Phật giáo hoàn toàn lên án hành động tự sát trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào. Với Phật giáo, chết không phải là hết, và người ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những hành động đã gây ra ở đời này và ở trong đời sống kế tiếp.
Trong cuộc sống đời thường có nhiều người vì phải đối diện với những bế tắc, khổ đau cùng cực không thể vượt qua được để rồi tìm đến cái chết xem như một giải pháp duy nhất mà họ có thể lựa chọn để thoát khỏi tình cảnh đen tối trong hiện tại. Do sự phẩn uất cao độ, lý trí mù mờ, hoặc bế tắc trong đời sống nên nhất thời họ hành động sai lầm dẫn đến sự kết liễu bản thân bằng cái chết. Cái chết này kéo theo nhiều hệ lụy cho người thân cũng như xã hội.
Theo thống kê của Tổ Chức Y tế thế gới mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử. Nhật bản là quốc gia có số lượng người tự tử cao nhất, mỗi ngày có chừng khoảng 90 người. Hoa Kỳ 50 người, Pháp 33 người... Thống kê cho thấy rằng số lượng người do vì bế tắc mà tìm đến cái chết tự tử nhiều hơn số lượng người chết trong các cuộc chiến tranh, khủng bố bằng vủ khí. Như vậy, bản chất của sự tự tử là một cuộc chiến mà đương sự đang cầm súng giết chết chính mình, vì những bế tắc khổ đau không giải quyết được. Và con số ngày ngày một gia tăng ở khắp các nước trên thế giới dẫn đến một báo động Đỏ để tất cả những nhà lãnh đạo cần phải ra tay hành động kịp thời nhằm ngăn chặn tệ nạn này.
Theo các nhà tâm lý học, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh; tự tử không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học; nó cũng không phải là một hành động vô đạo đức, và không phải là một hành vi phạm pháp trong hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Một chuyên gia Tâm lý khác cho rằng, tự tử là hành động cướp đi sinh mạng của bản thân một cách có chủ tâm, và hành động này có thể là hậu quả của những chứng bệnh tâm thần và cũng có thể là hậu quả của những động cơ khác nhau; những động cơ này không nhất thiết phải liên quan đến các chứng bệnh tâm thần, nhưng chúng mạnh hơn cả bản năng sinh tồn của con người.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử như: nghèo khó, mất mát, phẩn uất, thất tình, hoặc mắc chứng tâm thần phân liệt, bị trầm cảm nặng, bị chứng rối loạn lưỡng cực bị sang chấn tâm lý mạnh, bị lạm dụng chất kích thích, hoặc bị những chứng bệnh nan y, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, bị mất việc, bị sạt nghiệp, bị vỡ nợ, bị phản bội...
Có rất nhiều cách thức để tự tử như dùng dao tự sát, dùng súng, bom mình, cắn lưỡi, uống thuốc độc, nhảy cầu, treo hoặc thắt cổ…
Phật giáo nhìn nhận cuộc đời là khổ đau do vô minh và tham ái gây ra. Và con đường thoát khỏi khổ đau là phải tu tập để đoạn trừ vô minh tham ái theo con đường trung đạo dựa trên nền tảng của giới, định, tuệ được gói gọn trong Bát chánh đạo. Con đường này tránh xa hai thái cực của sự hưởng thọ dục lạc thái quá và khổ hạnh ép xác. Và chỉ có con đường này là duy nhất để kiến tạo sự an lạc giải thoát niết bàn ngay bây giờ và ở đây. Chính vì vậy, đối với Phật giáo tất cả đều có con đường để đi ra khỏi khổ đau bế tắc bằng sự nỗ lực của cá nhân để tu tập chuyển hóa.
Theo Phật giáo, thân người khó được. Một câu chuyện được trích dẫn trong kinh tạng Pali cho thấy, cơ hội làm người giống như một con rùa mù bị trôi nỗi ngoài biển khơi, ngàn năm mới ngoi lên khỏi mặt nước và gặp được một bộng cây gỗ để chui qua bộng cây mà thoát chết. Được tái sinh làm người là một phước báu thù thắng. Mặc dù hiện nay trên thế giới có gần bảy tỷ người, nhưng nếu so với các loài động vật, côn trùng, thì loài người ít hơn gấp cả trăm ngàn lần. Và trong lục đạo luân hồi thì con người là tối thắng, “nhân thị tối thắng” vì chỉ có làm người mới có cơ hội và khả năng tu tập tiến bộ tâm linh để đạt được thánh vị, Bồ tát vị và Phật vị. Do vậy, theo Phật giáo, nếu được làm thân người thì hãy trân quý và giữ gìn. Trong Kinh Phạm Võng có nói: “Nhất thất nhân thân, vạn kiếp bất phục”, nghĩa là “Một phen mất thân người, vạn kiếp khó có lại được”. Kinh Niết Bàn cũng đã nói: “Nhân thân nan đắc như Ưu Đàm hoa” tức là “Có được thân người khó gặp như thấy hoa Ưu Đàm nở”. Mạng sống con người là vô cùng quý giá, thế nên đã là con người thì ai cũng có thể trải qua những phút giây buồn, vui. Và một chân lý hiển nhiên, ai cũng biết, đời người, cuối cùng rồi cũng phải kết thúc, nhưng nếu được kết thúc theo quy luật tự nhiên hoặc trong tình thế vì mục đích lợi tha hướng thượng sẽ mang ý nghĩa cao đẹp vô cùng. Được làm người đã khó, làm bị thương hay hủy diệt thân ấy là một sai lầm lớn. Tự tử đó là việc đáng trách và tội lỗi vô cùng.
Về vấn đề tự tự, Phật giáo Nguyên thủy xem đó là thông thường trong trường hợp của các vị Thánh hoàn toàn đoạn tận lậu hoặc “Phạm hạnh dĩ thành, bất thọ hậu hữu” cắt đứt liên kết cuối cùng của họ với thế giới và tự nguyện đi vào Niết bàn. Vì vậy, cùng một hành động (tự sát) có thể là đúng hoặc sai tuỳ thuộc vào trạng thái của tâm lý của người đó. Nếu tâm còn vướng nặng tham ái, dục vọng sợ hãi là sai; ngược lại với tâm an nhiên tự tại, không còn tham ái dục vọng và không có mong muốn hoặc không sợ hãi là đúng.
Ban đầu, đức Phật đã tha thứ các hành vi tự tử khi hành giả đã đạt được quả vị A La Hán, nhưng sợ bị thoái đọa trở lại. Tuy nhiên, trong Luật tạng và các nơi khác, tự tử là bị từ chối bởi Đức Phật. Tự tử là liên tục bị lên án trong tất cả các kinh tạng Pāli, cũng như trong các trường phái đạo đức Phật giáo.
Trước hết chúng ta xem xét câu chuyên về Tôn giả Channa. Câu chuyện về Tôn giả Channa xuất hiện hai lần trong Nikāya: một ở trong Trung bộ và một ở trong Tương ưng bộ Nội dung câu chuyện ở trong hai bản kinh này là giống nhau. Câu chuyện về Channa thường được nhiều người trích dẫn nhằm mục đích đưa ra quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề y sinh như trợ tử và tự tử.
Khi Tỷ kheo Channa mang bệnh nặng, không thể kham nhẫn, không thể chịu đựng phải cần đến con dao để chấm dứt mạng sống để khỏi bị cơn bệnh hành hạ. Tôn giả Xá Lợi Phật đến thăm và khuyên Tỷ kheo Channa cố gắng kham nhẫn, chịu đựng cơn đau để duy trì mạng sống. Sau đó Tôn giả Xá Lợi Phất nói cho Channa nghe về tự tính vô ngã của thân thể năm uẩn này. Ý thức rõ rằng: “cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi,” để đoạn trừ đau khổ. Ngài nhắc lại lời dạy của đức Thế Tôn và khuyên Channa phải luôn thường trực tác ý: “Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước là không dao động. Không có dao động thời có khinh an; có khinh an thời không có hy cầu; không có hy cầu thời không có khứ lai; không có khứ lai thời không có sanh tử; không có sanh tử thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận khổ đau.”Như vậy, theo những gì được trình bày trong câu chuyện này, Tôn giả Channa không bị coi là có tội, bởi vì thầy thực hiện hành vi đó không phải vì sự chấp thủ.
Câu chuyện thứ hai là về Tôn giả Vakkāli. Tôn giả Vakkāli bị bệnh nặng và vô cùng đau đớn. Để thoát khỏi sự đau đớn do bệnh tật gây ra, Tôn giả đã dùng một con dao và kết thúc mạng sống của mình. Sau khi sự việc được bạch lên Đức Phật, Ngài đã cùng với các Tỳ-kheo đến nơi ở của Vakkāli và xác nhận rằng “…với thức không an trú tại một chỗ nào, Thiện nam tử Vakkāli đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn!”. Theo câu chuyện này, một người khi tâm không còn sự chấp thủ, người ấy sẽ giải thoát sau khi mạng chung, dù là bằng phương cách “trợ tử”.
Câu chuyện thứ ba liên quan đến Tôn giả Godhika. Tôn giả Godhika tu tập “không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần và chứng được nhất thời tâm giải thoát.” Nhưng sau đó tâm giải thoát ấy nhanh chóng bị mất đi. Lần thứ hai Tôn giả lại đạt được tâm giải thoát, nhưng rồi tâm giải thoát ấy cũng nhanh chóng biến mất. Và cứ như vậy cho đến lần thứ sáu. Vào lần thứ bảy, sau khi đạt được tâm giải thoát, Tôn giả nghĩ rằng sáu lần trước thầy đã đạt được tâm giải thoát nhưng sau đó tâm này nhanh chóng biến mất, nên lần thứ bảy, sau khi đạt được tâm giải thoát, thầy nghĩ “cho đến lần thứ sáu, ta bị thối thất nhất thời tâm giải thoát. Vậy nay ta hãy đem lại con dao”. Sau khi biết tin Tôn giả Godhika đã đoạn tận mạng sống (bởi vì muốn giữ tâm giải thoát), Đức Thế Tôn cùng với các Tỳ-kheo khác đến nơi Godhika mạng chung, và Ngài xác nhận rằng “Godhika đã nhập diệt, với thức không an trú ở đâu cả”. Tức Godhika đã được giải thoát.
Từ ba câu chuyện được dẫn ở trên, cho thấy Đức Phật đã không phê bình việc tự chấm dứt mạng sống của ba vị Tỳ-kheo nói trên. Tuy nhiên trong ba câu chuyện trên, chỉ hai câu chuyện đầu có những liên hệ gần với việc trợ tử hiện nay, tức là tự rút ngắn mạng sống do sự chi phối của cơn đau do bệnh tật gây ra. Và hai trường hợp này có thể được gọi là “trợ tử có chủ tâm”. Như vậy, với tâm không còn tham ái, chấp thủ như một số trường hợp được nêu trong kinh thì Đức Phật không khiển trách nhưng cũng không tán thán hành động này.
Chẳng hạn như trong Luật tạng, có đề cập đến trường hợp một nhóm Tỳ-kheo, sau khi nghe Đức Phật giảng dạy về sự bất tịnh của thân thể, đã tự kết liễu mạng sống của họ, hoặc kết liễu mạng sống của nhau, hoặc nhờ người khác kết liễu mạng sống của họ. Khi biết được điều ấy, Đức Phật đã khiển trách các vị Tỳ-kheo đã thực hiện những hành vi này và chế định luật cấm.
Như vậy, Phật giáo hoàn toàn lên án hành động tự sát trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào. Với Phật giáo, chết không phải là hết, và người ta phải chịu trách nhiệm cho tất cả những hành động đã gây ra ở đời này và ở trong đời sống kế tiếp. Đồng thời Phật giáo cũng chỉ dạy nhiều phương thức để thực hành để con người từ bỏ ý định tự tử và tìm thấy giá trị đích thực của cuộc sống. Các phương pháp thiền định và lối sống chánh niệm là một trong những phương pháp quan trọng của Phật giáo góp phần tích cực vào việc ngăn ngừa và hạn chế các nguy cơ tự tử, đồng thời góp phần điều hòa và chữa trị những tổn thương tinh thần do hành động tự tử gây ra cho chính nạn nhân cũng như cho người thân của họ. Thêm vào đó, nếp sống hiền thiện mà Đức Phật dạy còn là một phương pháp vô cùng hiệu quả trong việc ngăn ngừa và hạn chế tự tử. Nguyên nhân chính dẫn con người đến quyết định tự tử là do khổ đau cùng cực, không còn lối thoát. Nếu biết sống hiền thiện, gieo các nhân lành thì chắc chắn sẽ gặt hái được quả lành, cuộc sống sẽ không bị đẩy vào những tình cảnh bi đát, tuyệt vọng.
Ngày nay, thế giới hiện đại đang dần dần khám phá ra những giá trị vô cùng quý báu của đạo Phật để giải quyết những vấn nạn của xã hội, nhất là các nhà tâm lý học, họ đã phát hiện được khả năng trị liệu các chứng bệnh tâm lý, những rối loạn tinh thần rất hiệu quả từ trong kho tàng giáo lý của đạo Phật. Mong sao kho tàng giáo pháp quý báu của đạo Phật ngày càng được nhiều người biết đến và chuyên cần áp dụng vào trong đời sống của bản thân để chuyển hóa khổ đau, mang lại an lạc hạnh phúc cho đời sống con người.