư Ottamathara nhận thấy hiện nay Thiền Vipassanā đang được rất nhiều người trên thế giới yêu thích và tu tập hằng ngày vì nhiều lợi ích của cả thân và tâm; để thích nghi hoàn hảo trước những nghịch cảnh trong cuộc sống, đem lại sự tịnh tâm và cơ thể khỏe mạnh; giúp người thực hành đạt được hạnh phúc, sống chia sẻ với những người xung quanh. Toàn thể con đường tu tập Vipassanā với tính khoa học được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng theo tôn giáo hoặc không theo; mọi người ai cũng hưởng được những lợi ích như nhau từ việc thực hành; sự tiến bộ tùy vào các phẩm chất tốt của mỗi người với năm yếu tố: nỗ lực nhiệt thành, sự tự tin, sự chân thành, sức khỏe, và trí tuệ.
Ngài sách tấn Tăng Ni, thiền sinh trong và ngoài nước vun bồi năng lực “làm Thiện pháp không giới hạn” để thực sự giải quyết tốt đẹp cho bản thân và xã hội trên mọi vấn đề; thể hiện tinh thần Phật pháp ứng dụng thiết thực. Việc thực hành các parami (ba-la-mật) là công đức mà bất kể người con Phật chân chánh ở truyền thống nào cũng trải nghiệm chung trong lời Phật dạy. Ngài bày tỏ sâu sắc sự tri ân đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo chính quyền Việt Nam, chùa Pháp Vân, quý chư Tôn đức và toàn thể Phật tử đã yêu mến Ngài, tạo thuận duyên để Tăng đoàn Thabarwa được về giao lưu, chia sẻ pháp hành thiền Vipassanā trong ba tháng, kết thúc vào 1/11/2023; đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến sự mong mỏi hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ cho Myanmar, Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới.
Chiều cùng ngày, BTC khóa tu cùng Tăng đoàn Thabarwa – Myanmar có đến bái an và đảnh lễ HT. Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng BHP TƯ, Trưởng BTS GHPGVN, Trưởng Ban Tăng sự Hà Nội, Trụ trì chùa Bằng.
Hòa thượng tiếp đón đoàn thân mật, cởi mở trong tình Pháp lữ; chia sẻ niềm cảm mến đất nước Myanmar đậm văn hóa Phật giáo, kiến trúc chùa đặc sắc. Hòa thượng cũng tán thán tinh thần lục hòa của Tăng Ni, giới thiệu Tăng đoàn Myanmar có thể đến thăm nhiều danh lam chùa cổ nổi tiếng ở đất Thăng Long Hà thành ngàn năm văn hiến. Trong buổi tiếp đoàn, Hòa thượng đặc biệt bày tỏ hoan hỷ về những sự gắn bó giữa Phật giáo Việt Nam và Myanmar từ xưa đến nay.
Tất cả các hệ phái Phật giáo, Tăng Ni Phật tử trên thế giới đều tiếp nhận cùng một nguồn Tam Tạng, cùng lời dạy của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo trải qua thời gian và quá trình tiếp biến ở mỗi quốc gia rất phong phú. Hiện ở Việt Nam, hệ phái, tông phái, có nhiều nhưng về cơ bản giáo lý vẫn được hàng xuất gia và tại gia tiếp nhận để sống an vui mình lợi người. Tinh thần hành thiền của chư Tăng Ni cư sĩ trong Khóa thiền Vipassanā dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Ottamathara, tại chùa Pháp Vân, cũng như của Ban tổ chức, ban hộ đạo, một lần nữa thể hiện tinh thần vô ngã, từ bi, trí tuệ, lục hòa, tinh thần dấn thân của người con Phật giữa hai quốc gia cũng như trên thế giới.
TN Viên Giác