Chủ nhân của dự án Gen Xanh là cô bé học trò 18 tuổi Đặng Thị Thơm, đang học Trường THPT Trung Phú (Củ Chi, TP.HCM).
Ý tưởng thành lập nhóm của Thơm bắt đầu từ việc xót xa với cảnh tượng túi nilông, quần áo cũ, giấy báo và rác điện tử... bị vứt bỏ khắp nơi.
Trò chuyện với Thơm, ai cũng dễ dàng cảm nhận được tấm lòng của bạn với một dự án giúp ích cho môi trường, tâm đắc với lối nghĩ, mỗi người chung góp một tay sẽ làm cho môi trường dễ thở hơn, cũng chính là làm cho mình sống khỏe hơn, bình an hơn trong tinh thần và môi trường sống tác động qua lại lẫn nhau…
Chào Thơm, tại sao bạn lại chọn tên nhóm là Gen Xanh?
Gen ở đây nghĩa là gen di truyền, Xanh là lối sống xanh, tối giản. Trong mỗi người chúng ta đều có rất nhiều loại gen và tôi tin rằng trong đó có tồn tại một loại gen mang tên “gen sống xanh”. Không chỉ vậy mà “gen xanh” này sẽ còn di truyền qua nhiều thế hệ khác nữa.
Thật thú vị. Vậy từ khi thành lập đến giờ, bạn và các thành viên của nhóm đã làm được những gì?
Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi đã duy trì được chiến dịch Rác đi quà về tại TP.HCM. Từ đó thu gom được hơn 10 tấn quần áo cũ, vài tấn pin, rác thải điện tử cùng với số lượng lớn vỏ hộp sữa và thủy tinh. Trung bình cứ 1 - 2 tháng, Gen Xanh sẽ tổ chức ngày hội đổi rác và phiên chợ xanh cho người dân. Như vậy, tính đến nay chúng tôi đã tổ chức được khoảng 6 - 7 ngày hội, 2 buổi workshop cho trẻ em và phụ huynh, 2 buổi talkshow cho công ty. Đồng thời Gen Xanh cũng may mắn được đề cử tại Wechoice Việt Nam.
Những việc làm ấy, theo bạn đo lường, có tác động như thế nào đến thành viên của nhóm và cộng đồng?
Đối với Gen Xanh, chúng tôi không đặt ra mục tiêu lớn lao là phải tác động được đến 1.000 - 2.000 người mà chỉ nghĩ là, dù chỉ 1 - 2 người đến tham gia sự kiện hoặc thông qua mạng xã hội biết hoạt động của nhóm tổ chức, nhưng họ nhận thức được việc bảo vệ môi trường và ý thức hơn về thói quen tiêu dùng của bản thân - đó đã là một điều rất đáng mừng.
Hiện tại, trong team của tôi có những anh chị trước đây chỉ vì tò mò mà tới tham gia chương trình nhưng sau đó đã bắt đầu nhận thức được và cùng đồng hành với Gen Xanh để giúp thêm nhiều người thay đổi thói quen cũ, hình thành lối sống xanh.
|
Đặng Thị Thơm trong một chương trình gây quỹ cho hoạt động của Gen Xanh
|
Với khởi đầu tình nguyện ở tuổi 18, bạn gặp khó khăn gì không? Và đã khắc phục như thế nào?
Tôi bắt đầu các hoạt động tình nguyện từ khi 16 tuổi, và bắt đầu hoạt động độc lập lúc 17 tuổi. Khó khăn thì có rất nhiều, chẳng hạn như cân bằng việc học tập, sự phản đối của gia đình, thầy cô. Và khi làm Gen Xanh, tôi cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí. Tuy nhiên, bản thân tôi khá lạc quan, nên thường sẽ gạt những điều đó qua để cố gắng làm.
May mắn, đến nay khi Gen Xanh được biết đến thì gia đình và thầy cô cũng đã hiểu. Mặc dù vấn đề kinh phí tổ chức các hoạt động của nhóm vẫn chưa có giải pháp căn bản, tuy nhiên sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng cải thiện nó.
Tất nhiên, bên cạnh đó cũng có những thuận lợi?
Vâng, nếu nói về thuận lợi thì có lẽ là khi tôi bắt đầu gửi mail cho các doanh nghiệp để xin tài trợ sản phẩm làm quà tặng cũng như tìm sự hỗ trợ thì đã được vài bên tin tưởng - họ hỗ trợ cho Gen Xanh đến tận bây giờ.
Sẽ có những người sẽ nói rằng, việc làm xanh, sạch môi trường đâu chỉ dựa vào việc làm của một vài nhóm nhỏ, mà đó phải là câu chuyện quốc gia đại sự. Bạn nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ, việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi chúng ta nếu đều có ý thức từ từng hành động nhỏ nhất thì sẽ góp phần rất lớn cho công cuộc xây dựng môi trường xanh. Việc làm của tôi và các bạn tuy bé nhỏ nhưng sẽ góp một ngọn lửa thắp sáng câu chuyện bảo vệ môi trường, cùng với các tổ chức khác hoặc nhà nước chuyên chở thông điệp sống xanh, sống tích cực từ việc làm xanh đất mẹ…
Nếu có chia sẻ hoặc mong ước nào đó gửi gắm đến các vị lãnh đạo đất nước, cộng đồng về vấn đề môi trường, Thơm sẽ nói gì?
Tôi thấy Nhà nước cũng đã có những giải pháp cũng như quy định để bảo vệ môi trường, tuy nhiên đa số người dân còn thờ ơ với việc này. Tôi mong rằng Nhà nước sẽ có những biện pháp chế tài mạnh tay hơn nữa, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để thúc đẩy mỗi người cùng góp tay cho việc này. Khi hiểu rõ việc bảo vệ môi trường cũng quan trọng không kém thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội thì Nhà nước và nhân dân, các tổ chức, trong đó có tôn giáo sẽ cùng chung tay…
* Cảm ơn bạn!
Chúc Thiệu