Tham dự tại Hội nghị có ông Ngô Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận Long Biên; và Nguyễn Thu Ngần – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận; ông Hoàng Ngọc Quang – Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQVN quận; cùng các vị Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN quận, Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQVN các phường; các ông bà Trưởng Ban công tác Mặt trận các tổ dân phố trong toàn quận Long Biên gần 300 đại biểu.
Mở đầu Hội nghị là lời giới thiệu của ông Hoàng Ngọc Quang – Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên. Tiếp theo Ban Tổ chức kính mời Ni sư Thích Đồng Hòa lên chia sẻ về “Tang văn minh tiến bộ và Văn hóa văn minh nơi thờ tự năm 2023”.
Ni sư cho biết Thủ đô Hà Nội đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các mặt văn minh đô thị ngày càng khởi sắc. Nếp sống văn minh, tiến bộ trong việc cưới, việc tang, lễ hội được xây dựng và thực hiện thành nề nếp, sẽ góp phần tỏa sáng Văn minh- Văn hiến cho Thăng Long – Hà Nội. Đặc biệt là việc “Tang” trước nhất là hình thức chôn cất, (địa táng) sẽ quyết định các tình tiết nghi thức khác. Cần bỏ cách chôn cất để 03-05 năm sau bốc mộ, rất mất vệ sinh. Vận động người dân thực hiện rộng rãi nghi thức hỏa táng, điện táng; sau đó chôn cất mộ xây không lớn. Đất đai ngày càng hạn hẹp, nên phải chuyển đổi nghi thức từ “địa táng” sang “hỏa táng hoặc điện táng”.
Việc rải vàng mã và tiền dọc đường khi đưa tang cần xóa bỏ, bởi gây mất vệ sinh đường phố và không có ý nghĩa thực tế. Việc đốt vàng mã trong cúng lễ cũng nên thôi. Thói quen lâu nay người này truyền bảo người khác nên cứ thực hiện, nhưng thực sự người làm mà không hiểu rõ. Chiểu theo thuyết giáo Nhà Phật thì không có lời nào bảo phải đốt vàng mã cho người đã chết.
Cần vận động nhân dân bỏ dần tục rắc vàng mã dọc đường; xóa bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác.Tang phục có thể dùng màu trắng hoặc màu đen, cần may cắt gọn gàng hoặc chỉ cần dùng khăn tang theo quy cách truyền thống. Tổ chức Tang lễ khoa học, ngắn gọn, không rười rà. Không nên tổ chức làm cỗ bàn linh đình, nếu có tổ chức làm cỗ 35, 49 hay 100 ngày trong phạm vi gọn, thành tâm cầu siêu cho vong là chính, không nặng về xem bói, thầy mo, thầy pháp. Không yểm bùa, chú, vật linh…trong quan tài, ở mộ, và ban thờ tại nhà…
Đặc biệt, Thông tư số 04 của Bộ Văn hóa – Thông tin nêu khá rõ những định hướng của thực hiện tang văn minh, tiến bộ như ở Mục II- Việc tang, Khoản A – Nguyên tắc chung, có đoạn:“Mọi nghi thức tang lễ phải được thực hiện gọn gàng, vệ sinh, văn minh, tiết kiệm.Xóa bỏ tệ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma …Không tổ chức cỗ bàn mời khách trong ngày tang lễ.” Nhìn lại lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sau khi ngài nhập diệt hàng đệ tử cũng như các vị Vua quan thời ấy làm lễ trà tỳ, chia tro cốt, xá lợi của Đức Phật về tôn thờ tại các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam cũng có nhiều…90 phút trôi qua, tất cả các đại biểu trong Hội nghị ai ai cũng chú tâm lắng nghe, gật đầu hoan hỷ. Buổi chia sẻ được kết thúc trước lời cảm ơn của ban tổ chức, một buổi chia sẻ đầy nghĩa tình, nhân văn sâu sắc.
NS Thích Đồng Hòa