Tu thiền (Bhavanã Jhãna) Phật giáo là tiến trình tu tập, hành trì miên mật một pháp môn nào đó để kinh nghiệm trực tiếp trên Thân và Tâm về những giáo lý nhà Phật mà hành giả đã học từ kinh điển hay qua sự hướng dẫn của những bậc chân nhân.
Thiền hay sống Thiền là sống trọn vẹn ngay bây giờ và ở đây với cái Biết như thật về hiện tượng thế gian, không phê phán khen chê, không quay về quá khứ cũng không hướng đến tương lai hoặc dính mắc với tham dục ở hiện tại.
Giáo pháp của Đức Phật để lại không ngoài mục đích giúp con người Thoát Khổ, Giác Ngộ, Giải Thoát. Và con đường đi đến Thoát khổ, Giác ngộ, Giải thoát đó phải thông qua thiền Định.
Theo ngôn ngữ Phật giáo, chữ Thiền thường được kết hợp chặt chẽ với chữ Định (Samàdhi). Trạng thái ban đầu của Samãdhi trong kinh điển định nghĩa là Nhất tâm (Citta Ekagaya). Nhất tâm là trạng thái của Thiền chứng ở mức độ tịnh chỉ (Samatha), Ở giai đoạn này định Nhất tâm chưa hoàn thiện vì còn chịu ảnh hưởng khuấy động của Tầm và Tứ. Khi Tâm hoàn toàn được ổn định ở mức độ kiên cố, không còn tán loạn, nghĩa là Tầm và Tứ hoàn toàn yên lặng, thì lúc bấy giờ mới được gọi là Samãdhi tức Định vững chắc.
Sự thành đạo của Đức Phật được biểu thị qua tiến trình tu chứng bốn bậc Thiền Định. Đó là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền, còn gọi là Sơ Định, Nhị Định, Tam Định hay Tứ Định.
Kể lại kinh nghiệm chứng ngộ Sơ Thiền, trong Kinh Sa Môn Quả, Đức Phật cho biết: "Tỷ kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ".
Mức độ thứ hai là Nhị Thiền, Đức Phật dạy tiếp: "Vị Tỳ Kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm và tứ, nội tĩnh nhất tâm." Nội tĩnh Nhất tâm có nghĩa là Tâm yên lặng không còn bị Tầm và Tứ khuấy động nên Nhị Thiền này kết quả thù thắng hơn Sơ Thiền.
Mức độ thứ ba, Đức Phật nói: "Vị Tỳ Kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú tam thiền." Trong kinh gọi tầng định này là Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Mức độ cao nhất trong thiền Phật giáo lúc đó là Tứ thiền còn gọi là Định bất động tức ngôn hành, ý hành và thân hành không động. Đức Phật chia sẻ như sau: "Vị Tỳ Khưu ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú tứ thiền, không khổ, không lạc, "xả niệm thanh tịnh" tức kinh nghiệm trạng thái Tâm hoàn toàn thanh tịnh, do xả sanh .
Muốn kinh nghiệm các tầng Thiền kể trên, bước đầu hành giả phải "Như lý tác ý" nhằm tẩy trừ các bất thiện pháp: "tham dục, sân hận, hôn trầm - thuỳ miên, trạo cử - hối quá và hoài nghi" là nguyên nhân cản trở sự tự chủ nội tâm nơi hành giả gọi là "năm triền cái".
Như vậy bước đầu tu Thiền là sự tu tập để đoạn trừ "năm triền cái" và thay thế bằng "năm thiền chi" tức là năm tâm sở đối nghịch với năm triền cái, đó là: "Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm."