Ăn uống, suy cho cùng nhằm 2 mục đích: Một là cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể để duy trì sự sống. Hai là thỏa mãn sự thọ cảm, mà lâu dần người ta nâng nó lên, đặt cho cái tên mỹ miều: Ẩm thực! Sự ăn lâu nay hình thành hai khái niệm là ăn mặn và ăn chay. Một đằng là sử dụng cả thực vật và động vật, một bên là chỉ sử dụng thực vật làm thực phẩm. Đến nay, đại đa số mọi người vẫn ăn thịt động vật. Nhưng ngày càng có nhiều người ăn chay hơn, cùng hướng tới triết lý sống: “Ăn chay, sống xanh, bảo vệ môi trường và kết nối yêu thương”. Có cả nghìn lẻ một lý do nên ăn chay…
Ăn chay vì lý do tâm linh
Các Phật tử, tức là những người con của Phật, thường rất đề cao chuyện ăn chay. Có một câu nói kinh điển là: “Ăn chay không thể thành Phật, nhưng muốn thành Phật thì phải ăn chay’’. Có thể khẳng định rằng, ăn chay thì không thể thành Phật, bởi nếu chỉ ăn chay mà thành Phật được, thì con bò cả đời ăn cỏ, đã thành Phật lâu rồi. Câu này rất đúng nhưng nếu chỉ hiểu như vậy thì thô thiển quá, đơn giản quá. Ý nghĩa thâm sâu của nó là, việc ăn uống là phương tiện. Ăn chay là để trưởng dưỡng lòng từ bi - thứ mà nếu thiếu, làm một con người bình thường cũng khó, nói gì đến tu hành theo chánh pháp để đạt sự giác ngộ tuyệt đối.
Đức Phật là người có lòng từ bi không thể đong đếm. Vì xót thương chúng sinh trầm luân trong khổ ải cho nghiệp lực, mà Ngài nói ra muôn ngàn Pháp khác nhau. Dựa vào đó, người tu tập nhận biết các nghiệp ác mình gây ra trong quá khứ, bồi đắp phước đức trong hiện tại, để hướng tới tương lai an lạc, có đủ cả Bi - Trí và Dũng, một cách thực tế, chứ không ảo tưởng mông lung.
Theo quan điểm Phật giáo, nếu không có Chánh pháp tu tập, tức là sửa lỗi của chính bản thân mình, thì con người dễ luẩn quẩn trong nhân - quả, vay - trả, không bao giờ dứt. Mà với người tu, lòng từ bi là thứ cần có đầu tiên. Nếu sống mà không có lòng từ bi, không biết yêu thương, thì con người ta dễ làm bao điều ác. Nói đến đây chắc sẽ có nhiều người phản đối, lập luận rằng, “tôi ăn thịt động vật, nhưng tôi yêu thương con tôi, yêu thương bố mẹ tôi lắm, sao nói tôi không biết yêu thương?’’. Cách đặt vấn đề kiểu này không sai, chỉ có điều nó cho thấy sự hạn hẹp của lòng từ bi và trí tuệ. Chánh pháp của Phật hướng tới lòng từ bi rộng lớn, không chỉ đến với người thân, mà cả muôn loài…
Cũng theo quan điểm của nhà Phật, con người ta hoàn toàn không phải “chết là hết”. Mà con người ta, sau khi tắt thở, tùy theo phước báu và nghiệp lực lành - dữ, mà đầu thai làm người, hay làm súc sinh, thọ báo nghiệp khổ. Đây là một “chu trình” rất khó để diễn giải cho một người không lấy chánh pháp, không tin vào nhân - quả. Vì sự thiếu trí tuệ mà ta không thể nhận biết chính xác người thân của mình sẽ đầu thai vào đâu, làm người hay làm động vật, nên để tránh rơi vào cảnh sát hại và ăn thịt người thân đầu thai làm động vật, ta ăn chay, không sát sinh là cách làm chuẩn nhất. Tận cùng của việc ăn chay chính là để không sát sinh, không làm tổn hại sinh mạng kẻ khác…
Ăn chay giúp cơ thể con người khỏe mạnh hơn
Sẽ có người đặt câu hỏi rằng, ngày xưa Đức Phật có ăn chay không? Hay như Ngài Lục Tổ Huệ Năng, trước lúc chứng đắc, sống cùng phường săn, ngài ăn rau nhúng trong nồi thịt đó thôi! Rồi chuyện Ngài Tế Công hòa thượng, vốn được gọi là Hoạt Phật, là Phật sống, vẫn ăn thịt, uống rượu, nhưng đắc pháp tuyệt đối và có thần thông đó thôi?! Những chuyện này, nhìn vậy mà không phải vậy. Cả nghìn năm có được mấy Ngài Tế Công? Thực chất Ngài là một vị Phật ứng hóa thân vào đời sống để giáo hóa chúng sinh.
Thế mới có chuyện Ngài ăn thịt con chim, là một cách hóa chuyển kiếp cho con vật đang phải trả nghiệp ấy. Ngài làm thế được vì phước báu vô lượng và đã nhìn rõ nhân quả để hóa giải. Chứ ta mà bắt chước, xơi thịt các con thú, thì chắc chắn chỉ làm tăng thêm sự hận thù, nghiệp ác trả vay kéo dài mãi mãi mà thôi. Thế nên, những người lấy ý này để lập luận rằng mình ăn thịt để hóa kiếp cho con vật ấy, chỉ là sự ngụy biện cho tâm chưa từ, trí chưa sáng và lệch lạc trên con đường đi đến giác ngộ mà thôi.
Có một thực tế là ngày càng nhiều người phương Tây, được coi là đại diện cho thế giới văn minh, chuyển sang ăn chay. Hoặc nếu có ăn thịt động vật, thì họ ăn dạng phi lê, ăn thịt mát, chứ không ăn thịt nóng, tức là thịt động vật vừa giết mổ. Nghĩa là họ ăn để cung cấp calo cho cơ thể, duy trì sự sống, chứ không phải kiểu ăn cho sướng miệng của người châu Á.
Một điều rất dễ thấy là nếu một ai làm cho con cái bạn, hay người thân yêu khác của bạn bị tổn thương, đau đớn, bạn đã nổi xung lên, giận dữ như muốn tính sổ đối phương. Hay nếu ai đó cố tình tấn công, làm tổn thương bạn, bạn sẽ rất tức giận, căm thù và tìm mọi cách để trả thù. Đa phần các con vật cũng thế. Cũng biết thương con và biết đau đớn. Sự đau đớn khi bị đánh, bị giết hại, khiến con vật tích tụ một lượng độc tố, hay năng lượng xấu. Nếu ta ăn vào sẽ dễ “trúng độc”, mắc nhiều bệnh tật.
Người phương Tây nếu ăn thịt thì đa phần ăn thịt mát, tức là thịt được giết mổ nhân đạo và để nhà ở nhiệt độ mát cho loại bớt các độc tố, nên tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn nhiều so với châu Á và Việt Nam. Từng có chuyện là phía Australia khi xuất khẩu bò vào Việt Nam để giết mổ, đã hợp đồng, yêu cầu cam kết phải thực hiện việc “giết mổ nhân đạo”, không đau đớn và thịt phải để mát trong khoảng thời gian nhất định. Lý do của việc này, ngoài chuyện nhân đạo, còn là việc để thịt mát giúp đào thải độc tố, đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới vì số người mắc bệnh ung thư. Một phần lớn của nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng sợ này là do môi trường, thực phẩm bẩn, nhưng cũng có một phần lớn là từ thói quen ăn thịt nóng, vốn chứa nhiều độc tố chưa được đào thải.
Đã có rất rất nhiều người có bệnh tật hay ngấp nghé ngưỡng phát bệnh sau khi chuyển sang ăn chay đã có sức khỏe tốt hơn, thậm chí là khỏi bệnh. Điều này được các nhà khoa học chứng minh qua những nghiên cứu được công bố ở Mỹ rằng, hệ thống tiêu hóa của con người, vốn thích hợp với việc ăn thực vật hơn là ăn động vật. Vì thế, khi ăn động vật, nhất là thịt động vật còn tích tụ độc tố lúc giết mổ, sẽ dễ mắc bệnh hơn. Và khi chuyển sang ăn chay - ăn thực vật, nhất là ăn theo chế độ thực dưỡng, cơ thể con người sẽ khỏe hơn, loại trừ được nguy cơ nhiều loại bệnh tật.
Ăn chay có khó không?
Khó! Thậm chí là rất khó, với đa số mọi người. Lý do là bởi sự quen miệng, sự thọ cảm (khoái khẩu) khi ăn và cả vì những suy nghĩ sai lầm tai hại. Hầu hết mọi người đều nghĩ không thể sống thiếu thịt được và rằng ăn chay thì làm sao đủ chất được? Đây là một suy nghĩ sai lầm. Các bậc tu hành có võ công thượng thừa, trí tuệ uyên bác, mà không hề ăn thịt động vật. Ăn chay đúng cách hoàn toàn có thể giúp chúng ta có một cơ thể khỏe mạnh hơn.
Ăn chay sẽ rất khó nếu chưa có được lòng từ bi rộng lớn hơn, biết yêu thương chúng sinh muôn loài, thay vì làm tất cả để bảo vệ con mình, nhưng lại giết hại con của loài khác. Ăn chay sẽ khiến con người ta yếu hơn, không đủ dinh dưỡng, nếu hiểu chưa đúng và việc ăn thiếu cân bằng, nhất là sự cân bằng âm dương. Các nhà khoa học đã chứng minh được điều này. Nếu ăn thực phẩm quá âm, có thể khiến cơ thể sinh bệnh, hay biểu hiện đơn giản dễ thấy nhất là người đó lười vận động, thích ăn và luôn buồn ngủ. Nếu ăn thực phẩm quá dương thì thường kích thích sự vận động, khiến tâm khó an định. Cả hai trạng thái này đều không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất là ăn uống quân bình âm dương, giúp thân khỏe, tâm an. Ăn chay sẽ rất dễ khi đã hiểu đúng cả về vấn đề sức khỏe và tâm linh.