Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang tham dự thưởng lãm
Tham dự lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Trưởng ban Tổ chức; chư Tăng Ni cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, TP.Huế và Phật tử các giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhận định: “Thơ thiền chính là tinh túy của dòng văn học thiền môn, là hạt châu của nền văn học Trung đại. Nội dung và nghệ thuật của thơ thiền không chỉ là chiếc chìa khóa giúp người đọc khai phóng tâm thức, bừng ngộ về triết lý nhân sinh, mà qua đó còn giúp chúng ta thấy rõ bóng hình của bao thế hệ con người, quê hương, đất nước qua mỗi bước trở mình của lịch sử dân tộc”.
Chụp hình lưu niệm trong không gian triển lãm
Theo đó, Phật giáo sớm hiện diện, phát triển và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam từ hơn 2.000 năm qua. Trong tâm thức dân tộc Việt, mái chùa không chỉ là nơi quy hướng tâm linh mà còn là trường học trao truyền tri thức, là điểm nối kết các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các bậc thiền sư không chỉ là những bậc anh tú vườn thiền mà còn là lực lượng tri thức nòng cốt, tiêu biểu của xã hội, góp phần quan trọng trong sự nghiệp kiến tạo nền độc lập, tự chủ của dân tộc đặc biệt là các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần.
Trong không gian triển lãm tuyển chọn thơ thiền Việt Nam thời Lý - Trần và thời Lê - Nguyễn qua bộ sách độc bản được ấn loát trên giấy dó khổ 8 1x 111 cm cùng 15 trang thơ trong sách lồng khung 60 x 80 cm được thể hiện bằng ba ngôn ngữ (Hán - Việt - Anh) do nhà thơ Nguyễn Duy hợp tác với hai nhà thơ Nguyễn Bá Chung và Kenvin Bowen biên soạn và biên dịch. Ngoài ra, còn có hơn 30 bức ảnh bản và tranh trúc chỉ các bài thơ thiền được trưng bày trong không gian triển lãm.
Bộ sách độc bản thơ thiền trên giấy dó
Bên cạnh những bài thi kệ tiêu biểu của các bậc thiền sư, không gian triển lãm còn trưng bày một số bài thơ mang đậm chất thiền và cảm quan Phật giáo của các bậc quân vương, đại thần và thi nhân Việt Nam qua các thời đại như: vua Thiệu Trị, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm…
Nằm trong chuỗi "Tuần lễ thơ thiền Việt Nam" còn có các chương trình: tọa đàm, nghệ thuật diễn xướng thơ thiền với chủ đề: “Thiền thi mấy đóa”, triển lãm thư pháp thơ thiền bằng chữ Hán.
Nhà thơ Nguyễn Duy giới thiệu tuyển tập thơ thiền trên giấy dó
Chương trình “Tuần lễ thơ thiền Việt Nam” được Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và nhóm nghiên cứu Văn hóa Tâm Việt đồng tổ chức từ ngày 25 đến 31-3-2023.